Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Quảng Bình vọng về đất Tổ

  • 06:59 | Thứ Bảy, 29/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng 3”, câu ca dao từ ngàn xưa ấy đã in sâu trong tiềm thức của mỗi người dân đất Việt. Đất Tổ luôn trở thành nơi mong đến chốn mong về của con Lạc cháu Hồng mỗi lần đất trời giao hòa, bước vào tháng ba linh thiêng. Các thế hệ người dân Quảng Bình luôn vọng nhớ về đất Tổ, nơi khai sinh ra nước Việt,  với niềm tin chân thành, sâu lắng nhất...
 
Đã thành thông lệ suốt mấy trăm năm nay, cứ mỗi dịp tháng ba âm lịch về, người dân hai làng Thổ Ngọa và Thuận Bài (phường Quảng Thuận, TX. Ba Đồn) lại náo nức, rộn ràng chuẩn bị cho một trong những ngày hội lớn trong năm: Giỗ Tổ Hùng Vương và ngày hội làng.
 
Ông Nguyễn Ngọc Diễn, Trưởng làng Thổ Ngọa cho biết, theo dòng lịch sử biến thiên, lễ giỗ mồng 10 tháng 3 trước đây là lễ cúng giỗ người có công lập nên làng Thổ Ngọa cách đây hơn 500 năm về trước. Sau đó, do trùng với giỗ Tổ Hùng Vương, nên dân làng cũng lấy ngày này để tổ chức lễ giỗ Tổ.
 
Cứ 5 năm một lần, lễ giỗ sẽ được tổ chức thêm phần hội, còn bình thường vào năm lẻ, chỉ có phần nghi lễ. Trước đó nhiều ngày, làng đã xây dựng kế hoạch tổ chức chi tiết, cụ thể, huy động nguồn kinh phí xã hội hóa từ con em trong làng, nhất là những ai làm ăn xa đóng góp cho quê hương. Phần hội sẽ được tổ chức trước ngày giỗ chính thức một vài ngày với nhiều hoạt động, như: Các trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống, biểu diễn văn nghệ…, thu hút đông đảo con em trong làng tham gia. Đây thực sự trở thành một sự kiện lớn của làng, được bà con gần xa mong ngóng. 
Hội làng Thổ Ngọa. Ảnh: Phạm Văn Thức
Hội làng Thổ Ngọa. Ảnh: Phạm Văn Thức
Phần nghi lễ được chuẩn bị chu đáo và công phu ngay từ trước ngày giỗ với sự phân công nhiệm vụ các khâu tổ chức rõ ràng, cụ thể. Đến đúng ngày mồng 10 tháng 3, phần nghi lễ được diễn ra thành kính, thiêng liêng, vừa giỗ Tổ Hùng Vương, vừa giỗ ông tổ của làng. Mỗi dòng tộc trong làng và mỗi tổ dân phố thuộc làng Thổ Ngọa sẽ thành kính dâng lên một mâm cỗ. Sau đó, là nghi lễ dâng mâm cỗ cúng giỗ Tổ Hùng Vương ở đền Võ Thánh và dâng cúng ông tổ của làng ở chùa Cảnh Tiên. Giờ cúng giỗ Tổ Hùng Vương được chọn là vào lúc 13 giờ.
 
Ngoài ra, bà con cũng thường tổ chức cúng ở các “phường” buôn bán ở chợ Họa trong dịp này, một phần tưởng nhớ những linh hồn không nơi nương tựa, vương vấn trong nhân gian. Những nén tâm hương và bài tế lễ dâng lên tổ tiên như lời hứa của con cháu làng Thổ Ngọa sẽ luôn nỗ lực, cố gắng xây dựng quê hương, giữ gìn bờ cõi, lãnh thổ của Tổ quốc, kính mong ông bà tổ tiên phù hộ cho đất nước ngày càng giàu mạnh, bền vững muôn đời, con dân ấm no, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa.
 
Ông Nguyễn Ngọc Diễn chia sẻ thêm, lễ giỗ thường niên được tổ chức và chỉ bị gián đoạn trong thời kỳ chiến tranh hoặc dịch Covid-19, là nén hương thơm của những người con làng Thổ Ngọa hướng về tổ tiên, quê cha đất Tổ trong ngày mồng 10 tháng 3. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc huy động kinh phí tổ chức, nhưng bà con vẫn nỗ lực để triển khai hàng năm.
 
Cũng giống như làng Thổ Ngọa, những ngày này, làng Thuận Bài (phường Quảng Thuận) cũng náo nức chuẩn bị cho ngày giỗ Tổ và hội làng.
 
Ông Trần Văn Thịnh, Trưởng làng Thuận Bài tâm sự: Đến hẹn lại lên, mỗi dịp mồng 10 tháng 3, người dân làng Thuận Bài dù đi đâu về đâu cũng mong ngóng về giỗ Tổ Hùng Vương và giỗ tổ của làng. Đây là truyền thống hàng trăm năm nay của làng Thuận Bài. Phần nghi lễ được tổ chức vào khoảng từ 8 giờ ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch ở đình làng Thuận Bài với sự trang nghiêm, kính cẩn, được lên kế hoạch và chuẩn bị chu đáo, với sự góp sức của người dân trong làng và con cháu gần xa. Tiếp đó, ngay tại đình làng, con cháu quây quần nghe về lịch sử hình thành của làng, những thành tựu nổi bật thời gian qua và vinh danh các gia đình có nhiều đóng góp cho việc làng. Vài năm một lần, phần hội sẽ được tổ chức sôi nổi với nhiều hoạt động, như: Giao lưu thể thao, văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian, gian hàng ẩm thực…
 
Còn theo ông Nguyễn Thành Công, Chủ tịch UBND phường Quảng Thuận, hàng năm, vào dịp giỗ tổ Hùng Vương, người dân hai làng Thổ Ngọa và Thuận Bài trên địa bàn phường đều tổ chức lễ dâng hương cúng giỗ Tổ và tổ chức ngày hội làng nhằm nhớ về nguồn cội dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước thương nòi, uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ và gắn kết tình làng nghĩa xóm.
 
Bên cạnh phần nghi lễ, phần hội cũng được bà con quan tâm tổ chức, thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo nét đẹp văn hóa riêng của người Thổ Ngọa và Thuận Bài. Chính quyền địa phương đồng sức đồng lòng cùng bà con hai làng Thuận Bài và Thổ Ngọa duy trì lễ giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm và rất mong muốn lễ giỗ sẽ được nâng cấp về quy mô để thu hút nhiều hơn du khách thập phương, góp phần quảng bá truyền thống tốt đẹp của địa phương.
 
Còn ở TP. Đồng Hới, tại Nhà truyền thống Cây Đa-Chùa Ông-nơi có vật Tổ được thờ cúng sau khi được rước về từ đất Tổ Đền Hùng (tháng 3/2000), cứ vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương (10/3) hàng năm, nhất là vào những năm chẵn, TP. Đồng Hới lại long trọng tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn các vua Hùng đã có công dựng nước và các thế hệ cha ông đã anh dũng đấu tranh xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Phần lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng tại Nhà truyền thống Cây Đa-Chùa Ông được tổ chức trang nghiêm, thành kính với sự tham gia của lãnh đạo các cấp, ban, ngành, đoàn thể và đông đảo người dân thành phố.
 
Bà Đinh Thị Phương Lan, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thông TP. Đồng Hới cho biết, vào ngày giỗ Tổ, bà con Phú Thọ trên đất Quảng Bình cũng thường dâng lễ để cúng Tổ với tấm lòng thành kính, biết ơn. Không chỉ vào dịp giỗ Tổ mà vào bất kỳ ngày nào trong năm, Nhà truyền thống Cây Đa-Chùa Ông cũng tạo điều kiện, mở cửa chào đón những tấm lòng hướng về đất Tổ đến bái vọng. Bên cạnh đó, các hoạt động kỷ niệm giỗ Tổ Hùng Vương được lồng ghép trong Tuần Văn hóa-Du lịch thành phố nên cũng tạo những điểm nhấn, dấu ấn nhất định với du khách gần xa.
 
Dù ở cách xa đất Tổ, nhưng người dân Quảng Bình vẫn luôn nghìn năm thương nhớ đất Phong Châu, bái vọng tưởng nhớ về công lao dựng nước của các Vua Hùng theo nhiều cách thức khác nhau. Và trong tâm thức của mỗi người dân, cứ đến dịp mồng 10 tháng 3, dù ai ở đâu, làm gì đều vọng về đất Tổ, thắp nén tâm hương thành kính dâng lên bậc khai Tổ ra đất nước.
 
Mai Nhân

tin liên quan

Bài 2: Để các di tích phát huy giá trị

(QBĐT) - Những năm qua, huyện Quảng Ninh đã có nhiều chính sách, tập trung nguồn lực để làm tốt việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Bài 1: Khó khăn trong quản lý, bảo tồn di tích

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn được huyện Quảng Ninh quan tâm thực hiện.

Chuông chùa An Lang

(QBĐT) - Dù ngôi chùa làng đã hoang tàn, đổ nát nhưng người dân thôn Lâm Lang, xã Châu Hóa (Tuyên Hóa) vẫn còn lưu giữ được cổ vật quý giá, đó chính là "An Lang tự chung".