Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Rừng nguyên sinh giữa khu dân cư

  • 08:58 | Thứ Ba, 04/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ở thôn Đông Thành, xã Nam Trạch (Bố Trạch) có một khu rừng nguyên sinh nằm giữa khu dân cư được người dân bảo vệ, chăm sóc hàng chục năm nay. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, khu rừng đã che chở cho bộ đội, các cơ quan nhà nước và giờ đây, rừng lại cung cấp nguồn nước ngầm cho bà con sinh hoạt, sản xuất, là "lá phổi xanh" điều hòa không khí...
 
Dấu ấn lịch sử
 
Khu rừng nguyên sinh đó có tên là Lòi Chùa với tổng diện tích 4,2ha do UBND xã Nam Trạch (Bố Trạch) quản lý. Điều đặc biệt của khu rừng này là nằm giữa khu dân cư, cách TP. Đồng Hới khoảng 10km và thị trấn Hoàn Lão (Bố Trạch) khoảng 5km. Trong rừng có nhiều cây gỗ quý, cao hàng chục mét, đường kính gốc từ 0,5-1,5m, như: Huỵnh, dổi, ngát, chăm, phao lái, bài lài, trám… vẫn được bảo vệ nguyên vẹn.
 
Gọi là rừng Lòi Chùa vì trước đây trong rừng có một ngôi chùa nhỏ, là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, hội họp của người dân trong làng. Theo các cụ cao niên ở thôn Đông Thành kể, hàng tháng, cứ đến dịp ngày rằm, mồng 1 hoặc lễ, Tết là bà con trong thôn đến chùa thắp hương và làm những việc theo lệ làng.
 
Ông Võ Công Úy, 65 tuổi, người trực tiếp được xã giao bảo vệ rừng Lòi Chùa từ năm 2012 đến nay kể: “Trong chiến tranh chống Mỹ, ngôi chùa bị bom đạn Mỹ phá hủy nhiều lần. Mỗi lần bị phá, người dân trong vùng đều góp gạo, thực phẩm, công sức để dựng lại chùa. Để dựng chùa, bà con lên rừng lấy gỗ lim hoặc chặt mít ở vườn nhà đem đến chứ không hề chặt cây trong rừng. Mỗi dịp lễ, Tết, cả làng tập trung lên chùa gói bánh để cúng rồi phát lại cho người dân trong thôn”.   
 Rừng Lòi Chùa có nhiều cây gỗ to, có giá trị.
Rừng Lòi Chùa có nhiều cây gỗ to, có giá trị.
Người dân thôn Đông Thành tâm niệm rừng Lòi Chùa là rừng thiêng nên không ai vào đó chặt cây. Nhờ đó, rừng ngày càng phát triển xanh tốt, cây cối mọc lên cao vút, nhiều chim thú về trú ngụ. Trong kháng chiến, rừng Lòi Chùa trở thành nơi che chở, ẩn nấp cho bộ đội, dân làng và các cơ quan hành chính, nơi nghỉ chân của các đơn vị trên đường vào chiến trường miền Nam…
 
Ông Úy nhớ lại: “Những năm bom đạn, rừng Lòi Chùa cung cấp gỗ cho bộ đội làm hầm, lán để đánh giặc. Nhưng thời đó, người ta cũng chỉ chặt tỉa những cây nằm gần nhau chứ không chặt hạ đồng loạt. Hiện, dưới tán rừng không còn dấu tích ngôi chùa nữa nhưng vẫn còn nhiều đường hầm, trận địa pháo, hầm xe tăng do bộ đội đào đắp để đánh Mỹ”.
 
Quyết tâm giữ rừng
 
Theo ông Úy, rừng Lòi Chùa được người dân bảo vệ từ hàng chục năm về trước. Đặc biệt, khi nhu cầu gỗ làm nhà và các công trình xây dựng của bà con trong thôn Đông Thành tăng cao, khu rừng đứng trước nguy cơ bị xâm hại. Để bảo vệ rừng, từ năm 1970, bà con trong thôn đã góp thóc lại để thuê người giữ rừng, sau này quy thóc ra tiền để thuê người giữ rừng. Công việc hàng ngày của những người giữ rừng như ông Úy là vào rừng kiểm tra, nhắc nhở người dân hạn chế mang vật liệu cháy vào rừng, không chặt cây cối, săn bắt chim thú trong rừng. Nếu trường hợp nào cố tình vi phạm, ông báo cáo lại với chính quyền để xử lý.
 
“Hơn 10 năm giữ rừng, tôi mới gặp duy nhất một lần rừng bị phá. Đó là năm 2017, một người dân lén vào rừng cắt trộm một cây gỗ rồi dùng trâu vận chuyển ra. Sau khi phát hiện, tôi đã báo cáo với chính quyền địa phương lập biên bản và xử phạt hành chính. Từ đó đến nay, không có trường hợp nào vào phá rừng nữa”, ông Võ Công Úy cho hay.
 
“Mùa hè đến, rừng Lòi Chùa lại náo nhiệt đón nhiều đoàn viên, thanh niên và học sinh các trường vào tham quan, thực tập về lâm sinh, trồng trọt... Hiện, UBND xã đang có ý tưởng kêu gọi nhà đầu tư để xây dựng rừng Lòi Chùa thành công viên, khu du lịch sinh thái. Để làm được điều đó, hàng năm xã đều trồng thêm nhiều cây huỵnh, dổi, vàng tâm… để làm giàu thêm cho rừng. Thời gian tới, UBND xã sẽ chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự xã trồng thêm khoảng 1ha cây bản địa xung quanh để mở rộng diện tích rừng”, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Trạch Đoàn Ngọc Nhân cho biết thêm.  
Ông Bùi Quang Tạo, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Sông Dinh, phụ trách xã Nam Trạch cho biết: “Để bảo vệ rừng Lòi Chùa, trạm đã tham mưu cho UBND xã xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng, làm vành đai bảo vệ rừng, thành lập ban bảo vệ rừng của xã, tổ bảo vệ rừng các thôn; xây dựng quy chế phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm, Công an xã, Ban Chỉ huy Quân sự xã trong việc tuần tra, kiểm soát rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Nhờ đó, rừng ở đây được bảo vệ tốt, những năm gần đây không xảy ra cháy rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép”.
 
Nhờ bảo vệ tốt rừng Lòi Chùa nên rừng mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân. Hiện, cả thôn Đông Thành có 197 hộ dân đều sử dụng nước giếng. Điều đáng nói là nước giếng của bà con trong vắt quanh năm và không bao giờ cạn. Rừng cũng đã cung cấp nguồn nước ngầm tưới cho 4ha đất trồng lúa của bà con trong thôn.
 
Anh Võ Tuấn Chung, một người dân sống gần rừng chia sẻ: “Mặc dù nhà sát bên rừng nhưng chưa khi nào tôi vào rừng chặt cây, lấy củi hay săn bắt động vật. Nhờ đó, rừng ngày càng phát triển tốt, giữ nguồn nước ngầm và sản xuất nông nghiệp của bà con bao đời nay”.
 
Dạo quanh dưới tán rừng Lòi Chùa, ngắm những thân cây huỵnh cao vút, thẳng tắp, nghe tiếng chim hót mới thấy giá trị và ý nghĩa của rừng. Phó Chủ tịch UBND xã Nam Trạch Đoàn Ngọc Nhân tâm sự: “Bà con trong xã luôn xem rừng Lòi Chùa là “báu vật”, là “lá phổi xanh” của làng, là bức tường xanh chắn gió lạnh khi mùa đông về, làm mát những mùa hè oi bức. Vì thế mà bao đời nay, không chỉ có người dân thôn Đông Thành mà cả người dân cả xã Nam Trạch đều quyết tâm giữ rừng”…
 
Xuân Vương

tin liên quan

Bài 2: Để các di tích phát huy giá trị

(QBĐT) - Những năm qua, huyện Quảng Ninh đã có nhiều chính sách, tập trung nguồn lực để làm tốt việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Bài 1: Khó khăn trong quản lý, bảo tồn di tích

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn được huyện Quảng Ninh quan tâm thực hiện.

Chuông chùa An Lang

(QBĐT) - Dù ngôi chùa làng đã hoang tàn, đổ nát nhưng người dân thôn Lâm Lang, xã Châu Hóa (Tuyên Hóa) vẫn còn lưu giữ được cổ vật quý giá, đó chính là "An Lang tự chung".