Nhân Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8):

Khát vọng... từ nỗi đau da cam

  • 09:04 | Chủ Nhật, 07/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một ngày đầu tháng 8/2022, tôi cùng ông Nguyễn Quốc Trị, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/Dioxin tỉnh đến thăm nhiều gia đình nạn nhân CĐDC trong tỉnh. Trong câu chuyện của những người lính từng trải qua năm tháng chiến tranh chống Mỹ, bị phơi nhiễm CĐDC, cuộc sống thời bình thật không đơn giản bởi vẫn còn đó nỗi đau mang tên da cam dai dẳng kéo dài.
 
Di chứng qua nhiều thế hệ
 
“Nạn nhân CĐDC là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ... Nỗi đau của nạn nhân CĐDC Việt Nam là nỗi đau chung của nhân dân Việt Nam và cũng là nỗi đau chung của nhân loại tiến bộ trên thế giới”, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định.
Là người lính, ông Nguyễn Quốc Trị thấu hiểu nỗi đau mang tên da cam, ông chia sẻ: “Sau hòa bình, đồng đội tôi trở về quê hương với khát vọng rất đơn giản là lấy vợ, lấy chồng, sinh con, đẻ cái, sống cuộc sống bình thường. Thế nhưng... thứ CĐDC năm xưa đế quốc Mỹ rải xuống chiến trường vẫn không buông tha họ. Nhiều người không còn thiên chức làm cha, làm mẹ; nhiều gia đình con, cháu, thậm chí đến đời chắt, trẻ sinh ra chẳng trọn vẹn hình hài. Đảng, Nhà nước, nhân dân trân trọng dành cho nạn nhân CĐDC nhiều sự giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần nhưng không thể bù đắp hết được nỗi đau nạn nhân CĐDC hứng chịu”.
 
Theo số liệu từ Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh, toàn tỉnh có 6.039 hội viên; 5.312 nạn nhân CĐDC được hưởng chế độ, trong đó 3.163 người trực tiếp tham gia kháng chiến và 2.149 đối tượng là con của người trực tiếp tham gia kháng chiến.
Mô hình trang trại chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Xứng.
Mô hình trang trại chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Xứng.
Cho đến nay, toàn tỉnh vẫn còn khoảng 9.000 người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng CĐDC chưa làm được chế độ (Lệ Thủy 5.600 người; Quảng Ninh 812 người; Minh Hóa 301 người; còn lại rải rác tại một số địa phương khác). Đang còn 362 hồ sơ tồn đọng chưa giải quyết. Có 760 đối tượng con, cháu người tham gia kháng chiến chưa có chế độ.
 
Nỗi đau da cam xuyên qua nhiều thế hệ, nhiều gia đình có đến 5 nạn nhân, thậm chí 12 nạn nhân. Thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện tại có 3.162 gia đình nạn nhân CĐDC 1 nạn nhân; 1.157 gia đình có 2 nạn nhân; 144 gia đình có 3 nạn nhân; 30 gia đình có 4 nạn nhân; 13 gia đình có 5 nạn nhân và 4 gia đình có từ 6 đến 12 nạn nhân.
 
Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh trở thành mái nhà chung cho nạn nhân CĐDC. Với trách nhiệm cao cả của mình, các cấp hội là đầu mối kêu gọi, huy động tổ chức, cá nhân và toàn cộng đồng chung tay giúp đỡ nhằm xoa dịu phần nào nỗi đau da cam.
 
Ông Nguyễn Quốc Trị cho biết: “Giai đoạn 2015-2020, Quỹ nạn nhân CĐDC/Dioxin huy động trên 20 tỷ đồng và trích gần 21 tỷ đồng giúp đỡ cho nạn nhân CĐDC. Thông qua nhiều nguồn lực, các cấp hội tiến hành chăm sóc, tặng quà, tạo sinh kế cho nạn nhân CĐDC với tổng số tiền trên 30,3 tỷ đồng. Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19, Quỹ nạn nhân CĐDC/Dioxin vẫn duy trì trên 9,22 tỷ đồng, trích hơn 4 tỷ đồng giúp đỡ nạn nhân CĐDC. Chính từ sự giúp đỡ từ cộng đồng cộng với bản lĩnh người lính, khát vọng sống ngay chính nội tại những nạn nhân CĐDC... mà ngày càng có nhiều hội viên, gia đình nạn nhân CĐDC vươn lên, cố gắng tự lo cho mình và con cháu, giảm bớt gánh nặng cho xã hội”.
 
Nguồn sáng dịu đi nỗi đau
 
Là người gắn bó với Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin và nhiều cảnh đời bất hạnh vì nỗi đau da cam, tôi từng ám ảnh bởi những hình ảnh đau đớn tột cùng của người cha, người mẹ chăm sóc con cháu mình, những đứa trẻ không nguyên vẹn hình hài. Nhưng rồi trong bức tranh buồn rưng rức ấy, tôi cũng kịp thấy những nụ cười hạnh phúc, ánh sáng và mạch trào khát vọng sống của họ.
Nụ cười hạnh phúc của anh Lê Văn Lam (bên phải) khi được hỗ trợ giống bò.
Nụ cười hạnh phúc của anh Lê Văn Lam (bên phải) khi được hỗ trợ bò giống.
Đó là nụ cười của anh Lê Văn Lam (SN 1982), nạn nhân da cam ở xã Vạn Trạch (Bố Trạch) khi nhận hỗ trợ bò sinh sản. Nhờ vào chăn nuôi bò mà gia đình anh dần dần ổn định, thoát nghèo. Là gương mặt đôn hậu của nạn nhân da cam Đào Văn Hộ ở xã Nghĩa Ninh (TP. Đồng Hới) giữa vườn ngô đang mùa cho quả. Ông tự hào: “Tôi là người lính Cụ Hồ, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn luôn giữ vững bản lĩnh “thương binh, tàn không phế”...
 
Toàn tỉnh hiện tại có 17 gia đình nạn nhân CĐDC vượt khó, sản xuất, kinh doanh giỏi. Một con số quá ít ỏi, nhưng với nạn nhân CĐDC thì được xem như “kỳ tích”, trở thành nguồn sáng, nguồn động viên vô cùng to lớn cho toàn thể hội viên nạn nhân CĐDC.
 
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Xứng, Lê Thuệ tham gia dân công hỏa tuyến, sau chuyển qua TNXP từ những năm 1971 làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu trên đường 16, Binh trạm 16, Đoàn 559. Năm 1972, địa bàn hoạt động Binh trạm 16 ở tỉnh Quảng Trị mở rộng ra, vào tới Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cam Lộ, Khe Sanh, Lao Bảo... là trọng điểm rải thảm CĐDC của đế quốc Mỹ. “Chúng tôi chiến đấu, phục vụ chiến đấu dọc núi rừng Trường Sơn, hoàn toàn không hay biết về CĐDC đâu”-ông Xứng kể-“Sau mỗi lần xuống hầm tránh máy bay lên lại mặt đất, thấy cây rừng Trường Sơn rụng lá dần mà chẳng rõ nguyên nhân”.
 
Năm 1977, ông Xứng, bà Thuệ nên duyên vợ chồng, họ lần lượt có với nhau 7 người con, trong đó người con trai thứ 5 bị di chứng CĐDC. Ông Xứng nhớ lại: “Hòa bình, trở về quê hương, hai vợ chồng thấy sức khỏe giảm sút, đau ốm liên miên. Hóa ra bản thân đã bị phơi nhiễm da cam. Quê hương rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nhưng thiếu tư liệu sản xuất, lao động chủ yếu bằng cái cuốc, đôi quang gánh và hoàn toàn dựa vào sức người. Đêm đêm, nằm vắt tay lên trán, tìm hướng xóa đói, thoát nghèo”.
 
Thôn Hữu Tân nơi quê hương ông Xứng nằm bên phía thượng nguồn đập Mỹ Trung, sát với phá Hạc Hải, cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Sau vụ gặt, đồng bỏ hoang, ông thấy đây chính là cơ hội làm ăn cho mình bằng việc chăn nuôi vịt chạy đồng, vịt đẻ. Thời kỳ cao điểm về chăn nuôi vịt của gia đình ông Xứng trong khoảng hơn hai chục năm, trong đó khoảng gần 8 năm nhân giống thành công và nuôi thêm vịt trời tự nhiên. Chăn nuôi vịt thịt, vịt đẻ, vịt trời... giúp gia đình ông Xứng chiến thắng đói nghèo, trở thành tấm gương sáng hội viên Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin, CCB  vượt khó, sản xuất, kinh doanh giỏi.
 
“Bây giờ tuổi cao, sức yếu, các con đều đã có gia đình nên tôi thu hẹp lại quy mô trang trại chăn nuôi tổng hợp trong diện tích 1ha với khoảng 7.000 vịt thịt, 1.000 vịt đẻ, 20 con bò và khoảng 20 con dê... Bình quân mỗi năm, trừ chi phí, trang trại cho thu nhập khoảng từ 300-400 triệu đồng”.
 
Nghe ông Xứng say sưa kể chuyện làm ăn, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin Nguyễn Quốc Trị tâm đắc “Mấy ai được như ông”. Rồi họ cười xòa hạnh phúc, nắm chặt tay nhau thay lời động viên.
                                                                                                                                                                        Ngô Thanh Long

tin liên quan

Chuyện về tấm gương cảnh sát PCCC giành giải Đặc biệt Liên hoan Phát thanh toàn quốc

Tác phẩm "Giữa lằn ranh sinh tử" đã xuất sắc giành giải Đặc biệt của Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15. 

TP. Đồng Hới: Đồng bộ các giải pháp giảm ùn tắc giao thông

(QBĐT) - Trên địa bàn TP. Đồng Hới, tình trạng thường xuyên ùn tắc giao thông tại một số điểm giao cắt, như: Ngã tư chợ Nam Lý (chợ Ga), ngã tư Bưu điện tỉnh... vào khung giờ cao điểm và các ngày lễ, Tết khiến người tham gia giao thông khá bức xúc và lo lắng. Trước thực tế này, các cơ quan chức năng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp xử lý.

Tổ chức hỗ trợ cho ngư dân nghèo, khó khăn

(QBĐT) - Chiều 5/8, tại xã Hải Ninh (Quảng Ninh), Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức lễ hưởng ứng chương trình "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn".