Tạo sinh kế cho lao động trở về từ vùng dịch

  • 08:02 | Thứ Tư, 01/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số người làm ăn xa trở về huyện Lệ Thủy tăng đột biến, khiến địa phương gặp nhiều áp lực, nhất là vấn đề việc làm. Trước thực tế đó, huyện đã nỗ lực hỗ trợ bà con trong đào tạo nghề, liên kết với các đơn vị tuyển dụng lao động..., góp phần tạo sinh kế giúp lao động trở về từ vùng dịch ổn định cuộc sống.
 
Theo số liệu thống kê, huyện Lệ Thủy có gần 18.000 người sinh sống, học tập và làm việc tại các tỉnh phía Nam, trong đó có khoảng 70% là lực lượng lao động. Do dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam bùng phát mạnh nên có hàng nghìn người trở về quê, trong đó có khoảng 1.500 người lao động, còn lại là học sinh, sinh viên và các đối tượng khác. Lượng người trở về đông khiến huyện đối mặt với nhiều khó khăn về an sinh xã hội, đặc biệt là nhu cầu việc làm.
 
Qua khảo sát của Phòng Lao động-Thương binh-Xã hội huyện Lệ Thủy và chính quyền các xã, trong số 1.500 lao động trở về lần này có khoảng 30% xác định sẽ quay trở lại các tỉnh phía Nam làm việc, 30% chưa có quyết định rõ ràng, 40% xác định sẽ ở lại quê sinh sống lập nghiệp. Hiện một số lao động trở về từ các tỉnh phía Nam đã chuyển đổi sang làm nông nghiệp nhưng hầu hết vẫn đang tìm việc làm và có nhu cầu tư vấn giới thiệu việc làm.
 
Xã Liên Thủy có 1.536 người đang sinh sống, học tập, làm việc tại các tỉnh phía Nam. Đợt dịch vừa rồi đã có 184 người trở về, trong đó có 159 lao động. Trong khi một số người chờ tình hình dịch bệnh ổn định để quay lại làm việc thì số đông vẫn đang thất nghiệp, có nhu cầu việc làm tại địa phương hoặc xuất khẩu lao động. Anh Võ Văn Hùng, một lao động ở xã Liên Thủy trở về từ vùng dịch tâm sự: “Tôi sẽ không trở lại miền Nam làm việc nữa mà cố gắng tìm việc tại quê nhà, dù cho thu nhập có thấp hơn. Mong thời gian tới, các cấp chính quyền quan tâm đào tạo nghề, giới thiệu việc làm tại địa phương để giúp tôi và những người dân vừa trở về từ vùng dịch sớm có việc làm”.
 
 Nghề may hứa hẹn giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại huyện Lệ Thủy.
Nghề may hứa hẹn giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại huyện Lệ Thủy.
Ông Phạm Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Liên Thủy cho biết: “Việc nhiều lao động trở về từ vùng dịch khiến địa phương gặp rất nhiều  khó khăn, áp lực, nhất là vấn đề giải quyết việc làm. Để giải quyết vấn đề này, xã đã liên hệ với một số doanh nghiệp may trên địa bàn huyện, tỉnh để giới thiệu việc làm cho bà con. Riêng những lao động có tay nghề, như: Cơ khí, lái xe, lái máy công trình…, chúng tôi cũng đã liên hệ với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để xin việc cho người lao động. Hiện một số người trở về từ vùng dịch cũng đã có được việc làm với mức thu nhập khá”.
 
Thời điểm này, huyện Lệ Thủy cũng đang nắm lại nguyện vọng của 30% lao động chưa xác định rõ có quay trở lại miền Nam hay không để có hướng xử lý. Riêng các lao động không muốn trở lại các tỉnh phía Nam làm việc, huyện đã liên hệ với cơ sở giới thiệu việc làm ở tỉnh để giới thiệu, cung ứng lao động cho các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh và các tỉnh phía Bắc. Hiện đã có ít nhất 3 doanh nghiệp đến liên hệ với huyện để tuyển lao động. Riêng Xí nghiệp May Hà Quảng cũng đã tổ chức hội nghị kết nối người lao động với doanh nghiệp trên địa bàn huyện để tuyển dụng lao động và được nhiều người quan tâm.
 
Các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, dịch vụ, du lịch đang triển khai tại một số địa phương cũng được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội học tập và việc làm cho lao động địa phương vừa trở về từ vùng dịch. Năm 2021, huyện đã tổ chức và phối hợp tổ chức 4 lớp đào tạo nghề cho trên 130 học viên, trong đó có một số lao động trở về từ vùng dịch. Bà Nguyễn Thị Thúy Uyên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề huyện Lệ Thủy cho biết: “Thời gian tới, nếu điều kiện cho phép, trung tâm sẽ mở thêm các lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, trong đó, tập trung vào nghề may, điện, cơ khí và các nghề liên quan đến nông nghiệp nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, đặc biệt ưu tiên người trở về từ vùng dịch”.
 
Xuất khẩu lao động cũng đang là hướng đi nhằm giúp các lao động có thêm việc làm, tăng thu nhập. Năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng Lệ Thủy vẫn có 200 lao động "cập bến" thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước phát triển. Hiện huyện cũng đang tập trung liên hệ với các công ty, doanh nghiệp đủ năng lực, uy tín để kết nối cho con em xuất khẩu lao động.
 
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Trưởng phòng Lao động-Thương Binh-Xã hội huyện Lệ Thủy cho biết: “Ngoài công tác đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, tìm việc làm cho người dân trở về từ vùng dịch, huyện cũng đang thực hiện tốt các chế độ chính sách của Trung ương, địa phương đối với người lao động. Trong đó, Lệ Thủy tập trung hỗ trợ vốn vay để bà con phát triển kinh tế hộ gia đình,các trang trại, gia trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, các loại hình thương mại, dịch vụ; liên hệ với các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí… để giải quyết việc làm cho người dân”.
 
Huyện Lệ Thủy có trên 3.800 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN). Trên địa bàn đã hình thành một số cụm CN-TTCN tại các khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Một số ngành nghề, như: Sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, chế biến hàng nông sản, cơ khí…, đã tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Lĩnh vực CN-TTCN có mức tăng trưởng khá, ổn định, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhất là trong việc thu hút lao động tại địa phương.
 
Xuân Vương

tin liên quan

Prudential Việt Nam: Ghi dấu 22 năm hành động vì sự phát triển bền vững của cộng đồng

Năm 2021 là cột mốc đánh dấu chặng đường 22 năm Prudential đồng hành cùng người dân Việt Nam. Hơn hai thập kỷ qua, Prudential không chỉ mang đến những giải pháp bảo vệ tài chính cho hàng triệu gia đình Việt, mà còn ghi dấu bởi những đóng góp ý nghĩa vì sự phát triển bền vững của cộng đồng.

"Ánh sáng vùng biên" về với bà con Vân Kiều

(QBĐT) - Từ ngày 27 đến 29-12, Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP tỉnh Quảng Bình và chính quyền xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh cùng với Hội thiện nguyện "Từ bi hỷ xả" tiếp tục mang hệ thống đường điện "Ánh sáng vùng biên" về với bản Hôi Rấy, bản Nước Đắng.

Thăm hỏi, động viên các gia đình có người thân tử vong do tai nạn giao thông

(QBĐT) - Thực hiện kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia về tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT)" năm 2021, trong các ngày 27 và 28-11-2021, Ban ATGT các cấp đã thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có người thân bị tử vong do TNGT trên địa bàn tỉnh.