Chuyện về nữ "bộ đội không sao"

  • 08:49 | Chủ Nhật, 13/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cách đây hơn 50 năm, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, 3 thiếu nữ ở xã Sơn Trạch (nay là thị trấn Phong Nha, Bố Trạch) đã tình nguyện viết đơn để được vào “bộ đội không sao” làm nhiệm vụ thông đường, tải đạn, phục vụ chiến đấu chống Mỹ trên tuyến đường 20-Quyết Thắng.
 
3 nữ “bộ đội không sao”, gồm: Nguyễn Thị Huệ ở thôn Cù Lạc 1, Nguyễn Thị Xuân và Phạm Thị Diệu ở tổ dân phố Phong Nha. Họ đều sinh năm 1952, từng tham gia làm nhiệm vụ ở đơn vị C3-D72-P31 thuộc Binh trạm 26-Đoàn 559 trong giai đoạn từ năm 1969-1970 và hiện đều là thành viên của Hội Cựu TNXP thị trấn Phong Nha.
 
Nhớ lại những năm tháng hào hùng của thời thiếu nữ, bà Nguyễn Thị Xuân, hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP thị trấn Phong Nha cho biết: “Năm 1969, xã Sơn Trạch có 5 thanh niên (gồm 2 nam, 3 nữ) được huyện Bố Trạch điều động đi phục vụ kháng chiến chống Mỹ tại đường 20-Quyết Thắng. Trước lúc vào “tọa độ lửa”, tất cả đều được tập trung về trung tâm huyện để học tập chính trị và quán triệt các nhiệm vụ trọng tâm. Toàn bộ thanh niên huyện Bố Trạch đi cùng đợt với chúng tôi lúc đó đều được làm lễ “truy điệu sống” trước lúc nhận nhiệm vụ...”.
 
Bà Xuân kể, thời điểm đó, 5 thanh niên của xã Sơn Trạch được biên chế vào đơn vị C3-D72-P31 thuộc Binh trạm 26-Đoàn 559. Đơn vị của bà lúc đó có 30 người, do đồng chí Phan Thanh Hệ làm Chính trị viên (nay đã mất). Làm nhiệm vụ dưới mưa bom bão đạn của đế quốc Mỹ, dù phải ăn, ngủ cực khổ trong các lán trại, hầm hào, hang đá dưới tán rừng, thế nhưng đơn vị vẫn quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng được giao. Ngày ấy, hầu như lúc nào trên đường 20-Quyết Thắng cũng có hàng tấn bom đạn của giặc Mỹ trút xuống như mưa, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc.
Hai nữ TNXP Nguyễn Thị Xuân và Phạm Thị Diệu cung ôn lại một thời từng tham gia tại tuyến đường 20 Quyết Thắng trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Hai nữ TNXP Nguyễn Thị Xuân và Phạm Thị Diệu cung ôn lại kỷ niệm trên tuyến đường 20-Quyết Thắng.
Để đối phó với bom đạn của kẻ thù, dọc theo tuyến đường, bộ đội và các đơn vị đóng quân quanh khu vực đã đào đắp hầm chữ A nhằm trú tránh kịp thời khi có báo động vang lên... Theo bà Xuân, cứ sau mỗi đợt máy bay Mỹ trút bom xuống tuyến đường, các đồng đội của bà khẩn trương chuẩn bị đầy đủ dụng cụ lao động và ở yên trong hầm để lắng tai nghe tín hiệu.
 
Nếu nghe bộ đội ta bắn một phát súng, đó là tín hiệu đã có người chết và chưa thể tham gia sửa đường; bắn hai phát, nghĩa là đường bị ách tắc nặng nề hoặc trên đường còn có bom từ trường chưa nổ, phải chờ bộ đội đến xử lý; bắn ba phát, báo hiệu đã an toàn, các đơn vị TNXP có thể ra quân để sửa chữa lại những chỗ đường bị hỏng. Làm nhiệm vụ nơi tuyến lửa ác liệt, các TNXP luôn đặt quyết tâm thông tuyến cho các đoàn xe ra tiền tuyến trong thời gian sớm nhất, với tinh thần “đường chưa thông, không tiếc máu xương”...
 
Kể về những tháng năm làm nhiệm vụ, 3 nữ cựu TNXP luôn đầy ắp kỷ niệm và niềm tự hào vì đã được đóng góp một phần sức nhỏ bé của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của 3 nữ cựu TNXP là trong một lần gánh cơm tiếp tế cho bộ đội trực chiến thì bất ngờ bị máy bay Mỹ dội bom. Lần đó, khi 3 chị em vừa chui được vào hầm chữ A thì một quả bom đánh lấp cửa hầm. Sức ép từ quả bom khiến cả 3 người thấy đau toàn thân, phải nằm rạp xuống, không đủ sức đào hầm chui ra. Cũng may sau đó có các đồng chí bộ đội phát hiện kịp, đưa về nơi cứu thương.
 
“Làm nhiệm vụ ở cách quê nhà chỉ vài chục cây số, thế nhưng kể từ khi vào nhận công tác đến khi hoàn thành nhiệm vụ, cả 3 chị em đều chưa một lần được về thăm nhà, dù nhớ thương đến quay quắt... Nguyên do là ai cũng sợ mang tội “đào ngũ”, hổ thẹn với xóm làng. Năm 1970, khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi mới trở về quê hương”, nữ  cựu TNXP Phạm Thị Diệu chia sẻ.
 
Chủ tịch Hội Cựu TNXP thị trấn Phong Nha Nguyễn Thế Thường cho hay: Vào những năm cả nước đánh Mỹ, Quảng Bình là một trận địa lớn, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và đế quốc Mỹ. Ta và địch giành giật nhau từng tấc đất. Địch càng ngăn, ta lại càng quyết tâm mở và giữ thông những tuyến đường để dồn sức tiếp tế, chi viện cho chiến trường, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Trong tổng số 194 hội viên của Hội Cựu TNXP thị trấn Phong Nha (tính đến thời điểm này), thì có tới 93 hội viên từng tham gia trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; một số TNXP sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiếp tục tham gia vào quân ngũ và trở thành bộ đội chính quy. Hiện nay, hầu hết các TNXP thị trấn Phong Nha đều phấn đấu trở thành những tấm gương sáng, mẫu mực để giáo dục cho các thế hệ trẻ cùng học tập, noi theo. 
 
“Giữa năm 1969, tỉnh Quảng Bình thành lập “Đoàn Hai giỏi Quảng Bình”, thường gọi là “bộ đội không sao”, gồm 7 tiểu đoàn, quân số 4.423 người. Các đơn vị này đã hoạt động trong thời gian dài, có nhiều cống hiến và sau này hầu hết đều được công nhận là TNXP chống Mỹ, cứu nước...”, Lịch sử TNXP Quảng Bình (1965-2015), trang 62, Nhà xuất bản Đại học Huế.

Văn Minh

tin liên quan

Linh thiêng "địa chỉ đỏ"

(QBĐT) - Đó là câu chuyện về những cán bộ, nhân viên ở Ban Quản lý Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ đường 20-Quyết Thắng. Họ là những người chăm sóc, hương khói, quét dọn vệ sinh và đón tiếp khách thập phương về hành hương tại "địa chỉ đỏ" này. 

Nén tâm nhang nơi ba ngã xuống

(QBĐT) - Mười năm trước, vào dịp lễ truy niệm các Anh hùng liệt sỹ đường 20-Quyết Thắng nhân 40 năm Ngày hy sinh của các AHLS ở hang Tám Thanh niên xung phong, tôi đã gặp chị, người con gái duy nhất của liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ. 

Ngày mới trên "đất lửa" Tân Trạch

(QBĐT) - Những ngày tháng 10 (âm lịch), chúng tôi trở lại thăm xã Tân Trạch (Bố Trạch), nơi lưu giữ nhiều dấu ấn của những năm tháng chiến đấu anh dũng, vẻ vang của các Anh hùng liệt sỹ tại hang Tám Thanh niên xung phong và đường 20-Quyết Thắng.