Tăng thêm sức mạnh cho chi bộ Đảng miền núi: Kỳ 2: Khi chi bộ Đảng được "chắp cánh"

  • 10:24 | Thứ Hai, 10/05/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2018, thực hiện Kết luận 38-KL/TW ngày 13-11-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, sau khi chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn các xã giải thể, các xã miền núi của huyện Tuyên Hóa đã có chủ trương phân công, tăng cường đảng viên là cán bộ xã về sinh hoạt tại các chi bộ, địa bàn khó khăn, ít đảng viên ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS).
 
 
Chính đội ngũ đảng viên là lãnh đạo, cán bộ có trình độ chuyên môn được tăng cường này đã góp phần mang lại nguồn sinh lực mới, động lực mới cho các chi bộ Đảng nơi đây.
 
Giao đúng việc, phân công đúng người
 
Năm 2018, sau khi chi bộ cơ quan xã giải thể, Đảng ủy xã Lâm Hóa đã đề ra chủ trương phân công, tăng cường đảng viên là cán bộ xã về sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản ĐBDTTS đặc biệt khó khăn, trong đó bản Kè: 3 đảng viên, Cáo: 2 và Chuối: 3.
 
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lâm Hóa Đinh Văn Bắc cho biết, sau khi xem xét, đánh giá những tồn tại, khó khăn cụ thể ở mỗi chi bộ, tùy vào tình hình thực tế ở các bản, Đảng ủy xã đã lựa chọn, phân công các đồng chí đảng viên có trình độ chuyên môn, phụ trách các lĩnh vực liên quan tăng cường về sinh hoạt tại địa bàn chi bộ.
 
Nhiệm vụ của các đồng chí đảng viên này là phải giúp đỡ người dân và chi bộ nơi đây khắc phục hạn chế, tồn tại đã chỉ ra, đồng thời chấn chỉnh, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và quan tâm tìm nguồn, đào tạo phát triển đảng viên. Ví như bản Kè có đất sản xuất nhưng đang yếu về khâu tổ chức sản xuất, Đảng ủy cử 1 đảng viên là Chủ tịch Hội Nông dân xã về sinh hoạt và giúp đỡ.
 
Còn bản Chuối, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã có thể tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tổ chức cho chị em phụ nữ sắp xếp lại cuộc sống, sinh hoạt trong gia đình và vệ sinh môi trường sống xung quanh...  
Sự tham dự của các đảng viên tăng cường sẽ tạo đà cho các chi bộ miền núi phát triển.
Sự tham dự của các đảng viên tăng cường sẽ tạo đà cho các chi bộ miền núi phát triển.
Sau gần 3 năm sinh hoạt tại các chi bộ bản, các đảng viên này đã thực sự phát huy năng lực, mang lại sự thay đổi lớn và rất tích cực đối với các bản, làng trên địa bàn. Các chi bộ Đảng nơi đây đã khắc phục được những hạn chế, tồn tại bấy lâu và có sự chuyển biến lớn về chất lượng. Đội ngũ đảng viên đã có bước phát triển về mọi mặt, chất lượng hoạt động các chi bộ bản đã được phát huy và bước đầu đạt được kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt là tình trạng, bản “trắng” chi bộ, đảng viên phải sinh hoạt ghép ở bản Cáo không còn.
 
Nếu như trước đây, chủ trương phân công đảng viên là cán bộ xã phụ trách chi bộ chỉ mới giải quyết được nhiệm vụ nắm bắt tình hình, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp, thì giờ đây, chủ trương tăng cường đảng viên về sinh hoạt đã cùng lúc đạt được nhiều mục đích, vừa xây dựng, củng cố chi bộ, vừa tổ chức phong trào quần chúng trong phát triển kinh tế-xã hội.
 
“Tuy nhiên, đưa đảng viên là cán bộ xã về sinh hoạt tại chi bộ, không có nghĩa là các đảng viên này làm thay phần việc của các đảng viên trong chi bộ, mà là hướng dẫn các đảng viên, chi bộ theo cách "cầm tay chỉ việc", giúp chi bộ hoạt động đi vào nền nếp. Nếu không có những “trợ lực” này, các chi bộ vùng ĐBDTTS khó có thể “tự lực cánh sinh” trong việc nâng cao chất lượng hoạt động, cũng như công tác điều hành chỉ đạo. Đây cũng là một cách đào tạo tại chỗ cho chi bộ, đồng thời, phát hiện bồi dưỡng các nhân tố “hạt nhân” cho chi bộ”, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lâm Hóa cho biết thêm.
 
“Tăng thêm sức mạnh cho chi bộ bản”
 
Bí thư Chi bộ bản Cà Xen, xã Thanh Hóa Hồ Chí Thành đã chia sẻ như vậy sau gần 3 năm, chi bộ Đảng nơi đây được tăng cường thêm 3 đảng viên là cán bộ xã (Chủ tịch Hội Nông dân, Bí thư Đoàn xã và Chủ tịch Hội Phụ nữ xã) về sinh hoạt. Hiện tại, Chi bộ Cà Xen có 10 đảng viên, trong đó có 7 đảng viên gốc người Mã Liềng.
 
“Chi bộ mạnh lên không hẳn vì số lượng đảng viên đông, mà nhờ kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn của các đảng viên được tăng cường về đây. Đó là sự bổ sung cần thiết để các chi bộ, địa bàn khó khăn, ít đảng viên ở vùng ĐBDTTS có cơ hội được nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành”, anh Hồ Chí Thành chia sẻ.
 
Việc tăng cường đảng viên là cán bộ xã về sinh hoạt, không chỉ Chi bộ Cà Xen được tăng thêm sức mạnh, mà chính bản thân Hồ Chí Thành cũng được giúp đỡ không ít. Hồ Chí Thành cho hay, trước đây, việc tổ chức sinh hoạt chi bộ không được thường xuyên như bây giờ. Trong các buổi sinh hoạt vẫn còn tình trạng đảng viên vắng mặt, không tham gia sinh hoạt do phải đi rừng, không về dự kịp. 
Thế nhưng, từ khi có đảng viên cán bộ xã tăng cường, công tác sinh hoạt mới được tổ chức bài bản, đúng quy trình. Nội dung sinh hoạt cũng thiết thực, cụ thể hơn và gắn với thực tiễn cơ sở.
 
"Bản Cà Xen chỉ có 58 hộ (190 nhân khẩu), nhưng lại ở cách biệt 3 vùng khác nhau, nên chi bộ đã phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng đảng viên phụ trách, theo dõi, giúp đỡ từng khu vực. Nhờ đó, giờ đây, bản Cà Xen không còn “những đội quân nằm đường” nữa (nghĩa là tình trạng uống rượu say nằm ngủ luôn dọc đường-PV), các hủ tục lạc hậu cũng đã được dần xóa bỏ; nhà cửa, môi trường sống được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ hơn. 
Các đảng viên là cán bộ xã Lâm Hóa hướng dẫn bà con chăm sóc ruộng lúa nước.
Các đảng viên là cán bộ xã Lâm Hóa hướng dẫn bà con chăm sóc ruộng lúa nước.
Từ chỗ chỉ đi rừng khai thác lâm sản phụ và trông chờ vào trợ cấp của Nhà nước, nay bà con đã có ý thức hơn trong lao động, sản xuất. Hơn 4ha lúa nước và 4ha đất trồng màu (ngô, sắn, lạc...) được bà con duy trì sản xuất, canh tác đều đặn hàng năm. Chăn nuôi, trồng rừng (7ha rừng keo, tràm và 46ha rừng khoanh nuôi) được bà con chú trọng hơn", Hồ Chí Thành vui mừng cho chúng tôi biết.
 
Sau khi Đảng ủy xã Lâm Hóa có chủ trương tăng cường 2 đảng viên là cán bộ xã Hoàng Anh Tuấn, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã và Phạm Tiến Hải, công chức địa chính về sinh hoạt tại Chi bộ bản Cáo, người vui mừng nhất là Trưởng bản Phạm Thị Lâm.
 
Bà Lâm cho hay: “Với một chi bộ mới thành lập, phần lớn đảng viên còn trẻ và mới kết nạp như bản Cáo, nếu như không có những đảng viên tăng cường, Chi bộ bản Cáo khó có thể đảm đương được nhiệm vụ của mình. Riêng tôi, mặc dù là đảng viên lâu năm, có kinh nghiệm và uy tín với bà con, nhưng trình độ, năng lực cũng có những hạn chế nhất định”.
 
Bí thư Chi bộ Hoàng Tuấn Anh cho biết: "Ưu tiên của chúng tôi sau khi được tăng cường là dựa vào chi bộ và các đảng viên trong chi bộ, đặc biệt là Trưởng bản Phạm Thị Lâm để thành lập hệ thống bộ máy tổ chức, gồm: Ban công tác Mặt trận, các hội, đoàn thể. Bởi đây chính là những nòng cốt, hạt nhân để tuyên truyền, vận động đồng bào.
 
Sau khi xác định được các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cần làm ngay, chi bộ tiến hành hướng dẫn cho các đảng viên phương pháp tuyên truyền, vận động người dân và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đảng viên phụ trách các cụm dân cư, các lĩnh vực, đồng thời đi đầu gương mẫu trong thực hiện để bà con làm theo. Với cách làm đó, giờ đây, các đảng viên đã cơ bản xác định được nhiệm vụ của mình. Sinh hoạt chi bộ cũng đã đi vào nề nếp quy định. Hệ thống các tổ chức hội, đoàn thể đã bắt nhịp được sự lãnh đạo của chi ủy và chi bộ.
 
Với một chi bộ vùng DTTS thành lập muộn nhất trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, những kết quả bước đầu đó là tiền đề quan trọng để người dân Mã Liềng nơi đây tiếp tục mở ra những con đường phát triển mới."
 
Theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tuyên Hóa Nguyễn Đình Mão, đối với các địa phương miền núi, khu vực đặc biệt khó khăn, có đông ĐBDTTS, chi bộ Đảng được ví như là “cánh tay nối dài” của Đảng, cấp ủy chính quyền địa phương trong việc đảm nhiệm vai trò lãnh đạo và triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Còn các đảng viên nơi đây là những “ngọn lửa”, “hạt nhân” quan trọng để gây dựng các phong trào. Những năm qua, Đảng bộ huyện đã có nhiều chủ trương, giải pháp để xây dựng và nâng cao chất lượng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, trong đó có mục tiêu đặt ra là phải từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng ở nông thôn, miền núi. Sau khi có quy định giải thể chi bộ cơ quan ở cơ sở, một nguồn lực đảng viên là cán bộ xã đã được tăng cường “tiếp sức” thêm cho các chi bộ yếu. Chủ trương đó của Đảng bộ xã Thanh Hóa và Lâm Hóa thực hiện rất phù hợp với thực tiễn của địa phương, đây là tiền đề quan trọng tạo đà cho các chi bộ miền núi nơi đây củngcố hệ thống chính trị và nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo.
 
Dương Công Hợp