Bình minh nơi làng biển Đức Trạch

  • 07:15 | Thứ Bảy, 01/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những buổi sáng tháng 3 này, khi về với làng biển Đức Trạch (Bố Trạch) chúng ta sẽ cảm nhận được không khí rộn ràng của người dân nơi đây. Những chiếc thuyền liên tục cập bờ mang theo đầy ắp cá, tôm, cảnh mua bán diễn ra nhộn nhịp.
 
Bình minh vừa lên cũng là lúc chiếc thuyền máy của ông Nguyễn Văn Thìn ở thôn Bàu Bàng, xã Đức Trạch rẽ sóng cập bờ sau một chuyến biển. Trên bờ, những người phụ nữ đã chuẩn bị sẵn sàng để phụ giúp những người đàn ông đưa thuyền và cá lên bờ cho kịp phiên chợ buổi sáng. Hôm nay, thuyền của ông Thìn trúng khá nhiều cá chỉ vàng nên ai nấy đều vui mừng, phấn khởi.  
 
Ông Nguyễn Văn Thìn chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở làng biển Đức Trạch. Thuở nhỏ, tôi thường theo cha ra biển đánh cá mưu sinh và thấy yêu thích công việc này. Lớn lên, tôi quyết tâm bám biển và gắn bó đến nay cũng đã được trên 30 năm rồi. Cứ đều đặn 3-4 giờ chiều, tôi lại đưa thuyền ra biển để đánh bắt và trở về vào sáng sớm hôm sau. Bữa nào nhiều thì được một, hai tạ cá; bữa nào ít thì được một đôi yến. Nhờ đó mà mưu sinh, phát triển kinh tế gia đình, chăm lo con cái ăn học”. 
Hải sản của Đức Trạch luôn nổi tiếng tươi ngon.
Hải sản của Đức Trạch luôn nổi tiếng tươi ngon.
Người dân xã Đức Trạch từ lâu đã sống chủ yếu dựa vào nghề biển. Trải qua thời gian, nghề này vẫn luôn được giữ gìn và phát huy, trở thành nghề truyền thống của làng. Toàn xã Đức Trạch hiện có hơn 470 tàu thuyền, trong đó có hơn 240 thuyền với khoảng 400 lao động chuyên mưu sinh bằng nghề khai thác thủy sản gần bờ. Đều đặn hàng ngày, sau bữa cơm chiều, mỗi thuyền từ 1-2 ngư dân lại bắt đầu xuất phát ra biển đánh bắt hải sản và trở về vào sáng sớm ngày hôm sau. Chính vì đánh bắt ngay trong đêm và trở về vào lúc sáng sớm nên chất lượng các loại hải sản của ngư dân Đức Trạch luôn nổi tiếng tươi ngon. Riêng 3 tháng đầu năm 2023, sản lượng khai thác thủy sản đạt 2.410 tấn.
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch Trương Quang An cho biết: “Đối với nghề biển gần bờ thì bà con làm quanh năm. Từ tháng 1-3 thì bà con sẽ đánh lưới cá trích; từ tháng 3-10 thì bà con làm lưới hai, trong đó có một số loại cá như cá thởng, chỉ vàng. Và từ tháng 10-12, thì làm tôm bạc, làm lưới cá cháo. Trường hợp khi xảy ra gió mùa hoặc thời tiết xấu bà con mới không đi biển”.
 
Lênh đênh trên những con sóng giữa muôn trùng biển khơi không phải là việc dễ dàng và không phải lúc nào cũng diễn ra thuận lợi, nghề biển cũng có lúc thăng, lúc trầm. Nhưng, vượt qua những nhọc nhằn, khó khăn, ngư dân Đức Trạch vẫn luôn kiên cường bám biển vì truyền thống bao đời và khát vọng về một cuộc sống ấm no, đủ đầy.
 
"Hiện nay, huyện Bố Trạch đang định hướng cho bà con ngư dân kết hợp nghề khai thác thủy sản gần bờ với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch trải nghiệm như đi câu mực... Huyện cũng đồng thời chỉ đạo các địa phương tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý nghiệm, triệt để hoạt động trái phép của các tàu giã cào trên các vùng biển ven bờ nhằm bảo đảm nguồn lợi thủy sản", Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch Nguyễn Hữu Toàn cho biết. 
 
Tiến Thành
(Trung tâm VH- TT-TT Bố Trạch)
      

tin liên quan

Phát triển tàu dịch vụ hậu cần nghề cá: Vẫn còn lắm khó khăn

(QBĐT) - Cùng với phát triển đội tàu cá công suất lớn khai thác hải sản xa bờ, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. 

'Từ trang trại đến bàn ăn' - Bài 2: Khó khăn và sức hút

(QBĐT) - "Từ trang trại đến bàn ăn" là mô hình sản xuất nông nghiệp nhiều tiềm năng để phát triển, tuy nhiên với người nông dân không phải ai cũng dám mạo hiểm đầu tư vì lo ngại còn tiềm ẩn khó khăn, thách thức. Nếu biết giải quyết những khó khăn, thách thức này thì mô hình sẽ thực sự có sức hút khó cưỡng với những ai muốn làm nông nghiệp nghiêm túc.

'Từ trang trại đến bàn ăn'

(QBĐT) - Lâu nay, khái niệm nông nghiệp 3F (Feed-Fam-Food) hay còn gọi là "Từ trang trại đến bàn ăn" dường như còn khá mới lạ với không ít người nông dân. Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn tỉnh, những mô hình theo hướng từ trang trại đến bàn ăn đã dần xuất hiện. Với những ưu việt: Sản xuất theo quy trình khép kín, tạo ra sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, sức cạnh tranh cao..., mô hình "Từ trang trại đến bàn ăn" hứa hẹn sẽ tạo sức hút và trở thành xu hướng làm nông nghiệp được nhiều người nông dân hướng đến.