Lan tỏa thông điệp yêu thương

  • 07:40 | Chủ Nhật, 23/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm tạo cơ hội cho học sinh khuyết tật (HSKT) được vui chơi, học tập, phát huy tính tự lực, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã quan tâm triển khai nhiều hoạt động, đem lại những kết quả tích cực, góp phần giúp trẻ khuyết tật (KT), trẻ tự kỷ vươn lên hòa nhập cộng đồng.
 
Để hỗ trợ trẻ KT hòa nhập, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở trực thuộc, các trường học quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho HSKT được học tập, tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường, hỗ trợ HS cả về vật chất lẫn tinh thần nhằm động viên, khích lệ các em vươn lên trong học tập, sinh hoạt.
 
Trường tiểu học số 1 Xuân Trạch (Bố Trạch), một trong những trường còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị những vẫn triển khai rất tốt các hoạt động giáo dục hòa nhập (GDHN) cho HSKT. Trường có 3 HSKT đang theo học, 2 em KT về vận động, 1 em bị câm, điếc. 
HS Nguyễn Thế Phong trong tình yêu thương của thầy cô, bè bạn.
HS Nguyễn Thế Phong trong tình yêu thương của thầy cô, bè bạn.

Cùng học chung một lớp với các bạn nhưng em Nguyễn Thế Phong, học sinh lớp 4 của trường phải nằm úp trên chiếc bàn nhỏ, bởi em bị bại liệt bẩm sinh, không thể đi lại và phục vụ bản thân. Để em viết được chữ, các cô giáo, thầy giáo đã dành nhiều thời gian, tâm sức bởi tay em không thể điều khiển được ngòi bút, phải nằm sấp và có sự hỗ trợ của cằm khi viết. Ấy vậy mà chữ viết của Phong lại rất đẹp dẫu viết chậm hơn các bạn. Đặc biệt là em học tốt tất cả các môn học (trừ môn Thể dục). Mỗi buổi học vì không thể giơ tay phát biểu như các bạn trong lớp, Phong thường vươn cao cổ và thể hiện với cô giáo qua ánh mắt.

Cô giáo Đinh Thanh Trang, một trong những người thường xuyên gần gũi hỗ trợ HSKT cho hay: Phong là cậu bé thông minh, sống rất tình cảm, hiểu chuyện và ham học hỏi. Em luôn hỏi thăm cô giáo chủ nhiệm cũ (hồi em học lớp 1, lớp 2), người đã dày công dìu dắt để em có được những nét chữ đầu tiên. Em khá mạnh dạn trong giao tiếp. Trong quá trình học, chỗ nào chưa rõ là em hỏi cô giáo ngay. Các cô giáo, thầy giáo luôn nhắc nhở các bạn cùng lớp noi gương Phong trong học tập, tạo niềm vui cho Phong trong các hoạt động tập thể.

Mỗi buổi sáng, Phong được bố chở đến trường bằng xe máy với sự hỗ trợ của em trai (học cùng lớp). Đến giờ học Tin học, Mỹ thuật, sinh hoạt ngoại khóa hoặc khi em có nhu cầu vệ sinh cá nhân, các thầy, cô giáo luôn bế Phong đi một cách cẩn trọng. Vất vả là vậy nhưng bằng tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc, các thầy giáo, cô giáo đã luôn đồng hành cùng Phong và các HSKT trong mọi hoạt động, tạo cho em niềm tin, niềm vui mỗi khi đến trường.

Trò chuyện với chúng tôi, Phong thổ lộ: “Con ước mơ lớn lên được làm bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người. Niềm vui lớn nhất của con là được đến trường, được gặp cô, gặp bạn…”.

Cũng giống như Nguyễn Thế Phong, em Hoàng Minh Tuấn (HS lớp 4) bị cụt 2 chân bẩm sinh, một tay không có bàn tay, bàn tay còn lại không đủ ngón nên việc học tập, sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. Em Nguyễn Gia Hiếu bị câm, điếc nên không thể học đều các môn mà chỉ học được môn Mỹ thuật và Thể dục. Các em đều được các thầy cô giáo quan tâm, hỗ trợ về mọi mặt.

Thầy giáo Nguyễn Tân Thành, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Xuân Trạch cho hay: Không ít gia đình có con em KT ngại đưa con đến trường vì sợ con không tiếp thu được kiến thức. Trước thực tế đo, nhà trường đã gặp gỡ, động viên, tạo điều kiện tốt nhất có thể nhằm mang lại cho các em cơ hội học tập và hòa nhập cộng đồng. Trường luôn vận dụng, tranh thủ từ các nguồn hỗ trợ để có những món quà thiết thực cho HSKT. Trường còn kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm trao tặng xe lăn, cùng chung tay với các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương để tặng cho gia đình em Nguyễn Thế Phong ngôi nhà kiên cố.

Một buổi học phụ đạo cho học sinh khuyết tật ở Trường tiểu học Đức Ninh.
Một buổi học phụ đạo cho học sinh khuyết tật ở Trường tiểu học Đức Ninh.
Trường tiểu học Đức Ninh (TP. Đồng Hới) cũng là một trong những đơn vị triển khai khá tốt hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ về mọi mặt cho HSKT.
 
Cô giáo Trần Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Năm học 2022-2023, trường có 8 HSKT theo học. Ngoài việc tranh thủ các nguồn lực để hỗ trợ, động viên các em như tặng quà nhân dịp Tết Trung thu, Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tết cổ truyền…, trường còn xây dựng các hoạt động hỗ trợ HSKT. Từ năm 2017,  trường đã xây dựng được góc hỗ trợ HSKT. Năm 2021, trường đã thành lập Phòng tư vấn học đường, hỗ trợ HS hòa nhập với cơ sở vật chất khá đồng bộ, có bàn ghế, ti vi và các điều kiện cần thiết để hỗ trợ HSKT học tập.
 
Ngoài các giờ học trên lớp, trường còn xây dựng kế hoạch mỗi tuần 1 buổi dạy riêng cho HSKT tại Phòng tư vấn học đường, hỗ trợ HS hòa nhập nhằm bổ sung kiến thức cho các em và lắng nghe những chia sẻ của các em để hỗ trợ về tinh thần, khích lệ, động viên các em trong học tập. Phòng được trang trí rất đẹp mắt bởi nhiều loại tranh, ảnh ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong GDHN, chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa, như: “Cộng đồng trách nhiệm, trao yêu thương”, “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, “Hãy yêu thương những người KT”, “Giúp đỡ người KT là niềm hạnh phúc”… cùng nhiều hình ảnh vui tươi, ngộ nghĩnh phù hợp với độ tuổi, nhận thức của HS tiểu học.
 
Chị Nguyễn Thị Hồng Liễu (thôn Tân Sơn, xã Đức Ninh) có con bị KT đang theo học tại trường trải lòng: "Nhờ đi học, con tôi có sự tiến bộ rõ rệt, mạnh dạn hơn, vui vẻ hơn. Gia đình chúng tôi rất biết ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của các thầy, cô giáo và sẽ cố gắng cho con theo học để con được hòa nhập cùng các bạn".
 
Trò chuyện với các cô giáo tại trường, chúng tôi được biết: HSKT, nhất là những em bị KT về trí tuệ tiếp thu bài học rất hạn chế nên ngoài việc dạy học ở lớp, giáo viên (GV) luôn tranh thủ thời gian để bổ trợ thêm kiến thức cho các em và thường xuyên kết hợp chặt chẽ với phụ huynh trong theo dõi sức khỏe, hỗ trợ các em trong môi trường học tập, sinh hoạt.
 
Việc dạy học cho trẻ em đã khó, đối với trẻ bị KT càng khó khăn gấp bội. Với các em bị KT về vận động, GV phải thay cha, mẹ bồng bế, nâng đỡ thì những HS bị KT về trí tuệ, tự kỷ, GV phải thường xuyên theo dõi bởi các em thường có những hành động tự phát gây mất trật tự trong giờ học, giờ chơi. Đối với những HS này, GV luôn nhẹ nhàng, âu yếm, dỗ dành để các em hợp tác tham gia các hoạt động.
 
Khó khăn nữa là nhiều GV chưa được trang bị kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này nên việc tiếp cận, dạy dỗ các em còn nhiều bất cập. Mặt khác, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động GDHN đối với trẻ KT ở nhiều cơ sở giáo dục chưa đồng bộ, công tác thu thập thông tin, xác định các KT còn bất cập, chưa đầy đủ dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện giáo dục cho HSKT.
 
Những khó khăn đó, đòi hỏi sự quan tâm, phối hợp hiệu quả hơn nữa của các cấp, ngành và toàn xã hội nhằm tạo môi trường học tập an toàn, thân thiện nhằm giúp HS nói chung, HSKT nói riêng phát triển cả về thể chất, trí tuệ và tự tin hơn trong cuộc sống.
 
Toàn tỉnh hiện có 3 trung tâm chuyên biệt dành cho HSKT tại: Quảng Trạch, Lệ Thủy và TP. Đồng Hới. Ngoài ra, còn có nhiều HSKT được học tập tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, chủ yếu ở bậc học mầm non và tiểu học. Theo thống kê, năm học 2022-2023, bậc học mầm non có 70 trường với 80 lớp tổ chức giáo dục hòa nhập cho 85 trẻ KT; bậc tiểu học có 1.054 HSKT, trong đó có 232 em học tập tại các trung tâm chuyên biệt, 822 em học tập sinh hoạt tại các cơ sở giáo dục. Đa số trẻ KT khi đi học đều có sự phát triển về mọi mặt, mạnh dạn tự tin hơn trong giao tiếp, ứng xử và có ý thức vươn lên trong học tập.
Nh.V

tin liên quan

"Hoang mang" bảo hiểm

(QBĐT) - Mới sáng sớm đã thấy hàng loạt tin nhắn, chị N. vội mở ra xem, thì ra là nhóm bạn nhắn tin bàn tán chuyện mua bảo hiểm nhân thọ. 

Trường THCS Lệ Ninh đoạt giải nhất hội thi chỉ huy Đội giỏi cấp tỉnh

(QBĐT) - Ngày 22/4, tại TX. Ba Đồn, Tỉnh đoàn tổ chức hội thi chỉ huy Đội giỏi cấp tỉnh, năm học 2022-2023.

Giấc mơ khởi nghiệp

(QBĐT) - Những chàng trai trẻ từng rời làng ra phố, dám bước ra khỏi vùng an toàn để dấn thân. Và, với tình yêu quê hương, họ trở về làm giàu ngay trên đồng đất nơi mình sinh ra, vun lên giấc mơ khởi nghiệp, trở thành những người truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ khác.