Giấc mơ khởi nghiệp

  • 08:21 | Thứ Bảy, 22/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những chàng trai trẻ từng rời làng ra phố, dám bước ra khỏi vùng an toàn để dấn thân. Và, với tình yêu quê hương, họ trở về làm giàu ngay trên đồng đất nơi mình sinh ra, vun lên giấc mơ khởi nghiệp, trở thành những người truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ khác.
 
Chuyện những “9X”
 
Năm 2013, Lê Văn Thăng (SN 1991), thôn Mai Hạ, xã Mai Thủy (Lệ Thủy) tốt nghiệp ngành Xây dựng dân dụng tại Trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Đang có việc làm ổn định ở Đà Nẵng nhưng Thăng bất ngờ trở về quê hương khởi nghiệp với công việc chính là tư vấn, thiết kế, thi công nội thất, chạm thủ công mỹ nghệ.
 
Theo chia sẻ của Thăng, năm 2017, sau khi trở về quê, anh đã mạnh dạn vay 200 triệu đồng để đầu tư xây dựng nhà xưởng có diện tích hơn 200m2 và mua 1 máy chạm gỗ để bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Ban đầu đi vào hoạt động, do trang thiết bị máy móc chưa hiện đại nên cơ sở chủ yếu sản xuất các mặt hàng đồ gỗ dân dụng thủ công, khách hàng đa phần là người địa phương. Bằng niềm đam mê, dám nghĩ, dám làm cùng với sự nỗ lực của bản thân, sau vài năm đi vào sản xuất, đầu tư trang thiết bị hiện đại, mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nên khách hàng tìm đến nhiều hơn. Hiện, cơ sở của Thăng chuyên thi công, thiết kế tủ bếp, tủ áo quần, phòng làm việc, vách ngăn bằng chất liệu nhựa PVC, MDF…
 
“Những ngày đầu khởi nghiệp gặp không ít khó khăn do nhu cầu thị trường không lớn, khách hàng, người dân đã quen sử dụng các sản phẩm cùng loại có giá thành rẻ. Bởi thế, tôi đã đẩy mạnh quảng bá, tự đến một số cơ quan, đơn vị chào hàng để giới thiệu cho mọi người biết về sản phẩm của mình. Tự bước ra khỏi vùng an toàn để sống vì đam mê, phải đối mặt với nỗi lo về kinh tế, trách nhiệm với gia đình, nhưng tôi luôn có  niềm tin trong những ngày đầu chập chững khởi nghiệp…”, Thăng chia sẻ.
Lê Văn Thăng đã đoạt giải ba cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào dây chuyền sản xuất.
Lê Văn Thăng đã đoạt giải ba cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào dây chuyền sản xuất.
Đến nay, mỗi năm doanh thu từ cơ sở của Thăng đạt trên 500 triệu đồng, trừ mọi chi phí anh thu lãi hơn 200 triệu đồng; giải quyết việc làm ổn định cho 10 lao động với thu nhập 7,5 triệu đồng/tháng. Ngoài phát triển kinh tế, anh Thăng còn là Bí thư Chi đoàn thôn Mai Hạ. Anh rất năng nổ trong các hoạt động Đoàn, tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội, giúp đỡ thanh niên ở địa phương học nghề để lập thân, lập nghiệp. Năm 2022, Lê Văn Thăng đã đoạt giải ba cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp do Tỉnh đoàn tổ chức với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào dây chuyền sản xuất.
 
“Dám rẽ ngang vì muốn thử thách bản thân, thay đổi cuộc sống, nhưng muốn thành công và để giấc mơ khởi nghiệp trở nên vững chãi, chắc chắn thì cần sự đam mê, theo đuổi nghiêm túc cùng tinh thần lao động nhiệt huyết, trách nhiệm…”, Lê Văn Thăng cho hay.
 
Với Thăng là vậy, còn con đường khởi nghiệp của Nguyễn Tấn Pháp (SN 1992), thôn Đoàn Kết, xã Hưng Thủy (Lệ Thủy) lại gập ghềnh và gian khó hơn.
 
Năm 2016, sau khi tốt nghiệp nghề cơ khí ở Trường trung cấp Nghề số 9 (nay là Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9), anh Pháp xin được công việc phù hợp với chuyên môn của mình ở một công ty chuyên sản xuất tinh bột sắn tại TP. Đồng Hới với mức lương khá cao và là niềm mơ ước với nhiều người trẻ ở thời điểm đó. Đầu năm 2018, anh Pháp quyết định từ bỏ công việc, về quê khởi nghiệp với nghề nuôi lợn.
 
“Khi tôi bỏ việc ở TP. Đồng Hới để trở về quê, cả gia đình đều ngạc nhiên. Thời điểm ấy, trong tay tôi chỉ có 10 triệu đồng. Vận động bố mẹ cho mượn tiền để đầu tư xây dựng chuồng trại nhưng không được chấp thuận, bởi thực tế tôi chưa biết nhiều về kỹ thuật chăn nuôi. Phải sau nhiều lần thuyết phục, gia đình mới đồng ý và tôi bắt đầu khởi nghiệp…”, anh Pháp chia sẻ.
 
Lúc đầu, anh Pháp mua 15 con lợn giống để nuôi thử nghiệm, do chưa biết nhiều về kỹ thuật nên lứa nuôi này bị chết 3 con. Thấy lợn chết anh cũng xót lắm, vì mỗi con lợn giống có giá từ 1,3-1,5 triệu đồng. Không nản chí, anh Pháp bắt đầu học tập, tìm hiểu về quy trình nuôi lợn một cách khoa học, bài bản. Quy mô chuồng trại ngày càng được mở rộng, đầu tư, anh bắt đầu nuôi số lượng lớn với khoảng 150 con lợn thịt và 10 con lợn nái, hơn 3.000 con gà, vịt. Năm 2020, anh Pháp thu lãi hơn 600 triệu đồng từ bán lợn. Sau hai năm khởi nghiệp, anh cũng đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang.
 
“Khởi nghiệp nào cũng có những khó khăn, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, tôi phải tiêu hủy toàn bộ số lợn đang có. Đàn gà, vịt hơn 1.000 con cũng lăn ra chết. Thời điểm đó, tôi mất gần 300 triệu đồng. May mắn là đến nay, tôi đã gây dựng lại đàn lợn với hơn 150 con lợn thịt và 10 lợn nái. Năm 2023, tôi đã xuất chuồng được 100 con lợn thịt, việc chăn nuôi cũng từng bước đi vào ổn định sau những bước đầu gian khó. Ngoài nuôi lợn, tôi cũng đã mạnh dạn nuôi thêm 40 đàn ong để tăng thêm thu nhập cho gia đình…”, anh Nguyễn Tấn Pháp thông tin.
 
“Truyền lửa” khởi nghiệp…
 
Năm 2022, huyện Lệ Thủy giải quyết việc làm cho khoảng 4.700 lao động, đạt 104,4%; trong đó, giải quyết việc làm mới cho khoảng 2.115 người và số lao động được tạo thêm việc làm do thiếu việc làm là 2.585 người. Bên cạnh đó, có 465 người tham gia xuất khẩu lao động, đạt 155% kế hoạch giao, bằng 232,5% so với năm 2022. Các trường hợp được giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động chủ yếu là ĐVTN trên địa bàn huyện…
Bí thư Huyện đoàn Lệ Thủy Phạm Văn Hoạt cho biết, mấy năm trở lại đây, phong trào khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn lan tỏa, phát triển mạnh mẽ. Từ sự chỉ đạo của địa phương, các cấp, các ngành, đặc biệt là các cấp bộ Đoàn đã phát huy vai trò nòng cốt trong tạo lập môi trường thuận lợi, thúc đẩy, hỗ trợ TN trong quá trình khởi nghiệp.
 
Bí thư Huyện đoàn Lệ Thủy cũng cho biết thêm, địa phương hiện có 2 câu lạc bộ khởi nghiệp hoạt động tốt; nhiều ĐVTN đã dám nghĩ, dám làm để lập thân, lập nghiệp với nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, như: Chăn nuôi, trang trại tổng hợp, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ, thủy sản. Lệ Thủy hiện có khoảng 25 mô hình khởi nghiệp của ĐVTN đang hoạt động hiệu quả, với thu nhập từ các mô hình đạt 200-250 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn…
 
“Khó khăn nhất hiện nay đối với hành trình khởi nghiệp của ĐVTN trên địa bàn là việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ phía Ngân hàng Chính sách xã hội. Bởi việc tiếp cận được nguồn vốn vẫn còn những rào cản, như: ĐVTN phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo, có tài sản thế chấp… Hơn nữa, đầu ra cho sản phẩm; quy trình đăng ký sản phẩm OCOP vẫn là những bài toán cần giải quyết…”, Bí thư Huyện đoàn Lệ Thủy cho hay.
 
Được biết, hàng năm Huyện đoàn Lệ Thủy được giao quản lý nguồn vốn vay ủy thác của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với hơn 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn này của ĐVTN mấy năm qua là bằng không. Trong khi trên thực tế, các ĐVTN rất cần nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh để quá trình khởi nghiệp thêm vững chãi…
 
“Để truyền lửa cho ĐVTN khởi nghiệp, thời gian tới, Huyện đoàn sẽ trao đổi với các ngân hàng xem xét lại quy trình, thủ tục vay vốn của ĐVTN; đồng thời, tranh thủ nguồn quỹ hỗ trợ của Tỉnh đoàn về áp dụng khoa học kỹ thuật để ĐVTN đăng ký vay vốn…”, Bí thư Huyện đoàn Lệ Thủy Phạm Văn Hoạt cho biết thêm.
 
Ngọc Hải

tin liên quan

"Hoang mang" bảo hiểm

(QBĐT) - Mới sáng sớm đã thấy hàng loạt tin nhắn, chị N. vội mở ra xem, thì ra là nhóm bạn nhắn tin bàn tán chuyện mua bảo hiểm nhân thọ. 

Phối hợp chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng cho đoàn viên, người lao động

(QBĐT) - Làm tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động là mục tiêu quan trọng mà Liên đoàn Lao động tỉnh và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện.

Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động

(QBĐT) - Công đoàn ngành Công thương hiện có 46 công đoàn cơ sở trực thuộc; trong đó 4 CĐCS hành chính sự nghiệp, 42 CĐCS doanh nghiệp với tổng số 2.568 đoàn viên. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, các cấp CĐ ngành đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho ĐV, người lao động.