Tòa soạn - Bạn đọc
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Có nên đương đầu với biển?

  • 13:42 | Thứ Sáu, 26/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vùng cát ven biển Quảng Bình có tiềm năng phát triển kinh tế lớn, chính vì vậy, tình trạng sạt lở, đổ vỡ kè biển Hải Thành-Quang Phú (TP. Đồng Hới) thời gian qua là một vấn đề không nhỏ và nếu không rút kinh nghiệm nghiêm túc thì sẽ gây hệ lụy lâu dài, không chỉ ảnh hưởng đến một bãi tắm và khu du lịch dịch vụ quan trọng.
 
Không rõ vì sao mấy năm vừa qua, đoạn bãi tắm Hải Thành-Quang Phú phía Bắc tượng đài Trương Pháp lại có nhiều nhà hàng được xây dựng kiên cố, đồng loạt lấn ra bãi tắm nhiều như vậy, ở một độ chênh cao 5-7m so mặt nước biển?! Nước mưa từ các đồi cát và nước sinh hoạt của cả dãy nhà hàng lớn cứ thế tự do chảy tràn xuống bãi tắm.
 
Gặp khi sóng biển dâng cao, dòng hải lưu, dòng nước cửa sông quyện vào nhau chảy xoáy, gây nên sự tác động tứ phía đối với dãy kè nằm chênh vênh thì có lẽ sự vỡ kè là khó tránh khỏi; và nếu cộng hưởng thêm sự thiếu sót trong thiết kế thi công nữa thì càng đẩy nhanh tốc độ sạt đổ bờ kè.
 
Kè biển Hải Thành-Quang Phú bị hư hại do sóng biển.
Kè biển Hải Thành-Quang Phú bị hư hại do sóng biển.
Như chúng ta đã biết, một công trình nằm trên nền cát sạch chỉ có thể ổn định khi chân móng của nó nằm sâu dưới mặt nước thấp nhất,hoặc chân móng được bảo vệ bởi một bãi đất, cát ổn định,không bị xâm thực qua thời gian. Bản thân nó không bị lật, sau lưng đất cát không bị chảy trôi. Ở đây, đất cát làm tựa cho kè đã bị rỗng dần, tạo những chỗ hỗng lớn; từ đó, các mảng bê tông sập xuống là tất yếu.
 
Về giải pháp công trình, chắc các cơ quan chức năng đang xem xét, phân tích nguyên nhân sự cố. Tôi chỉ nêu suy nghĩ của bản thân qua kinh nghiệm rất nhiều năm làm quy hoạch, thiết kế, quản lý khai thác, thẩm định, phê duyệt các loại công trình xây dựng. Thành công cũng nhiều và thất bại cũng có.
 
Nhiều người chúng ta đã đọc tài liệu hoặc đã đi đến các địa phương khác, các nước trên thế giới, như: Kè biển Hà Lan, kè bờ sông Volga ở Nga, Phố Đông ở Thượng Hải…, thấy các kè đủ loại và rất ổn định. Chúng tôi đã đi tàu trên sông Seine, đoạn qua Thủ đô Paris (Pháp), nó không rộng,chỉ như sông Kiến Giang (Lệ Thủy). Tàu chạy trên sông cuộn sóng nhưng kè vẫn ổn định hàng trăm năm nay, thật tuyệt vời! Ở mỗi nơi, tùy từng địa hình, địa chất và tác động của môi trường mà có giải pháp thích hợp, nhưng ít có chuyện làm khơi khơi. Nếu có ít kinh phí thì không nên làm dài. Việc này nhiều người thấy rõ!
 
Tôi cho rằng thực hiện quy hoạch có vấn đề chưa ổn. Cách đây hơn hai mươi lăm năm, tỉnh chủ trương để Sở Xây dựng và thị xã làm quy hoạch điều chỉnh chung và một số quy hoạch chi tiết. Nâng cấp đường Hương Giang, Nguyễn Du, Trương Pháp thì quy hoạch chi tiết được duyệt là phía Đông các tuyến đường này (phía sông, biển) không được xây dựng các nhà cao tầng, nhà một tầng kiên cố, trừ chợ cá Đồng Hới phải làm và bảo tồn chứng tích chiến tranh Tháp chuông Nhà thờ Tam Tòa. Toàn bộ dải đất ven sông, ven biển từ Cầu Dài đến Quang Phú là công viên, vườn hoa, sân chơi, bãi tắm và dịch vụ du lịch mềm, không quyết định giao đất lâu dài cho cá nhân.
 
Các tài tiệu quy hoạch đã được trưng bày, lấy ý kiến nhân dân trong 10 ngày ở Nhà văn hóa tỉnh, sau đó tiếp thu, chỉnh sửa và bộ, tỉnh phê duyệt, từng bước được thực hiện. Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các địa phương thường xuyên kiểm tra, đã đình chỉ, xử lý các vi phạm. Cứ định kỳ năm hoặc mười năm theo pháp luật cho phép thì lập quy hoạch điều chỉnh nếu thấy cần.
 
Tuyến đường Trương Pháp nhìn từ trên cao và kè biển Hải Thành-Quang Phú.
Tuyến đường Trương Pháp nhìn từ trên cao và kè biển Hải Thành-Quang Phú.
Tuy nhiên, vừa qua, các dãy nhà hàng ở đoạn Hải Thành-Quang Phú, phía Đông đường ven biển lại làm khác quy hoạch đó: mở rộng, lấn bãi tắm (tuy phía Tây, ven đường còn rộng); lấn biển đến cả gần mép nước, xây dựng chênh vênh, coi biển như một cái hồ nhỏ vậy.
 
Đáng ra, nhà và kè phải xa bãi tắm; nếu địa hình cao cần phải có phân cấp lớn, có khi cấp dưới là một con đường được gia cố và có chân kè. Đoạn bờ biển không có các đảo giảm sóng mà lại quan trọng như đoạn gần cửa biển này thì cần có biện pháp chỉnh trị trước khi xây dựng trên bờ cao. Hiện tại, có nhiều vấn đề liên quan, tạo sự uy hiếp cho kè biển, chứ không chỉ do trời, biển khó tính gây khó dễ và rồi năm khác ta lại trách cứ tiếp. Khoa học công nghệ, khoa học quản lý phát triển rất nhanh, nhưng tôi thấy ở đây chưa có gì mới.  
 
Chúng ta thấy thực tế quy hoạch ven biển ở tuyến đường Trương Pháp khác với đường ven biển ở Nha Trang (Khánh Hòa), Cửa Lò (Nghệ An), Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu). Chính việc phá vỡ quy hoạch, tùy tiện đương đầu với biển cả đã, đang và sẽ gây ra nhiều tổn thất không đáng có. Các nhà khoa học và nhà quản trị cần phải soát xét lại để thực hiện tốt chủ trương phát triển bền vững vùng ven biển của tỉnh Quảng Bình. 
 
Phạm Thanh Phúc

tin liên quan

Quản lý đất rừng tại Chi nhánh Lâm trường Vĩnh Long: Tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại

(QBĐT) - Qua công tác rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp, quản lý tổ chức sản xuất tại đơn vị trực thuộc là Chi nhánh Lâm trường Vĩnh Long (LTVL), Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại (gọi tắt là Công ty Long Đại) đã yêu cầu lâm trường tập trung xử lý dứt điểm một số lĩnh vực chưa tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước và công ty trong năm 2020. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn một số vấn đề chưa được xử lý dứt điểm.

Vì sao chưa bão, kè Nhật Lệ đã bị sập?

(QBĐT) - Liên quan đến tuyến kè Nhật Lệ bị sóng biển đánh sập, dư luận trên địa bàn tỉnh đề nghị các cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc làm rõ: Tuyến kè Nhật Lệ bị sóng biển đánh sập là do thiết kế, thi công hay do các điểm sập của kè "bị rơi" vào vị trí xung yếu?

Cần xử lý nghiêm hành vi chặn đường vận chuyển đá lạnh

(QBĐT) - Những ngày qua, Phóng viên Báo Quảng Bình nhận được nhiều ý kiến phản ánh của bạn đọc về việc 4 xưởng đá lạnh trên đường bờ kè sông Nhật Lệ ở xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) từ cầu Nhật Lệ 1 đến cầu Nhật Lệ 2 dù đã được nhận tiền đền bù di dời đi nơi khác, song vẫn tiếp tục hoạt động trở lại sau khi hoàn thành việc xây dựng mới cạnh khu vực cũ trước đây và ngang nhiên chặn đường giao thông để vận chuyển đá lạnh ra các tàu cá...