Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích

Bài 2: Để các di tích phát huy giá trị

  • 07:22 | Thứ Sáu, 31/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quảng Bình có "bát danh hương" thì riêng Quảng Ninh đã nổi trội với bốn làng văn vật “Văn-Võ-Cổ-Kim” có bề dày lịch sử, văn hóa (LSVH). Những năm qua, huyện Quảng Ninh đã có nhiều chính sách, tập trung nguồn lực để làm tốt việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích LSVH trên địa bàn.
 
 
Rà soát, tôn tạo các di tích
 
Di tích nơi thành lập Chi bộ Trường Môn (thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh) được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2017. Vào tháng 10/1942, Chi bộ Trường Môn đã được thành lập-đây là chi bộ đầu tiên của Đảng bộ huyện Quảng Ninh. Sự ra đời của Chi bộ Trường Môn đánh dấu bước ngoặt lịch sử quan trọng của phong trào cách mạng ở huyện Quảng Ninh nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung.
 
Tự hào về những trang sử vẻ vang của dân tộc, tưởng nhớ công lao của những người đi trước, năm 2019, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quảng Ninh đã khởi công xây dựng công trình di tích lịch sử nơi thành lập Chi bộ Trường Môn với tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng; năm 2021 xây dựng khuôn viên và trồng cây xanh với kinh phí 1,5 tỷ đồng. Đến nay, di tích lịch sử nơi thành lập Chi bộ Trường Môn đã trở thành “địa chỉ đỏ” có giá trị tiêu biểu về lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và bồi đắp sức mạnh đoàn kết trong nhân dân.
 
Di tích lịch sử vụ thảm sát Chợ Gộ là nơi ghi dấu tội ác chiến tranh của thực dân Pháp. Nơi đây, ngày 14/7/1947, thực dân Pháp đã tàn sát dã man người dân Chợ Gộ (xã Vĩnh Ninh), lấy đi sinh mạng của 120 người dân vô tội, thiêu hủy 40 ngôi nhà. Từ nguồn kinh phí của chính quyền các cấp, năm 2015, di tích vụ thảm sát Chợ Gộ đã được cắm mốc bảo vệ và được xây dựng nhà bia ghi dấu di tích vào năm 2017. Ngoài giá trị lịch sử quan trọng, di tích còn có giá trị giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tinh thần đấu tranh bất khuất, ý chí kiên cường, sắt đá và lòng yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc, từ đó, ra sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Lê Ngọc Huân, công tác quản lý, bảo vệ các di tích luôn được huyện quan tâm. Hàng năm, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn kinh phí từ tỉnh, huyện và nguồn xã hội hóa, huyện đã tiến hành trùng tu, tôn tạo lại một số di tích. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã đầu tư tôn tạo, sửa chữa các di tích với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng.
 
Nhiều di tích, danh thắng được cắm mốc chỉ giới, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội gắn với phát triển du lịch. Nhờ được tu bổ, tôn tạo kịp thời, nhiều di tích đã trở thành những sản phẩm văn hóa phục vụ thiết thực nhu cầu tham quan, du lịch, sinh hoạt văn hóa cho cộng đồng. Một số di tích nằm trong tuyến tham quan du lịch, sau khi được đầu tư, tôn tạo, đã thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và nước ngoài đến tham quan.
 Di tích lịch sử nơi thành lập Chi bộ Trường Môn được đầu tư, xây dựng khang trang.
Di tích lịch sử nơi thành lập Chi bộ Trường Môn được đầu tư, xây dựng khang trang.

 Tiếp tục phát huy giá trị di tích

Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quảng Ninh Đỗ Ngọc Sơn cho biết, các di tích là những “địa chỉ đỏ” có giá trị trực quan sinh động, là nguồn tư liệu phong phú phục vụ giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Từ nhiều năm nay, công tác quản lý và phát huy giá trị các di tích LSVH trên địa bàn huyện luôn được quan tâm và thực hiện hiệu quả.
 
Huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân địa phương về vai trò, tầm quan trọng của công tác quản lý di sản, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích LSVH; các đơn vị, địa phương trên địa bàn thường xuyên tổ chức hoạt động tuyên truyền về di tích, hoạt động về nguồn, chương trình ngoại khóa cho học sinh, đoàn viên, thanh niên tìm hiểu về di tích LSVH của địa phương.
 
UBND huyện cũng đã triển khai thực hiện đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích LSVH gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030” nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị LSVH của địa phương, thu hút khách tham quan, góp phần tuyên truyền rộng rãi bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng của quê hương cho cán bộ và nhân dân.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Lê Ngọc Huân nhấn mạnh, thời gian tới, huyện sẽ giao cho Phòng Văn hóa-Thông tin phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thông huyện tổ chức các đợt tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân, đặc biệt là đội ngũ giáo viên và học sinh biết được giá trị lịch sử của các di tích LSVH; chỉ đạo Phòng Văn hóa-Thông tin phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường và các xã, thị trấn rà soát lại thủ tục, phạm vi, mức độ, từ đó, hoàn thiện thủ tục để tăng cường sự quản lý nhà nước đối với những di tích trên địa bàn.
 
Di tích nào chưa hoàn thiện quy hoạch thì phối hợp với ban, ngành để lập quy hoạch; phân cấp rõ di tích nào thuộc quyền quản lý của tỉnh, huyện, xã để làm tốt công tác quản lý di tích; xác định quyền sử dụng đất của các di tích để có cơ sở quản lý, bảo vệ. Cùng với công tác tuyên truyền về giá trị LSVH của di tích, huyện sẽ lồng ghép để gắn các địa chỉ du lịch, trong đó tập trung làm hệ thống chỉ dẫn về địa lý của các di tích để người dân và khách du lịch hiểu rõ truyền thống lịch sử của địa phương. Đặc biệt, huyện sẽ tập trung bố trí nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích và phát huy giá trị di tích để phát triển du lịch.
 
Để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, huyện Quảng Ninh đề ra mục tiêu đến năm 2030, 100% các hệ thống di tích LSVH, danh thắng trên địa bàn huyện được tu bổ, tôn tạo, nâng cấp; đưa 70% hệ thống di tích, danh thắng vào khai thác phát triển du lịch, phấn đấu đưa Quảng Ninh trở thành một trong những vùng du lịch quan trọng, góp phần hình thành “trung tâm du lịch phía Nam” của Quảng Bình.
Lan Chi

tin liên quan

Bài 1: Khó khăn trong quản lý, bảo tồn di tích

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn được huyện Quảng Ninh quan tâm thực hiện.

Chuông chùa An Lang

(QBĐT) - Dù ngôi chùa làng đã hoang tàn, đổ nát nhưng người dân thôn Lâm Lang, xã Châu Hóa (Tuyên Hóa) vẫn còn lưu giữ được cổ vật quý giá, đó chính là "An Lang tự chung".
 

Tọa đàm, giao lưu vinh danh Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên

Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo đức độ và tài năng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động cách mạng, dù trên cương vị, lĩnh vực nào, đồng chí luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đem hết sức lực, trí tuệ của mình cống hiến cho Đảng, cho nhân dân và suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.