Nỗi niềm xóm nhà tạm

  • 14:11 | Thứ Sáu, 26/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thôn cồn bãi Tiên Xuân, xã Quảng Tiên (TX. Ba Đồn) có một xóm cư dân ngày ngày vật lộn mưu sinh trên các con đò nhỏ. Họ hầu hết đều là "hậu duệ" của các thế hệ dân vạn đò ven sông Gianh, lấy đò làm nhà, cuộc sống lênh đênh theo từng con nước lên xuống.
 
Mấy năm trước, người dân tận dụng bãi đất hoang ven cồn Cưỡi (tên địa phương của thôn Tiên Xuân) làm nhà để che mưa, che nắng. Gọi là nhà nhưng đơn giản chỉ là những chiếc cọc gỗ cắm trên đất, được bao quanh bằng tấm bạt nilon. Giấc mơ sớm lên bờ định cư của những cư dân nơi đây lúc gần, lúc xa...
 
"Ăn đời, ở kiếp" trên đò
 
Ngược dòng sông Gianh lên mạn phía Tây, cồn Cưỡi như một ốc đảo rộng chừng 10ha nổi lên giữa sông. Đi qua đây, không khó để nhận ra xóm nhà tạm, xung quanh là hàng chục chiếc đò dựng san sát. Cư dân xóm nhỏ này tận dụng bãi đất bỏ hoang ven bãi bồi để “cắm dùi”, cuộc sống chủ yếu dựa vào khai thác nguồn lợi thủy sản giữa dòng Gianh.
 
Chị Hoàng Thị Huề, một cư dân xóm nhà tạm ở cồn Cưỡi cho biết, dù có hộ khẩu tại xã Quảng Tiên nhưng gia đình không có một mảnh đất để an cư. Quanh năm, cả nhà phải lênh đênh theo dòng nước, lấy ghe đò làm nhà, sống cảnh tạm bợ qua ngày.
Chiếc đò là phương tiện mưu sinh chính của cư dân xóm nhà tạm
Chiếc đò là phương tiện mưu sinh chính của cư dân xóm nhà tạm
“Nghề nghiệp gắn với chúng tôi từ nhỏ đến nay là đánh cá, tôm trên sông Gianh. Ở trên đò, đêm đi đánh cá, sáng ra chợ bán kiếm 100-200 nghìn đồng sinh hoạt trong gia đình. Bây giờ, cá tôm cũng ngày một khan hiếm, việc kiếm đủ miếng ăn cho gia đình lại thêm khó khăn”, chị Huề tâm sự.
 
Ở xóm nhỏ này, con cái họ sinh ra, lớn lên quẩn quanh trên những chiếc đò chồng chềnh. Với họ, sông Gianh là bạn, thuyền là ngôi nhà để che nắng mưa, mọi sinh hoạt từ ăn uống, tắm giặt... đều trên đò. Bởi vậy, họ luôn phải đối mặt với hiểm nguy bất cứ lúc nào, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Mấy năm trước, đứa con trai của vợ chồng chị Huề nửa đêm nằm ngủ không may rơi từ đò xuống sông tử vong khiến ai cũng thương xót. “Không những con trai tui mà có khoảng 5 hộ dân trong xóm cũng bị mất con cái khi sống ở trên đò. Cũng vì cái nghèo của bố mẹ khiến các cháu phải…”, chị Huề ngậm ngùi bỏ lửng câu nói.
 
Ngồi trong khoang đò cũ rộng chừng 5m2, một người đàn ông trong xóm tâm sự rằng cuộc sống của những cư dân trong xóm hết sức lam lũ, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” cứ đè nặng. Vào mùa mưa lũ, khó khăn càng chồng chất, nhưng vì hoàn cảnh cứ bám riết nên họ phải nương tựa vào nhau để sống qua ngày. Theo những người dân địa phương, lúc đầu, xóm chỉ có chừng 5 hộ, nhưng nhiều năm trôi qua, số hộ cứ tăng dần, đến nay đã có 17 hộ với gần 80 nhân khẩu. Ở đây, đa số là các đôi vợ chồng trẻ, có từ 2 con trở lên.
 
Khát khao lên bờ
 
Mỗi căn nhà tạm chừng 30m2, được dựng từ khung gỗ, mái che tôn, bao quanh nhà là ván gỗ hoặc bạt nilon chắn nắng, che mưa, quanh năm thấm dột, gió lùa. Cứ mỗi mùa mưa lũ, cư dân trong xóm lại thấp thỏm.
Xóm vạn đò lên bờ dựng lều tạm sống qua ngày
Xóm vạn đò lên bờ dựng lều tạm sống qua ngày
Chị Đinh Thị Hoa, một cư dân ở xóm vạn đò cho biết, dù sống trên sông nước đã quen, nhưng khi có con nhỏ mà sống vậy thì quá bất tiện và nguy hiểm. Các hộ dân trên đò đã đánh liều “mượn” vùng đất bãi bồi ở cồn Cưỡi để sống tạm, dù sao cũng an toàn hơn trên đò và dễ bề chăm sóc con cái.
 
“Chúng tôi cũng đánh liều lên đây ở tạm chứ không biết làm sao nữa. Dựng cái lều để cho con cái sinh hoạt, đi lại tiện hơn chứ ở trên đò phức tạp lắm. Nếu mai mốt người ta không cho ở thì đành phải trở lại đò ở chứ không biết ở đâu, bố mẹ 2 bên gia đình đều nghèo cả, đất đai không có”, chị Hoa tâm sự.
"Biết tin chính quyền đang hoàn thiện thủ tục, tổ chức đấu giá để tạo điều kiện cho người dân có đất an cư, chúng tôi rất vui nhưng cũng lo lắm. Bởi số tiền bỏ ra để đấu được đất vượt quá khả năng của chúng tôi", một người dân trong xóm vạn đò chia sẻ.

Nhiều năm đặt chân lên bờ dựng lều bạt sống tạm, cư dân trong xóm vẫn mang tiếng sống “xâm lấn” bất hợp pháp trên chính quê hương của mình khi chưa thể có nổi mảnh đất để an cư. Ông Hoàng Văn Ngừng, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiên cho biết, hiện có 17 hộ dân trong xóm vạn đò đều có hộ khẩu tại địa phương, bấy lâu sinh sống trên đò, mới đây, họ đã lên bờ dựng nhà tạm tại khu đất thuộc Nghị định số 64/CP của Chính phủ ở thôn cồn Cưỡi chừng 2ha.

Theo ông Ngừng, hiện vùng đất này người dân địa phương vẫn đang bỏ hoang, chưa canh tác gì. Sắp tới, xã sẽ tiếp tục tổ chức họp dân khu vực cồn Cưỡi để xin ý kiến, vận động trả đất cho địa phương làm công tác quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rồi đấu giá theo quy định.
 
Ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn cho hay, hiện thị xã đang chỉ đạo các phòng, ban liên quan khẩn trương thực hiện công tác quy hoạch, hoàn thiện các thủ tục đầu tư khu dân cư ở cồn Cưỡi. Dự kiến, trong năm 2022 sẽ tổ chức đấu giá để sớm tạo điều kiện cho bà con có đất ở.
 
X.Phú

tin liên quan

Có nên đương đầu với biển?

(QBĐT) - Vùng cát ven biển Quảng Bình có tiềm năng phát triển kinh tế lớn, chính vì vậy, tình trạng sạt lở, đổ vỡ kè biển Hải Thành-Quang Phú (TP. Đồng Hới) thời gian qua là một vấn đề không nhỏ và nếu không rút kinh nghiệm nghiêm túc thì sẽ gây hệ lụy lâu dài, không chỉ ảnh hưởng đến một bãi tắm và khu du lịch dịch vụ quan trọng.

Xử phạt 17 trường hợp vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên, môi trường

(QBĐT) - Thông tin từ Thanh tra Sở Tài Nguyên và Môi trường (TNMT) cho biết, trong năm 2021, đơn vị đã khắc phục khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, triển khai tốt nhiệm vụ được giao.

Trung Bộ, Tây Nguyên sẽ có mưa lớn từ đêm 26 đến 30-11

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện rãnh áp thấp ở phía Nam có trục ở khoảng 4-7 độ vĩ Bắc; khối không khí lạnh ở phía Bắc đang di chuyển xuống phía Nam.