Nhớ người mế Bru-Vân Kiều mang họ Hồ

  • 19:22 | Chủ Nhật, 12/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một sáng đầu tháng sáu, tôi trở lại bản Khe Dây, xã Trường Xuân (Quảng Ninh) thăm đại gia đình ông Hồ Văn Thương, Hồ Thanh Vân... những người con trai của bà Hồ Thị Khéo (SN 1923)-người 62 năm trước vinh dự được gặp Bác Hồ. Mế Hồ Thị Khéo nay đã khuất núi, nhưng tấm gương mẫu mực của bà cùng câu chuyện gặp Bác vẫn được con cháu, thế hệ đồng bào Bru-Vân Kiều gìn giữ.
 
Những kỷ vật “biết nói”
 
Nhắc đến mẹ mình, gương mặt ông Hồ Thanh Vân đầy xúc động, ông lục tìm trong chiếc túi nhỏ nhuốm màu thời gian trang trọng đặt trên bàn thờ tổ tiên rồi đưa cho chúng tôi xem từng kỷ vật còn lưu giữ của đấng sinh thành: Những bức chân dung mế Khéo thời trẻ; tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì; huy hiệu, kỷ niệm chương vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, vì sự tiến bộ phụ nữ; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; thẻ đảng viên... Đặc biệt trong số những kỷ vật này, xuất hiện chiếc Huy hiệu Bác Hồ mà theo ông Hồ Thanh Vân, mẹ ông được Bác tặng vào năm 1960 tại Thủ đô Hà Nội.
 
Câu chuyện về đại gia đình mình, về mế Hồ Thị Khéo được tái hiện qua những kỷ vật “biết nói” và lời kể của hai anh em Hồ Văn Thương, Hồ Thanh Vân: “Gia đình vốn có gốc gác tại vùng Hướng Hóa, Quảng Trị. Nạn đói năm Ất Dậu 1945, người Kinh, người Bru-Vân Kiều chạy đói, ly tán khắp nơi. Trong dòng người Bru-Vân Kiều bám núi rừng Trường Sơn lần ra phía Bắc có bố mẹ chúng tôi. Họ dừng lại, hình thành nên các bản làng mới phía Tây huyện Lệ Thủy bây giờ. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng bào sát cánh theo Đảng, theo Bác Hồ đi kháng chiến. Năm 1948, mẹ tôi trở thành Chủ tịch Hội Phụ nữ cứu quốc xã Hàm Nghi (bao gồm các xã Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy (Lệ Thủy) hiện tại- PV)”.
 
Với những thành tích trong phong trào phụ nữ, tháng 3/1960, mế Hồ Thị Khéo được gặp Bác Hồ tại Thủ đô Hà Nội. Câu chuyện gặp Bác Hồ, mế Khéo kể lại với con cháu như sau: Ra Hà Nội, đoàn đại biểu Quảng Bình và nhiều đoàn khác được sắp xếp ở Trường học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Hôm đó, mọi người nhận thông báo Bác Hồ đến thăm, tất cả hồi hộp chờ đợi. Rồi Bác xuất hiện, ai nấy đều bất ngờ. Sau một thoáng xúc động, mọi người đứng dậy vỗ tay đón Bác. Vui câu chuyện, Bác hỏi: “Các cháu thấy đất nước mình như thế nào?”. Mọi người đồng thanh: “Dạ, rất đẹp, nhưng còn quá nghèo ạ!”. Bác hỏi: “Thế phải làm sao cho nước Việt Nam ta thoát nghèo?”.
 
Trong lúc mọi người đang lúng túng, mế Hồ Thị Khéo vì là đại biểu dân tộc thiểu số nên được sắp xếp ở gần bên Bác, mế giơ tay xin trả lời: “Thưa Bác, như Quảng Bình quê cháu có rừng, có biển, để thoát nghèo thì chỉ có một cách là giữ lấy rừng, giữ lấy biển thôi!”. Bác Hồ mỉm cười: “Ba năm trước Bác vô thăm Quảng Bình, quân và dân Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh tuyến đầu miền Bắc bản lĩnh, kiên cường, sẵn sàng đáp trả mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù. Bác từng căn dặn: “Nghề biển, nghề rừng cũng quan trọng không kém nghề ruộng. Quảng Bình có những thứ đặc biệt mà các nơi khác trên miền Bắc ít có. Nếu biết dùng đúng và dùng tốt tài nguyên và lao động thì Quảng Bình sẽ giàu có, không những đời sống nhân dân trong tỉnh được nâng lên mà còn đóng góp một phần quan trọng cho Nhà nước”. Nay Bác giao nhiệm vụ cho cháu là trở về quê vận động mọi người, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chăm lo học tập văn hóa, tăng gia sản xuất, chiến thắng đói nghèo, góp phần chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt. Muốn vậy thì cháu và đồng bào phải một lòng đoàn kết, không nên phá rừng mà phải nuôi rừng, trồng cây gây rừng”.
Nhớ lời Bác Hồ dặn, noi gương mế Khéo, đồng bào Bru-Vân Kiều bản Khe Dây xây dựng bản làng ngày một ấm no.
Nhớ lời Bác Hồ dặn, noi gương mế Khéo, đồng bào Bru-Vân Kiều bản Khe Dây xây dựng bản làng ngày một ấm no.

Lời Bác Hồ dạy, mế Hồ Thị Khéo dặn lòng ghi nhớ. Kết thúc buổi gặp gỡ, chính tay Bác Hồ gắn Huy hiệu của Người lên ngực áo mế Hồ Thị Khéo.

Giữ rừng, giữ lấy ấm no...
 
Năm 1981, xã miền núi Trường Xuân thành lập. Mười bảy năm sau (năm 1998), bản Khe Dây hình thành. Từ núi rừng miền Tây huyện Lệ Thủy, mế Hồ Thị Khéo theo các con trai về định cư tại bản Khe Dây. Ông Hồ Văn Thương, con trai trưởng mế Khéo là trưởng bản Khe Dây đầu tiên, tiếp đó Hồ Thanh Vân kế thừa anh trai giữ chức trưởng bản.
 
Từ buổi ban đầu hình thành, bản Khe Dây chỉ có 28 hộ, đến nay tăng lên 43 hộ, hơn 160 nhân khẩu. Tại xã Trường Xuân, đồng bào Bru-Vân Kiều bản Khe Dây chính là những người đầu tiên làm được lúa nước trong tất cả các bản định canh, định cư với diện tích gần 10ha. Không lo cái bụng đói, đồng bào bản Khe Dây đoàn kết một lòng, xây dựng khu dân cư văn hóa, văn minh. Cùng với Lâm Ninh, Khe Ngang, Khe Dây là bản Bru-Vân Kiều ở xã Trường Xuân giữ vững danh hiệu bản văn hóa nhiều năm liền.
 
Trở lại với câu chuyện về mế Hồ Thị Khéo, cho đến ngày mế mất, lời Bác Hồ căn dặn năm xưa vẫn luôn đau đáu trong lòng. “Mẹ tôi luôn động viên tôi cùng chú Vân (Hồ Thanh Vân-PV) rằng, các con làm trưởng bản, cố gắng vận động dân bản đoàn kết một lòng theo Đảng, Bác Hồ, luôn giữ lấy rừng. Giữ rừng, trồng thêm rừng là ấm no bền vững”, ông Hồ Văn Thương nhớ lại.
 
Miệng nói, tay làm, trước năm 2000, mế Khéo xung phong nhận 2 sào đất rừng trồng cây. “Lứa keo, tràm đầu tiên, mẹ tôi bán được 200.000 đồng. Thời kỳ đó là số tiền tương đối lớn. Có tiền, mẹ giao cho tôi dặn về xuôi mua giống cây lên phát cho bà con trong bản cùng tham gia trồng rừng. Diện tích rừng trồng tại bản Khe Dây từ đó mà tăng dần lên”, ông Hồ Thanh Vân chia sẻ.
 
Noi gương mế Hồ Thị Khéo năm xưa tiên phong phủ xanh đất trống, đồi trọc, đồng bào Bru-Vân Kiều bản Khe Dây ai ai cũng xin nhận đất trồng rừng, hộ ít nhất khoảng 1ha, người nhiều nhất lên đến vài chục ha. Diện tích rừng trồng của bản hiện tại gần 300ha.
 
Lời Bác Hồ dặn mế Hồ Thị Khéo năm xưa được mế ghi lòng, tạc dạ rồi truyền đạt lại cho con cháu và đồng bào mình. Cho dù mế Khéo không còn nữa nhưng người Bru-Vân Kiều bản Khe Dây vẫn luôn nhớ về công lao của mế, càng trân quý hơn tình cảm Bác Hồ dành cho dân tộc mình.
 
Thanh Long

tin liên quan

Cảnh báo tình trạng thả diều vi phạm an toàn lưới điện

(QBĐT) - Tháng 6 là thời điểm các em học sinh bước vào kỳ nghỉ hè với nhiều hoạt động vui chơi, trong đó có trò chơi thả diều. Tuy nhiên, việc thả diều gần hành lang an toàn lưới điện và trạm biến áp có nguy cơ gây mất an toàn lưới điện cũng như nguy hiểm đến tính mạng của học sinh.

Thời gian treo Quốc kỳ và tham dự lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình

(QBĐT) - Ngày 10/6, đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Công văn số 1010 /UBND-NCVXV về việc thời gian treo Quốc kỳ và tham dự Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình.

Trao quà cho bà con Vân Kiều xã Trường Sơn

(QBĐT) - Ngày 10/6, đoàn thiện nguyện tỉnh Tây Ninh phối hợp với Hội LHPN xã Trường Sơn đã đến thăm và trao tặng quà cho bà con Vân Kiều xã Trường Sơn (Quảng Ninh).