Mùa dâu da chín
(QBĐT) - Vùng đất Mỹ Thủy (Lệ Thủy) nằm về phía hữu ngạn dòng Kiến Giang. Sau mỗi mùa mưa lũ, phù sa lại bồi đắp cho mảnh đất này thêm mỡ màu. Để rồi, lũ qua, cây cối lại đơm bông, kết trái. Đến Mỹ Thủy mùa này, những vườn dâu da chín rộ trĩu trịt trên những thân cây sần sùi qua thời gian. Trải qua mưa nắng, quả dâu da trở thành một phần làm nên hồn đất, hồn làng của vùng quê này.
Đến những làng quê của vùng đất Mỹ Thủy, tôi lại có cảm giác như thể đi đến làng trái cây Đại Bình (Quảng Nam)-vùng đất được ví như vựa trái cây Nam bộ giữa dọc dài miền Trung-bởi vẻ đẹp xanh mướt và ngọt lành của những vườn cây trĩu quả nơi này. Một cảm giác yên bình được tạo nên bởi màu xanh của cây lá, của những thân dâu da trĩu quả, mọng nước.
Dễ dàng nhận thấy bên trong những ngôi làng đang thay da đổi thịt với những mái nhà cao tầng, ngói đỏ thi nhau mọc lên thì vẫn hiện hữu những vườn cây xanh trĩu quả. Tháng 8, tháng 9 âm lịch là mùa của những vườn dâu da trĩu trịt, rộm đỏ, mặc mưa, mặc nắng. Bao năm tháng đi qua, những mùa dâu da đã từng là loại cây gắn bó sâu nặng với người dân nơi này.
Đến giờ, khi những vườn cây bạt ngàn đã dần bị thu hẹp lại, những trái cây có giá trị kinh tế khác đã được trồng ở nơi này, thì với người Mỹ Thủy, cây dâu da vẫn hiện hữu như một phần làm nên hồn vía của làng. Để rồi, hễ nhắc đến vùng đất phía hữu ngạn sông Kiến Giang, người ta lại thấy thèm quay quắt vị dâu da chua chua, ngọt ngọt, ăn một lần là nhớ mãi vị đặc trưng riêng có của nó.
Theo Địa chí Lệ Thủy của cụ Nguyễn Tú, Mỹ Thủy vào thế kỷ XV có một làng cổ tên An Trạch, nay là làng Mỹ Trạch. Cũng như những làng quê khác của Mỹ Thủy, Mỹ Trạch ngày nay vẫn giữ được nếp làng dù cuộc sống của người dân quê đã đổi khác từng ngày.
Ông Nguyễn Trọng Điềm (thôn Mỹ Trạch, xã Mỹ Thủy) nay đã bước qua tuổi 90. Gần một thế kỷ gắn bó với vùng đất Mỹ Trạch, ông bảo, với nhiều thế hệ người làng Mỹ Trạch, cây dâu da hiện diện trong đời sống của họ, nhất là những năm đói khổ. Từ ngày nhỏ, ông Điềm đã nhìn thấy những gốc dâu được trồng san sát trong mảnh vườn nhà. Mỗi mùa lũ rút, cây dâu da lại vươn lên giữa mỡ màu phù sa của đất, mảnh vườn lại thêm tốt tươi. Giờ, sau mấy chục năm hết dựng nhà, đến cải tạo vườn, mảnh vườn hơn 1.600m2 nay còn gần 60 cây dâu. Mỗi mùa dâu chín, thân cây trĩu trịt những chùm dâu chín đỏ.
“Mấy năm trước, cứ đến dịp 2-9 là bắt đầu hái dâu xuống huyện để bán. Cả vườn cũng bán được chừng hơn 2,1 tấn dâu, thu về 20 triệu đồng mỗi năm”, ông Điềm tự hào kể, rồi với tay hái một chùm dâu đỏ mọng trao cho những người khách phương xa. Cuộc sống ngày một đổi khác, dâu da trở thành loại trái cây dân dã giữa muôn vàn trái cây có giá trị kinh tế nhưng ông vẫn quyết giữ lại vườn dâu và tự hào nhìn mỗi mùa dâu chín đi qua vườn nhà.
Dâu da ra hoa vào mỗi độ tháng 2 âm lịch, cứ thế, tháng 7 bắt đầu cho ra những trái chín đầu tiên. Nhưng chín mọng nhất phải tháng 8, tháng 9 âm lịch. Đặc biệt, mỗi dịp 2-9, khi lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang được tổ chức, quả dâu da lại xuôi về trung tâm huyện, vào các chợ và được bán ở khắp những nẻo đường. Từng chùm dâu da chín trở thành món quà vặt thú vị trong những giờ phút đứng đợi thuyền đua đi qua. Vào mỗi dịp 2-9, cùng mâm cúng mừng Quốc khánh, người Lệ Thủy có truyền thống làm mâm giỗ Bác Hồ. Và trên mỗi ban thờ trong dịp đặc biệt ấy, không thể thiếu những chùm dâu da mọng đỏ.
Đến Mỹ Thủy hôm nay, những vườn dâu da đã không còn dày đặc như dạo trước. Nhưng như lời ông Điềm nói, mỗi gia đình ở vùng quê này đều cố giữ lấy một vài cây trong vườn nhà, vừa để ăn, vừa làm cảnh nhưng quan trọng hơn cả, họ muốn níu giữ lấy một phần làm nên hồn vía của vùng đất.
Bà Võ Thị Nguyệt (82 tuổi, thôn Mỹ Trạch) hào hứng kể rằng trong mảnh vườn của bà còn có 15 cây dâu da, đủ loại dâu đỏ, dâu trắng. Mỗi dịp đến mùa dâu chín, vườn dâu của bà lại đón khách đến tham quan, vừa để mua dâu. Dâu da không phải là thứ trái cây mang giá trị kinh tế nhưng sau mỗi bận định chặt đi, trồng cây mới, bà lại tần ngần không nỡ bỏ.
Vậy là, mỗi mùa trăng đi qua mảnh vườn nhỏ, những cây dâu da vẫn bền bỉ sống qua bao bận lũ lụt, những mùa hạn hán. “Mùa dâu chín, giá chỉ dao động từ 10.000-15.000 đồng/kg. Họ tới mua tận vườn thì giá rẻ hơn nữa”, nói đoạn, bà bóc đưa cho chúng tôi quả dâu mọng nước. Bà bảo, muốn thưởng thức được cái vị đặc trưng của dâu da Mỹ Thủy thì phải từ từ cảm nhận. Bóc vỏ, thay vì vội vã nhả hạt ra thì hãy ngậm lâu một chút, để cho vị chua chua, ngọt ngọt tỏa lan nơi đầu lưỡi, rồi cứ thế nuốt luôn cả hạt. Vị dâu da hẳn sẽ khiến cho những ai một lần nếm thử sẽ nhớ mãi không quên.
Rời Mỹ Thủy, cầm trên tay chùm dâu chín đỏ, tôi chợt nghĩ nhiều đến câu chuyện trong tương lai không xa, rằng biết đâu, một mai, khi nhịp sống trở lại bình thường, sẽ hứa hẹn một tour du lịch thú vị. Du khách sẽ ghé thăm Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi xuôi thuyền, nghe hò khoan trên dòng Kiến Giang lên với Mỹ Thủy, viếng chùa Hoằng Phúc và không quên ghé thăm những vườn dâu da trĩu quả. Chỉ nghĩ vậy mà vị dâu da chợt nghe đã ngọt ngào quá đỗi.
Ghi chép của Diệu Hương