Không tăng giá dịch vụ khám-chữa bệnh, thận trọng trong tăng học phí
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng rủi ro lạm phát cuối năm là rất lớn, do vậy phải điều hành linh hoạt để giữ lạm phát theo mục tiêu nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống người dân.
Trước tình hình một số mặt hàng quan trọng, thiếu yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư đầu vào nông nghiệp, cước phí vận tải, giá các dịch vụ thiết bị vật tư y tế, giáo dục có khả năng tăng lên, chiều 13/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã họp với một số bộ, ngành về kết quả công tác điều hành giá các mặt hàng này trong 6 tháng đầu năm và định hướng từ nay đến cuối năm 2022.
Mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, trong bối cảnh giá các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược tăng cao trên thị trường thế giới, gây sức ép đến tình hình lạm phát trong nước, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng-Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã có các văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Đến nay, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát, CPI tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước, tăng 2,86% so với tháng 5/2021.
Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017-2020.
Lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2022 tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021.
CPI tăng chủ yếu do ảnh hưởng từ giá xăng dầu, LPG tăng theo giá thế giới, giá vật liệu xây dựng tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu ăn uống, đi lại, du lịch hồi phục trở lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Ở chiều ngược lại, giá các mặt hàng thực phẩm giảm trong đó có thịt lợn; giá bán nhiều hàng hóa, dịch vụ được điều chỉnh giảm do tác động giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Về cơ bản, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước vẫn dồi dào đã góp phần quan trọng trong kiểm soát mặt bằng giá thời gian qua.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính đánh giá, trước những diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới tiếp tục gia tăng tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất, nguồn cung nên công tác quản lý điều hành giá các mặt hàng thiết yếu đến cuối năm dự báo sẽ có nhiều áp lực.
Là một nền kinh tế với độ mở lớn, việc giá hàng hóa thế giới tăng đã và sẽ tiếp tục gây sức ép lên mặt bằng giá chung trong nước cũng như một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay từ đầu năm đến nay, nguồn cung xăng dầu vẫn đảm bảo cho sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt mặc dù Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn có trục trặc phải giảm công suất, có thời gian phải ngừng sản xuất.
Do sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên so với đầu năm, đến nay giá chỉ tăng 24,42-62,44%, chúng ta điều hành theo giá của thế giới xu hướng tăng nhưng mức tăng thấp hơn so với giá tăng của thế giới.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh phải cân nhắc, hạn chế việc tăng giá cùng một lúc những mặt hàng cấp thiết, trong khi giá xăng dầu không hoàn toàn kiểm soát được, phải dựa vào thị trường thế giới.
Mặt hàng xăng dầu đang cố gắng sử dụng Quỹ bình ổn giá, nhưng quỹ này đang rất hạn chế, không thể quá lạm dụng. Để giá giảm nhiều, không tương xứng với thế giới sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung khi doanh nghiệp đầu mối nhập cao bán thấp, hạn chế bán ra và ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân.
Ông Hải đề xuất rà soát giảm thêm các loại thuế, trong đó thuế bảo vệ môi trường, các loại thuế nằm trong cơ cấu tính giá xăng dầu: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá gia tăng để giảm chi phí giá thành xăng dầu, hỗ trợ đời sống người dân, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thực hiện phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sớm có báo cáo Bộ Công Thương về kế hoạch cung ứng xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, để Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ về phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu những tháng cuối năm.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, Bộ Công Thương điều hành linh hoạt Quỹ bình ổn giá để điều tiết phù hợp với từng thời điểm. Thời gian tới, áp lực giá tăng cao, nếu để đứt gãy sẽ dẫn đến nhiều khó khăn, do đó phải chủ động chuẩn bị nhiều phương án, cả về sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Điều hành linh hoạt
Đánh giá 5 tháng đầu năm, Chính phủ, các bộ, ngành đã thực hiện tốt công tác điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, quan trọng, Phó Thủ tướng nêu rõ Chính phủ đặt quyết tâm giữ mục tiêu lạm phát năm 2022 dưới 4%.
Nếu giữ mức tăng giá bình quân hàng tháng là 0,7% thì dư địa còn lại của 7 tháng sẽ đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát cuối năm là rất lớn, tác động đến đà tăng trưởng của năm 2022, do vậy phải điều hành linh hoạt để giữ lạm phát theo mục tiêu nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống người dân.
Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong 7 tháng còn lại của năm 2022, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã đề ra, đánh giá, nắm bắt, dự báo tình hình để tham mưu, có giải pháp kịp thời, phù hợp, kiểm soát giá theo mục tiêu Quốc hội giao.
Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.
“Lơ là là lạm phát kỳ vọng tăng cao, rất khó kiểm soát, phải kiên trì mục tiêu, giải pháp, kinh nghiệm có hiệu quả thời gian qua,” Phó Thủ tướng lưu ý.
Nhấn mạnh phần trả lời của chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trước Quốc hội mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ rõ liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ không được lơ là.
Bộ Ngoại giao phối hợp các bộ, ngành theo dõi sát tình hình lạm phát trên thế giới, theo dõi diễn biến giá cả các mặt hàng, mục tiêu chiến lược để kịp thời cung cấp cho các cơ quan chuyên môn. Bộ Tài chính chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, đẩy mạnh công tác tổng hợp tin tức, dự báo tình hình, xây dựng kịch bản sát tình hình thực tế, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác điều hành, chỉ đạo.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, có biện pháp bình ổn giá, chống hành vi lợi dụng, thao túng; khi có bất thường phải kiểm tra yếu tố hình thành giá và xử lý phù hợp.
Khẳng định chưa bao giờ Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm đến công tác điều hành giá như hiện nay, khi chỉ trong 4 tháng đầu năm đã ban hành 4 văn bản liên quan, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng nêu phương hướng điều hành cụ thể đối với một số hàng hóa thiết yếu, trong đó, với xăng dầu - mặt hàng 5 tháng đầu năm tăng giá nhiều nhất, góp phần tác động CPI lớn nhất, phải điều hành linh hoạt, đặc biệt là bảo đảm nguồn cung trong nước.
Quản lý giá vật liệu xây dựng, không để đứt gãy nguồn cung; không tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Đồng thời, thận trọng trong việc tăng học phí; với sách giáo khoa, cần nghiên cứu kỹ pháp luật về giá để quản lý giá phù hợp tình hình thực tế, để mọi học sinh được tiếp cận sách giáo khoa với giá hợp lý.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh trước mắt, cần hết sức lưu ý khi đề nghị tăng giá với mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước định giá, phải đánh giá tác động với lạm phát, báo cáo kịp thời trước khi tăng giá./.
Theo Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.