Công tác hòa giải ở cơ sở còn nhiều khó khăn

  • 08:19 | Thứ Năm, 25/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Công tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn TP. Đồng Hới luôn được cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến các xã, phường quan tâm thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân, tác động tích cực đến đời sống xã hội. Song bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở còn không ít khó khăn cần được hỗ trợ và tháo gỡ.
 
Thời gian qua, TP. Đồng Hới thường xuyên rà soát củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên (HGV) ở cơ sở. Hiện nay, thành phố có 4 đồng chí tập huấn viên cùng 140 tổ hòa giải với 895 HGV, bảo đảm 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn có tổ hòa giải. Các tổ hòa giải được kiện toàn bảo đảm đúng số lượng và thành phần theo quy định, đủ tiêu chuẩn am hiểu pháp luật, có uy tín, trách nhiệm, hiểu biết pháp luật, có khả năng vận động, thuyết phục quần chúng. Tổ trưởng Tổ hòa giải hầu hết là bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, tổ trưởng tổ dân phố/trưởng thôn, các HGV là trưởng các đoàn thể trong tổ, nhóm dân phố theo đúng tiêu chuẩn, cơ cấu thành phần và chất lượng, số lượng không vượt quá 5 HGV/tổ hòa giải.
 
Thành phố thường xuyên tổ chức các hội nghị và lớp bồi dưỡng kỹ năng hòa giải cho các HGV cơ sở cũng như phổ biến, các văn bản pháp luật đến từng HGV để nâng cao năng lực cho đội ngũ HGV cơ sở. Nhờ đó, hoạt động hòa giải ở cơ sở cũng đi vào nền nếp và đạt một số kết quả đáng khích lệ.
 
Từ năm 2014 đến nay, các tổ hòa giải, HGV đã tiến hành hòa giải 918 vụ việc, trong đó, hòa giải thành 794 vụ việc (đạt tỷ lệ 86%) và hòa giải không thành 106 vụ việc. Riêng trong năm 2021, hòa giải thành 28/40 vụ việc tiếp nhận, có 7 vụ việc hòa giải không thành và 5 vụ việc chưa giải quyết xong.
 
Các hòa giải viên Tổ hòa giải tổ dân phố 9, phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới) họp bàn trao đổi công việc (Ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát).
Các hòa giải viên Tổ hòa giải tổ dân phố 9, phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới) họp bàn trao đổi công việc (Ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát).
Cùng với việc hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, các HGV còn tích cực lồng ghép hoạt động hòa giải với đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Qua đó, góp phần giảm bớt các khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, tạo sự đồng thuận và tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
 
Theo bà Mai Thị Thiên Lý, Trưởng phòng Tư pháp TP. Đồng Hới, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật có xu hướng ngày càng tăng, nội dung phức tạp, nhất là mâu thuẫn, tranh chấp về quan hệ hôn nhân-gia đình, lĩnh vực đất đai…, nên HGV phải mất nhiều thời gian, công sức, kinh phí mới đạt được kết quả hòa giải thành công. Trong khi đó, việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
 
Trước hết, về thể chế, chính sách, chưa có quy định mang tính ràng buộc, bắt buộc thực hiện những cam kết, thỏa thuận khi hòa giải thành làm hạn chế đến hiệu lực, hiệu quả của hoạt động hòa giải ở cơ sở. Mặt khác, quy định, hướng dẫn cụ thể về trình tự tổ chức, tiến hành cuộc hòa giải của tổ hòa giải, HGV chưa có nên khi thực hiện còn gặp lúng túng và thiếu thống nhất.
 
Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến việc chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác hòa giải dẫn đến kết quả công tác này ở một số nơi đạt thấp, số vụ việc hòa giải không thành còn chiếm tỷ lệ khá cao. Việc xác định trách nhiệm của UBND cấp xã đối với hoạt động hòa giải chưa thật rõ ràng dẫn đến sự phối hợp với các cơ quan có liên quan đôi lúc chưa thật chặt chẽ…
 
Một bất cập nữa là vấn đề kinh phí cho công tác hòa giải hiện nay đang bị bỏ ngỏ. Hàng năm, kinh phí cấp riêng cho công tác hòa giải chưa có (kinh phí cấp chung trong nguồn tuyên truyền giáo dục pháp luật). Mặc dù Luật hòa giải ở cơ sở quy định: “Khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở…” nhưng việc huy động gặp nhiều khó khăn trong khi ngành Tư pháp thành phố, các địa phương tích cực vận động, tuyên truyền.
 
Thực tế cho thấy, đa số đội ngũ làm công tác hòa giải ở cơ sở hoạt động kiêm nhiệm, chế độ không có, nên chưa chủ động đầu tư, nghiên cứu về pháp luật và kỹ năng hòa giải. Từ đó, chưa động viên, khích lệ được phong trào hòa giải nói chung cũng như sự tham gia của HGV nói riêng, làm ảnh hưởng đến năng lực, hiệu quả của hoạt động hòa giải ở cơ sở…
 
Bà Mai Thị Thiên Lý, Trưởng phòng Tư pháp TP. Đồng Hới cho rằng: “Hòa giải ở cơ sở là việc HGV hướng dẫn, giúp đỡ các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những vi phạm pháp luật. Mục đích của hòa giải ở cơ sở là giữ gìn đoàn kết, giải quyết tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm, đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Vì vậy, để công tác hòa giải ở cơ sở phát huy hiệu quả, các cấp, ngành cần có những chính sách, chế độ phù hợp để công tác hòa giải cơ sở ngày càng đi vào nền nếp và đạt hiệu quả cao...”.
 
Thùy Lâm

tin liên quan

Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ

(QBĐT) - Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công đoàn Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của tập thể đoàn viên công đoàn (CĐ), hoạt động CĐ và phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) của ngành vẫn được giữ vững và phát huy. 

Đổi mới công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động

(QBĐT) - Thông qua công tác vận động nữ công nhân viên chức lao động, tổ chức công đoàn thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ; bản thân nữ CNVCLĐ cũng tự khẳng định mình, luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hội LHPN xã Xuân Thủy (Lệ Thủy): Tích cực xây dựng nông thôn mới

(QBĐT) - Để góp sức với địa phương xây dựng nông thôn mới (NTM), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Xuân Thủy (Lệ Thủy) đã làm hàng rào xanh, đường hoa, vệ sinh môi trường, tham gia phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi... Những việc làm thiết thực đó đã góp phần giúp xã Xuân Thủy sớm cán đích NTM và đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí NTM kiểu mẫu năm 2022.