Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Công nghiệp Quảng Bình thuở sơ khai

Bài 1: Những nền móng của công nghiệp Quảng Bình

  • 07:13 | Thứ Hai, 20/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nền công nghiệp của Quảng Bình có tự bao giờ? Đó có lẽ là câu hỏi mà không ít nhà nghiên cứu về mảnh đất gió Lào cát trắng này đã nhiều lần đi tìm câu trả lời. Trong khuôn khổ bài viết, chỉ hy vọng hé mở phần nào “bức tranh” của nền công nghiệp Quảng Bình giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Từ nền móng của nền công nghiệp còn non trẻ đó đã dần mở ra cho tỉnh nhà các ngành nghề mới, hình thành nên giai cấp công nhân.
 
Trước khi manh nha nền công nghiệp bản địa, ở Quảng Bình, nông nghiệp vẫn phát triển mạnh mẽ nhất. Theo cuốn “Quảng Bình thời khai thiết” của tác giả Phan Viết Dũng, dưới thời nhà Nguyễn cùng với nông nghiệp, ngành nghề cũng có bước phát triển, như: Nghề đánh cá, nghề làm muối và các nghề thủ công khác.
 
Các ngành nghề này vốn là ngành nghề truyền thống ở các địa phương, đã có dưới các thời nhà Trần, Lê, chúa Nguyễn nay có điều kiện phát triển mạnh hơn. Nghề cá tiếp tục phát triển hầu hết ở các xã vùng biển, nhất là các xã: Di Luân (Quảng Trạch), Thanh Hà (Bố Trạch), Động Hải (Phong Lộc), Hòa Luật (Lệ Thủy)...
 
Các loại hải sản đánh bắt được ở vùng biển Quảng Bình, nhiều nhất là cá thu, cá nhám, cá chim, cá mực, cá trích. Đặc biệt có cá long trích làm nước mắm ngon hơn cả gọi là nước mắm hàm hương. Ở vùng Di Luân, nhân dân địa phương nuôi nhiều sò huyết. Loại sò này trước đây không có. Trấn thủ Nguyễn Khắc Loát sai đưa thuyền ra Quảng Yên giáp Khâm Châu (Trung Quốc) bắt về rồi đem thả ở cửa biển Di Luân. Nghề nuôi sò huyết có từ đó. Nghề làm muối đã có bước phát triển mới. Các ruộng muối tập trung nhiều ở huyện Bình Chính (Quảng Trạch) và Phong Lộc (vùng Đồng Hới ngày nay).
 
Nghề dệt lụa, dệt vải vẫn phát triển nhiều nơi, đặc biệt Võ Xá có nghề dệt lụa nổi tiếng. Một số sản vật nổi tiếng của Quảng Bình được cung tiến vua thời bấy giờ có bột hoàng tinh của Lệ Thủy, rượu dâu của huyện Minh Chính, tương đậu nành của huyện Phong Lộc Bình, sâm (sâm nam) của huyện Minh Chính, dưa hấu của phường Hữu Cung (xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới ngày nay)... Dưới thời nhà Nguyễn việc buôn bán đã phát triển mạnh hơn nhiều so với các thời kỳ trước đó.
 
Cuốn L’Annam en 1906, xuất bản năm 1906 cho thấy một diện mạo đầy đủ hơn của công nghiệp Quảng Bình giai đoạn này: “Những công nghiệp chủ yếu của xứ này gồm có nước mắm và mắm cá. Tại Lý Hòa, người ra đóng ghe. Khắp trong tỉnh đều có dệt lụa. Sở tằm của Nam Định đã gửi hạt giống đến và sản phẩm thu hoạch được cao hơn giống địa phương. Người ta cũng định lập tại Đồng Hới một sở nuôi tằm kiểu mẫu. Năm 1905 có một cuộc thi lụa thu được kết quả khả quan được sở canh nông đánh giá cao. Tại một nơi giáp giữa huyện Bố Trạch và phủ Quảng Trạch, nhân dân làm đồ gốm khá tinh tế. Ở đây, người ta làm chủ yếu chum vại và nồi nấu nước, các ấm chè khá độc đáo. Sau cùng, có nhiều người Annam làm nghề chạm trổ trên gỗ và đóng những rương tráp và những tủ trà rất đẹp nổi tiếng khắp Đông Dương”.
Các sản phẩm chạm, khắc gỗ ở Đồng Hới những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Các sản phẩm chạm, khắc gỗ ở Đồng Hới những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

 

Còn theo cuốn “Những bài học địa lý Quảng Bình” của tác giả Lương Duy Tâm viết từ năm 1937, giai đoạn những năm đầu thế kỷ 20, Quảng Bình không có công nghiệp lớn. Nhưng tiểu công nghiệp thì nhiều lắm và nhiều mặt. Có thể chia ra công nghiệp hiện đại và công nghiệp cổ truyền. Hai công nghiệp hiện đại quan trọng bậc nhất là cất rượu gạo và nấu dầu cây tràm. Các nhà máy rượu ở Ba Đồn và Mỹ Lộc thuộc một công ty lớn nhất, cơ sở ở Mỹ Lộc cung cấp hơn một phần ba lượng rượu do nhà máy của Ba Đồn sản xuất.

Dầu tràm thì sản xuất tại Phương Xuân, gần Đồng Hới. Một báo cáo kinh tế của Tòa sứ năm 1931 cho thấy: “Nghề cất dầu tràm ngày càng trở nên quan trọng. Kỹ nghệ gia này, đào tạo theo phương pháp Âu châu, biết tìm nơi tiêu thụ các sản phẩm làm ra và bằng một sự cổ động khéo léo và rõ ràng làm cho các sản phẩm ấy bán chạy. Hơn nữa, ông ta cũng đã nhiều lần làm thử nước hoa, một vài thứ đã thành công tốt đẹp…”.
 
Đồ mộc và những đồ vật chạm trổ trên gỗ của Quảng Bình nổi tiếng, sản xuất tại Đồng Hới và Tam Tòa. Nghề điều khắc đã có từ lâu đời. Nhưng để thỏa mãn khách hàng hiện đại, đã thay đổi phong cách và thị hiếu. Những thợ điêu khắc tài nghệ nhất ở Tam Tòa, trong số này có nhiều người đã được thưởng phẩm hàm và chức tước. Họ đóng các loại tủ chè, khay và loại rương, tráp bằng gỗ, bằng dạ hương hoặc gỗ huê mộc...
 
Ngoài ra, Quảng Bình giai đoạn này hình như không có mỏ quặng cũng không có than chỉ có đất sét và các loại đá. Với đất sét, có làm đồ gốm ở Mỹ Cương, Phú Mỹ và ở Uẩn Áo. Các mỏ đá thì được khai thác tại Thanh Thủy, Phương Độc, Gia Tịnh và Cấp. Các lò nung vôi chính thì ở Mỹ Cương và Tam Tòa.
 
Cũng theo tác giả Lương Duy Tâm, công nghiệp cổ truyền những năm đầu thế kỷ 20 trên địa bàn Quảng Bình nhiều và đa dạng. Có thể xếp thành công nghiệp thực phẩm, công nghiệp sợi, công nghiệp đồ gỗ, đồ tre và công nghiệp kim khí.
 
Công nghiệp thực phẩm chủ yếu là miến, bánh và bánh ngọt bằng bột gạo. Thứ miến ngon nhất là miến chợ Điền (Quảng Trạch), chợ Đón (Bố Trạch) và chợ Tréo (Lệ Thủy). Tại Bố Trạch, người dân làm bột sắn. Một số làng của Quảng Ninh, Tả Thiếp, Hữu Thiếp, chợ Chè của Lệ Thủy sản xuất rất nhiều bột hoàng tinh. Tại Bố Trạch, có canh đường đen và mật mía. Mật mía cũng có sản xuất tại vùng Tô Xá và Trung Thuần (Quảng Trạch). Tại Đồng Hới và ở một số làng lân cận lại làm tương. Tại Bố Trạch và Đồng Hới, người dân làm rượu dâu. Tương và rượu dâu là những tiến phẩm hàng năm cho nhà vua.
 
Công nghiệp dệt chủ yếu dệt tại Lũ Phong và Mai Xá. Làng Mai Xá sản xuất một thứ vải chắc gọi là vải mòi, theo biệt hiệu của loại vải này. Gần Ba Đồn, những người thợ dệt của Thuận Bài sản xuất một thứ lụa gọi là Tơ Bài. Ở Quảng Ninh, làng Võ Xá cũng dệt lụa. Nhưng nghề dệt lụa quan trọng hơn cả là Bố Trạch. Vải Thao của Cương Hà rất nổi tiếng trong tỉnh. Chiếu thì lại dệt ở Thanh Sơn (Quảng Trạch), ở Đại Phong và An Xá (Lệ Thủy). Sản vật của làng sau cùng này gọi là chiếu the. Tại Thổ Ngọa và ở Xuân Bồ, người dân làm nón lá. Các làng Tuy và Đội sản xuất giấy với vỏ cây gió. Một số làng ven biển đan lưới với sợi gai.
 
Về công nghiệp đồ gỗ và đồ tre, thợ mộc và thợ làm nhà giỏi nhất thì ở Hòa Ninh, Hữu Hùng, Trúc Lý, Mai Xá và Quảng Cư. Phần lớn các làng này còn có thợ tiện và thợ điêu khắc. Đồ vật và đồ dùng bằng tre thì ở đâu cũng làm. Về phương diện này, tất cả mọi người nông dân đồng thời đều là những người thợ giỏi cả. Tuy thế, cũng có những làng chuyên môn hẳn trong việc sản xuất những đồ vật này hoặc những đồ vật khác; thí dụ như làng Thọ Đơn đan thúng mỏng và nong nia, làng Trung Thuần làm quạt, làng Pháp Kệ làm gối mây và làng Diên Trường đan rổ đựng bát đĩa và rế để nồi niêu.
 
Công nghiệp kim khí chủ yếu là thợ rèn và thợ đúc. Thường cứ ba hoặc bốn làng có một người thợ rèn, nhưng thợ rèn đặc biệt nhiều nhất ở Hoàng Giang và ở Phan Xá. Hai làng này chuyên môn hóa về nghề này. Ở Quảng Trạch, làng Hòa Ninh cũng có những lò rèn quan trọng. Thợ đúc thì ở các làng Tam Tòa và Quán Dâu. Họ hầu như chỉ sản xuất nổi. Cũng có thợ làm đồ vàng bạc và thợ hàn. Những người thợ này thường là lưu động, từ người Hà Tĩnh, Quảng Trị hoặc Thừa Thiên đến.
 
Các tài liệu nghiên cứu về Quảng Bình những năm đầu thế kỷ 20 cho thấy, dù chưa có những ngành công nghiệp thực thụ, nhưng công nghiệp cổ truyền, tiểu công nghiệp của Quảng Bình vẫn có chỗ đứng vững chắc, tạo được những dấu ấn riêng và sản phẩm mang tính đặc thù. Nhân lực có chất lượng và đã dần xuất hiện sự chuyên môn hóa, nền tảng cho nền công nghiệp hiện đại sau này.
Mai Nhân
 
Bài 2: Buổi đầu nhiều khó khăn của công nghiệp Quảng Bình

tin liên quan

Tọa đàm, giao lưu vinh danh Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên

Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo đức độ và tài năng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động cách mạng, dù trên cương vị, lĩnh vực nào, đồng chí luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đem hết sức lực, trí tuệ của mình cống hiến cho Đảng, cho nhân dân và suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
 

"Khi nước mất là mất tất cả"

(QBĐT) - Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, mặc dù Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị tướng của Trường Sơn huyền thoại, chỉ có thời gian ngắn giữ cương vị Chính trị viên kiêm Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Quảng Bình, song ông đã góp phần đặt nền móng vững chắc trong việc cụ thể hóa nghệ thuật chiến tranh du kích cho LLVT tỉnh những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám. Cũng từ đây, tư duy và tầm nhìn chiến lược quân sự tài ba của ông đã sớm bộc lộ.

Học tập tấm gương Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh

(QBĐT) - Quảng Bình, mảnh đất kiên trung và hào hùng đã sản sinh, nuôi dưỡng và tôi luyện nhiều bậc danh nhân, hào kiệt, trí dũng song toàn làm rạng danh non sông gấm vóc, trong đó có đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo đức độ và tài năng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.