Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Giữ "lửa" nghề mây đan

  • 07:45 | Chủ Nhật, 17/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cũng như nhiều ngành nghề truyền thống khác, nghề mây đan ở xã Quảng Văn (TX. Ba Đồn) đang đứng trước những cơ hội lớn và cả nguy cơ mai một... Làm thế nào để làng nghề truyền thống đứng vững trước thời cuộc luôn là nỗi trăn trở của nhiều người.
 
Tuổi đời bằng tuổi nghề
 
Xã Quảng Văn được biết đến với những ngành nghề truyền thống, như: Mộc, đan lát, đóng tàu..., có lịch sử mấy trăm năm và nổi tiếng nhất là nón lá được các bậc tiền nhân mang theo khi đến khai khẩn vùng đất này.
 
Nghề mây đan ở xã Quảng Văn hình thành sau nhưng cũng là một "cứu cánh" của người dân hàng chục năm nay. Theo các bậc cao niên trong làng, nghề mây đan được truyền bá từ những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước. Lúc đó, cụ Trần Mại, một cán bộ tiền khởi được tổ chức cử đi học nghề ở làng Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình về truyền dạy. Người dân trong làng vốn có nghề nón lá truyền thống nên dễ dàng tiếp cận được với mây đan.
 
Hiện xã Quảng Văn có khoảng 400 hộ dân theo nghề mây đan, trong đó, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh, dịch vụ mây tre đan, nón lá Quảng Văn (gọi tắt là HTX mây tre đan Quảng Văn) chiếm hơn 60% thị phần và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 200 hộ dân. Mỗi ngày, HTX đều rộn ràng tiếng người ra vào nhận mây hoặc giao hàng. 
 
Ông Hiếu kiểm tra mây thành phẩm trước khi xuất cho đối tác.
Ông Hiếu kiểm tra mây thành phẩm trước khi xuất cho đối tác.
 
Mang danh là Giám đốc HTX nhưng hễ cứ rảnh là ông Trần Văn Hiếu lại xắn tay vào làm việc cùng các xã viên, lúc tách vỏ lúc thì sửa lại các tấm mây trước khi giao hàng. Cũng không phải tham công tiếc việc mà như ông chia sẻ: "Cái nghề nó ngấm vào xương máu rồi. Thấy việc mà không làm là người cứ bồn chồn không yên".
 
Ông Hiếu kể, hai cụ thân sinh của ông là thế hệ học trò đầu tiên của cụ Trần Mại. Từ thuở lọt lòng với tiếng ru của mẹ bên những chiếc nôi đan bằng mây, đến lúc 6 tuổi, ông đã thạo nghề mây đan. Bởi vậy, khi ai đề cập đến tuổi nghề, ông Hiếu chỉ cười nói, bao nhiêu tuổi đời, bấy nhiều tuổi nghề.
 
Nhờ nghề mây đan mà gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác trong làng vượt qua được đói khổ thời chiến tranh, bao cấp. Những năm 90, nền kinh tế mở cửa, ông Hiếu vào miền Nam làm việc cho các công ty mây tre đan mỹ nghệ xuất khẩu. Sau đó, thấy ông lành nghề, một công ty ở Đồng Nai mời về làm cán bộ kỹ thuật, dạy nghề cho công nhân và hứa mua đất, xây nhà để giữ chân. Nhưng chí của anh trai làng không đặt ở nơi phồn hoa đô hội, sau mấy năm làm công, ông học hỏi được nhiều từ kỹ thuật cho đến việc kết giao với các đối tác. Năm 1995, ông quyết định về quê dựng nghiệp. Những năm đầu, chủ yếu sản xuất tại gia và thu gom của người dân trong làng để bán lại cho các đối tác nội tỉnh và mở rộng dần thị trường...
 
Nghề phụ thu chính
 
Quảng Văn trước đây thường gọi là làng đảo với 3 mặt hướng ra sông Gianh. Sống ở vùng hạ lưu con sông Gianh trù phú nhưng đất sản xuất nhỏ hẹp nên nông nghiệp chưa bao giờ là nghề thu nhập chính của cư dân nơi đây. Ngoài làm nông, hầu như mỗi người dân Quảng Văn, đàn ông hay phụ nữ đều trang bị cho mình một nghề thủ công khác, không may nón cũng đan mây...
 
Nghề mây đan mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho gần 400 hộ dân xã Quảng Văn, TX. Ba Đồn.
Nghề mây đan mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho gần 400 hộ dân xã Quảng Văn, TX. Ba Đồn.
 
Đến nay đã ngoài 50 tuổi, bà Trần Thị Phúc chỉ nhớ mình biết nghề đan mây từ lúc bắt đầu đi học. Năm 2011, khi ông Hiếu đứng ra thành lập HTX thì bà làm việc tại đây. Công việc của bà là tách mây, những cây mây khô, dài được tách bỏ ruột, lấy phần vỏ.
 
Bà Phúc cho biết, trước kia bà làm mây tại nhà để bán lại, dùng dao rựa để tách mây, mất thời gian nhưng năng suất thấp. Nay, làm ở HTX thì có máy tách, nhanh hơn nhiều. Mỗi ngày làm 8 tiếng đồng hồ và tiền công là 200.000 đồng, đều đặn quanh năm. Trong nhà cũng có mấy sào ruộng, nhưng làm ruộng chỉ để khỏi mua gạo, còn thu nhập để nuôi các con ăn học chủ yếu dựa vào nghề mây.
 
Nghề mây đan ở xã Quảng Văn không gia công thành các sản phẩm gia dụng như những làng nghề truyền thống khác, mà chủ yếu đan thành tấm dài khoảng 15m, rộng từ 0,4-0,9m theo đơn đặt hàng.
 
Từng tấm mây đan thường được dùng để làm bàn ghế, trang trí nội thất... rất được thị trường ưa chuộng. Nhân công của HTX thường trực khoảng 10 người, chủ yếu tách, sấy mây. Sau đó, vỏ mây được bà con trong làng nhận về đan thành tấm. Mấy tháng nay, đại dịch Covid-19 bùng phát, con cái đứa nghỉ học, đứa mất việc làm nên công việc chính của gia đình bà Trần Thị Lâm, thôn La Hà Tây, xã Quảng Văn là ở nhà đan mây. Bà Lâm chia sẻ, rảnh khi nào làm khi ấy, trung bình mỗi tấm dài 15x0,9m bà mất 6 ngày để đan xong, tiền công là 900.000 đồng. Mấy ngày nghỉ dịch, bà nhận thêm mây để cho các con phụ đan.
 
Truyền nghề cho cháu
 
Ông Trần Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Quảng Văn cho hay, Tết Nguyên đán hàng năm, xã Quảng Văn đều tổ chức hội thi tay nghề khéo để góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống làng nghề mây đan, nón lá truyền thống.

Mây được dệt thành tấm, người dân sẽ nhập lại cho HTX, ông Hiếu là người thẩm định cuối cùng. Ông Hiếu cho hay, công đoạn này phải kỹ. Mấy chục năm làm nghề, chưa bao giờ HTX bị phàn nàn chuyện chất lượng mây đan. Có những chuyến chở cả mấy xe lớn, đơn hàng mấy tỷ đồng nhưng đối tác cũng chẳng cần kiểm tra vì uy tín thương hiệu xây dựng bao năm nay.

Đến nay, hàng của HTX xuất chủ yếu ở thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho các công ty chuyên xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Đợt dịch này, nhiều HTX phải sản xuất cầm chừng nhưng HTX mây tre đan Quảng Văn vẫn nhận đơn hàng đều đặn.
 
Dù HTX đang "ăn nên làm ra" nhưng làm thế nào để gìn giữ và tìm được chỗ đứng nghề mây đan trong nền kinh tế thị trường luôn là câu hỏi khiến ông Hiếu đau đáu mỗi ngày... Ông Hiếu cho biết, nghề mây đan sẽ còn tiếp tục phát triển trong nhiều năm tới và nếu đi đúng hướng, mây đan Quảng Văn không những có thị trường trong nước mà trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài.
 
Sắp tới, ông sẽ chuyển giao dần công việc của HTX cho người cháu trai (gọi ông bằng bác) để làm quen và tiếp quản trong tương lai. Tuy nhiên, quan điểm nhất quán của ông là phát triển kinh doanh nhưng phải giữ tính kết nối cộng đồng, tạo an sinh xã hội cho người dân địa phương, giữ vững những giá trị của một làng nghề truyền thống do cha ông để lại.
 
X.Phú

tin liên quan

Xuyên đêm săn "đặc sản" nơi thượng nguồn sông Gianh

(QBĐT) - Dãy Giăng Màn sừng sững ôm trọn 27km đường biên giới Việt-Lào, nơi nổi tiếng với những cánh rừng nguyên sinh rộng hàng chục nghìn héc ta, quanh năm mây mù bao phủ. Đây là nơi khởi nguồn của những dòng suối mát lành, len lỏi qua từng ghềnh đá mà hợp thành dòng sông Gianh lịch sử và cũng là nơi sinh sống của các loài cá mát, cá chình, cá leo, ếch núi, cua đá…

Làng nơi chân sóng

(QBĐT) - Không còn cảnh vắng lặng do phong tỏa, những ngày này, người dân những làng biển bãi ngang đã dần quay lại với nhịp sống vốn có. Họ cần mẫn, miệt mài cho một mùa biển mới, với những niềm hy vọng mới, cho dù dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp ở ngoài kia.

Xuyên đêm đón F0

(QBĐT) - 20h, bác sỹ Tiệp gọi hỏi tôi: "Phóng viên phụ trách ngành y tế có muốn đi cùng CDC đón F0?". Thoáng chút chần chừ nhưng rồi tôi cũng mạnh dạn nhận lời để có cơ hội được chứng kiến những vất vả của những lực lượng tuyến đầu chống dịch. Nhanh chóng thu xếp đồ tác nghiệp vào ba lô và lên xe chống dịch thẳng hướng xã biển Đức Trạch.