Sao sáo sông Thai

  • 15:51 | Thứ Bảy, 15/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là xã miền núi thuộc vùng bán sơn địa ở phía Bắc huyện Quảng Trạch, Quảng Kim được dãy Hoành Sơn mà người dân địa phương hay gọi là núi Phượng Hoàng bao bọc, che chắn phía sau lưng theo hình cánh cung; trước mặt là hai nhánh của sông Loan gồm sông Thai và sông Càn, cung cấp nhiều sản vật cho cư dân địa phương, đặc biệt là sao sáo...
 
Núi non nơi đây giao hòa với sông nước tạo nên cảnh quan thiên nhiên tráng lệ, hữu tình. Sông Càn, nhánh chính của sông Loan bốn mùa nước trong xanh chảy từ Tây xuống phía Nam rồi hợp lưu với sông Thai đổ ra cửa Roòn. Còn sông Thai khởi nguồn từ các dòng suối ở hang Đá Bạc dưới chân núi Phượng Hoàng. Phần hạ lưu sông Thai chảy theo hướng Đông Nam, phân chia ranh giới hai xã Quảng Kim và Quảng Phú.
 
Hai dòng sông uốn lượn vừa điểm tô cảnh đẹp của quê hương Quảng Kim, vừa cung cấp nguồn thủy sản cho người dân địa phương. Một trong những sản vật nổi tiếng ở sông Thai, chính là sao sáo. Sao sáo xuất hiện nhiều vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm.
 
Sao sáo là tên mà người dân Quảng Kim dùng để gọi về một loài hến. Mỗi khi nước sông Thai rút, người dân thường lội ra giữa sông mò sao sáo. Sao sáo bắt về đem rửa nhiều lần cho sạch bùn đất bám vào. Sau đó hòa tan một ít muối ăn với nước rồi vào ngâm qua đêm, đến ngày hôm sau mới chế biến. Việc ngâm qua nước muối có tác dụng làm sạch đất bên trong.
Món canh dưa đen nấu với sao sáo.
Món canh dưa đen nấu với sao sáo.
Sao sáo có dáng tròn dài, một đầu to và tròn, đầu còn lại dẹt hơn. Dùng mũi dao nhỏ tách đôi vỏ để lấy ruột sao sáo. Sao sáo là loài nhuyễn thể nên khi tách vỏ cần tách phía dẹp mới lấy được nguyên con và không bị dập. Còn nếu tách đầu to, tròn sẽ làm dập thân, làm mất nguồn dưỡng chất. Có nhiều cách chế biến sao sáo, như: Nấu cháo canh, lẩu, xào…,  nhưng có lẽ ngon hơn cả là món sao sáo nấu canh dưa đen.
 
Sau khi tách xong phải rửa qua sao sáo cho sạch đất. Dùng dầu ăn hoặc mỡ cho vào nồi đun nóng, lần lượt cho một ít hành củ đập dập xào qua cho có mùi thơm, tiếp đó đổ phần ruột sao sáo vào, rồi thêm các loại gia vị, như: Nước mắm, ớt, mì chính, tiêu…
 
Nên xào sao sáo bằng lửa nhỏ, khi vừa chuyển qua màu đục là được, làm như thế thì sao sáo mới có vị ngọt và béo hơn. Sau đó múc sao sáo ra tô rồi cho nước vào. Khi nước sôi thì đổ dưa vào, tiếp đến đổ phần sao sáo đã xào qua vào luôn. Đun cho sôi lại, nêm gia vị vừa ăn là đã có nồi canh dưa nấu sao sáo.
 
Ai đã một lần thưởng thức có lẽ sẽ khó quên được vị béo, ngọt mát, thanh thanh... của sao sáo. Chút dư vị đặc biệt của sao sáo được nuôi dưỡng từ lòng đất, phù du của sông Thai và khí trời nơi đây đã làm nên nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của làng quê bên đèo Ngang.
 
Rời Quảng Kim mà câu ca:“Muốn ăn sao sáo ra sông Thai/Muốn ăn ngao trai ra sông Roòn” như thúc giục, mong sớm trở lại mảnh đất này.
Khánh Linh