Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Những cuốn sách giáo khoa đầu tiên về Quảng Bình

Bài 2: Yêu quê hương qua từng trang sách

  • 07:13 | Thứ Ba, 18/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong bối cảnh nền giáo dục thuộc địa với chính sách ngu dân, những cuốn sách giáo khoa về văn hóa-địa lý-lịch sử Quảng Bình đóng vai trò quan trọng trong việc bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về đất và người Quảng Bình cho các thế hệ học sinh. Nếu “Những bài học địa lý Quảng Bình”, tập I, II  xuất bản năm 1937 của tác giả Lương Duy Tâm được ví như cuốn sách giáo khoa bằng tiếng Pháp viết về dư địa chí Quảng Bình đầu tiên, thì “Quảng Bình địa dư tiện đọc” của tác giả Trần Kinh xuất bản năm 1926 lại được viết bằng chữ Quốc ngữ, góp phần đưa tiếng Việt đến gần hơn với công chúng cần lao.
 
 
Theo cuốn “Địa chí Đồng Hới”, tác giả Nguyễn Tú, cụ An Đình Trần Kinh sáng tác nhiều thơ văn viết về danh lam thắng cảnh ở Quảng Bình và Đồng Hới. Cuốn “Quảng Bình địa dư tiện đọc” của cụ được Nha học Chánh Trung Kỳ dùng làm sách dạy cho các trường tiểu học ở Quảng Bình. Đây không chỉ là một sách giáo khoa trong phạm vi trường học mà còn là một cuốn địa chí tỉnh Quảng Bình bằng thể thơ lục bát và là những bài ca dao trong nhân dân Quảng Bình. Nhờ đó, cuốn sách đã “vượt ra” khỏi sách vở, trở thành “văn học dân gian” của quần chúng, từ trẻ em, học sinh, đến người già, nông dân đều thuộc.
 
Cụ Huỳnh Côn khi viết đề tựa cho cuốn sách đã nhận định: “Tôi vốn sẵn có mối cảm tình với sách Quốc ngữ, thấy được một quyển sách hay ra đời, trong lòng thiệt lấy làm vui vẻ lắm… Nói về môn loại, thời sách này thuộc về khoa học địa dư. Địa dư đã là một khoa học mà địa dư về nước mình, xứ mình là cần hơn, kẻ thiếu niên có học đến, biết đến thì mới sinh yêu mến giang sơn.
 
Nói về thể tài, sách này thuộc về lối ca trù, dùng điệu văn trên 6 dưới 8, gồm đủ các bài dạy về địa thế, giới hạn, sơn xuyên, khí hậu, thổ sản, kỹ nghệ, thương mại, chính trị, phong tục, nhân vật, đường sá, cổ tích... lời văn bình dị, ý nghĩa rõ ràng. Mỗi bài ở dưới có phụ lời chú thích, khảo cứu đích xác lắm. Nội dung kể cũng là hoàn bị vậy.
 
Chú ý của tác giả là muốn dùng thể văn lục bát là thể văn phổ thông trong nước để làm sách giáo khoa khiến cho trẻ ham đọc mà dễ nhớ, ngâm nga êm tai và đọc thấy thích chí, mau in sâu vào trí não của bạn nhi đồng. Cách này thực là tiện tiệp lắm”.
Bìa bản dịch “Những bài học địa lý Quảng Bình” lưu trữ tại Thư viện tỉnh.
Bìa bản dịch “Những bài học địa lý Quảng Bình” lưu trữ tại Thư viện tỉnh.

“Quảng Bình địa dư tiện đọc” có 13 bài chính và 3 bài phụ thêm. Các bài học được sắp xếp hợp lý, gói gọn hầu như toàn bộ các nội dung về dư địa chí Quảng Bình, dưới mỗi bài lục bát đều có ghi chú thích rõ ràng, mạch lạc, thậm chí có bài còn hướng dẫn cách giảng dạy cho giáo viên. Chẳng hạn như bài về “Núi”:

    “Quảng Bình nhiều đỉnh cao sơn,
Phía Tây một dãy Giăng Màn xanh xanh;
    Hoành Sơn giống bức trường thành,
Phân tách Hà Tĩnh-Quảng Bình làm đôi,
    Tuyên Hóa, Quảng Trạch nhiều đồi
Núi Hòn, Lèn Bắc, Đầu Voi, Đại Đù.
    Bố Trạch về miền thượng du,
Đinh Công là một núi to nhưng là;
   Quảng Ninh, Lệ Thủy phương xa,
Kê quan, An Mã cũng là Đầu Mâu”.
 
Ngay ở dưới bài học, tác giả Trần Kinh giải nghĩa rõ thêm về núi Giăng Màn, Hoành Sơn, Núi Hòn, Lèn Bắc, Đầu Voi, Đại Đù… Đồng thời, ghi rõ: “Trong bài này, thầy giáo phải nên kể thêm cho học trò biết các núi danh sơn ở trong tỉnh như là: Núi Đầu Mâu ở xã Lệ Kỳ, núi Thần Đinh ở làng Xuân Dục (Quảng Ninh), Tam Linh ở Bố Trạch, Chân Linh ở Quảng Trạch…”. Nhờ đó, học sinh sẽ rất hứng thú khi được học, vừa dễ nhớ, dễ thuộc. Giáo viên khi giảng dạy cũng dễ dàng, thuận lợi hơn. Đặc biệt, với ngôn ngữ giản dị, kiến thức được truyền đạt qua bài học được học sinh rất yêu thích, nhớ lâu và dễ truyền miệng trong dân gian.
 
Hay như bài “Cổ tích”, chỉ bằng vài câu thơ, hầu như toàn bộ di tích, danh lam thắng cảnh của Quảng Bình đã được thể hiện rõ:
 
    “Biết bao cổ tích thắng danh,
Xem xét cho rõ cho rành mới hay.
    Trấn Ninh tục gọi Lũy Thầy,
Đào công thuở trước đắp xây cao dày.
    Trường Dục cũng ở gần đây,
Cũng đều thiên hiểm tiếng tày truyền ca.
    Lại thêm một lũy phù sa
Trên bờ sông Lệ trông xa dặm trường…”.
 
Tác giả còn giải nghĩa chi tiết về từng địa danh nêu trong bài, từ địa điểm, nét đặc trưng cho đến những cảm xúc khi ghé thăm: “Chùa Hang Phong Nha ở làng Phong Nha, huyện Bố Trạch, từ Đồng Hới đi tới đó 48km. Cảnh hang ấy tốt đẹp một cách lạ thường”, hay: “Hang Minh Cầm ở tại núi Lạc Sơn, tại địa đầu huyện Tuyên Hóa. Cái hang ấy phong cảnh xinh đẹp lắm”. Cuối bài, tác giả Trần Kinh còn gửi lời dặn: “Bài này chỉ lược qua một vài cổ tích nhất có tiếng ở trong tỉnh mà thôi, như muốn biết cho rõ các cổ tích khác, thì phải xem trong truyện “Quảng Bình thắng tích lục” cũng của soạn giả làm, sẽ xuất bản”.
 
Với những giá trị của “Quảng Bình địa dư tiện đọc” để lại, thật đúng như cụ Nguyễn Tú đã nhận định trong cuốn “Quảng Bình nhân vật chí”: “Suốt từ đó đến năm 1945 (20 năm trời) không một học sinh cấp tiểu học nào ở Quảng Bình mà không thuộc các bài trong cuốn sách ấy”.
 
Không viết bằng chữ Quốc ngữ, cuốn “Những bài học địa lý Quảng Bình” xuất bản năm 1937 được viết bằng tiếng Pháp, như chính gửi gắm của tác giả Lương Duy Tâm với mong muốn học sinh Quảng Bình sẽ hiểu rõ và am tường với văn hóa, địa lý, lịch sử của quê hương. Như nhà nghiên cứu Phan Viết Dũng chia sẻ: Là một cuốn sách giáo khoa nhằm phục vụ cho việc dạy và học nên được tác giả trình bày dưới dạng các bài học. Mỗi bài học tác giả soạn theo một chủ đề riêng bao gồm các bài đọc, bài học mở rộng và bài tóm tắt. Tuy tập sách được biên soạn dựa trên sự sưu tập các tài liệu trước đó được tác giả chỉnh lý lại nhưng đây là một công trình nghiên cứu khoa học thực sự.
 
Trong tập sách, tác giả phải sử dụng nhiều thư tịch cổ, những bài văn thơ bằng chữ Hán, những bài hát dân gian của địa phương được dịch ra tiếng Pháp, sắp xếp lại từng chủ đề theo một hệ thống hoàn chỉnh. Với 25 bài học, tập sách giới thiệu khá đầy đủ địa lý tự nhiên, địa lý lịch sử, kinh tế và phong tục tập quán của địa phương Quảng Bình.
 
Đặc biệt, khi đọc "Những bài học địa lý Quảng Bình", người đọc sẽ bắt gặp một quan điểm chỉ đạo của tác giả rất gần với quan điểm nghiên cứu hiện đại đó là tính chuyển tiếp của địa lý Quảng Bình. Như tác giả viết: "Tính chuyển tiếp ấy thể hiện trong núi non, khí hậu, lịch sử và trong tiếng nói, trong cách ăn mặc của nhân dân Quảng Bình". Chính vì lẽ đó "Những bài học địa lý Quảng Bình" không chỉ là tập sách giáo khoa cho các trường học trước đây mà còn có giá trị trong việc nghiên cứu địa chí Quảng Bình ngày nay.
 
Từng bài học trong cuốn sách như minh chứng cho tâm huyết của một trong những nhà giáo dục hàng đầu của tỉnh nhà những năm đầu thế kỷ 20. Chẳng hạn như trong bài học thứ 13 về “Đường thủy”, tác giả đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về đường thủy Quảng Bình để đưa ra những số liệu chính xác, tỉ mỉ: “Quảng Bình có khoảng 300 cây số đường thủy tàu bè đi lại được và 5 bến. Toàn bộ có 3.600 đò và 135 thuyền biển sử dụng”. Bài học thứ 13 được chia thành các nội dung: “Đường thủy tàu bè đi lại được”, “bến”, “toát yếu” và “bài đọc”.
 
Xuyên suốt bài học là những thông tin, số liệu chi tiết về đường thủy của Quảng Bình, từ các tuyến sông thuyền bè có thể qua lại, những bến lẻ cho đến số lượng thuyền, bè qua lại, sức chứa các bến… Phần “bài đọc” được tác giả bổ sung thông tin từ “Khảo luận về địa chất của miền Bắc Trung Đông Dương” và “Địa lý của Trung kỳ, tác giả J.Bouault”. Phần “toát yếu” chính là những tóm lược chính yếu về nội dung của bài học để học sinh dễ nhớ, dễ thuộc.
 
Điểm đặc biệt của cuốn “Những bài học địa lý Quảng Bình” chính là những bảng biểu thống kê về dân số, di cư, thuyền câu cá… được trình bày khoa học, chi tiết, chứng tỏ sự điều tra kỹ lưỡng, chuyên tâm của tác giả. Đây chính là những số liệu thống kê rất hữu ích, tài liệu vô giá cho công tác nghiên cứu sau này về Quảng Bình.
 
Chắc hẳn vẫn còn một số cuốn sách giáo khoa về Quảng Bình trong giai đoạn này được xuất bản và sử dụng rộng rãi, nhưng trong khuôn khổ bài viết chỉ xin đề cập đến 2 cuốn sách của tác giả Lương Duy Tâm và Trần Kinh. Cả hai cụ đều là những người tâm huyết với giáo dục Quảng Bình với mong mỏi phổ cập những kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa chí… đến với thế hệ sau. Qua đó, góp phần thắp lên “ngọn lửa” yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc và nhen nhóm tinh thần cách mạng.
Mai Nhân

tin liên quan

Bài 2: Để các di tích phát huy giá trị

(QBĐT) - Những năm qua, huyện Quảng Ninh đã có nhiều chính sách, tập trung nguồn lực để làm tốt việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Bài 1: Khó khăn trong quản lý, bảo tồn di tích

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn được huyện Quảng Ninh quan tâm thực hiện.

Chuông chùa An Lang

(QBĐT) - Dù ngôi chùa làng đã hoang tàn, đổ nát nhưng người dân thôn Lâm Lang, xã Châu Hóa (Tuyên Hóa) vẫn còn lưu giữ được cổ vật quý giá, đó chính là "An Lang tự chung".