Nỗi lo tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng dân tộc thiểu số

  • 07:59 | Thứ Ba, 05/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, mặc dù các cấp, ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin pháp luật về hôn nhân và gia đình, tuy nhiên, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn tỉnh vẫn tăng cao. Vấn đề này đã ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em và chất lượng dân số, là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.
 
Ngày 14-4-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 498/2015/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng ĐBDTTS giai đoạn 2015-2025” (Đề án 498). Theo đó, mục tiêu của đề án là nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng ĐBDTTS.
 
Dự án tập trung nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS cho cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa-xã hội xã; mục tiêu giảm bình quân 2-3%/năm số cặp tảo hôn và 3-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, DTTS có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng ĐBDTTS...
Nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng nặng nề chất lượng dân số và sự phát triển kinh tế-xã hội.
Nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng nặng nề chất lượng dân số và sự phát triển kinh tế-xã hội.
Thực hiện các nội dung của đề án, trong những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền; tổ chức 25 lớp tập huấn cho cán bộ, đồng bào tham gia; xây dựng, triển khai thực hiện mô hình điểm tại xã Thượng Trạch (Bố Trạch); kiểm tra ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong ĐBDTTS... Do đó, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống từ 2015-2020 chuyển biến theo hướng tích cực.
 
Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình, trong 6 tháng đầu năm 2021, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống lại có xu hướng gia tăng so với năm 2020 và các năm trước. Theo thống kê, toàn tỉnh có 28 trường hợp tảo hôn và 1 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Một số địa phương có số trường hợp tảo hôn cao như: Xã Trường Sơn (Quảng Ninh), xã Thượng Trạch (Bố Trạch), xã Dân Hóa (Minh Hóa)...
 
Trường Sơn là một xã vùng cao, biên giới của huyện Quảng Ninh. Xã có 19 thôn, bản với 1.197 hộ, 5.091 khẩu, trong đó 61,4% bà con là người Vân Kiều. Trình độ dân trí và am hiểu pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế là nguyên nhân của nhiều trường hợp tảo hôn. Theo thống kê của UBND xã Trường Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2021, xã đã có 6 cặp tảo hôn. 
 
Bà Trần Thị Thùy Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết: Thời gian qua, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý của tỉnh để trợ giúp pháp lý, đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung về Luật Hôn nhân và gia đình… Tuy nhiên, do bà con chưa nhận thức được hậu quả của nạn tảo hôn nên tình trạng tảo hôn của xã vẫn còn cao. Thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
 
Cũng như xã Trường Sơn, tình trạng tảo hôn cũng diễn ra khá phổ biến tại xã Thượng Trạch. Theo thống kê của UBND xã Thượng Trạch, 6 tháng đầu năm 2021, địa phương có 7 cặp tảo hôn, trong đó có 1 cặp tảo hôn cả nam và nữ, 6 cặp tảo hôn nữ. Đơn cử như trường hợp của cặp vợ chồng Đ.T. (SN 2004) và Y.K. (SN 2004). Mặc dù cả hai chưa đủ 18 tuổi, không được pháp luật cho phép nhưng gia đình hai bên vẫn tổ chức đám cưới và mời họ hàng, láng giềng đến dự.
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn tảo hôn cũng như hôn nhân cận huyết thống như: Nhận thức của người dân về pháp luật hôn nhân còn hạn chế; bà con vẫn còn mang nặng tư tưởng lạc hậu, cha mẹ suốt ngày lên nương rẫy ít có thời gian quan tâm, chăm sóc con cái… Hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của các bà mẹ, cũng là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn gia đình, đói nghèo gia tăng…, là gánh nặng cho xã hội. Riêng hôn nhân cận huyết còn gây ra những hậu quả nặng nề, trẻ sinh ra sẽ mang nhiều căn bệnh như: Dị tật, tan máu bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng…
 
Ông Phan Công Khánh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng ĐBDTTS, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân; tập huấn bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho độ ngũ cán bộ, công chức tại địa phương tham gia thực hiện Đề án 498...
Theo quy định của pháp luật, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đều là những hành vi bị nghiêm cấm. Nếu người nào vi phạm thì  bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000 đồng-30 triệu đồng hoặc nặng hơn có thể bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.
 
Phạm Hà
 

tin liên quan

Tập huấn kỹ năng phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

(QBĐT) - Ngày 30-9, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức tập huấn trực tuyến kỹ năng phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và kỹ năng theo dõi, giám sát thông tin xấu, độc trên không gian mạng cho lãnh đạo, người phát ngôn của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương.

Rác thải "đe dọa'' kênh mương thủy lợi

(QBĐT) - Hệ thống kênh mương trên địa bàn tỉnh ngày càng được hoàn thiện, góp phần quan trọng điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng nhiều tuyến kênh mương đang phải "cõng" một lượng rác khổng lồ, không chỉ gây khó khăn cho lực lượng thủy nông điều tiết nước sản xuất, mà còn gây ô nhiễm môi trường, đe dọa về an toàn các tuyến kênh mương.

Những tấm lòng nhân ái giữa đại dịch

(QBĐT) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, bên cạnh sự nỗ lực, chủ động, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong tỉnh đã có nghĩa cử cao đẹp góp phần san sẻ, hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, tạo nên tinh thần đoàn kết toàn dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.