Giải quyết việc làm sau dịch Covid-19: Mạnh mẽ "phá băng"

  • 08:00 | Thứ Tư, 30/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau thời gian chững lại bởi ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, thị trường lao động (LĐ) Quảng Bình đã có những phục hồi mạnh mẽ. So với năm 2021, năm 2022, tình hình giải quyết việc làm (VL) đã hoàn thành nhiều mục tiêu, kế hoạch đặt ra. Sau nhiều khó khăn, hàng nghìn LĐ địa phương đã tìm kiếm được VL phù hợp, trong đó, nhiều đơn hàng xuất khẩu LĐ ra nước ngoài, góp phần mang đến thu nhập, cải thiện đời sống cho NLĐ.  
 
Sôi động trở lại…
 
Trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới cơ bản đã được khống chế và dần trở về hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Thị trường LĐ các nước truyền thống, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan mở cửa. Nhu cầu tiếp nhận LĐ Việt Nam đã tăng trở lại. Nhờ đó, các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu VL cho người LĐ cũng dần có sự chuyển biến tích cực. Số lượng NLĐ có nhu cầu tìm kiếm VL đến đăng ký tìm việc qua các trung tâm dịch vụ, giới thiệu VL tăng lên đáng kể.
 
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, dự ước đến 31/12/2022, toàn tỉnh giải quyết VL cho trên 21.000 LĐ (đạt 116,67% kế hoạch), trong đó có khoảng 4.000 LĐ được tuyển chọn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 108% kế hoạch năm). Người LĐ chủ yếu đi làm việc tại thị trường các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước châu Âu.
 
Sau rất nhiều nỗ lực của các cấp ngành, địa phương và doanh nghiệp (DN), tỷ lệ thất nghiệp chung toàn tỉnh giảm xuống còn khoảng 2,9%. Nhiều địa phương đã tạo mọi điều kiện để người LĐ được tiếp cận các nguồn vốn vay giải quyết VL. Thông qua các nguồn vốn vay ưu đãi này đã có khoảng 6.200 người LĐ được hỗ trợ VL, duy trì và mở rộng VL, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống kinh tế.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình, nhiều hoạt động giới thiệu VL, hỗ trợ NLĐ cũng đã sôi động trở lại. Thông qua các sàn giao dịch việc làm (GDVL), các hoạt động tư vấn, hàng nghìn NLĐ trong toàn tỉnh đã tiếp cận được các cơ hội làm việc. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tổ chức 46 phiên GDVL, trong đó có 19 phiên định kỳ, 3 phiên đột xuất, 4 phiên GDVL trực tuyến, 20 phiên lưu động; thu hút 121 DN với 206 lượt tham gia tuyển dụng trực tiếp.

Thông qua những phiên GDVL này, đã có gần 2.400 lượt LĐ được tư vấn; 2.035 lượt LĐ được giới thiệu phỏng vấn trực tiếp và 1.068 lượt LĐ đạt sơ tuyển. Trung tâm cũng đã tư vấn, giới thiệu, cung ứng VL và thông tin thị trường LĐ cho gần 30.200 lượt người. Người LĐ đã được tư vấn VL, tư vấn học nghề, bảo hiểm thất nghiệp, hợp đồng LĐ và các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách về VL, học nghề theo quy định của Bộ luật LĐ.

Trong đó, số lượt người được tư vấn về du học, xuất khẩu LĐ là gần 2.900 lượt người. Số người được giới thiệu, cung ứng đi xuất khẩu LĐ là 574 người. Đây thực sự là những con số khả quan sau rất nhiều ảm đạm của thị trường LĐ trong suốt thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Trở lại sau hai năm hết sức khó khăn do bùng phát dịch Covid-19, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tỉnh đã tích cực tìm kiếm và khai thác thông tin các đơn hàng tuyển dụng trong và ngoài nước. Từ đó, cung cấp thông tin kịp thời cho thanh niên, người LĐ, hỗ trợ họ tiếp cận được các đơn hàng ổn định, có thu nhập cao.
 
Theo bà Hoàng Thị Thủy, Phó Giám đốc trung tâm, từ đầu năm đến nay, trung tâm đã giới thiệu được gần 1.400 LĐ cho các DN trong tỉnh và XKLĐ. Trong đó, gần 1.200 LĐ cung ứng cho DN XKLĐ để tham gia tuyển dụng các đơn hàng đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn tại nước ngoài, 210 LĐ cung ứng cho DN trong tỉnh. Số lượng LĐ được trung tâm giới thiệu đã xuất cảnh đi làm việc tại nước ngoài là 165 người. LĐ được giới thiệu chủ yếu đi làm việc tại các nước và vùng lãnh thổ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ba Lan, Hungary, Rumani...
 
…Nhưng vẫn gặp khó
 
Cũng theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tỉnh Hoàng Thị Thủy, mặc dù các thị trường LĐ trong và ngoài nước đã mở cửa trở lại sau đại dịch, tuy nhiên, số lượng LĐ đăng ký chương trình XKLĐ qua trung tâm còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều LĐ vẫn còn tư tưởng ra trực tiếp tại công ty XKLĐ tại Hà Nội để đăng ký.
 
Trong khi đó, tại một số địa phương, cơ sở, việc chỉ đạo thực hiện công tác giải quyết VL có lúc chưa thường xuyên, kịp thời; chủ trương, chính sách hỗ trợ tạo VL đã được ban hành nhưng còn triển khai chậm hoặc chỉ mang tính hình thức. Chính quyền địa phương một số nơi còn thiếu chủ động, sáng tạo, vẫn mang tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Nhà nước, cấp trên nên không tận dụng để phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh địa phương nhằm tạo VL tại chỗ cho người LĐ.
Chú trọng công tác đào tạo NLĐ trước khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Chú trọng công tác đào tạo NLĐ trước khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Một điều đáng nói là trong khi công tác giải quyết VL cho người LĐ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều chính sách đặc thù của địa phương về giải quyết VL cho người LĐ. Nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho công tác giải quyết VL còn hạn chế. Một số chính sách hỗ trợ tạo VL của Trung ương còn gặp vướng mắc trong quá trình triển khai tại địa phương.

Quảng Bình là địa phương có lực lượng LĐ dồi dào, trong đó, LĐ trong độ tuổi thanh niên khá đông. Nhưng, việc tìm kiếm và giải quyết VL của địa phương vẫn luôn gặp khó do chất lượng nguồn LĐ vẫn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng LĐ. NLĐ cũng chưa được định hướng đào tạo đúng nhu cầu của thị trường. Điều đó dẫn đến một thực tế khá nghịch lý là trong khi NLĐ không tìm kiếm được VL phù hợp thì các DN vẫn thiếu hụt LĐ thường xuyên.

Trở lại vụ việc Chính phủ Hàn Quốc từ chối cấp thị thực cho NLĐ Quảng Bình đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại TP. Yeongju, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc, nguyên nhân là bởi đã có 34 LĐ, chiếm 83% tổng số NLĐ đợt 1 bỏ trốn khỏi nơi làm việc. Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc NLĐ Quảng Bình đi làm việc ở nước ngoài vi phạm hợp đồng, không chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật Việt Nam và các nước tiếp nhận LĐ. Điều này đã làm ảnh hưởng đến uy tín hợp tác quốc tế và quyền lợi của nhiều LĐ khác.
 
Quảng Bình đặt ra mục tiêu trong năm 2023 sẽ tạo VL cho 18.500 người, trong đó có khoảng 3.700 người LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuy nhiên, để đạt được con số này, ngoài việc chú trọng công tác đào tạo NLĐ, Chính phủ cần xây dựng quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý và thực thi chính sách đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài.
 
Đặc biệt, cần xem xét, bổ sung quy định cụ thể về các chế tài, biện pháp xử lý và cơ chế phối hợp xử lý đối với người LĐ Việt Nam vi phạm hợp đồng, bỏ trốn khỏi nơi làm việc hoặc cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài.
Diệu Hương

tin liên quan

Nâng niu ký ức

(QBĐT) - Miệt mài lưu giữ những cuốn sách, hình ảnh, câu chuyện về Bố Trạch anh hùng, trong đó có quê hương Cự Nẫm, đến thời điểm này, ông Nguyễn Hữu Phi (SN 1941) đã có một "gia tài" nho nhỏ.

Cảnh sát giao thông vận động người dân giao nộp mìn tự chế và kíp điện

(QBĐT) - Vào lúc 8 giờ ngày 28/11, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường thuỷ, Phòng CSGT (Công an tỉnh) nhận được thông tin có người dân đi đánh cá nhặt được 4 chai nước ngọt có chứa thuốc nổ và 4 kíp điện

Từ ngày 1-2/12, Bắc Bộ rét đậm, vùng núi rét hại, có nơi dưới 5 độ

Từ ngày 1-2/12, khả năng khu vực Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại; ngày 3/12 vùng núi và trung du Bắc Bộ trời rét đậm, rét hại, vùng đồng bằng Bắc Bộ trời rét.