Mai Văn Hoan-Thơ tình trẻ mãi

  • 22:35 | Thứ Ba, 04/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi không biết nên gọi Mai Văn Hoan là nhà giáo, nhà nghiên cứu phê bình văn học hay nhà thơ. Bởi lĩnh vực nào anh cũng có những thành tựu, những dấu ấn để lại cho đời.
 
Trong gần bốn mươi năm đứng trên bục giảng, anh đã góp phần đào tạo không biết bao nhiêu học sinh trưởng thành, đặc biệt truyền cho họ một tình yêu say đắm về văn chương... Anh có nhiều công trình nghiên cứu văn thơ khá đặc sắc, đặc biệt là những phát hiện mới lạ quý báu về Hàn Mặc Tử-một thi sĩ anh hằng yêu mến. Nhưng có lẽ cũng như chúng tôi, anh thích gọi mình là nhà thơ hơn cả.
Nhà thơ Mai Văn Hoan.
Nhà thơ Mai Văn Hoan.

 

Cũng như nhiều người làm thơ, đa tình và si tình. Nhưng điểm khác biệt là phần lớn cácnhà thơ: Cho rất nhiều mà nhận chẳng bao nhiêu/người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết, Mai Văn Hoan luôn là người chiến thắng trong tình trường. Dẫu đôi khi bắt đầu từ một “nụ hôn liều” vẫn kết thúc bằng: Nụ hôn ấy rồi hóa thành bất tử/Ký ức ghi cái giây phút tuyệt vời/Không tương lai, cũng không quá khứ/Nụ hôn liều cháy bỏng cả làn môi.

Dẫu đôi khi anh trở thành bị cáo trong một “phiên tòa đặc biệt”, chẳng có ai làm luật sư bào chữa, nhưng rồi chính nàng-“quan chánh án nghiêm minh” không chỉ tha tội chết cho chàng, mà còn được đền bù với kết cục đến bất ngờ: Rồi đột nhiên bốn vòng tay xiết chặt/Bị can và chánh án … hôn nhau. Nhưng tôi ngờ những chiến thắng của một gã thi sĩ đa tình là cái chiến thắng của chàng Đông-ki-ốt xứ Măng-sơ trước những cối xay gió (!). Bởi không ít lần chàng thú nhận: Vâng, em chỉ là ảo ảnh/Chờn vờn hiện trước mắt tôi/Như một ngôi sao lấp lánh/Vừa gần, thoắt đã xa xôi.
 
Cố thi sĩ Ngô Minh-một người bạn thơ đồng hương, đồng tuổi và đồng sinh hoạt ở xứ thơ Huế mấy chục năm với Mai Văn Hoan-nhận xét rất tinh khi đọc tập thơ “Hồi âm” của anh: “Hai mươi lăm khúc Hồi âm nồng nàn, dan díu, hồi hộp và buồn-là tưởng tượng hay sự thật? Có lẽ cả hai. Bởi thơ là sự thật của tâm trạng, tâm hồn”. “Hồi âm” kể về mối tình của Mai Văn Hoan với một người con gái Quy Nhơn xinh xinh bắt đầu từ bức thư nàng gửi cho chàng và câu chuyện tiếp diễn hư hư thực thực. Có cảm tưởng nó như những “chuyện tình liêu trai” của Bồ Tùng Linh xưa. Điều này có cơ sở vì khi mới ba mươi, Mai Văn Hoan đã có bài thơ “Giếng tiên” khá nổi tiếng mang màu sắc liêu trai ấy: Nếu tôi không lỡ nhịp chân/Biết đâu tôi-một người trần gặp tiên.
 
Bởi vậy không lấy làm ngạc nhiên khi thi sĩ Hoàng Vũ Thuật từng cảm nhận: “Thơ Mai Văn Hoan phản chiếu con người của anh. Điều đó thể hiện rất rõ qua Trò ú tim. Anh cất công đi tìm một hư ảo. Và ngỡ rằng tìm được thật, nhưng khi tới nơi đã lại tan biến từ bao giờ: Số phận tôi thường trớ trêu như vậy/Hạnh phúc với tôi như kẻ trốn, người tìm/Như dòng chữ em viết trên cát ấy/Sóng xóa đi khi tôi mới thoáng nhìn”. Dẫu thế nào, trong tình trường Mai Văn Hoan vẫn là người chiến thắng, với hàng trăm bài thơ tình đã viết là một chiến lợi phẩm không gì so sánh được.
 
Thơ tình Mai Văn Hoan có nhiều cung bậc: Ước, mơ, buồn, giận, ghét, thương, băn khoăn, xao xuyến… Nhưng bao trùm tất cả là “Hạnh phúc”, dẫu hạnh phúc đó phải suốt đời cặm cụi kiếm tìm, phải nâng niu, gom góp, giữ gìn li ti từng hạt hạnh phúc, nhưng cuối cùng vẫn được viên mãn, tròn đầy.
 
Phải vì vậy thơ tình Mai Văn Hoan thường say đắm mà nhẹ nhàng, thiết tha mà êm dịu, hợp với tuổi trẻ như cố thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét trong tập thơ đầu tay “Ảo ảnh” của anh: “Thơ Mai Văn Hoan… xuất hiện khá nhiều trong sổ tay của nhiều lứa sinh viên. Phải chăng thơ anh đồng cảm với tâm lý trong sáng, tế nhị của những người mới bước vào ngưỡng cửa tình yêu?”. Có lẽ nghề dạy văn, lại dạy học trò trường chuyên đôi tám trẻ trung đã ảnh hưởng không ít hồn thơ Mai Văn Hoan.
 
Không chỉ nổi trội ở mảng thơ tình yêu đôi lứa, Mai Văn Hoan còn có nhiều bài thơ khá hay về tình cảm quê hương, bè bạn, nhất là những nghệ sĩ, những bạn thơ tài hoa đoản mệnh. Nghĩa là bao trùm trong thơ Mai Văn Hoan vẫn là “Thơ tình”, một tình yêu tha thiết, trọn vẹn, luôn trẻ trung cùng năm tháng . Có lẽ vì vậy mà Mai Văn Hoan thường thể hiện biển tình qua các lối thơ truyền thống, đặc biệt là thể thơ lục bát. Anh có cả một tập thơ “Tuyền lục bát”. Chúng giúp anh chuyển tải được “Nhịp đập của một trái tim nhiều trăn trở về một nốt trầm xao xuyến; là sự chiêm nghiệm những giấc mơ hoang tưởng và đồng vọng về những âm thanh lắng vào sương khói…” (Nhụy Nguyên-“Chén rượu quê tưới lên phận thơ mình”).
 
Nhà thơ Mai Văn Hoan sinh năm 1949, quê Thanh Trạch, Bố Trạch. Ông đã xuất bản 11 tập thơ: Ảo ảnh (1988), Giai điệu thời gian (1989), Hồi âm (1991), Trăng mùa đông (1997), Giếng Tiên (2003), Lục bát thơ (2006), Điếu thuốc và que diêm (2009), Rượu quê (2011), Quân vương và Thiếp (2015), Lục bát cho em (2016), Tuyển tập thơ Mai Văn Hoan (2019). 6 tập phê bình, tiểu luận: Cảm nhận thi ca (2008), Nhà thơ Xuân Hoàng-trên con tàu trần thế (2010), Đọc và suy ngẫm (2010), Truyện Kiều-đọc và suy ngẫm (2013), Ngẫm về thơ (2018), Thưởng thức Đường thi (2021).
 
Lê Quốc Hán

tin liên quan

Bài 2: Để các di tích phát huy giá trị

(QBĐT) - Những năm qua, huyện Quảng Ninh đã có nhiều chính sách, tập trung nguồn lực để làm tốt việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Áo dài truyền thống là nét văn hóa đặc trưng, riêng có, tôn vinh vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam.

Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước diễn ra vào dịp kỷ niệm 19/5

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước sẽ diễn ra vào dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023).