Chương trình hành động số 02: Tầm nhìn chiến lược, bước đi vững chắc

Kỳ vọng từ "02"

  • 09:29 | Thứ Hai, 17/05/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngay từ giữa nhiệm kỳ 2015-2020, cùng với việc hoàn thành những công trình trọng điểm, Quảng Bình đã bắt tay vào xây dựng những kế hoạch mới nhằm tạo đà, tạo thế cho nhiệm kỳ 2020-2025. Việc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII ban hành chương trình hành động (CTHĐ) số 02 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại đã mở ra cho Quảng Bình những hướng đi mới đầy niềm tin và kỳ vọng!
 
 
*Chuyện những cây cầu
 
CTHĐ số 02 khẳng định hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó có hạ tầng giao thông là khâu đột phá chiến lược để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh của tỉnh. Trên cơ sở nội dung CTHĐ, ngành Giao thông vận tải (GTVT) đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, tham mưu cho tỉnh có các kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Bộ GTVT.
 
Với địa hình dốc và hẹp, nhiều sông ngòi, hệ thống cầu đóng vai trò quan trọng trong hạ tầng giao thông của tỉnh, đặc biệt là cầu trên tuyến Quốc lộ 1A. Cầu Gianh và cầu Quán Hàu hoàn thành và đưa vào sử dụng vào các năm 1998 và 2000 đã chấm dứt cảnh đợi phà dằng dặc trên tuyến đường huyết mạch. Kinh tế-xã hội Quảng Bình từ thời điểm đó cũng bắt đầu những bước phát triển mạnh mẽ.
 
Tuy nhiên, sau 2 thập kỷ đưa vào sử dụng, những cây cầu này khó có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển ở giai đoạn hiện tại. Do đó, cuối năm 2017, khi đang nỗ lực hoàn thiện những mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2015-2020, Sở GTVT đã tham mưu cho tỉnh kiến nghị với Chính phủ và Bộ GTVT quan tâm đầu tư một số công trình giao thông trọng điểm, trong đó có nội dung mở rộng cầu Gianh và cầu Quán Hàu lên 4 làn xe.
 
“Thời điểm đó, do còn nhiều khó khăn, Bộ GTVT chỉ phê duyệt phương án duy tu, bảo đảm khai thác an toàn với cả hai cây cầu. Kết quả là trong gần 4 năm qua, việc lưu thông qua cầu Gianh và cầu Quán Hàu đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, mà 2 vụ tai nạn giao thông trong tháng 4-2021 gây ách tắc nhiều giờ liền đã thể hiện rõ. Trong bối cảnh phát triển hiện tại với sự gia tăng rất nhanh của phương tiện giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A, yêu cầu đầu tư, mở rộng hai cây cầu này càng trở nên bức thiết!”, đồng chí Phạm Văn Năm, Giám đốc Sở GTVT cho biết. 
Cầu Quán Hàu sẽ được đầu tư mở rộng trong giai đoạn 2021-2025.
Cầu Quán Hàu sẽ được đầu tư mở rộng trong giai đoạn 2021-2025.
Để tạo tiền đề thuận lợi cho CTHĐ số 02, vào tháng 9-2020 và tháng 4-2021, đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu với sự tham gia của đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, một số sở, ngành liên quan đã có các buổi làm việc với Bộ GTVT.
 
Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Quảng Bình báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, công tác quản lý Nhà nước về GTVT trên địa bàn tỉnh và các kiến nghị, đề xuất, đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT đánh giá cao tính chủ động của tỉnh trong việc đề xuất phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương phát triển, kiện toàn các công trình hạ tầng quy mô lớn. Đối với nội dung đầu tư mở rộng cầu Gianh và cầu Quán Hàu, Bộ GTVT đã đồng ý bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Việc mở rộng hai cây cầu không chỉ bảo đảm an toàn giao thông mà sẽ tăng khả năng khai thác của Quốc lộ 1A, góp phần thay đổi diện mạo tỉnh trong giai đoạn mới, từng bước hoàn thành CTHĐ số 02.
 
*Những khởi đầu thuận lợi
 
Cùng với các dự án mở rộng cầu Gianh và cầu Quán Hàu, giai đoạn 2021-2025, Quảng Bình đã và đang bắt tay triển khai dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3. Với tổng số vốn trên 2.200 tỷ đồng, dự án thành phần 1-đường ven biển thuộc dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 được triển khai tại các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, TX. Ba Đồn và TP. Đồng Hới.
 
Đây là dự án trọng điểm của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế biển và khu vực ven biển. Dự án đi qua các khu quy hoạch đô thị, hạ tầng, dịch vụ, du lịch của các vùng trong tỉnh sẽ tạo động lực thu hút đầu tư, phát huy các tiềm năng, thế mạnh về du lịch và dịch vụ biển; đồng thời, giúp kết nối vùng ven biển của tỉnh với vùng kinh tế tổng hợp Nam Hà Tĩnh-Bắc Quảng Bình, phát huy thế mạnh của cụm cảng nước sâu, khu công nghiệp Vũng Áng, Hòn La cũng như tạo sự kết nối quan trọng vùng phía Đông của các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và cả nước…
 
Cầu Nhật Lệ 3 với dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng, là công trình nối hai bờ Đông-Tây sông Nhật Lệ, thuộc địa bàn xã Lương Ninh (huyện Quảng Ninh) sẽ kết nối các trục đường nội thành theo quy hoạch chung của đô thị Đồng Hới. Công trình hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông ven biển nối liền các vùng đô thị trung tâm với bờ biển phía Đông.  
Nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh bấm nút khởi động dự án đường ven biển, cầu Nhật Lệ 3 và nâng cấp sân đỗ Sân bay Đồng Hới.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh bấm nút khởi động dự án đường ven biển, cầu Nhật Lệ 3 và nâng cấp sân đỗ Sân bay Đồng Hới.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Bình 2021, dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 cùng với dự án mở rộng sân đỗ máy bay Sân bay Đồng Hới đã được bấm nút khởi động. Dự án mở rộng sân đỗ máy bay với tổng vốn đầu tư trên 2.300 tỷ đồng sẽ đưa sân bay Đồng Hới vào tốp 3 sân bay quy mô nhất khu vực miền Trung với công suất phục vụ 3 triệu hành khách/năm, định hướng quy hoạch đón 20-25 triệu khách/năm trong tương lai. Đây là những dự án trọng điểm khẳng định tầm nhìn của tỉnh và tạo tiền đề quan trọng để hoàn thành các mục tiêu của CTHĐ số 02.
 
Thời gian qua tỉnh đã chủ động phối hợp với Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ thiết kế xây dựng các công trình quốc gia trên địa bàn, như: dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025; dự án Quốc lộ 12A đoạn tránh Nhà máy xi măng sông Gianh. Để tạo thuận lợi trong quá trình đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, từng bước hiện đại, tỉnh tiếp tục đề xuất Bộ GTVT nâng cấp quản lý các tuyến đường tỉnh 560 và 562 thành quốc lộ với tên gọi quốc lộ 9G. Bộ GTVT đã cơ bản thống nhất với đề xuất của tỉnh về nội dung này, đồng nghĩa với việc Quảng Bình sẽ có thêm quốc lộ 9G là tuyến đường ngang theo trục Đông-Tây, nối cụm cảng biển với cửa khẩu Cà Roòng trên biên giới Việt-Lào.
 
Với tầm nhìn chiến lược, sự chủ động và nỗ lực của tỉnh, việc triển khai CTHĐ số 02 đã và đang đặt những dấu ấn quan trọng đầu tiên từ những công trình trọng điểm, tạo đà, tạo thế cho “giấc mơ” hạ tầng giao thông đồng bộ, từng bước hiện đại, là tiền đề quan trọng đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ như mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
 
CTHĐ số 02 nhằm tạo đột phá về cơ sở hạ tầng, qua đó kích thích phát triển kinh tế-xã hội. Trong phạm vi quản lý của địa phương, giai đoạn 2021-2025, tỉnh tập trung hoàn thành các công trình trọng điểm, như: đường ven biển để tạo điều kiện phát triển kinh tế biển, bảo đảm an ninh-quốc phòng; các tuyến đường kết nối khu vực phía Tây với phía Đông để tạo sự bình đẳng trong phát triển giữa vùng núi và vùng đồng bằng, vùng biển, thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch khu vực phía Tây.... ; phát triển hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp để thu hút đầu tư...
 
Tỉnh cũng chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương phát triển, kiện toàn các công trình hạ tầng quy mô lớn, như: nâng cấp sân bay Đồng Hới; xây dựng và mở rộng cảng Hòn La; mở rộng cầu Gianh và cầu Quán Hàu; hoàn thành 2 đoạn cao tốc đường bộ qua Quảng Bình. Ngoài kết cấu hạ tầng phần cứng, tỉnh sẽ tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin để phát triển các ngành đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh…
(Đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy)
       
Ngọc Mai