Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chuyện kể dưới bóng rừng "thường xanh" - Bài 2: "Khu rừng hy vọng"

  • 06:58 | Thứ Ba, 25/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đó là cái tên trìu mến mà những nhà khoa học gọi Khu dự trữ thiên nhiên (DTTN) Động Châu-Khe Nước Trong. Đến thời điểm này, Động Châu-Khe Nước Trong đã từng bước trở thành địa chỉ du lịch thú vị của nhiều du khách bởi những khám phá, trải nghiệm mới mẻ. Không chỉ thắp lên niềm tin trong hành trình bảo tồn, phát huy bền vững những giá trị của Động Châu-Khe Nước Trong, đây còn là điểm kết nối quan trọng trong “bản đồ” du lịch phía Nam của tỉnh, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế mũi nhọn đồng thời mang lại khởi sắc mới cho đời sống người dân trong khu vực.
 
Với độ che phủ rừng toàn tỉnh là 68,7%, riêng tại Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong là trên 98%, Quảng Bình sở hữu tiềm năng to lớn về khai thác du lịch, dịch vụ môi trường rừng và giảm phát thải nhà kính, bán tín chỉ carbon. Đây là những hướng đi bền vững và phù hợp với giai đoạn phát triển mới.
 
Về du lịch sinh thái dưới tán rừng, từ những hiệu quả bước đầu của Công ty TNHH Netin, một tương lai mới đang mở ra với nhiều hứa hẹn. Trong chuyến khảo sát hoạt động du lịch tại Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong tháng 3/2023 vừa qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đã nhấn mạnh, Động Châu-Khe Nước Trong sở hữu những giá trị vô cùng to lớn.
 
Để du khách có thể tiếp cận, khám phá những vẻ đẹp của nơi này với nhiều cung bậc khác nhau, cần đa dạng các tour du lịch bảo đảm phù hợp với nhiều đối tượng. Quá trình khai thác phải gắn chặt với mục tiêu bảo vệ, gìn giữ và phát huy bền vững những giá trị của Động Châu-Khe Nước Trong. Mỗi một du khách tham gia khám phá nơi này sẽ hiểu và tự hào hơn về thiên nhiên Quảng Bình để cùng chung tay gìn giữ. Động Châu-Khe Nước Trong sẽ là điểm kết nối quan trọng các điểm du lịch trên địa bàn để phát triển du lịch khu vực phía Nam của tỉnh.
 
Giám đốc Trần Xuân Cương, Công ty TNHH Netin - đơn vị đầu tiên được cấp phép thí điểm du lịch dưới tán rừng Động Châu-Khe Nước Trong-chia sẻ, khi phương án quản lý rừng bền vững hoàn thiện, trong đó có đề án du lịch sinh thái, công ty dự kiến đề xuất với Ban Quản lý Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong để triển khai tuyến xe đạp trong rừng, thuyền vượt suối, nhà trên cây, zipline…
 
“Các sản phẩm du lịch sẽ đáp ứng nhu cầu của du khách mọi lứa tuổi. Trong định hướng phát triển của chúng tôi luôn có sự tham gia của bà con trên địa bàn, trước mắt chuỗi hỗ trợ du khách, vận chuyển, dịch vụ homestay... Những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào và con người nơi đây cũng là “điểm cộng” quan trọng trong hành trình khám phá Động Châu-Khe Nước Trong”, Trần Xuân Cương cho biết thêm.
Tổ chức Helvetas Việt Nam và Công ty TNHH Netin tập huấn cho người dân bản Rum Ho (xã Kim Thủy, Lệ Thủy) làm du lịch.
Tổ chức Helvetas Việt Nam và Công ty TNHH Netin tập huấn cho người dân bản Rum Ho (xã Kim Thủy, Lệ Thủy) làm du lịch.

Bên cạnh phát triển du lịch, hướng đi quan trọng và bền vững là tham gia giảm phát thải nhà kính, bán tín chỉ carbon. Với trên 22.132ha rừng, Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong là nguồn tài nguyên lớn. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mai Văn Minh cho biết: Tại Nghị định số 107/2022/NĐ-CP, ngày 28/12/2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung bộ, Quảng Bình là 1 trong 6 địa phương được tham gia thực hiện thí điểm. Trong 3 năm (2023-2025), tổng số kinh phí chuyển nhượng kết quả giảm phát thải nhà kính của tỉnh là 12,1 triệu USD.

“Chứng chỉ carbon sẽ là nguồn tài nguyên mới, bền vững, quan trọng đối với toàn tỉnh nói chung, Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong nói riêng, góp phần bảo vệ môi trường và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh”, ông Mai Văn Minh khẳng định. 
 
“Khu rừng hy vọng” không chỉ mang lại giá trị to lớn như đã nói ở trên, mà với chị Hồ Thị Son, bản Rum Ho, ngoài cây sắn, homestay đã và đang giúp gia đình chị mang lại nguồn thu nhập ổn định. Nhiều người dân bản Rum Ho cũng vui mừng và tự hào hơn khi thay vì đi rừng săn bắt thú, khai thác lâm sản trái phép, giờ họ “đi rừng” với một tâm thế mới là làm du lịch, chia sẻ những vẻ đẹp của quê hương và được trả công xứng đáng.
 
Với những chủ rừng, ngoài tiền công chăm sóc, bảo vệ rừng, là mục tiêu tham gia giảm phát thải nhà kính, bán tín chỉ carbon, phát triển sinh kế bền vững dưới tán rừng. Khi những hướng đi này ngày càng ổn định và phát triển, đời sống người dân từng bước được nâng cao, áp lực lên rừng sẽ giảm và tình yêu, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân đối với rừng nói chung, Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong nói riêng sẽ ngày càng lớn mạnh và bền vững.
Trạm quản lý, bảo vệ rừng Cầu Khỉ, một trong những lực lượng quan trọng trong bảo tồn, phát huy bền vững những giá trị của “khu rừng hy vọng”.
Trạm quản lý, bảo vệ rừng Cầu Khỉ, một trong những lực lượng quan trọng trong bảo tồn, phát huy bền vững những giá trị của “khu rừng hy vọng”.
Trong những năm tới, phát triển du lịch, dịch vụ môi trường rừng và nghiên cứu khoa học là hướng đi chủ đạo của Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong. Với những loài thú quý hiếm được phát hiện trong thời gian qua, nơi đây đang hứa hẹn nhiều hy vọng mới. Và “giấc mơ” nhân nuôi, bảo tồn thành công Gà lôi lam mào trắng, loài cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ IUCN, được Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Việt thực hiện trong lòng Động Châu-Khe Nước Trong đang đặt những nền móng vững chắc…
 
Có người ví von rằng, Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong như một mắt xích quan trọng, từng bước kết nối và hoàn thiện “bản đồ du lịch” phía Nam của tỉnh. Với các điểm đến ý nghĩa như khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Hoằng Phúc, miếu Thành hoàng Mỹ Thổ-Trung Lực, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp… cùng nhiều cảnh quan đẹp chạy dọc bờ biển và suối Bang với điểm nhấn là dự án Khu nghỉ dưỡng, phục hồi chức năng suối nước nóng Bang đang hoàn thiện và đưa vào đón khách, kết hợp với những trải nghiệm tuyệt vời tại “khu rừng hy vọng”, du lịch Lệ Thủy nói riêng, Quảng Bình nói chung được tin tưởng và kỳ vọng sẽ có những đổi thay tươi mới.
 
Để gìn giữ, bảo vệ và phát triển Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong với những giá trị nguyên sơ, bền vững là sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Không chỉ là tâm huyết, tiền bạc, công sức mà còn là sự hy sinh to lớn của những người đang ngày đêm gắn bó với rừng. Trong đó, tấm gương Hà Đình Phương, người giữ rừng tận tụy đã vĩnh viễn nằm lại dưới tán rừng là sự tri ân và là lời nhắc nhở về tình yêu, tinh thần trách nhiệm của mọi người để những khu rừng mãi xanh màu hy vọng.
 
Khu DTTN Động Châu-Khe Nước Trong được kỳ vọng sẽ bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm đang bị đe dọa nhằm ổn định sự đa dạng về thành phần loài, tăng số lượng các cá thể và quần thể các loài đang bị đe dọa. Động Châu-Khe Nước Trong cũng đồng thời tăng cường chức năng phòng hộ đầu nguồn cho các sông, suối trong lưu vực sông Kiến Giang và Long Đại, góp phần hạn chế hạn hán, lũ lụt, cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho người dân huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và TP. Đồng Hới; duy trì độ che phủ và nâng cao chất lượng rừng thuộc khu DTTN, khu vực vùng đệm.
 
Ngọc Mai
 

 

tin liên quan

Về Ba Đồn xem hội vật đầu xuân

(QBĐT) - Diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm, hội vật TX. Ba Đồn độc đáo với những giá trị truyền thống và nhân văn đặc sắc, thể hiện tinh thần thượng võ của người dân địa phương. 

Xuân về nơi biên cương

(QBĐT) - Khi những nhánh cây rừng đâm chồi, nảy lộc cũng là lúc báo hiệu Tết đến, xuân về. 

Những đoản khúc Lục thập hoa giáp

(QBĐT) - Giờ khó để cắt nghĩa vì can cớ gì tôi vọng cố hương ngược từ Phú Yên ra Quảng Bình để trọn nghiệp với nghề báo. Ngày đó, tất cả đều mông lung và thú thực tôi chưa một ngày nào viết báo và làm báo. Viết như bản năng, viết như hơi thở với tất cả sự trong trẻo, hồn nhiên có phần nông nổi của mình.