Chuyện kể từ tâm dịch

  • 21:51 | Thứ Hai, 13/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đã tròn một tháng đoàn công tác gồm 50 cán bộ y tế của Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới xuất quân vào chi viện cho miền Nam ruột thịt, thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 Bệnh viện Trung ương Huế (quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh). Tranh thủ những phút nghỉ ngơi sau ca trực, Thầy thuốc ưu tú, BS CKII Nguyễn Kỳ Nhân, trưởng đoàn công tác đã dành thời gian chia sẻ những câu chuyện, những nỗi niềm của người bệnh và tâm tình của người thầy thuốc trong tâm dịch…  
Đoàn cán bộ y tế của Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới tại Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 Bệnh viện Trung ương Huế (quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh).
Đoàn cán bộ y tế của Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới tại Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 Bệnh viện Trung ương Huế (quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh).
 
"Phao cứu sinh" cuối cùng
 
Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19 của Bệnh viện Trung ương Huế nằm trong khuôn viên Bệnh viện Dã chiến số 14 (địa chỉ số 02, đường Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) là tuyến cuối trong bậc thang điều trị BN Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh. Trung tâm tiếp nhận, điều trị cho các BN nặng và nguy kịch được chuyển lên từ các cơ sở y tế thuộc quận 12, quận Tân Phú, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và từ các bệnh viện dã chiến chuyển đến.
 
Trung tâm có quy mô 600 giường bệnh, được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, như: máy thở chức năng cao, máy monitor, máy sốc tim, bồn oxy dung tích 20m2, hệ thống oxy tới tận giường bệnh. Tại đây, hiện có hơn 400 y bác sỹ (BS) chủ yếu là nhân lực của Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam và Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa. Trung tâm đang điều trị tích cực cho hơn 330 BN Covid-19 thể nặng và nguy kịch. 
Các nhân viên y tế phải sử dụng thành thạo các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại mới giành giật được sự sống cho BN.
Các nhân viên y tế phải sử dụng thành thạo các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại mới giành giật được sự sống cho BN.
BS Kỳ Nhân chia sẻ: “Khi vào nhận nhiệm vụ, thực tế khác xa với những gì mình hình dung. Đặc biệt người bệnh ở đây có những điểm cũng khác xa với những BN mà chúng tôi hàng ngày điều trị ở bệnh viện mình. BN của trung tâm đủ thành phần và lứa tuổi, có thanh niên mới 19 đôi mươi, hay những thai phụ vừa mới sinh con, cho đến người cao tuổi có sẵn bệnh nền… Họ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và được BS ở các cơ sở y tế tuyến dưới đánh giá đang ở giai đoạn nặng, nguy kịch buộc phải chuyển đến đây. Điều đó cũng có nghĩa là bệnh của họ có thể diễn biến nhanh, đột biến. Sinh tử đôi khi chỉ trong tích tắc… Và không ai khác, các nhân viên y tế chính là "phao cứu sinh" cuối cùng của họ”.
 
“Phải nhanh nhẹn và chuẩn xác mới cứu được bệnh nhân…”
 
Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 Bệnh viện Trung ương Huế chia làm 4 phân khu: BN nặng nguy kịch, BN nặng, thoát hồi sức và chuẩn bị ra viện. Đoàn của Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới được phân công điều trị tại hầu hết các phân khu. Đây là tuyến cuối nên đòi hỏi tác phong cũng như chuyên môn của đội ngũ y BS phải luôn nhanh nhẹn và chuẩn xác mới cứu được BN.
 
Theo bác sỹ Nhân, bài học đầu tiên của nhân viên y tế khi làm việc tại đây là mặc và cởi đồ bảo hộ. Việc cởi bảo hộ sau ca trực được huấn luyện rất kỹ lưỡng vì đây là khâu quan trọng để tránh lây nhiễm. Tiếp theo là tiếp cận với các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại… đòi hỏi các nhân viên y tế phải sử dụng thành thạo mới giành giật được sự sống cho BN trước hàng triệu triệu con virus SARS-CoV-2 luôn rình rập để quật ngã BN bị tổn thương phổi nặng.   
Đây là tuyến cuối nên đòi hỏi tác phong cũng như chuyên môn của đội ngũ y BS phải luôn nhanh nhẹn và chuẩn xác mới cứu được BN.
Đây là tuyến cuối nên đòi hỏi tác phong cũng như chuyên môn của đội ngũ y BS phải luôn nhanh nhẹn và chuẩn xác mới cứu được BN.
Các y BS thực hiện mỗi ca trực 12 tiếng (từ 7h sáng đến 7h tối hoặc từ 7h tối đến 7h sáng). Một ca trực có từ 8-10 người làm nhiệm vụ điều trị, chăm sóc cho gần 200 BN. Mỗi ca chia thành 2 kíp trực vòng ngoài và vòng trong, liên lạc qua bộ đàm. Một BS sau khi mặc bảo hộ cấp 4 dày kín như “nhà du hành vũ trụ” bước vào phòng cách ly trực tiếp với bệnh nhân F0 từ 4 đến 6 tiếng làm việc không ngơi nghỉ. Bởi ở đây, tình trạng BN có thể diễn biến xấu đi rất nhanh và khó lường.
 
Vì vậy, dù sáng sớm hay đêm khuya, những người trong kíp trực không ai được phép rời mắt khỏi người bệnh, luôn theo dõi, giám sát, kiểm tra, thăm khám để biết chính xác tình trạng của từng BN … Không chỉ bằng chuyên môn mà người thầy thuốc còn phải thường xuyên huy động hết các giác quan để nhận biết tình hình người bệnh.
 
Mỗi khi có tín hiệu báo động, các y bác sỹ đã xác định được ngay phương hướng và lập tức di chuyển nhanh nhất đến giường bệnh đó. "Ở đây chúng tôi luôn phải chạy đua với thời gian mới cứu sống được người bệnh. Khi xử lý khẩn cấp các ca bệnh này thì hơi nước làm mờ kính chắn bảo hộ rất khó nhìn và mồ hôi cũng ướt sũng quần áo suốt ca trực… nhưng không sao cả, mọi người vẫn làm việc hết mình và không một lời than phiền hay một câu ân hận vì đã xung phong vào tâm dịch!”, bác sỹ Nhân chia sẻ thêm.
Chăm sóc dinh dưỡng cho từng bệnh nhân.
Chăm sóc dinh dưỡng cho từng bệnh nhân.
Nơi này, BN vào viện chỉ một mình, nên tất cả mọi việc đều tự tay các nhân viên y tế thực hiện. Các y BS tại đây làm việc với 200% công suất mỗi ngày, từ việc nỗ lực “căn” từng giây để giành giật sự sống cho BN đến việc chăm sóc ăn uống, vệ sinh cá nhân, đánh răng, tắm rửa, gội đầu và phục hồi chức năng. Không một ai nề hà, họ làm công việc bằng chính trái tim mình.
 
“Nếu phải trả lời bạn về ấn tượng đáng nhớ nhất, có lẽ với những thầy thuốc trong tâm dịch thì ca trực nào cũng ấn tượng và đáng nhớ cả... Từ khi trung tâm đi vào hoạt động, ngày nào chúng tôi cũng đón thêm BN nặng, nguy kịch từ tuyến dưới chuyển lên. Đau lòng hơn là phải chứng kiến những BN xấu số, trong đó có cả những bà mẹ mới chỉ 21-22 tuổi vừa mới sinh con đã phải rời xa cuộc sống này. Những lần như vậy tim ai cũng nhói đau vì bất lực và cảm giác mình đã không hoàn thành nhiệm vụ và mắc nợ với Nhân dân. 
Phục hồi chức năng cho người bệnh.
Phục hồi chức năng cho người bệnh.
Chắc bạn đã xem phim “Ranh giới” của VTV, đó mới chỉ là một nhát cắt nhỏ trong cuộc chiến ở tâm dịch này. Đặc biệt, ở những bệnh viện tuyến cuối, cuộc đấu tranh giành giật sự sống cho BN Covid-19 trên thực tế còn khốc liệt hơn nhiều… Vì vậy, nơi đây chỉ có tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự cảm thông, sẻ chia và thấu hiểu mới xoa dịu được nỗi đau của người bệnh, giúp họ vững tin chống chọi lại căn bệnh quái ác này”, bác sỹ Nhân nghẹn giọng.
 
Hơn 400 cán bộ y tế đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau nhưng mọi người luôn đồng lòng, chung sức vì người bệnh! Một tháng tại tâm dịch với cường độ làm việc căng thẳng, vất vả khó khăn là vậy nhưng đội ngũ cán bộ y tế vẫn luôn vững vàng, mạnh khỏe. BS Nhân bảo, vừa rồi  có mấy BS bị sốt, trong đó đoàn Quảng Bình có đến 3 BS… ai cũng lo lắng. Nhưng may mắn, kết quả xét nghiệm RT-PCR đều âm tính. Sáng mai ra, họ lại vui vẻ vào ca trực.
Một buổi giao ban sau ca trực để đánh giá tình trạng của từng bệnh nhân để có hướng điều trị kịp thời.
Một buổi giao ban sau ca trực để đánh giá tình trạng của từng bệnh nhân và có hướng điều trị kịp thời.
 
Nghĩ về quê từ... tâm dịch
 
Ngày 12-8-2021, đoàn cán bộ nhân viên y tế Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới gồm 50 thành viên (23 nam và 27 nữ) cùng đồng nghiệp ở Bệnh viện Trung ương Huế lên đường vào TP. Hồ Chí Minh để cùng ngành y tế TP chống dịch.
 
Hơn một tháng trôi qua, tuy đã có những tín hiệu tích cực từ bệnh viện nơi đoàn công tác, với gần 40 BN được điều trị khỏi và xuất viện nhưng dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa được kiểm soát. Nơi phương xa, những bác sỹ vẫn căng mình cùng miền Nam chống dịch thì tại quê nhà Quảng Bình, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, số ca nhiễm tăng lên từng ngày... Nghĩ về quê hương, những y bác sỹ ấy lại thương nhớ khôn nguôi.
 
"Thương đồng bào miền Nam ruột thịt nhưng cũng nặng lòng với quê hương, đoàn chúng tôi nhất là các bạn nữ có con còn nhỏ gửi lại người thân cũng mong ngóng ngày về… Nhưng khi nghe trưởng đoàn động viên rằng các đồng nghiệp ở nhà cũng đang căng mình chống dịch, không có ai vào thay cho chúng ta được, mọi người lại vững vàng tinh thần  vào ca trực, thực hiện sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc nơi tâm dịch… mà chưa hẹn ngày về…”, bác sỹ Nhân trải lòng.
 
Khoảng 80% người nhiễm Covid-19 tự khỏi
 
Đau đáu với tình hình dịch bệnh ở quê nhà, BS Kỳ Nhân mong muốn sẻ chia với đồng nghiệp: “Anh em đang điều trị BN Covid-19 của tỉnh cần theo dõi sát BN ở khu tầng 1 và tầng 2. Ở đây cần có BS chuyên khoa, kinh nghiệm về các bệnh tim mạch, nội tiết... Hàng ngày cần kiểm tra tình trạng BN để điều chỉnh thuốc cho phù hợp, cùng với đó, chế độ dinh dưỡng hợp lý là rất quan trọng. Nếu chúng ta tập trung xử lý tốt ở tầng 1 và tầng 2 thì sẽ giảm được rất nhiều tỷ lệ BN tử vong.  
 
Virus SARS-CoV-2 nguy hiểm khi tấn công vào phổi nhưng cũng chỉ là một loại virus, đừng quá hoang mang lo lắng… Rất mong người dân và đồng nghiệp ở quê nhà bình tĩnh chống dịch. Ở đây, ngày nào đội ngũ nhân viên y tế cũng tiếp xúc trực tiếp với F0 nhưng mọi người vẫn khỏe mạnh và đang thực hiện tốt nhiệm vụ. Khoảng 80% người nhiễm tự khỏi, nếu chúng ta kiểm soát tốt, ăn uống đủ chất và thực hiện nghiêm túc 5K, 5T thì virus SARS-CoV-2 không có gì đáng sợ”. 
 
Một số hình ảnh của đoàn từ tâm dịch:
 













 
Nội Hà

tin liên quan

Xuyên đêm săn "đặc sản" nơi thượng nguồn sông Gianh

(QBĐT) - Dãy Giăng Màn sừng sững ôm trọn 27km đường biên giới Việt-Lào, nơi nổi tiếng với những cánh rừng nguyên sinh rộng hàng chục nghìn héc ta, quanh năm mây mù bao phủ. Đây là nơi khởi nguồn của những dòng suối mát lành, len lỏi qua từng ghềnh đá mà hợp thành dòng sông Gianh lịch sử và cũng là nơi sinh sống của các loài cá mát, cá chình, cá leo, ếch núi, cua đá…

Xuyên đêm đón F0

(QBĐT) - 20h, bác sỹ Tiệp gọi hỏi tôi: "Phóng viên phụ trách ngành y tế có muốn đi cùng CDC đón F0?". Thoáng chút chần chừ nhưng rồi tôi cũng mạnh dạn nhận lời để có cơ hội được chứng kiến những vất vả của những lực lượng tuyến đầu chống dịch. Nhanh chóng thu xếp đồ tác nghiệp vào ba lô và lên xe chống dịch thẳng hướng xã biển Đức Trạch.

Cổng chào TP. Đồng Hới: Thi công chưa hoàn thành đã có dấu hiệu xuống cấp

(QBĐT)- Hệ thống cổng chào TP. Đồng Hới nằm trên Quốc lộ 1A qua địa bàn thành phố gồm 2 cổng. Cổng chào phía Bắc thuộc địa phận xã Lộc Ninh, tiếp giáp với huyện Bố Trạch (đã hoàn thành vào ngày 6-10-2020) và cổng chào phía Nam thuộc phường Phú Hải, tiếp giáp với huyện Quảng Ninh. Tổng mức đầu tư xây dựng công trình 13,7 tỷ đồng huy động từ nguồn ngân sách địa phương.