Bảo đảm sinh kế cho người nghèo
(QBĐT) - Đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, công tác đa dạng hóa sinh kế là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ hết sức cần thiết, giúp người dân còn nhiều khó khăn có động lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Những năm vừa qua, dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135) đã được triển khai thực hiện ở các địa phương trong tỉnh, góp phần giúp hộ nghèo, cận nghèo tích lũy thêm kinh nghiệm cũng như kiến thức ứng dụng khoa học-kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập.
Xã Ngư Hóa (Tuyên Hóa) là một trong những địa phương làm tốt công tác hỗ trợ sinh kế cho người nghèo. Năm 2014, xã bắt đầu được tham gia dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo” với 95/170 hộ dân được hưởng lợi.
Đến nay, xã được hỗ trợ khoảng 100 con bò lai và cây giống để trồng hàng chục ha keo lai, góp phần cải thiện đáng kể đời sống cho người dân địa phương, nhất là những hộ nghèo và cận nghèo. Qua rà soát theo tiêu chí mới, năm 2021, toàn xã còn 48 hộ nghèo (30%) và 25 hộ cận nghèo (15,6%).
Theo chân cán bộ xã, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Mạnh Hùng ở thôn 4, xã Ngư Hóa. Năm 2015, gia đình anh Hùng được hỗ trợ phân bón và giống keo lai để trồng trên 4ha đất rừng.
"Những năm trước đây, khi chưa tham gia dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo”, kinh tế gia đình rất bấp bênh. Vợ chồng tôi phải làm đủ nghề để nuôi ba đứa con ăn học. Sau khi nhận hỗ trợ từ dự án, 4ha rừng keo lai được chúng tôi chăm sóc phát triển rất tốt. Đến nay, rừng keo lai của gia đình tôi đã thu hoạch được 2 mùa với nguồn thu trên 200 triệu đồng. Nhờ có được nguồn thu này, chúng tôi mạnh dạn nuôi thêm 5 con trâu và 6 con lợn. Tổng thu nhập mỗi năm trừ chi phí cũng được trên 100 triệu đồng", anh Hùng chia sẻ.
Quảng Thạch (Quảng Trạch) cũng là địa phương tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong hỗ trợ sinh kế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Xã có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp.
Trong giai đoạn 2020-2025, xã Quảng Thạch đề ra là mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4-5%, phấn đấu đến hết năm 2025 đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1 con số. Để đạt được mục tiêu này, Quảng Thạch tập trung ưu tiên các nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo đối với từng thôn, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy ý chí chủ động tự vươn lên thoát nghèo của mỗi hộ dân, giúp họ tự tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống. Toàn xã hiện có 120 hộ phát triển kinh tế vườn, vườn đồi... cho thu nhập cao.
Từ hiệu quả của các mô hình, xã tiến tới sản xuất hàng hóa theo hướng chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu đủ sức cạnh tranh trên thị trường. "Thời gian tới, xã sẽ tập trung vận động hội viên, nông dân chuyển đổi đất rừng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị cao như: Cây nghệ, hồ tiêu, mít thái và nhân rộng mô hình trồng sâm Bố Chính...", ông Phan Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Thạch cho biết.
Năm 2021, thực hiện chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm, tỉnh Quảng Bình đã phân bổ gần 700 triệu đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 3 dự án chăn nuôi thỏ sinh sản với quy mô 449 con thỏ giống cho 64 hộ tại xã Quảng Lưu (Quảng Trạch), xã Tân Ninh (Quảng Ninh) và xã Sơn Thủy (Lệ Thủy); phê duyệt 1 dự án trồng bưởi Phúc Trạch với quy mô 3,2ha cho 17 hộ mới thoát nghèo tại xã Kim Hóa (Tuyên Hóa)...
Qua việc triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho thấy, đa số các mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện, động lực để hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi tập quán sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững...
Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu giảm từ 1,8-2% hộ nghèo; dự ước giai đoạn 2022-2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,3-1,7%/năm, riêng huyện Minh Hóa giảm bình quân từ 2,5-3%/năm; bảo đảm hộ nghèo, người nghèo tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản và được hỗ trợ sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt, dịch vụ y tế, giáo dục…
|
Hiền Phương
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.