.

Bình dị ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên dòng Kiến Giang

.
09:03, Thứ Tư, 25/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Đó là căn nhà gỗ ba gian bình dị nằm ở làng An Xá, xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy), bên dòng Kiến Giang thơ mộng. Nơi đây Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cất tiếng khóc chào đời và có những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm... Ngôi nhà đã từng bị giặc Pháp đốt phá vào năm 1947 nhưng đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lệ Thủy, với tất cả tấm lòng tri ân, phục dựng trên nền đất cũ vào những năm sau ngày đất nước thống nhất…
 
Tấm lòng của người dân quê hương
 
Đã nhiều lần đến thăm ngôi nhà đó nhưng lần nào cũng vậy, đứng trên sân gạch của ngôi nhà gỗ đơn sơ, bình dị, nơi sinh ra vị tướng lỗi lạc, lòng chúng tôi rung lên những cảm xúc bồi hồi. Như thường lệ, đón chúng tôi ở cổng vẫn là một người đàn ông dong dỏng cao và nụ cười luôn thường trực trên môi. Ông là Võ Đại Hàm, cháu gọi Đại tướng bằng ông thúc bá và được Đại tướng giao nhiệm vụ trông coi ngôi nhà đã hơn 40 năm qua. Năm nay đã 77 tuổi nhưng ông Hàm vẫn nhanh nhẹn và rất minh mẫn.
 
Ông Hàm kể, năm 1947, giặc Pháp tiến công và chiếm đóng Lệ Thủy. Trước sự kiên trung một lòng theo lý tưởng giải phóng dân tộc của dòng họ Võ, giặc Pháp đã bắt cụ Võ Quang Nghiêm và cho lính đốt cháy hoàn toàn ngôi nhà hơn 100 năm tuổi của gia đình Đại tướng. Do chiến tranh khốc liệt, mãi đến sau ngày đất nước thống nhất, năm 1977, ngôi nhà của Đại tướng mới được gia đình và chính quyền địa phương phục dựng trên nền đất cũ.
Ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, nằm bên dòng Kiến Giang.
Ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, nằm bên dòng Kiến Giang.
Ông Đỗ Trung Tuân, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, từng làm Trưởng ban chỉ đạo tu sửa, trùng tu ngôi nhà Đại tướng, cho biết: Sau ngày đất nước thống nhất, nhận thấy sự quan trọng của việc phục dựng ngôi nhà, lãnh đạo huyện Lệ Thủy sau nhiều lần xin ý kiến thì được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng ý. Công việc được nhanh chóng triển khai, đầu tiên, huyện xác định lại kiểu nhà cũ của Đại tướng để phục dựng.
 
Ông Tuân kể, theo truyền thống, người Lệ Thủy thường làm nhà rường 1 gian 2 chái hoặc 3 gian 2 chái theo vật liệu gỗ bát vấn (đủ các loại gỗ) hoặc thượng chua hạ gõ (phần trên nhà làm bằng gỗ chua, cột bằng gỗ gụ). Theo mô tả của bác Võ Thuần Nho (em ruột của Đại tướng) thì ngôi nhà của gia đình ngày xưa được làm theo kiểu nhà 3 gian 2 chái theo kiểu “thượng chua hạ gõ”.
 
Tiếp đó, một đội sơn tràng có kinh nghiệm khai thác gỗ đủ làm một ngôi nhà được cử đi lên rừng. Cùng với đó là tổ thợ mộc người làng Quảng Cư (một làng mộc nổi tiếng) do ông Đặng Đại Múng (đã mất năm 2016, thọ 103 tuổi), một nghệ nhân bậc thầy của làng được huyện tin tưởng giao phục dựng lại ngôi nhà.
 
Ngôi nhà được phục dựng xong, năm 1983, Đại tướng về thăm quê. Sau khi đứng nhìn ngôi nhà và đi thăm quanh vườn, Đại tướng nói với lãnh đạo huyện Lệ Thủy: “Cảm ơn lãnh đạo huyện đã quan tâm làm nhà cho tôi. Nhưng nhà tôi xưa không to và tốt bằng ngôi nhà này. Nó nhỏ và thấp hơn một chút, gỗ cũng không được tốt như hiện nay vì ngày xưa nhà mình cũng không phải giàu có gì lắm. Cựa ngọ (cổng vào) cũng không đúng như ngày xưa…”
 
Những năm sau đó, trong những lần ra Hà Nội thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lãnh đạo huyện Lệ Thủy đã ngỏ ý, muốn xin Đại tướng cho phép huyện sửa lại ngôi nhà, nhưng ông đã nhẹ nhàng nói: “Phục dựng ngôi nhà là tấm lòng của nhân dân huyện Lệ Thủy nên dù không giống nhà cũ lắm nhưng trong ý thức của bà con và du khách đã xem là nhà của Đại tướng. Hơn nữa, huyện cũng đang nghèo, nhiều nhà dân còn tạm bợ. Vì vậy, không nhất thiết phải tháo ra để thay nhà khác cho giống nhà cũ”.
 
Mãi đến tháng 8-1999, nhân dịp Đại tướng về thăm quê và trong quá trình làm việc, lãnh đạo huyện Lệ Thủy đã đặt vấn đề với Đại tướng về việc tôn tạo, trùng tu lại ngôi nhà. Lần này được Đại tướng nhất trí và ủy quyền cho chị Võ Hồng Anh thay mặt gia đình làm việc với huyện trong những việc liên quan đến ngôi nhà, khu vườn, xây từ đường và mộ phần ông bà nội của Đại tướng…
 
Những người trùng tu ngôi nhà
 
Ông Đỗ Trung Tuân cho biết, năm 1999, thời điểm ông đang là Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, được Ban Thường vụ Huyện ủy Lệ Thủy giao trọng trách làm Trưởng ban tu sửa, trùng tu nhà Đại tướng. Xác định đây là một vinh dự to lớn,  cũng là một nhiệm vụ quan trọng, nên trong quá trình bắt tay thực hiện nhiệm vụ, ông Tuân và đội thợ thiết kể, thi công, giám sát đã có sự chuẩn bị rất chu đáo, tỉ mẫn.
Ông Đỗ Trung Tuân, Đặng Đại Trung và những người thợ thi công trùng tu ngôi nhà được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời gặp, cảm ơn trong lần ông về thăm quê năm 2002.
Ông Đỗ Trung Tuân, Đặng Đại Trung và những người thợ thi công trùng tu ngôi nhà được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời gặp, cảm ơn trong lần ông về thăm quê năm 2002.
Theo chân ông Tuân, chúng tôi tìm đến nhà ông Võ Giáo Sư, người được huyện giao nhiệm vụ thiết kế lại ngôi nhà của Đại tướng. Ông Sư kể lại: Năm 1977, ngôi nhà ba gian của Đại tướng được phục dựng theo kiểu thượng chua hạ gõ nhưng tường xây, nền lát gạch…
 
Tuy nhiên, ngôi nhà không đúng lắm với nhà rường truyền thống ở huyện Lệ Thủy. Do đó, được phân công trách nhiệm phục dựng ngôi nhà, ông đã căn cứ vào sơ đồ của Đại tướng và cụ Võ Thuần Nho để lại để nghiên cứu và thiết kế ngôi nhà theo kiểu 3 gian 2 chái và xung quanh làm bằng nghẹc, đố bản, vách ngăn… theo nguyên bản ngày xưa.
 
Hàng tháng trời, ông Sư đã tỉ mẫn đo từng cột nhà, từng cái xuyên ba, xuyên vách, tìm hiểu thêm một số chi tiết khác và hỏi thêm kinh nghiệm từ cụ Đặng Đại Múng để thực hiện. Khi đã hoàn thành bản vẽ, ông cùng đoàn lãnh đạo huyện Lệ Thủy ra Hà Nội để xin ý kiến Đại tướng và được đồng ý.
 
Về phần thi công, lãnh đạo huyện Lệ Thủy đã chọn Công ty xây dựng tổng hợp Hòa Bình do ông Đặng Đại Trung, là cháu của cụ Đặng Đại Múng, làm giám đốc đảm nhận. Đây là đơn vị quy tụ nhiều người thợ mộc có tay nghề giỏi nhất làng Quảng Cư. Bản thân ông Trung cũng được sinh ra trong gia đình có truyền thống giỏi nghề mộc.
 
Được triển khai từ cuối năm 1999 đến đầu năm 2001, ngôi nhà ba gian hai chái lợp ngói cùng nhà ngang lợp tranh được dựng lên trên nền đất cũ cùng với những vật dụng gia đình, như: tủ sách, tấm phản, bộ tràng kỷ, rương chí góc (sập gụ), tủ thờ… đã được phục dựng lại như xưa.
 
Tháng 4-2002, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng gia đình về thăm quê. Ông đứng nhìn ngôi nhà thật lâu, rồi đi xem từng hiện vật trong nhà, vòng quanh thăm khu vườn... Đại tướng rất xúc động khi nhìn thấy ngôi nhà của cha mẹ, của ký ức tuổi thơ đã được phục dựng gần như vẹn nguyên. Gặp lãnh đạo huyện Lệ Thủy và những người thợ phục dựng ngôi nhà, Đại tướng đã không quên nói lời cảm ơn họ, cảm ơn Đảng bộ và chính quyền, nhân dân huyện Lệ Thủy đã giành những tình cảm chân thành cho gia đình…
 
Trong gian nhà gỗ 3 gian 2 chái của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên. Phía trên cùng có ảnh hai cụ thân sinh của Đại tướng. Phía dưới có ảnh bà Nguyễn Thị Quang Thái phu nhân đầu tiên của Đại tướng, người chiến sỹ cách mạng đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Phía ngoài cùng là bàn thờ đặt tượng và di ảnh của Đại tướng. Trong nhà còn treo nhiều ảnh của Đại tướng chụp chung với Bác Hồ và những đồng chí của mình. Nhiều vật dụng gia đình và các nông cụ đặc trưng của vùng chiêm trũng Lệ Thủy, như: Cày, bừa, cuốc, xẻng, chum, lu... được sắp đặt ngăn nắp trong nhà.
 
Phan Phương
,
  • Xuyên đêm săn "đặc sản" nơi thượng nguồn sông Gianh

    (QBĐT) - Dãy Giăng Màn sừng sững ôm trọn 27km đường biên giới Việt-Lào, nơi nổi tiếng với những cánh rừng nguyên sinh rộng hàng chục nghìn héc ta, quanh năm mây mù bao phủ. Đây là nơi khởi nguồn của những dòng suối mát lành, len lỏi qua từng ghềnh đá mà hợp thành dòng sông Gianh lịch sử và cũng là nơi sinh sống của các loài cá mát, cá chình, cá leo, ếch núi, cua đá…

    27/06/2021
    .
  • Người Quảng Bình tại TP.HCM giúp nhau vượt qua đại dịch

    (QBĐT) - Cùng với sự hỗ trợ từ quê nhà Quảng Bình, những người Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh đã giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau để không ai bị đứt bữa trong đại dịch Covid-19. Với họ, trong cơn hoạn nạn, "nghe tiếng quê miềng cũng đủ ấm vui lúc này".

    17/07/2021
    .
  • "Gần" lắm... Rào Con!

    (QBĐT) - Tại Km số 9 trên đường 20-Quyết Thắng, ngay phía đầu dốc Táu là lối rẽ vào bản Rào Con (thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch). Rào Con, nơi định cư của 58 hộ, 250 khẩu đồng bào Bru-Vân Kiều vốn gốc gác xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) di cư đến từ cuối những năm 80 thuộc thế kỷ trước.

    13/06/2021
    .
  • Ân tình bên mái Giăng Màn

    (QBĐT) - Bên mái Giăng Màn, cuộc sống của đồng bào người Khùa, người Mày ở 2 xã biên giới Dân Hóa và Trọng Hóa dẫu vẫn còn nghèo khó nhưng rất đỗi ân tình.

    08/08/2021
    .
  • Dồn lực để xã Sơn Lộc cán đích nông thôn mới

    (QBĐT) - Nhằm tạo bước đi vững chắc, năm 2021, huyện Bố Trạch chỉ chọn xã Sơn Lộc là địa phương duy nhất để tập trung mọi nguồn lực xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Trước trách nhiệm lớn này, cấp ủy, chính quyền và người dân Sơn Lộc đồng sức đồng lòng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu về đích NTM theo đúng lộ trình, kế hoạch mà huyện, xã đã đề ra với quyết tâm cao nhất.

    07/06/2021
    .
  • Dấu chân người lính

    (QBĐT) - Đứng chân ở địa bàn vùng Tây Nam huyện Lệ Thủy, những năm qua, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 79 (Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15) đã nỗ lực vượt lên khó khăn, gian khổ, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương vừa phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho người dân, vừa xây dựng nền quốc phòng vững mạnh. 

    06/06/2021
    .
  • Long Đại, "lũy thép bờ Bắc" - Ngày ấy, bây giờ…

    (QBĐT) - Bến phà Long Đại nằm trên trục đường chiến lược 15A, bờ bắc thuộc địa phận thôn Long Đại, xã Hiền Ninh; bờ nam thuộc thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh. Từ năm 1965-1972, bến phà Long Đại được xem là "tọa độ lửa" nơi tuyến đầu của đường Trường Sơn huyền thoại.

    01/08/2021
    .
  • Khắc phục "sự cố" tại hệ thống cổng chào TP. Đồng Hới

    (QBĐT) - Sau khi Báo Quảng Bình phản ánh việc cổng chào TP. Đồng Hới chưa hoàn thành thi công đã có dấu hiệu xuống cấp, các đơn vị liên quan gồm chủ đầu tư UBND TP. Đồng Hới; đơn vị tư vấn thiết kế Công ty TNHH tư vấn thiết kế Phú Sơn và đơn vị thi công là Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Hoàng Gia đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản hiện trường và khắc phục sự cố hư hỏng.

    01/06/2021
    .