(QBĐT) - Với quyết tâm khai hoang vùng đầm lầy, cải tạo và chuyển đổi canh tác, xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình anh Lê Đức Hà (SN 1984), xã Văn Hóa (Tuyên Hoá) đã thoát nghèo, vươn lên thành hộ khá giàu tại địa phương.
Năm 2004, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Lê Đức Hà gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã. Nhận thấy xã có khu đất đầm lầy ở đồng Bồ Bồ bỏ hoang, vợ chồng anh Hà đã suy nghĩ, bàn bạc và mạnh dạn xin xã Văn Hóa cho đấu thầu gần 20ha để thực hiện phương án chăn nuôi.
Anh Lê Đức Hà cho biết: "Năm 2010 sau khi được UBND xã nhất trí cho đấu thầu vùng đất đầm lầy Bồ Bồ, tôi đã đầu tư cải tạo khoanh vùng để chăn nuôi và trồng trọt. Vừa làm, tôi vừa tìm hiểu, học hỏi qua nhiều nguồn, nhiều chương trình và tham gia vào các lớp tập huấn do Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Hội Nông dân huyện và đoàn thể tổ chức. Tôi còn đi tham quan các mô hình kinh tế có hiệu quả cao khác".
Qua nhiều lần nuôi, trồng thử nghiệm anh Hà quyết định khoanh vùng và phân vùng. Vùng nhiễm mặn sẽ dùng cho việc chăn nuôi các loại, như: Chim cút, dê và vịt… Vùng không nhiễm mặn sẽ trồng sen xen với thả cá và trồng thêm nhiều loại cây lâu năm, cây ngắn hạn.
Tham quan mô hình kinh tế tại vùng đầm lầy Bồ Bồ, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của một vùng đất từng hoang hóa này. Nơi đây đã trở thành trang trại trù phú được phủ kín bởi nhiều cây xanh. Các mô hình chăn nuôi cũng được đầu tư xây dựng đa dạng, nhiều chủng loại, mỗi loại được áp dụng hệ thống nuôi, chăm sóc riêng biệt.
Anh Lê Đức Hà chia sẻ thêm: Hiện tại, trang trại của anh đang nuôi gần 2.000 con vịt đẻ trứng. Mỗi ngày đàn vịt có thể đẻ khoảng 1.500 quả trứng và đều được tiêu thụ hết trong ngày. Anh còn nuôi thêm gần 2.000 con chim cút với hệ thống chăn nuôi chuồng trại hiện đại và quy cũ nên chim cút phát triển tốt và cho sản lượng mỗi năm khá cao.
Bên cạnh đó, nhìn thấy được tiềm năng của vùng cũng như nắm bắt được nhu cầu của thị trường, anh đã cho đầu tư nuôi vỗ béo thường xuyên trong chuồng trung bình từ 60-70 con dê (có thời điểm nuôi gần 130 con). Ngoài ra, anh còn trồng cây ăn quả, đào ao thả cá kết hợp trồng sen trên diện tích 14ha; trồng cây huê trên 1,5ha và đầu tư trồng thêm 3ha cà gai leo, bước đầu đã được thị trường đón nhận tích cực. Anh Hà còn đầu tư mua máy cày để phục vụ trang trại và dịch vụ làm đất nông nghiệp trên địa bàn…
Để thực hiện thành công mô hình kinh tế này, anh Hà đã áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, lựa chọn cây, con phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Anh thường xuyên nắm bắt thị trường, tận dụng cơ hội để sản xuất với quy mô trang trại VAC khép kín, vừa tận dụng được nguồn thức ăn cho cá vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, chất lượng con giống phù hợp với điều kiện tự nhiên nên thu nhập qua mỗi năm được tăng lên.
Trải qua hơn 10 năm thăng trầm, giờ đây trang trại kinh tế tổng hợp này đem lại thu nhập bình quân cho gia đình anh Lê Đức Hà khoảng 1,1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập ổn định từ 4,5-5 triệu đồng/người và 8-10 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân 200.000 đồng/ngày.
Trao đổi về mô hình trang trại của anh Lê Đức Hà, ông Nguyễn Quang Tuynh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuyên Hóa cho biết: “Bằng sự sáng tạo và kinh nghiệm làm trang trại, anh Hà đã biến vùng đất cằn cỗi ngày nào thành trang trại kinh tế cho lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng mỗi năm… Anh Hà còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Chúng tôi mong muốn mô hình kinh tế của anh Hà ngày càng được nhân rộng và được nhiều người đến tham quan học tập, nhất là ở các địa phương đất đai bạc màu, khô cằn, khó canh tác… để cùng nhau phát triển, làm giàu cho quê hương”.
(QBĐT) - Với truyền thống nhân ái của dân tộc và tình yêu thương con trẻ, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Minh Hóa đã tích cực kết nối, nhận giúp đỡ, hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng rất nhiều trường hợp trẻ mồ côi ở địa bàn. Hội đã thực sự trở thành "người mẹ thứ hai" của những đứa trẻ mồ côi, tạo niềm tin, điểm tựa vững chắc để các em vượt qua những khó khăn, thử thách phía trước…
(QBĐT) - Ngày 13/6, thông tin từ Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Hạt Kiểm lâm Bố Trạch tiếp nhận các cá thể động vật hoang dã từ người dân để tiến hành chăm sóc, cứu hộ.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng rủi ro lạm phát cuối năm là rất lớn, do vậy phải điều hành linh hoạt để giữ lạm phát theo mục tiêu nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống người dân.