Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Thiếu tướng, GS.TS. Nguyễn Văn Tài: Mang nặng ân tình quê hương

  • 07:07 | Chủ Nhật, 23/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ông có nhiều danh xưng, về binh nghiệp đó là vị tướng, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng); về khoa học, ông là Giáo sư, Tiến sĩ (GS.TS) triết học, hiện vẫn là Phó Chủ tịch Hội đồng giáo sư liên ngành Triết học-Chính trị học-Xã hội học; về lĩnh vực giáo dục-đào tạo, ông là Nhà giáo Nhân dân. Tuy nhiên, xin được gọi ông bằng cách gọi chung nhất, GS.TS. Nguyễn Văn Tài.
 
Giữ đúng lời hẹn, một ngày tháng 4, tôi có mặt ở ga đường sắt đô thị Phùng Khoang. GS.TS. Nguyễn Văn Tài, tự lái xe ra đón, đưa tôi vào tư gia. Ông muốn dành cho tôi sự thân tình. Đây là lần đầu tiên, tôi gặp ông. Ở ông toát lên sự nhẹ nhàng, khiêm cung, mô phạm của một nhà giáo, hơn là vẻ oai phong của một vị tướng, vẻ hàn lâm của một nhà khoa học.
 
GS.TS. Nguyễn Văn Tài sinh ra và lớn lên ở huyện Lệ Thủy. Ông tham gia binh nghiệp từ tháng 8/1972, lúc tròn 18 tuổi, tháng 9/2021 chính thức được nghỉ hưu. Như vậy, quãng thời gian hoạt động cách mạng của GS.TS. Nguyễn Văn Tài vừa đúng 49 năm,1 tháng.
 
Khi người thanh niên Nguyễn Văn Tài vừa học xong lớp 10/10, thì cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (28/6/1972-16/9/1972) cũng đang diễn ra. Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc bước sang giai đoạn cam go mới.
 
Tháng 8/1972, Nguyễn Văn Tài nhận được giấy nhập ngũ (khi ông đã có giấy báo trúng tuyển của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội). Khi đó, bố ông, một thương binh chống Pháp, hỏi: “Con có đi không? Nếu con muốn đi đại học thì để ba lên đề xuất với Huyện đội?”. “Bây giờ con đi chiến đấu vì quê hương, đất nước đã”, ông trả lời phụ thân.
 
Đó là thời kỳ cả nước cùng ra trận, “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, nên Nguyễn Văn Tài chọn con đường ra trận. “Vừa nhập ngũ thì hành quân từ quê nhà ra Bố Trạch, mất 2 ngày, đi chân đất thôi, vì ra đơn vị tập trung mới có quần áo, tư trang. Trên đường đi, tôi cùng anh em, suýt chết hai lần vì bom B52”, Nguyễn Văn Tài nhớ lại.
 
Sau thời gian huấn luyện, người lính Nguyễn Văn Tài cùng Sư đoàn 341, Quân đoàn 4 vào chiến trường miền Đông Nam bộ (B2), vượt qua nhiều làn ranh sinh tử của cuộc chiến. Đặc biệt là trận đánh ở Xuân Lộc, mở toang “cánh cửa thép” của địch trước “cửa ngõ” Sài Gòn. Sau chiến thắng Xuân Lộc, “quả đấm thép” 341 tiếp tục được Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh miền điều động, với tư cách là đơn vị chủ công tham gia giải phóng Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa và tiến vào Sài Gòn.
 
Trong đời binh nghiệp, Nguyễn Văn Tài cho rằng, ông là người hạnh phúc khi được sống, trở thành nhân chứng của hai thời khắc lịch sử. Trưa 30/4/1975, Sư đoàn 341 của ông, hiên ngang tiến vào giải phóng Sài Gòn. “Sài Gòn rợp cờ hoa, không gian vang vọng tiếng reo hò của người dân chào mừng đoàn quân thắng trận. Đi giữa Sài Gòn trong tư thế của người chiến thắng, thật bồi hồi, xúc động”, người sĩ quan Nguyễn Văn Tài nhớ lại. Năm ấy, ông vừa tròn 20 tuổi.
 
Sau chiến thắng 30/4, đơn vị ông thực hiện nhiệm vụ quân quản tại Sài Gòn. Nguyễn Văn Tài cùng đơn vị đã góp phần cùng các lực lượng khác bảo vệ an toàn, thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên trên đất nước Việt Nam thống nhất, ở vùng mới giải phóng.
 
Đất nước hòa bình, nhưng chưa có bình yên. Tháng 8/1977, Sư đoàn 341 của ông được lệnh tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, Trung đoàn 270 của ông được điều về mặt trận Hà Tiên. Ngày 7/1/1979, Nguyễn Văn Tài có mặt trong đoàn quân tình nguyện Việt Nam, tiến vào giải phóng Phnôm Pênh, hồi sinh đất nước Campuchia. Những năm 1979-1980, ông cùng đơn vị tiếp tục thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, truy quét tàn quân Pôn Pốt, bảo vệ chính quyền non trẻ ở Campuchia. Sau đó, Sư đoàn 341 (Đoàn Sông Lam) được rút về nước, ra Quân khu 4 nhận nhiệm vụ mới.
 
Năm 1985, khi đang công tác ở Trường Đảng Quân khu 4, Nguyễn Văn Tài nhận được giấy báo nhập học Học viện Chính trị, đặc cách đào tạo cán bộ chính trị cấp chiến dịch, chiến thuật. “Gọi là đặc cách vì nguyên tắc phải học qua trường sĩ quan, nhưng tôi chưa qua. Bấy giờ tôi đã là đại úy quân đội trải qua chiến đấu nên được đặc cách”, ông chia sẻ. Tốt nghiệp loại giỏi, thủ khoa của học viện, Nguyễn Văn Tài được phong hàm thiếu tá. Qua chiến đấu nên ông được lựa chọn nơi công tác sau khi tốt nghiệp. Thiếu tá Nguyễn Văn Tài chọn Học viện Chính trị, chính thức gắn bó đời mình với công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học chính trị quân sự.
GS.TS. Nguyễn Văn Tài.
GS.TS. Nguyễn Văn Tài
“Quê hương Quảng Bình thì anh biết rồi, ít có cơ hội để giàu. Phần vì thiên nhiên khắc nghiệt, phần vì đó là nơi của binh đao khói lửa, hết phân tranh Đàng Trong-Đàng Ngoài, đến vùng tạm chiếm của thời chống Pháp, đặc biệt là tuyến lửa của thời chống Mỹ. Gia đình tôi, cũng như bao gia đình ở Quảng Bình đều vất vả”, GS.TS. Nguyễn Văn Tài tâm sự.
 
Bù lại, bố mẹ của ông, luôn khao khát truyền lửa để Nguyễn Văn Tài và các em của ông được học hành, vươn lên trong cuộc sống bằng cả khát khao. “Không có bố nhịn ăn, nhịn mặc lo cho các con và luôn động viên, cổ vũ thì không có chúng tôi bây giờ”, GS.TS. Nguyễn Văn Tài bùi ngùi nhớ lại. Ông không quên lần học ở cấp 3 Lệ Thủy, mùa giáp hạt, bố ông vì thương con vào rừng mót sắn của bà con dân tộc thiểu số để cứu đói, mấy anh em sau khi ăn, say sắn, suýt chết.
 
Ông kể rằng, sau trận lụt lịch sử năm 1971, trôi hết nhà cửa, lúa gạo, đồ đạc, ông bỏ học 10 ngày thì bố phát hiện ra và bắt đi học trở lại. Dù là học sinh giỏi từ bé, từng có tên trong đội thi học sinh giỏi Toán và Văn toàn miền Bắc, nhưng GS.TS. Nguyễn Văn Tài vẫn nói rằng, nếu không có bố, chắc đời ông cũng chỉ học hết lớp 8/10, và cuộc đời chỉ là một lão nông đâu đó.
 
Không phụ lòng phụ thân, trong gia đình 5 anh chị em thì có 3 người thành đạt về học vị, học hàm khoa học. Người em kế của GS.TS. Nguyễn Văn Tài là GS.TS. Nguyễn Anh Trí, người em út là TS. Nguyễn Thành Hưởng.
 
GS.TS. Nguyễn Anh Trí còn là Anh hùng Lao động, đại biểu Quốc hội khóa XIV, khóa XV, Thầy thuốc Nhân dân, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương; TS. Nguyễn Thành Hưởng hiện đang công tác tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
 
Không chỉ giảng dạy, sự nghiệp nghiên cứu khoa học của GS.TS. Nguyễn Văn Tài cũng đạt nhiều thành tựu. Ông đã từng chủ nhiệm và tham gia hàng chục đề tài khoa học các cấp, trong đó có hai đề tài khoa học cấp quốc gia đã nghiệm thu xuất sắc; đó là đề tài “Bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp bảo vệ giải phóng Thăng Long-Hà Nội”“Bảo đảm quốc phòng và an ninh trong phát triển bền vững Tây Nguyên”.
 
Dù đã nghỉ công tác, nhưng hiện GS.TS. Nguyễn Văn Tài vẫn đang tham gia nghiên cứu nhiều đề tài quốc gia và đề tài cấp bộ, như: “Mô hình quản lý, phát triển xã hội ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Cơ sở lý luận và thực tiễn”, “Xây dựng thế trận lòng dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, ngăn ngừa chiến tranh”... Tại giải thưởng sáng tạo TP. Hồ Chí Minh, ông được trao giải nhất cho công trình "Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần khu vực phòng thủ TP. Hồ Chí Minh" mà ông là đồng chủ nhiệm đề tài.
 
Chia tay GS.TS. Nguyễn Văn Tài, tôi mãi suy nghĩ, không hiểu vì sao, vùng đất Lệ Thủy sinh ra nhiều danh nhân kiệt xuất trong lịch sử và nay vẫn nhiều người thành đạt đến như vậy?
 
“Với tôi, Lệ Thủy nói riêng và Quảng Bình nói chung mang nặng ân nghĩa. Là người con của quê hương “Hai giỏi”, điều đó luôn nhắc nhở mình phải học tập, vươn lên và đóng góp xứng đáng. Tôi luôn tự hào về quê hương mình”, GS.TS. Nguyễn Văn Tài chia sẻ.
 
Nhà thơ Ngô Đức Hành

 

tin liên quan

Bài 2: Để các di tích phát huy giá trị

(QBĐT) - Những năm qua, huyện Quảng Ninh đã có nhiều chính sách, tập trung nguồn lực để làm tốt việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Bài 1: Khó khăn trong quản lý, bảo tồn di tích

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn được huyện Quảng Ninh quan tâm thực hiện.

Chuông chùa An Lang

(QBĐT) - Dù ngôi chùa làng đã hoang tàn, đổ nát nhưng người dân thôn Lâm Lang, xã Châu Hóa (Tuyên Hóa) vẫn còn lưu giữ được cổ vật quý giá, đó chính là "An Lang tự chung".