"Ðỏ mắt" tìm bạn thuyền ra khơi

  • 14:32 | Thứ Hai, 17/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Miền trung đang bước vào vụ cá nam, thế nhưng nhiều chủ tàu cá trong khu vực đang lo lắng khi không tìm đủ lao động để ra khơi. Theo các Chi cục Thủy sản tỉnh, thành phố khu vực miền trung, tình trạng thiếu lao động nghề biển tại địa phương xảy ra nhiều năm nay, nhưng gần đây càng phổ biến và ở mức độ cao hơn.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Khác với các nghề khác, hầu hết lao động nghề biển trước đây đều xuất xứ từ các vùng ven biển và đều "cha truyền con nối". Tuy nhiên, những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, lao động nghề biển giảm nhiều. Không ít thanh niên các làng biển giờ đây không còn hào hứng với nghề biển truyền thống.
 
Xã Ðức Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) có 240 tàu đánh bắt xa bờ, lực lượng lao động cần có là 1.700 người. Tuy nhiên, tại địa bàn chỉ đáp ứng khoảng 1.000 người và đang giảm dần, do nhiều thanh niên lựa chọn con đường xuất khẩu lao động để mưu sinh.
 
Không để tàu neo bờ, nhiều chủ tàu phải tìm đến các xã đồng bằng, thậm chí vùng miền núi để tìm lao động đi biển. Nhiều chủ tàu đã lớn tuổi nhưng cũng phải ra khơi.
 
Tại tỉnh Khánh Hòa, trung bình mỗi chuyến biển có 150 tàu cá xuất bến từ cảng Hòn Rớ đi khai thác hải sản, nhưng gần đây đã có khoảng 30 tàu cá nằm bờ. Bên cạnh nguyên nhân chi phí đi biển tăng do giá nhiên liệu tăng, giá hải sản giảm, thì còn nguyên nhân là chủ tàu không tìm được lao động để cho tàu ra khơi.
 
Có những tàu câu cá ngừ cần tám lao động nhưng chỉ có bốn bạn thuyền vẫn phải đi, cho nên cường độ làm việc trên tàu khá vất vả. Ðó là chưa nói tới việc nhiều lao động được tuyển dụng vốn không phải là người ở vùng biển, cho nên chưa có kinh nghiệm khai thác hải sản, dẫn đến hiệu quả sản xuất hạn chế.
 
Thời gian qua, nhiều chuyến biển thua lỗ, chủ tàu không có lợi nhuận, bạn thuyền cũng không được chia, hoặc chỉ nhận hỗ trợ một phần nhỏ để giữ chân. Ðây là nguyên nhân khiến nhiều lao động bỏ nghề đi biển, tìm kiếm việc làm mới phù hợp và có thu nhập ổn định hơn. Từ đó dẫn tới hàng nghìn tàu cá neo bờ trong thời gian dài, thậm chí rất nhiều người chủ đã phải bán tàu cá để thu hồi vốn.
 
Trước thực tế đó, nhiều chủ tàu cá ở khu vực miền trung đã tìm nhiều cách để giữ chân lao động như cho ứng tiền lương, tăng tiền hỗ trợ, cải thiện điều kiện làm việc, ứng dụng kỹ thuật vào khai thác hải sản để giảm sức lao động thủ công.
 
Ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, nhiều chủ tàu đã thảo luận và thống nhất cho các tàu luân phiên ra khơi nhằm giúp nhau đủ lao động trong mỗi chuyến đánh bắt. Ðây cũng là cách tiết kiệm nhiên liệu và nâng cao hiệu quả sản xuất trong giai đoạn thiếu lao động làm nghề biển hiện nay.
 
Ðể nghề biển phát triển theo hướng bền vững, các địa phương cần phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề lao động nghề biển trên cơ sở cải thiện thu nhập và điều kiện làm việc trên tàu cá. Ðịnh hướng phát triển ngành khai thác thủy sản trong những năm tới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như của các tỉnh, thành phố khu vực miền trung là sẽ giảm dần số lượng tàu cá để giảm mật độ khai thác, bảo vệ nguồn lợi, nâng cao hiệu quả đánh bắt.
 
Cùng với đó, các địa phương khuyến khích các chủ tàu áp dụng khoa học-công nghệ, trang thiết bị hàng hải hiện đại trên các tàu cá để giảm số lượng lao động, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho thuyền viên.
 
Mặt khác, cần củng cố và nâng cao vai trò của tổ hợp tác trong nghề biển để các chủ tàu có trách nhiệm kết nối, điều hành và tương trợ lẫn nhau trong sản xuất cũng như ứng phó với thiên tai, cứu hộ cứu nạn khi đánh bắt trên biển.
 
Trước thực trạng chuyển dịch lao động nghề biển hiện nay, các bộ, ngành liên quan và địa phương ven biển cần xây dựng chính sách để thu hút, đào tạo lao động nghề biển, bảo đảm thu nhập và đời sống cho ngư dân, có như vậy mới giúp họ gắn bó lâu dài với nghề biển.
Theo Hương Giang  (NDO)

tin liên quan

Ngoại giao kinh tế: "Chìa khóa" thu hút đầu tư

(QBĐT) - Nhằm tận dụng tối đa thế mạnh ở các lĩnh vực và thời cơ bứt phá để phục hồi kinh tế sau đại dịch, thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế đã được tỉnh hết sức quan tâm. Qua đó phát huy vai trò cầu nối giữa địa phương với các đối tác trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, việc tham gia hàng loạt sự kiện NGKT của tỉnh đã góp phần không nhỏ thu hút nguồn lực đầu tư vào các dự án kinh tế lớn, trọng điểm của địa phương.

TP. Đồng Hới: Sản xuất công nghiệp đạt trên 928 tỷ đồng

(QBĐT) - Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Lê Hòa Sơn cho biết: Sau thời gian đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các cụm công nghiệp (CN) trên địa bàn TP. Đồng Hới đã được đưa vào quản lý khai thác hiệu quả…

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi dưới tán cây rừng

(QBĐT) - Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, những năm qua, trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương nông dân tiên tiến điển hình trong phát triển kinh tế; tiêu biểu là gia đình anh Trương Thanh Bình và chị Đinh Thị Hoài Thu ở thôn Đại Hữu, xã An Ninh.