Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Canh" sóng từ... biển khơi

  • 14:23 | Chủ Nhật, 17/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Chúng tôi nhận được thông tin và đang cho tàu di chuyển vào bờ”, tiếng một ngư dân báo về qua ICOM đặt tại Đồn Biên phòng Nhật Lệ. Không chỉ hôm chúng tôi đến, mà hàng ngày, giọng nói sang sảng ấy của hàng nghìn ngư dân vang lên trên vùng biển, đảo thiêng liêng Tổ quốc.
 
Lắng nghe tiếng nói chủ quyền
 
Chiều muộn, trong căn phòng thông tin-báo vụ ở Đồn Biên phòng Nhật Lệ, thiết bị thu phát sóng ICOM vẫn mở, nghe lạo xạo, rột roạt của gió và sóng biển át cả tiếng người nói bên đầu dây bên kia. Trung tá Nguyễn Trường Tuyến, nhân viên thông tin-báo vụ ngồi chăm chú lắng nghe để thu nhận thông tin qua những quãng sóng truyền chập chờn, lúc đứt tiếng, lúc lại bật dội lại tiếng ngư dân hào sảng. Thỉnh thoảng, anh Tuyến lại hý hoáy viết vào sổ những thông tin quan trọng của ngư dân báo về từ giữa biển khơi.
 
BĐBP kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc trên tàu cá trước khi xuất bến.
BĐBP kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc trên tàu cá trước khi xuất bến.
 
Trung tá Tuyến cho biết: “Từ khi áp thấp nhiệt đới vào Biển Đông, suốt cả ngày chúng tôi phải cập nhật thường xuyên, liên tục diễn biến thời tiết để thông báo cho bà con đánh bắt cá trên biển vào bờ và tìm nơi trú tránh an toàn”. Mùa mưa bão cũng là thời gian cao điểm anh phải “canh” sóng, bám phiên làm việc không kể ngày đêm. 2 năm công tác tại Đồn Biên phòng Nhật Lệ, mỗi ngày, một mình anh Tuyến phải thường trực “canh” sóng 12 phiên để tiếp nhận những thông tin chỉ đạo của cấp trên và cả những cuộc gọi nối sóng với các tàu thuyền đánh cá giữa biển khơi của Tổ quốc.
 
“Ngày bình thường, phiên trực kết thúc vào khoảng khoảng 21, 22 giờ. Nhưng trong những ngày mưa bão này, phải “canh” sóng đến nửa đêm. 4 giờ sáng hôm sau lại phải thức dậy sớm mở máy. Ngư dân ở giữa mênh mông sóng cả, lúc trời yên, biển lặng thì không sao. Nhưng vào những ngày bão bùng, sóng gió thế này biển rất nguy hiểm. Với những tình huống khẩn cấp như tàu thuyền không may bị chìm, gặp sự cố, hoặc ngư dân bị tai nạn, nếu nắm bắt thông tin chậm một vài phút, có khi họ đánh đổi cả tính mạng”, trung tá Tuyến kể. 
 
 Ngư dân treo cờ Tổ quốc trước khi xuất bến.
Ngư dân treo cờ Tổ quốc trước khi xuất bến.
Sau khi tiếp nhận thông tin tàu cá bị sự cố, anh Tuyến sẽ dùng máy quét tọa độ và liên hệ các tàu cá đang đánh bắt cá ở vùng biển gần đó đến hỗ trợ. Tình huống nghiêm trọng hơn, anh báo cáo cấp trên và chuyển thông tin, tọa độ chính xác đến các đơn vị khác để phối hợp tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn.
 
Trung tá Tuyến còn nhớ, đầu năm 2021, Đồn Biên phòng Nhật Lệ nhận được tin một tàu đánh cá của ngư dân xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) đang khai thác thủy sản thì bị một tàu hàng đâm chìm, rồi bỏ chạy, khiến 3 ngư dân bị rơi xuống biển, cách bờ gần 10 hải lý. Sự việc rất khẩn cấp. Ngay lập tức, anh báo cáo chỉ huy đơn vị, đồng thời liên hệ các tàu thuyền gần đó đến ứng cứu kịp thời.
 
Vì vậy, những người “canh” sóng như anh Tuyến chính là “cầu nối” thông tin quan trọng giữa lực lượng ở trong đất liền và ngư dân trên biển. Công việc của những người lính này đòi hỏi họ cần phải có sự tỉ mỉ của người làm việc kỹ thuật, và phải nhanh nhạy chuyển tải, xử lý thông tin về những tình huống khẩn cấp kịp thời nhất có thể. Đó có thể là những tin báo cứu hộ cứu nạn, tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển, đảo chủ quyền Tổ quốc hay cả những cảnh báo cho tàu thuyền đánh cá của ngư dân khi vượt qua đường ranh giới vùng biển nước ngoài.
 
Vì thế, trung tá Nguyễn Trường Tuyến vẫn luôn tự hào rằng: “Mình ngồi ở đây mà vẫn biết chuyện xảy ra trên biển. Và hàng ngày vẫn được nghe tiếng nói chủ quyền từ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”.
 
"Điểm tựa" của ngư dân
 
Gần 40 năm bám biển khơi của Tổ quốc đánh bắt cá, ngư dân Nguyễn Xuân Tiến ở xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) cho biết: “Lênh đênh giữa nghìn trùng sóng cả, ngư dân khó có thể lường tính hết những hiểm nguy, tai nạn. Ngày trước, tàu thuyền nhỏ và chưa có các thiết bị liên lạc, ngư dân rất đơn độc giữa biển. Trước mỗi chuyến biển, chúng tôi chỉ biết cầu mong duy nhất có một điều là sự may mắn. May mắn cho trời yên biển lặng. May mắn gặp được thuyền bạn để được hỗ trợ, ứng cứu, nếu gặp sự cố.
 
Thế nhưng giờ đây, chúng tôi đã vững tin vươn khơi bám biển hơn. Bởi, sau lưng chúng tôi, trên đất liền còn có các lực lượng thường trực sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ khi cần thiết. Sự dõi theo, giúp đỡ đó đã giúp chúng tôi vượt qua được những sóng gió và nhận được hỗ trợ, ứng cứu kịp thời, mỗi khi không may xảy ra sự cố ở trên biển”.
 
BĐBP đồng hành cùng ngư dân trong hoạt động đánh bắt hải sản và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ảnh: HOÀI NAM
BĐBP đồng hành cùng ngư dân trong hoạt động đánh bắt hải sản và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ảnh: HOÀI NAM
Trung tá Hồ Đức Minh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhật Lệ cho biết: “Mỗi một ngư dân đánh bắt, khai thác hải sản và hiện diện trên biển không chỉ là “tai mắt”, giúp đỡ Bộ đội Biên phòng bảo vệ an toàn, an ninh biên giới, vùng biển, mà còn là những “cột mốc sống” đánh dấu chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Vì vậy, để giúp cho ngư dân vững tin vươn khơi bám biển, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ họ khi cần thiết. Việc cập nhật, thông báo các tin khẩn cấp như bão, áp thấp nhiệt đới, hay giúp ngư dân xử lý nhanh nhất các sự cố luôn được ưu tiên hàng đầu. Mỗi khi nhận được các tình huống khẩn cấp, chúng tôi đều cố gắng làm sao thông tin đến được ngay với cấp trên, đồng thời phối hợp với các lực lượng thường trực trên biển, như: Kiểm ngư, Cảnh sát biển... để giúp đỡ ngư dân”.
 
Hiện nay, tất cả các Đồn Biên phòng dọc theo tuyến biển đều được trang bị ICOM và các thiết bị kết nối nghe, nhìn, theo dõi ngư dân đánh bắt cá trên biển. Đây chính là “cầu nối” quan trọng để Bộ đội Biên phòng đồng hành cùng ngư dân trong việc đánh bắt, khai thác hải sản và bảo vệ chủ quyền, vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Dương Công Hợp

tin liên quan

Xuyên đêm săn "đặc sản" nơi thượng nguồn sông Gianh

(QBĐT) - Dãy Giăng Màn sừng sững ôm trọn 27km đường biên giới Việt-Lào, nơi nổi tiếng với những cánh rừng nguyên sinh rộng hàng chục nghìn héc ta, quanh năm mây mù bao phủ. Đây là nơi khởi nguồn của những dòng suối mát lành, len lỏi qua từng ghềnh đá mà hợp thành dòng sông Gianh lịch sử và cũng là nơi sinh sống của các loài cá mát, cá chình, cá leo, ếch núi, cua đá…

Làng nơi chân sóng

(QBĐT) - Không còn cảnh vắng lặng do phong tỏa, những ngày này, người dân những làng biển bãi ngang đã dần quay lại với nhịp sống vốn có. Họ cần mẫn, miệt mài cho một mùa biển mới, với những niềm hy vọng mới, cho dù dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp ở ngoài kia.

Xuyên đêm đón F0

(QBĐT) - 20h, bác sỹ Tiệp gọi hỏi tôi: "Phóng viên phụ trách ngành y tế có muốn đi cùng CDC đón F0?". Thoáng chút chần chừ nhưng rồi tôi cũng mạnh dạn nhận lời để có cơ hội được chứng kiến những vất vả của những lực lượng tuyến đầu chống dịch. Nhanh chóng thu xếp đồ tác nghiệp vào ba lô và lên xe chống dịch thẳng hướng xã biển Đức Trạch.