Đồng hành cùng người nghèo

  • 06:40 | Thứ Tư, 22/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Minh Hóa được thành lập từ năm 2003. Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng CSXH đã được triển khai đến những bản làng xa xôi nhất của huyện và trở thành chiếc "phao cứu sinh" giúp những hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế. 
 
Đến thăm hộ anh Hồ Thân ở bản La Trọng, xã Trọng Hóa chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự thay đổi về điều kiện kinh tế của gia đình anh. Trước đây, anh Thân thuộc diện hộ nghèo nhất nhì của xã, được chính quyền địa phương và Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tạo điều kiện cho vay vốn chương trình hộ nghèo với số tiền 10 triệu đồng.
 
Có số vốn nhỏ trong tay, anh Thân đầu tư chăn nuôi lợn sinh sản để phát triển kinh tế. Dần dà thấy việc chăn nuôi đem lại hiệu quả thiết thực, anh tiếp tục tái đàn và tăng số lượng nuôi. Nhờ đó mà anh đã trả hết số nợ vay cũ và vay sang chương trình cho vay hộ cận nghèo số tiền 90 triệu đồng. Có số vốn lớn hơn, anh tiếp tục mở rộng chăn nuôi thêm dê và bò sinh sản.
 
Đến nay, gia đình anh có 6 con bò, 10 con dê sinh sản. Mô hình chăn nuôi tổng hợp này đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh với khoảng 30 triệu đồng/năm. Đây là khoản thu nhập mơ ước của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nơi đây. 
Nguồn vốn tín dụng CSXH giúp nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên phát triển kinh tế.
Nguồn vốn tín dụng CSXH giúp nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên phát triển kinh tế.
Hộ chị Hồ Thị Bun ở bản K-Định, xã Dân Hóa cũng là một trong những hộ khó khăn khi được tiếp cận nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện. Sau khi vay được số tiền 40 triệu đồng, chị Bun đầu tư phát triển chăn nuôi dê, chăn nuôi lợn rừng và trồng rừng cây keo lai. Đến nay đàn dê của chị có 10 con, đàn lợn có 30 con và 4ha rừng trồng cây keo, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động trong gia đình. Mô hình đã giúp chị có thu nhập hàng năm khoảng 50 triệu đồng.
 
Minh Hóa là huyện miền núi khó khăn của tỉnh. Địa bàn cách trung tâm huyện xa nhất là xã Dân Hóa với khoảng cách trên 60km. Nhìn chung, đời sống người dân ở những bản vùng cao còn nhiều lạc hậu. Những năm qua, nguồn vốn tín dụng CSXH đã được đưa về các thôn, bản vùng cao của huyện. Nhờ nguồn vốn tín dụng này, nhiều hộ ĐBDTTS đã biết đầu tư phát triển kinh tế để thoát nghèo và vươn lên thành hộ khá giả.
 
Ông Nguyễn Tất Thành, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Minh Hóa cho biết: Những ngày đầu thành lập, phòng chỉ thực hiện cho vay 3 chương trình tín dụng, đó là: Cho vay hộ nghèo, vay giải quyết việc làm và cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Đến nay, qua 20 năm hoạt động phòng đã thực hiện 18 chương trình tín dụng.
 
Huyện Minh Hóa hiện có 4,3 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo đang vay vốn; có 3,4 nghìn công trình nước sạch và công trình vệ sinh được đầu tư nhờ vốn vay; có 780 hộ nghèo vay vốn để xây dựng nhà ở; có 330 hộ ĐBDTTS vay vốn để phát triển sản xuất; từ nguồn vốn vay đã giải quyết việc làm hàng năm cho gần 4 nghìn lao động/năm.
Tổng doanh số giải ngân cho vay từ ngày đầu thành lập đến nay là 1.379 tỷ đồng với 68.400 lượt hộ vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ cho vay đạt 459 tỷ đồng với 8.550 hộ vay vốn, dư nợ tăng 435 tỷ đồng (gấp 18 lần) so với ngày đầu thành lập (năm 2003).
 
Các chương trình có tỷ trọng dư nợ lớn, như: Cho vay hộ nghèo và cận nghèo dư nợ 185 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40% trong tổng dư nợ; cho vay hộ mới thoát nghèo 127 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,7% trong tổng dư nợ; cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 28,8 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,3%; còn lại là các chương trình tín dụng khác.
 
Để tăng hiệu quả việc đưa nguồn vốn tín dụng đến từng đối tượng, phòng đã thực hiện ký văn bản liên tịch với các tổ chức chính trị-xã hội cấp huyện, như: Hội Nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh và đoàn thanh niên để tiến hành cho vay ủy thác. Hiện toàn huyện có 264 tổ tiết kiệm và vay vốn. Thông qua các tổ vay vốn, nguồn vốn tín dụng CSXH đã đến được 100% thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện.
 
"Để nguồn vốn tín dụng CSXH tiếp tục phát huy hiệu quả và giúp người dân vùng cao xóa đói, giảm nghèo, thời gian tới, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện sẽ tiếp tục tranh thủ tối đa nguồn vốn bổ sung, đặc biệt là nguồn vốn theo Nghị quyết số 11/NQ-CP để tập trung giải ngân cho vay, trong đó chú trọng đẩy mạnh các chương trình tín dụng, như: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn từ năm 2021-2030. Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương cấp xã, đơn vị nhận ủy thác để củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức mạng lưới, đặc biệt là mạng lưới các tổ tiết kiệm và vốn tại cơ sở", ông Nguyễn Tất Thành, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Minh Hóa cho biết thêm.
 
Đ.N
 

tin liên quan

Việt Nam và Ukraine cam kết tiếp tục hợp tác bảo hộ công dân

Ngày 21/6, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch đã có buổi làm việc với Cơ quan di trú và đại diện Bộ Ngoại giao Ukraine tại trụ sở của Cơ quan di trú Ukraine.
 

Tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 3 người thương vong

(QBĐT) - Vào khoảng 15 giờ, ngày 21/6, tại Km 6+200 quốc lộ 9C đoạn qua thị trấn Kiến Giang (Lệ Thủy) xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe ô tô và xe máy, khiến cho 3 người thương vong.

Cảm nghĩ của người miền Trung về kỷ lục "Bàn tiệc dài nhất châu Á" sắp được xác lập

Để đánh dấu sự trở lại của các hoạt động văn hoá, giải trí sau thời gian dài trầm lắng vì dịch bệnh, Huda khởi xướng ý tưởng "Bàn tiệc kỷ lục - Kết nối miền Trung", nhận được sự quan tâm và đồng lòng tham gia của đông đảo người dân địa phương.