Rác thải "đe dọa'' kênh mương thủy lợi

  • 08:57 | Thứ Năm, 30/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hệ thống kênh mương trên địa bàn tỉnh ngày càng được hoàn thiện, góp phần quan trọng điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng nhiều tuyến kênh mương đang phải "cõng" một lượng rác khổng lồ, không chỉ gây khó khăn cho lực lượng thủy nông điều tiết nước sản xuất, mà còn gây ô nhiễm môi trường, đe dọa về an toàn các tuyến kênh mương.
 
Rác thải... ngập kênh mương thủy lợi
 
Tuyến kênh thủy lợi hồ Vực Tròn với chiều dài kênh 28km, có chức năng điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho khoảng gần 3.000ha lúa của 4 xã vùng Nam huyện Quảng Trạch và 3 xã vùng Bắc của TX. Ba Đồn.
 
Những năm qua, tuyến kênh này đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn nước tưới ổn định cho đồng ruộng, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhưng, một thời gian dài, trên dòng kênh này, người dân xả nhiều rác thải sinh hoạt, xác động vật chết gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến việc điều tiết nước cũng như sinh hoạt của những hộ dân sống dọc tuyến kênh.
Rác thải ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại tuyến kênh mương hồ Vực Tròn đi qua xã Quảng Hưng (Quảng Trạch).
Rác thải ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại tuyến kênh mương hồ Vực Tròn đi qua xã Quảng Hưng (Quảng Trạch).
Chị Trần Thị Hồng, thôn Tú Loan 3, xã Quảng Hưng (Quảng Trạch) cho biết: "Nhà tôi sát khu vực đặt hàng rào chắn rác gần cuối tuyến kênh chính nên thường phải hứng chịu đủ các thứ mùi khó chịu do rác thải từ đầu kênh đổ về. Đặc biệt, về mùa nắng, vì thiếu ý thức nên một số hộ đã mang xác gia súc, gia cầm vứt xuống lòng kênh trôi về đây gây mùi hôi thối nồng nặc. Còn về mùa lũ, nước mưa dâng lên, rác lênh láng vào tận sân, tận ngõ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng".
 
Tuyến kênh mương thủy lợi hồ Rào Đá cũng lâm vào tình trạng tương tự, đoạn kênh mương chính này có chiều dài 18km, phục vụ tưới tiêu cho 6.000ha lúa/năm tại 7 xã thuộc huyện Quảng Ninh.
 
Tuy nhiên, tình trạng xả rác thải, xác động vật của người dân hai bên kênh đã gây ảnh hưởng lớn đến việc tưới tiêu, gây ô nhiễm môi trường. Tình trạng này còn tác động nặng nề đến việc cấp nước cho trạm bơm Duy Hàm phục vụ sản xuất và nếu không có biện pháp xử lý kịp thời có thể gây vỡ kênh mương thủy lợi do bị tắc dòng chảy.
 
Theo ông Nguyễn Thanh Phùng, Trưởng chi nhánh Thủy nông huyện Quảng Ninh, rác thải trên tuyến kênh mương từ đầu nguồn kênh chính hồ Rào Đá đến cống đầu kênh của các địa phương luôn trong tình trạng quá tải. Tính trung bình mỗi năm, đơn vị chuyên chở hơn 30 xe rác thải từ các kênh mương thủy lợi trên địa bàn huyện để xử lý.
 
Cần xử lý nghiêm tình trạng xả thải ra kênh, mương
 
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý khai thác hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh gồm 17 hồ chứa, 10 trạm bơm, 3 đập dâng và đập ngăn mặn giữ ngọt Mỹ Trung, tưới tiêu cho trên 29.600ha lúa hai vụ, cấp nước cho nhà máy nước sinh hoạt trên 10 triệu m3/năm và hoạt động ở các ngành dân sinh kinh tế khác.
 
Tuy nhiên, ông Trần Hồng Quảng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi cho biết: Thời gian qua, cùng với nhiệm vụ điều tiết nước phục vụ sản xuất, công ty đã phải "gồng mình" thu gom và vận chuyển để xử lý lượng lớn rác thải trên nhiều hệ thống kênh chính và kênh nhánh, tình trạng vi phạm này diễn ra ngày càng nhiều. Hiện 15/17 tuyến kênh chính tại các hồ chứa do công ty quản lý đi qua khu dân cư phải xử lý rác thải.
Dọc một số tuyến kênh mương, người dân vứt rác bừa bãi.
Dọc một số tuyến kênh mương, người dân vứt rác bừa bãi.
Theo ông Trần Hồng Quảng, hệ lụy từ vấn nạn rác thải trên kênh, mương rất lớn. Việc lắp đặt lưới chắn rác, bố trí nhân công, hệ thống máy móc, trang thiết bị để trục vớt và xử lý rác thải trên các tuyến kênh, mương cũng chỉ là giải pháp tạm thời mang tính tình thế.
 
Công ty mong muốn các sở, ngành và chính quyền địa phương xử lý nghiêm trường hợp vi phạm; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu, nâng cao nhận thức, không nên xả thải xuống kênh mương để bảo đảm dòng chảy và chất lượng của nguồn nước tưới được ổn định cũng như bảo vệ môi trường.
 
Về phía chính quyền địa phương, ông Đàm Văn Tứ, Chủ tịch UBND xã Quảng Hưng (Quảng Trạch) cho hay, tình trạng rác thải dồn ứ trên tuyến kênh Vực Tròn đoạn chảy qua địa phận xã Quảng Hưng đã tồn tại nhiều năm qua.
 
Hàng năm, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các hội, đoàn thể lồng ghép tuyên truyền, vận động người dân không được xả thải ra các kênh mương, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm; bắt buộc người dân tham gia dịch vụ môi trường để vận chuyển, xử lý rác thải đúng nơi quy định.
 
Tuy nhiên, xã Quảng Hưng là điểm gần cuối kênh chính nên mỗi lần cho nước về tưới tiêu thì rác thải từ đầu nguồn các xã khác cũng đổ về theo.
 
Để ngăn chặn tình trạng này, bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, các địa phương cần có chế tài xử phạt hành vi vi phạm. Đồng thời, cần lắp đặt các rào chắn rác; sử dụng lao động dọn rác tuần tra dọc tuyến kênh mương; lắp đặt camera giám sát ở những khu vực xả rác nghiêm trọng.
 
Việc xử lý trách nhiệm của lãnh đạo địa phương nếu để xảy ra tình trạng rác thải tại các kênh mương trên địa bàn cũng đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra, các địa phương cần quy hoạch và xây dựng các vị trí thu gom rác thải sinh hoạt của người dân; đề nghị các đơn vị ký kết hợp đồng thu gom rác thải phải thực hiện hàng ngày để giảm thiểu tình trạng xả rác bừa bãi...
 
"Không chỉ rác thải bình thường, trên tuyến kênh còn có xác lợn chết với trọng lượng nặng hơn cả tạ, ghế sô pha, nệm xốp…phải vài người mới vớt những vật nặng đó lên được, gây khó khăn cho nhân viên chúng tôi trong việc bảo vệ dòng kênh cũng như điều tiết nước tưới tiêu cho bà con nông dân", ông Phạm Bình Phẩm, Trưởng chi nhánh thủy nông huyện Quảng Trạch bức xúc.
Thanh Hoa
 
 

tin liên quan

Những tấm lòng nhân ái giữa đại dịch

(QBĐT) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, bên cạnh sự nỗ lực, chủ động, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong tỉnh đã có nghĩa cử cao đẹp góp phần san sẻ, hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, tạo nên tinh thần đoàn kết toàn dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh. 

Áp dụng Chỉ thị 16 tại một số khu vực phường Quảng Thọ (TX. Ba Đồn)

(QBĐT) - Ngày 29-9-2021, đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Quyết định số 3119/QĐ-UBND về việc bổ sung các mức độ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TX. Ba Đồn. Nội dung như sau:

Linh mục Nguyễn Ái cùng bà con giáo xứ Đan Sa góp sức chống dịch

(QBĐT) - Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, với tinh thần sẻ chia lúc khó khăn, chung tay phòng, chống dịch bệnh, ngày 27-9-2021, linh mục Nguyễn Ái đã cùng với bà con tại giáo xứ Đan Sa (phường Quảng Phúc, TX. Ba Đồn) mua lương thực, thực phẩm tổ chức nấu 250 suất ăn trưa cho các công dân đang thực hiện cách ly tại các khu cách ly tập trung của thị xã gồm trụ sở Ban chỉ huy Quân sự thị xã (cũ), Trung tâm giáo dục-dạy nghề thị xã và Trường mầm non Ba Đồn.