Cảnh báo tình trạng thả diều vi phạm an toàn lưới điện

  • 17:25 | Thứ Bảy, 11/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tháng 6 là thời điểm các em học sinh bước vào kỳ nghỉ hè với nhiều hoạt động vui chơi, trong đó có trò chơi thả diều. Tuy nhiên, việc thả diều gần hành lang an toàn lưới điện và trạm biến áp có nguy cơ gây mất an toàn lưới điện cũng như nguy hiểm đến tính mạng của học sinh.
 
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều sự cố về điện do học sinh chơi thả diều tại các vị trí gần lưới điện. Hoạt động này thường dẫn đến nguy cơ diều và dây diều vướng mắc vào hệ thống điện, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến an toàn tính mạng của các em cũng như công tác quản lý vận hành hệ thống lưới điện.
 
Năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 14 sự cố lưới điện do diều, bóng bay, dây viễn thông va chạm vào lưới điện và diều mắc trên lưới điện. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra một số sự cố về điện liên quan đến diều...
 
Ông Lê Ngọc Thêu, Đội phó Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế, Công ty Điện lực Quảng Bình (PC Quảng Bình) cho biết: “Thời gian qua, trên địa bàn có nhiều trường hợp diều bay vướng vào đường dây điện đang vận hành gây ra chạm, chập điện, cháy nổ, làm hư hỏng thiết bị điện. Nghiêm trọng hơn là khi có một số vụ gây mất điện cả khu vực, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân. Trường hợp này, nếu người thả diều không có kinh nghiệm, cố tình áp sát đường dây điện hoặc trèo lên cột điện để gỡ diều vướng sẽ dẫn đến bị điện giật”.
 
Năm 2021, tại huyện Quảng Ninh đã xảy ra 4 sự cố về điện do người thả diều gây ra. Các sự cố không chỉ gây mất điện trên diện rộng mà còn đe dọa đến tính mạng của người thả diều. 
 Điện lực Đồng Hới tuyên truyền, nhắc nhở học sinh không thả diều gần hành lang an toàn lưới điện
Điện lực Đồng Hới tuyên truyền, nhắc nhở học sinh không thả diều gần hành lang an toàn lưới điện
Ông Lê Khánh Duy, Phó Giám đốc Điện lực Quảng Ninh cho biết: “Dù đã tích cực tuyên truyền, nhắc nhở nhưng thời gian qua vẫn có một số sự cố mà nguyên nhân là do diều vướng vào lưới điện. Để xử lý sự cố, Điện lực Quảng Ninh phải dùng sào cách điện, xe nâng để gỡ diều hoặc dùng thiết bị bay gắn hệ thống phóng hỏa để phóng cho diều cháy. Để hạn chế tình trạng này, chúng tôi cũng đã phát tờ rơi, tuyên truyền trên loa phóng thanh của huyện, cử lực lượng đến những nơi người dân hay thả diều để nhắc nhở”.
 
Tại các bãi đất trống, bãi biển, sân vận động… trên địa bàn TP. Đồng Hới, tình trạng học sinh đến tập trung thả diều khá nhiều. Có mặt tại một bãi đất trống trên địa bàn phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới) vào buổi chiều, chúng tôi bắt gặp nhóm học sinh khoảng 5 em đang cùng nhau thả diều. Có những thời điểm diều bay vượt quá lưới điện, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nếu diều rơi xuống vướng vào dây điện.
 
Anh Lê Thanh T. một người dân ở phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới) nói: “Các con của tôi rất thích chơi thả diều nên mỗi khi hè đến, tôi đều mua diều cho các cháu thả. Có lần, diều bay cao, xa rồi rơi xuống vướng vào dây điện, không gỡ được nên phải kéo đứt dây, bỏ diều lại trên lưới điện”. 
 
Nhằm hạn chế các sự cố về điện do thả diều gây ra, Điện lực Đồng Hới đã phối hợp cùng các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, nhất là các gia đình có con em đang trong lứa tuổi thanh thiếu niên thực hiện tốt các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, không thả diều gần khu vực có hệ thống đường dây điện.
 
Ông Lý Đình Đức, Phó Giám đốc Điện lực Đồng Hới cho biết: “Thời gian qua, trên địa bàn xảy ra nhiều vụ diều vướng vào lưới điện. Tuy chưa phải là sự cố lớn nhưng công nhân điện lực phải tháo gỡ rất vất vả, thậm chí phải cắt điện. Khi phát hiện có người thả diều trong vùng có nguy cơ xảy ra sự cố điện, người dân cần báo ngay với chính quyền địa phương, điện lực để yêu cầu người dân thu diều kịp thời, ngăn ngừa các sự cố trên lưới điện, tránh gây nguy hiểm cho người thả diều”.
 
Ông Vũ Thanh Phong, Phó Giám đốc PC Quảng Bình cho biết: “Nhằm bảo vệ hành lang lưới điện, công ty đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, ngăn chặn kịp thời hành vi thả diều gần khu vực đường dây điện, đặc biệt là lưới điện cao áp; thường xuyên kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, gây tai nạn hoặc ảnh hưởng cho chính người vi phạm và cộng đồng. PC Quảng Bình khuyến cáo người dân tuyệt đối không được tự ý trèo lên cột điện, dùng sào gỡ diều khi bị vướng mà phải báo ngay cho đơn vị quản lý, vận hành can thiệp để tránh nguy cơ tai nạn”.
 
Cũng theo ông Phong, ngoài nhiệm vụ của cán bộ, công nhân, viên chức ngành điện phải thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo cho người dân, trẻ em không vui chơi gần các trạm điện, thả diều dưới đường dây điện, PC Quảng Bình rất cần sự hỗ trợ, phối hợp của các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng trong việc quản lý, bảo đảm an toàn hành lang lưới điện.
 
Việc thả diều hay vật thể bay vào hành lang lưới điện là hành vi vi phạm về an toàn điện, được quy định tại khoản 3, Điều 4, Nghị định số 14/2014/NĐ-CP, ngày 26/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện. Mức phạt khi để xảy ra sự cố lưới điện theo quy định tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP, ngày 31/1/2022 của Chính phủ sửa đổi cũng đã được tăng lên từ 5-10 triệu đồng.
Xuân Vương

tin liên quan

Bắt 4 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy tại quán karaoke

(QBĐT) - Công an huyện Quảng Ninh phối hợp với Công an thị trấn Quán Hàu tiến hành kiểm tra, phát hiện tại phòng 105 của quán karaoke Thỏ Ngọc có 4 nam, nữ thanh niên đang có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
 

Truy bắt 5 đối tượng trốn khỏi nhà tạm giữ

Ngày 10/6, Công an tỉnh Hưng Yên có thông báo truy nã 5 đối tượng trốn khỏi nơi tạm giữ tại nhà tạm giữ Công an thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
 

Bắt khẩn cấp Giám đốc CDC Hà Nội liên quan đến Việt Á

Ngày 10/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động đấu thầu gậy hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội.