Hoài niệm xứ hoa Chăm Pa

  • 08:17 | Thứ Hai, 29/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đất nước Lào, xứ sở Vạn Tượng, quê hương của hoa Chăm Pa phía Tây dãy Trường Sơn là người bạn thân thiết của Việt Nam. Chúng tôi, những “người lính cầm đàn” của Tỉnh đội Quảng Bình đã có nhiều kỷ niệm đẹp về con người và mảnh đất ấy trong những năm tháng chống Mỹ…
 
Ngày ấy, Quảng Bình kết nghĩa với Sa-vẳn-na-khệt, là một tỉnh vùng Trung Lào, nằm phía Tây của dãy Trường Sơn. Để tăng cường mối quan hệ quốc tế, thắt chặt tình cảm đồng chí, anh em trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ, lãnh đạo của hai tỉnh đã có nhiều cuộc viếng thăm, trao đổi kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực. Đoàn Văn công Tỉnh đội Quảng Bình vinh dự hai lần được lãnh đạo tỉnh cử sang thăm và lưu diễn tại tỉnh Sa-vẳn-na-khệt trong chương trình kết nghĩa của hai tỉnh.
 
Lần thứ nhất vào tháng 7-1973. Dẫn đầu và đại diện cho lãnh đạo tỉnh Quảng Bình là ông Đặng Gia Tất, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Ngoài ra, còn có nhà thơ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh. Đây là lần đầu tiên Quảng Bình có một đoàn nghệ thuật sang thăm và biểu diễn tại Lào.
 
Nhận được lệnh của thủ trưởng Tỉnh đội, chúng tôi khẩn trương bắt tay vào xây dựng chương trình, nội dung biểu diễn, phong màn, đạo cụ, trang thiết bị…, bảo đảm công tác hậu cần trong thời gian lưu diễn. Sau gần nửa tháng chuẩn bị, một ngày cuối tháng 6-1973, hơn 20 cán bộ, diễn viên đoàn chúng tôi lên đường trên hai chiếc xe Zin 3 cầu của Ban Hậu cần Tỉnh đội.
Đoàn Văn công Tỉnh đội Quảng Bình với Đoàn Nghệ thuật tỉnh Sa-vẳn-na-khệt chụp ảnh lưu niệm.
Đoàn Văn công Tỉnh đội Quảng Bình với Đoàn Nghệ thuật tỉnh Sa-vẳn-na-khệt chụp ảnh lưu niệm.
Ngược lên miền Tây, xe chạy trên tuyến đường 20 Quyết Thắng. Khoảng gần 14 giờ, chúng tôi dừng chân tại cửa khẩu Cà Roòng, kiểm tra lại một lần nữa trước khi bước qua biên giới. Càng đi sâu vào đất bạn, Trường Sơn càng trở nên hùng vĩ với những cánh rừng cây săng lẻ, sò già cao vút, to cỡ hai người ôm không xuể, với bạt ngàn rừng khộp xanh mướt…
 
Xe chui ra khỏi cánh rừng già, trước mắt chúng tôi là một con đèo lượn quanh co hướng lên cao có tên là Phu La Nhích. Đây là trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ. Hai bên đường cây cối đều bị bom phạt ngang chỉ còn lại những gốc cổ thụ cháy sém, nham nhở…
 
Hai chiếc xe từ từ bò, bánh xe ngập trong lớp bụi đỏ quạch. Lên đến giữa dốc, bất ngờ một cảnh tượng diễn ra làm cho tất cả chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng. Phía bên phải đường, giữa một màu đất đỏ, chằng chịt hố bom, nổi bật hình ảnh một nữ chiến sỹ thanh niên xung phong Việt Nam quân phục xanh và một nữ du kích Lào với trang phục truyền thống, cả hai đều khoác súng sau lưng, miệng cười tươi và đang giương cao tấm băng rôn màu xanh với dòng chữ trắng “Chào mừng Đoàn Văn công tỉnh Quảng Bình” bằng hai thứ tiếng Việt và Lào.
 
Quá xúc động! Vì đang giữa đỉnh đèo, không thể dừng lại nên chúng tôi trên xe đều đồng thanh reo lên, vẫy tay đáp lại tình cảm của hai chiến sỹ gái đã dành cho đoàn. Sau chuyến đi đó, nhà thơ Xuân Hoàng đã ghi lại cảm xúc của mình trong giây phút trên đỉnh đèo với bài thơ Phu La Nhích.
 
Chuyến đi sang Lào lần thứ hai vào tháng 5-1975 sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Để cho chương trình phục vụ bạn có quy mô và phong phú hơn, Ty Văn hóa Quảng Bình cử nhạc sỹ Quách Mộng Lân, Phó đoàn Văn công tỉnh, tăng cường thêm 3 diễn viên và nhạc công sang tham gia với Đoàn Văn công Tỉnh đội. Ban C của tỉnh (chuyên trách công tác Lào) cử một cán bộ làm phiên dịch cho đoàn trong cả thời gian công tác.
 
Chương trình biểu diễn chủ yếu là ca-múa-nhạc gồm những ca khúc ca ngợi tình đoàn kết Việt-Lào. Cũng trong dịp này, nhạc sỹ Quách Mộng Lân đã sáng tác kịp thời ca khúc "Quảng Bình-Sa-vẳn-na-khệt" để ca ngợi tình đoàn kết giữa hai dân tộc, hai tỉnh. Bài hát lập tức được dàn dựng ngay và đưa vào chương trình biểu diễn chính thức của đoàn.
 
Lần này khác với năm 1973. Cũng với hai chiếc xe Zin quân sự, nhưng chúng tôi hành quân từ Đồng Hới vào TX. Đông Hà và thẳng lên Cửa khẩu Lao Bảo. Buổi trưa, đoàn dừng chân nghỉ bên bờ Đông sông Xê Ban Hiêng. Phía bên kia là huyện Sê Pôn của Lào. Sau khi ăn cơm xong, chúng tôi tiếp tục lên đường. Mùa hè nên nước sông cạn. Cầu Tà Khống đã bị bom Mỹ đánh sập từ trước nên qua sông, xe phải vượt đoạn ngầm dài chừng trăm mét, nước ngập gần hết bánh xe, phía dưới là gập ghềnh những hòn đá cuội to như quả bưởi, quả dừa...
 
Khoảng 5 giờ chiều, chúng tôi cách địa điểm khoảng 10km. Lúc này, màn đêm đã dần buông xuống vì ở trong rừng đại ngàn trời tối rất nhanh do ánh sáng bị che khuất. Một chiếc xe Jeep mui trần đón và dẫn đường đưa đoàn về cơ quan tỉnh. Khi xe vừa dừng trước khoảnh sân rộng, từ bên trong ngôi nhà đã xuất hiện nhiều bóng người với ánh đèn pin loang loáng.
 
Chúng tôi xuống xe, chủ khách bắt tay nhau rất vui vẻ. Một người có dáng cao to trao đổi với đồng chí phiên dịch, sau đó chúng tôi được thông báo: “Bạn chúc mừng đoàn đã đến nơi an toàn. Bây giờ mọi người đến nhà khách nhận phòng nghỉ ngơi, sau đó mời đoàn ăn cơm. Ngày mai lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp đoàn”.
 
Chúng tôi nhanh chóng về phòng. Gọi là nhà khách nhưng thực ra đây là một dãy lán làm bằng cây rừng, chia thành nhiều ngăn nhưng rất đẹp. Giường là những tấm ván bằng gỗ ghép lại đủ cho 2 người nằm, có màn tuynh, gối và chăn vải hoa… Tóm lại, trong hoàn cảnh đất nước bạn cũng đang khó khăn bởi chiến tranh thì nơi sơ tán của cơ quan tỉnh được thế này quả là khá…đàng hoàng. Ăn cơm xong, chúng tôi được thoải mái ngả lưng sau một ngày hành quân trên 350km vất vả.  
 
Sáng hôm sau, lãnh đạo và Văn phòng tỉnh tổ chức gặp mặt thân mật với toàn thể cán bộ, diễn viên của đoàn. Buổi chiều, đoàn thực hiện buổi biểu diễn đầu tiên tại hội trường là một ngôi nhà nửa chìm nửa nổi, phục vụ các vị lãnh đạo và cán bộ cấp tỉnh. Do công tác chuẩn bị chu đáo từ trước nên trong thời gian một giờ rưỡi, chương trình biểu diễn của đoàn đã gây ấn tượng đẹp cho khán giả. Sau buổi biểu diễn, đoàn bắt đầu thực hiện lịch trình về phục vụ trực tiếp bà con các bản làng, các đơn vị bộ đội Pha Thét Lào trên địa bàn.
 
Do địa bàn rừng núi, hệ thống giao thông bị chia cắt nên có những lúc chúng tôi phải khoác ba lô, mang nhạc cụ hành quân bộ xuyên rừng đến với người dân. Cũng có bản, ban ngày dân đi làm rẫy nên văn công phải diễn ban đêm. Trong một tháng, đoàn đã có hơn 20 buổi diễn ở Mường Phìn, Sê Pôn, Tà Khống, Na Nhôm, Na Tơ… Điều chúng tôi ghi nhận được là ở đâu, bộ đội và người dân đều dành cho đoàn những tình cảm hết sức chân tình, thân thiện.
 
Một lần tại Na Nhôm, kết thúc buổi biểu diễn, chúng tôi chào tạm biệt để lên xe đi tiếp thì ông trưởng bản ra hiệu dừng lại. Lát sau, có hai thanh niên khiêng con lợn sống khoảng 15kg đến. Trưởng bản bảo: "Văn công bộ đội Quảng Bình hát hay lắm! Dân bản tặng con lợn để bộ đội ăn no, hát cho hay thêm”. Mặc dù, Chính trị viên Lê Văn Ứng đã cảm ơn và lịch sự từ chối, lại nhờ anh phiên dịch nói giúp thêm nhưng không sao làm thay đổi được thịnh tình của Trưởng bản nên cuối cùng phải nhận quà tặng cho lên xe tiếp tục hành quân...
 
Trong chương trình của chuyến công tác, ngoài nhiệm vụ chính là biểu diễn phục vụ, chúng tôi còn có cuộc gặp mặt giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ đội nghệ thuật của tỉnh Sa-vẳn-na-khệt trước khi về nước. Do điều kiện chiến tranh nên cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động văn hóa-nghệ thuật của bạn còn hạn chế. Ban lãnh đạo đoàn quyết định tặng lại cho đội nghệ thuật của bạn bộ phong màn biểu diễn và từng cá nhân chúng tôi cũng gom tất cả những dụng cụ trang điểm của mình đang sử dụng để tặng cho bạn.
 
Thấm thoắt, thời gian ở trên đất bạn đúng 1 tháng. Buổi chia tay cũng đã đến. Trước ngày lên đường trở về Quảng Bình, lãnh đạo tỉnh Sa-vẳn-na-khệt tổ chức gặp mặt thân mật. Một cuộc chia tay đầy cảm động và bịn rịn giữa những “người lính cầm đàn” Quảng Bình với các lãnh đạo và cán bộ của cơ quan tỉnh.
 
Cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay và rộn ràng trong ca khúc Quảng Bình-Sa-vẳn-na-khệt. Tiếp đó là chuyển sang vòng tròn Lăm-vong. Từng cặp đôi Việt-Lào dập dìu bên nhau, bước chân uyển chuyển, những cánh tay trần con gái mềm mại cuộn tròn trong tiết tấu trầm bỗng của nhịp trống và giai điệu tha thiết của tiếng khèn…
 
Năm nay, nước CHDCND Lào đón chào 46 năm Ngày Quốc khánh (2-12-1975 - 2-12-2021), cũng là kỷ niệm 46 năm chúng tôi, những “người lính cầm đàn” Tỉnh đội Quảng Bình từng đã có mặt trên mảnh đất Sa-vẳn-na-khệt. Mùi thơm dịu dàng của loài hoa Chăm Pa và lời ca du dương ngày ấy như ngân mãi đâu đây: “…Hoa Chăm Pa ơi. Đã bao tháng ngày. Hoa đây người đấy, hoa vẫn ngọt ngào thơm ngát mùi hương tháng năm còn vương…”
                                                                  
                                                                       Đoàn Đoàn

tin liên quan

Đồng hành cùng người lao động

(QBĐT) - Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được huyện Tuyên Hóa xác định là một trong những giải pháp quan trọng tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững. Mặc dù thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song địa phương cũng đã tạo điều kiện tối đa cho nhiều lao động ra nước ngoài làm việc, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Dịp Tết Dương lịch 2022, người lao động sẽ được nghỉ 3 ngày

Do Tết Dương lịch 1-1-2022 vào ngày thứ bảy, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động sẽ được nghỉ bù vào thứ hai tuần kế tiếp. VÌ vậy, người lao động sẽ được nghỉ Tết 3 ngày.

Người thanh niên khuyết tật giàu nghị lực

(QBĐT) - Thiếu sức khỏe, khó khăn trong vận động, sinh hoạt, học tập, khó có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp... luôn là những trở ngại mà người khuyết tật phải đối mặt. Nhưng bằng ý chí và nghị lực, anh Lê Văn Tuân ở thôn Thượng, xã Võ Ninh (Quảng Ninh) đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân và tạo việc làm, giúp đỡ cho nhiều người cùng hoàn cảnh.