Đào tạo nghề trọng điểm: Đích đến còn xa

  • 12:29 | Thứ Bảy, 12/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội, các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo các ngành, nghề trọng điểm. Một số ngành được chú trọng đầu tư đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và ASEAN, nhờ đó, rộng mở cánh cửa nghề nghiệp cho học viên, sinh viên khi ra trường. Tuy nhiên, để đáp ứng được các tiêu chuẩn này, đích đến còn khá xa xôi.
 
Rộng mở cánh cửa nghề nghiệp
 
Sinh năm 1994, Nguyễn Mậu Chương (phường Nam Lý, TP. Đồng Hới) tốt nghiệp ngành Kỹ thuật chế biến món ăn tại Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9. Ra trường, Chương được nhận vào làm đầu bếp tại các khách sạn lớn, như: Mường Thanh Hà Tĩnh, Mường Thanh Quảng Bình.
 
Năm 2020, Nguyễn Mậu Chương quyết định sang Đức để lập nghiệp với nghề đầu bếp tại một nhà hàng Việt, thuộc thành phố Munchen. Công việc chuyên môn là nấu các món ăn Việt phục vụ thực khách người Việt và người nước ngoài tại Đức.
 
Chương chia sẻ, quá trình làm thủ tục xuất cảnh diễn ra tương đối dễ dàng bởi tấm bằng tốt nghiệp ngành Kỹ thuật chế biến món ăn được Đại sứ quán Đức công nhận là hợp pháp không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài. “May mắn của tôi là tấm bằng tốt nghiệp đạt chuẩn, cùng kinh nghiệm làm việc ở các khách sạn lớn ở Việt Nam nên công việc ở đây không gặp nhiều trở ngại. Trong quá trình đào tạo 2 năm với bộ giáo án chuẩn chuyên môn, phù hợp với đối tượng học viên cùng với sự truyền đạt nhiệt huyết của các thầy, cô giáo, bản thân tôi cũng như các bạn học viên khác đã vừa trang bị cho mình kiến thức, vừa tích lũy kinh nghiệm để ra trường là có thể làm nghề thành thạo”, Chương cho biết thêm.
 
Theo ông Nguyễn Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9, ngành Kỹ thuật chế biến món ăn của trường được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) quyết định đưa vào danh mục ngành trọng điểm, đào tạo theo chuẩn quốc tế. Đây cũng là một trong những ngành học thu hút đông học viên nhất của nhà trường. Số lượng học viên ra trường có việc làm cũng chiếm tỷ lệ cao nhất. Đặc biệt, là ngành đào tạo theo chuẩn quốc tế nên cơ hội việc làm của học viên tại nước ngoài cũng rộng mở hơn.
 
Chỉ tính riêng trong năm 2021, đã có gần 10 học viên tốt nghiệp ngành này đi làm việc tại các nhà hàng, khách sạn ở nước ngoài, chủ yếu là tại Đức và một số nước châu Âu. “Chương trình đào tạo chú trọng cả các món Âu, món Á với 70% thời gian thực hành, ngoài ra, trong quá trình học, học viên được tạo điều kiện để đi thực tế, làm thêm tại các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn nên sau khi ra trường, các em không còn bỡ ngỡ. Cơ hội việc làm vì thế cũng rộng mở hơn”.
 
Theo Quyết định số 1769/QĐ-LĐTBXH, ngày 25/11/2019 của Bộ LĐ-TB và XH về việc quyết định phê duyệt ngành, nghề trọng điểm, Quảng Bình có 5 trường công lập và 1 trường ngoài công lập được chọn là cơ sở đào tạo ngành, nghề trọng điểm. Khi được đầu tư, hỗ trợ đào tạo, lợi ích dễ nhận thấy là cơ hội cho học sinh, sinh viên khi tốt nghiệp các ngành, nghề này rất rộng mở. Tay nghề vững, chuẩn kỹ năng, học viên sau khi ra trường có thể lựa chọn nơi làm việc, mức thu nhập tương ứng với trình độ, tay nghề.
 
Đây cũng chính là nguồn nhân lực chất lượng giúp tỉnh nhà phát triển trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư lớn đang hoạt động và chuẩn bị đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Tay nghề vững, chuẩn kỹ năng, học viên sau khi ra trường có thể lựa chọn nơi làm việc, mức thu nhập tương ứng với trình độ, tay nghề.
Tay nghề vững, chuẩn kỹ năng, học viên sau khi ra trường có thể lựa chọn nơi làm việc, mức thu nhập tương ứng với trình độ, tay nghề.

 Đường dài và lắm gập ghềnh

Cũng theo Quyết định số 1769/QĐ-LĐTBXH, các trường đào tạo nghề tại Quảng Bình có 2 ngành được tập trung đầu tư theo chuẩn cấp độ quốc tế, 6 ngành theo chuẩn ASEAN và 13 ngành theo chuẩn quốc gia.
 
Tuy nhiên, như chia sẻ của đại diện các trường nghề trên địa bàn, để thực hiện được điều này là cả một câu chuyện dài và đầy khó khăn. Theo ông Dương Vũ Nhật Đồng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình, khi đầu tư vào các ngành, nghề trọng điểm, khó nhất vẫn là các ngành học theo chuẩn quốc tế.
 
“Các nghề trọng điểm quốc tế thì đòi hỏi chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất, thiết bị phải đạt chuẩn quốc tế. Tiếp đến là đội ngũ giáo viên cũng phải đạt chuẩn với 75% chương trình dạy nghề phải bằng tiếng Anh. Rồi đầu ra của học viên cũng phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quốc tế. Mà muốn vậy thì cần phải có kinh phí trong khi đó hầu hết các trường nghề hiện nay đều phải tự chủ tài chính nên đã khó lại càng khó khăn hơn. Chúng ta phải thẳng thắn với nhau rằng đề án xây dựng nghề trọng điểm quốc tế đã có nhưng đúng nghĩa quốc tế thì chưa phải”, ông Đồng khẳng định.
 
Theo bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH, thời gian qua, thực hiện theo quyết định của Bộ LĐ-TB và XH, từ nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh đã hỗ trợ các cơ sở đào tạo để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, một số nghề trọng điểm chưa tuyển sinh được. Một số nghề khác đã được đưa vào danh mục nhưng giai đoạn vừa rồi vẫn chưa đầu tư được, như: Y dược, du lịch...
 
Những năm gần đây, từ nguồn ngân sách và từ nguồn kinh phí riêng của các trường nghề mà cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề trọng điểm đã được đầu tư, mua sắm bổ sung. Tuy nhiên, so với yêu cầu để nâng cao tay nghề cho người học theo nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì các trường còn khó khăn trong huy động nguồn kinh phí đầu tư.
 
Nguồn vốn Trung ương và địa phương cấp cho các trường để thực hiện chương trình mục tiêu về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, chưa đủ so với nhu cầu thực tế. Một số trường chưa tiếp cận được nguồn vốn đầu tư cho ngành nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 từ Bộ LĐ-TB và XH. Trình độ khoa học công nghệ phát triển nhanh nên nhiều danh mục thiết bị khi đưa vào dự án đến khi thực hiện dự án không còn phù hợp.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 2239/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, phấn đấu bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đất nước; chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Thay vì đầu tư đào tạo dàn trải những nghề không trọng tâm, không sát nhu cầu xã hội, giờ đây, gỡ khó dần để tập trung đào tạo nghề trọng điểm là một trong những yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu này.
Diệu Hương
 
 
 
 

tin liên quan

Tích cực chăm lo đời sống cho đoàn viên

(QBĐT) - Chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động (ĐV, NLĐ) là một trong những hoạt động nổi bật của Công đoàn Viên chức (CĐVC) tỉnh thời gian qua. Trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch Covid-19, bằng những cách làm linh hoạt, thiết thực, CĐVC tỉnh và các công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc đã tích cực triển khai nhiều hoạt động quan tâm, động viên và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho ĐV, NLĐ.

Lượng người đến làm thủ tục xuất nhập cảnh tăng đột biến

(QBĐT) - Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, những ngày đầu năm mới, lượng người đến làm các thủ tục xuất nhập cảnh tăng từ 5-6 lần so với mọi năm (trung bình mỗi ngày có từ 200-400 người dân). 

Hội Tình nghĩa cán bộ hưu trí UBND tỉnh gặp mặt đầu xuân Nhâm Dần 2022

(QBĐT) - Trong không khí mừng Đảng, mừng xuân, sáng nay, 12/2, Hội Tình nghĩa cán bộ hưu trí UBND tỉnh tổ chức gặp mặt và mừng thọ hội viên.