(QBĐT) - Bến phà Long Đại nằm trên trục đường chiến lược 15A, bờ bắc thuộc địa phận thôn Long Đại, xã Hiền Ninh; bờ nam thuộc thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh. Từ năm 1965-1972, bến phà Long Đại được xem là "tọa độ lửa" nơi tuyến đầu của đường Trường Sơn huyền thoại.
Bên “lũy thép bờ Bắc”, gần 60 năm đã trôi qua nhưng ký ức hào hùng về những năm tháng chống Mỹ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những cựu dân quân làng Long Đại ngày nào. Và, hôm nay, hiển hiện ở vùng đất anh hùng này là sự yên bình, những ngôi nhà mới khang trang và cuộc sống đang dần ấm no…
Ký ức tọa độ lửa…
Ngôi nhà khá khang trang của bà Phan Thị Thuật (sinh năm 1945), từng là trung đội trưởng dân quân làng Long Đại những năm 1966-1967 và là xã đội trưởng xã Hiền Ninh năm 1968 hướng mặt ra dòng Đại Giang.
Bà Thuật kể, bà tham gia dân quân làng Long Đại năm 1963, lúc vừa tròn 18 tuổi. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giai đoạn 1965-1972, những thanh niên 15-16 tuổi của làng hăm hở lên đường, thực hiện nhiệm vụ trực chiến tại bến phà Long Đại để bảo đảm an toàn cho vận tải vào chiến trường miền Nam.
Lực lượng dân quân của làng lúc bấy giờ được tổ chức thành hai trung đội. Trung đội cơ động của bà tham gia trực chiến với súng 12 ly 7 của xã và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như: đi bắt biệt kích ở Trường Sơn, U Bò; đi bắt phi công ở Rào Trù, ở An Ninh, sẵn sàng đánh giáp lá cà khi có địch càn ra Bắc hay đổ bộ đường không...
“Ngày 30-4-1966, bến phà Long Đại bị đánh phá ác liệt, phà bị chìm, xe pháo bị nhào xuống sông, bộ đội bị thương vong nhiều. Trước tình hình đó, trung đội được lệnh tham gia cùng các đơn vị khác cứu phà, thông đường.
Hôm ấy, trước khi nhận nhiệm vụ, cả trung đội cơ động phải làm lễ truy điệu sống. Sau đó, cả trung đội dân quân vác cột nhà làm đòn bẩy, ngụp lặn trong dòng nước Đại Giang để cứu phà vào bờ…”, bà Thuật nhớ lại.
Đến bây giờ, ông Nguyễn Viết Thỉ (SN 1942), cựu dân quân ở bến phà Long Đại xưa, vẫn còn vẹn nguyên ký ức của những ngày thực hiện nhiệm vụ tại bến phà Long Đại. Ông Thỉ tham gia dân quân năm 1962, trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ bến phà Long Đại từ năm 1965.
“Ký ức thấm đẫm vào tim tôi cho đến hôm nay là sự hy sinh anh dũng của 16 thanh niên xung phong (TNXP) quê Thái Bình trong cùng 1 hầm hay 16 TNXP quê Nghệ An cũng hy sinh trong một trận chiến và những anh hùng liệt sỹ, TNXP, dân quân du kích trên tọa độ lửa này. Họ đã thể hiện tinh thần chiến đấu gan dạ, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh và luôn sáng mãi trong lòng dân tộc…”, ông Thỉ nghẹn ngào nói.
Hồi sinh một vùng đất
Ít ai có thể hình dung “lũy thép bờ Bắc” Long Đại năm xưa đã có những năm tháng chìm trong khói lửa chiến tranh ác liệt, bom cày đạn xới, hố bom chồng lên hố bom. Giờ đây, màu xanh của cây cối đã trải đều trên những làng mạc, nếp nhà mới hiển hiện nơi đây.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà ấm cúng, Trưởng thôn Long Đại Phan Văn Thông cười hiền bảo: "Thay đổi nhiều lắm! Ở nơi từng một thời “xe chưa qua, nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương”, giờ cũng đã khấm khá rồi. Đây là kết quả của sự bền gan, cần cù lao động và sáng tạo; trong đó, bắt đầu từ ý thức chuyển dịch cơ cấu kinh tế của người dân…”
Long Đại là thôn xa nhất, cách trở nhất của xã Hiền Ninh. Từ đây, người dân muốn về trung tâm xã thì có hai cách, một là dùng đò vượt dòng Đại Giang, hai là phải đi bằng đường bộ, vượt cầu đường sắt Long Đại, qua xã Xuân Ninh rồi mới tới xã.
Làng có gần 600 hộ với hơn 2.000 khẩu, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Mà nông nghiệp chủ yếu là làm lúa nước. Nhưng, hơn 100ha đất lúa của làng chỉ làm được vụ đông-xuân, còn vụ hè-thu đa phần phải bỏ do không có nước tưới.
“Bài toán phát triển kinh tế cho làng Long Đại gặp rất nhiều khó khăn, con em đến tuổi lao động cũng phải rời làng đi làm ăn xa, tìm kiếm miếng cơm, manh áo cho mình. Những người bám làng phải loay hoay mưu sinh hàng ngày, chạy chợ, kiếm thêm nghề phụ. Để trụ vững được trên mảnh đất đầy gian khó này, người làng phải thay đổi cung cách phát triển kinh tế…”, anh Thông chia sẻ.
Chúng tôi và anh Thông đi về phía cánh đồng Lùm Pheo, nơi tập trung phần lớn diện tích đất sản xuất lúa của người làng Long Đại. Vụ lúa này, dân làng phải bỏ hoang nhiều diện tích do thiếu nước sản xuất.
Gặp nông dân Trần Hữu Thập (SN 1972) đang miệt mài thu hoạch dưa lê trên cánh đồng của mình để bán cho các thương lái, anh chia sẻ: “Nhà tôi có hơn 10 sào đất lúa, nhưng lúa chỉ làm được một vụ, thấy quá khó khăn nên gia đình tiến hành trồng thêm dưa lê, bí đỏ, dưa hấu… để tận dụng các diện tích lúa còn bỏ hoang trong vụ hè-thu do thiếu nước để sản xuất. Năng suất và thu nhập của những loại cây trồng này cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Mỗi năm vào vụ, thu nhập của gia đình đạt khoảng hơn 30 triệu đồng…”
Đang vun mấy luống dưa lê vừa trồng, thấy chúng tôi, anh Trần Đức Tiến (SN 1986) liền dừng tay cuốc: “Trong cái khó thì ló cái khôn thôi các anh. Những hộ dân trên cánh đồng Lùm Pheo này, đa số là tự vận động để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kiếm thêm thu nhập. Mấy năm trước, từ các mô hình trình diễn của hợp tác xã, bà con thấy đúng, trúng, nay đã theo làm. Nhưng người làng Long Đại cũng nhanh nhạy lắm, không làm đại trà nhiều diện tích, vì sợ làm nhiều vào vụ thu hoạch sẽ dẫn đến ùn ứ nông sản, tư thương ép giá…”
Gia đình anh Thập, anh Tiến là hai trong số những hộ dân ở làng Long Đại dám nghĩ, dám mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng để có thêm thu nhập. Nhưng, vẫn theo triết lý nhà nông của các anh, muốn cho Long Đại phát triển tốt hơn nữa, Nhà nước cần đầu tư tốt hệ thống thủy lợi và chủ động nguồn nước cho người nông dân ở đây bám ruộng.
Hiện, thôn có khoảng 12ha đất chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây màu, chủ yếu là dưa lê, mướp đắng, bí đỏ, dưa hấu… cho người dân bảo đảm mức thu nhập cao gấp 3 lần so với trồng lúa. Nhờ đó, đến nay, Long Đại giảm nghèo cơ bản, chỉ còn 24 hộ nghèo và đã về đích nông thôn mới.
“Ý chí quật cường của “lũy thép bờ Bắc” năm xưa được nối tiếp, chảy trong huyết quản để người Long Đại xây dựng cuộc sống mới như hôm nay. Kể từ khi có chủ trương chuyển đổi cây trồng, các loại rau màu đã mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con trong thôn. Nhưng, người dân muốn chuyển đổi vẫn gặp nhiều khó khăn. Cần nhất bây giờ là nước tưới và hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng để Long Đại ngày càng chủ động trong phát triển kinh tế…”, trưởng thôn Phan Văn Thông cho biết.
Ông Trần Văn Lai, Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh cho rằng: “Sự phát triển của làng Long Đại là một điểm nhấn, là một bức tranh thu nhỏ cho sự phát triển của xã Hiền Ninh hôm nay. Về cơ bản, đời sống người dân làng Long Đại đã có sự thay đổi rất nhiều so với những năm trước đây... Hiện, các cựu dân quân ở “lũy thép bờ Bắc” Long Đại, có nguyện vọng được lập một di tích lịch sử mang tên “Bến đưa quân” tại điểm đưa bộ đội qua sông ở bến phà Long Đại, để nhắc nhở thế hệ con cháu của làng luôn nhớ đến một thời chiến đấu kiên cường, gan dạ của dân quân, du kích làng ở chiến tuyến này…"
(QBĐT) - Nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dù bất kỳ từ góc độ quân sự, chính trị, khoa học hay ngoại giao, chúng ta đều ngưỡng mộ trước một người có trí tuệ mẫn tiệp, tâm đức ngời sáng và tầm vóc phi thường.
(QBĐT) - Ngày ông hy sinh cách nay đã 40 năm, ông ngã xuống như bao người lính khác trong chiến đấu. Nhưng, chân dung, tính cách và năng lực chỉ huy của ông đã in đậm trong ký ức những người lính cả một tiểu đoàn, trung đoàn từng chiến đấu 5 năm trên chiến trường Tây Nam. Ông là liệt sỹ, trung tá Võ Sĩ Lực, quê ở Dương Thủy, Lệ Thủy.
(QBĐT) - Những lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn về gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của hò khoan Lệ Thủy đã được chính quyền địa phương, các nghệ nhân và người dân nơi đây nỗ lực thực hiện.
(QBĐT) - Những năm tháng thanh xuân, chàng trai họ Võ ấy mang theo tiếng hò khoan Lệ Thủy của mẹ trong tâm trí rời ngôi nhà nhỏ bên dòng Kiến Giang để theo nghiệp nước… Quay trở lại mái nhà xưa khi mái tóc đã nhuốm màu thời gian, người xưa đã khuất, cảnh xưa cũng lắm đổi thay, nhưng điệu hò khoan ngày nào vẫn không hề thay đổi, vẫn là nỗi nhớ thương khôn nguôi trong lòng vị tướng của chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
(QBĐT) - Đó là ông Đoàn Ngọc Dãn, 95 tuổi, quê ở xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa. Ông nhập ngũ tháng 7-1949, chuyển ngành tháng 6-1968. Mặc dầu tuổi đã cao nhưng ông Dãn vẫn còn mạnh khỏe, minh mẫn.
(QBĐT) - Nguyễn Phạm Tuân sinh năm Nhâm Dần (1842) mất năm Đinh Hợi (1887), tự là Tử Trai, sau đổi là Dưỡng Tăng, hiệu Minh Phong, quê ở làng Kiên Bính, tổng Võ Xá, phủ Quảng Ninh (nay là thành phố Đồng Hới, Quảng Bình).
(QBĐT) - Trước khi trở thành nhà quân sự lỗi lạc, Võ Nguyên Giáp đã từng là thầy giáo. Thời loạn, thầy giáo làm tướng quân đánh giặc giữ nước, thời bình tướng quân chăm lo sự nghiệp giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ.
(QBĐT) - Chiều dần xuống trên cánh đồng lúa vàng rộm đang vào vụ gặt của xã Phong Thủy (Lệ Thủy), cùng với cô Lan-cán bộ của Trung tâm Văn hóa -Thông tin và Thể thao huyện Lệ Thủy, chúng tôi đến thăm nhà nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hải Lý.