Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chông chênh đường về...

  • 13:54 | Thứ Sáu, 19/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ở giữa “tâm bão” của đại dịch Covid-19, họ đã lần lữa ở lại bám trụ thành phố, nơi đã cho họ việc làm và thu nhập, mong mỏi một ngày dịch bệnh sẽ qua đi. Nhưng sự kiên trì và niềm hy vọng đó không thể “chiến thắng” được dịch bệnh, khi túi tiền đã cạn. Và giờ đây, khi đã được trở về quê, với họ đó cũng không thể gọi là may mắn.
 
“Không còn sự lựa chọn...”           
 
“Với những người lao động “ly hương” như chúng em, lúc trước ra đi hay nay trở về, đều không còn sự lựa chọn nào khác”. Nguyễn Văn Tùng (SN 1989) ở thôn 2 Thanh Lạng, xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa), vừa trở về quê gần 1 tháng nay chia sẻ với chúng tôi như vậy. Và không chỉ có gia đình Tùng, mà ở xã miền núi Thanh Hóa này, có rất nhiều người trẻ, gia đình trẻ đều phải ly hương tìm kế mưu sinh và trở về trong tình cảnh ấy. Không nói đâu xa, gia đình Tùng có 4 anh chị em, thì có 3 người phải vào làm công nhân ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Với Tùng, sau niềm vui thoát khỏi “tâm bão dịch” là niềm vui được sum vầy, đoàn tụ với gia đình. Nhưng sau niềm vui ấy lại là “gánh nặng” trách nhiệm trụ cột cho nguồn sống của cả gia đình 4 người.
 
Bởi vậy, suốt hơn 5 tháng dịch Covid-19 hoành hành ở các tỉnh phía Nam, trong đó có Đồng Nai, Tùng vẫn bám trụ lại ở đây, để hy vọng dịch bệnh qua đi, nhà máy mở cửa trở lại. Nói như Tùng, bám trụ lại chỉ để giữ “miếng cơm” cho cả gia đình. Bởi về quê là thất nghiệp, không có thu nhập. Lúc trước, vợ chồng Tùng đều làm công nhân ở Đồng Nai, nhưng vì vợ bị bệnh, không thể làm được các công việc nặng nhọc, nên phải về quê loanh quanh ở nhà chăm con. Từ năm 2018 đến nay, một mình Tùng ở lại làm việc, kiếm tiền nuôi cả gia đình.
 
Dịch bệnh đã đẩy những người lao động trở về quê trong tình trạng thiếu việc làm và thu nhập.
Dịch bệnh đã đẩy những người lao động trở về quê trong tình trạng thiếu việc làm và thu nhập.
Sau nhiều tháng “ăn rỗi” bám trụ lại thành phố trong nơm nớp nỗi lo dịch bệnh, không còn chỗ để bám, đầu tháng 10 vừa qua, Tùng quyết định về quê bằng xe máy. “Suốt mấy tháng nghỉ dịch ở Đồng Nai, ông bà nội ngoại phải gửi tiền vào, chứ em không tiết kiệm được đồng nào. Mấy năm đi làm, được bao nhiêu tiền đều gửi về cho vợ con cả. Rồi những ngày về cách ly tại nhà, cả gia đình cũng đều nhờ cả vào anh chị em, bà con nội ngoại 2 bên giúp đỡ khi bó rau, khi con cá”. Một tháng ở nhà, không việc làm, không thu nhập, Tùng càng thấm thía nỗi lo “cơm áo gạo tiền” cho gia đình nhỏ.
 
Tùng lo lắng: “Nếu dịch bệnh cứ kéo dài mãi như thế này, chúng em thực sự không biết tính làm sao nữa. Công việc không có, thu nhập cũng không, trong khi 2 đứa con nhỏ (một lên 8 một lên 6) đang đến tuổi ăn, tuổi học. Trước mắt, hết cách ly, em sẽ đi bốc vác keo tràm kiếm thêm thu nhập”. Tôi hỏi: “Nếu dịch bệnh được khống chế, có tiếp tục vào Nam?”. Tùng ngập ngừng trả lời: “Cũng chưa biết nữa. Mấy ngày nay, vợ chồng em đang bàn tính chuyện em sẽ đi nước ngoài xuất khẩu lao động, nhưng biết có được hay không”. 
 
Cuộc sống vẫn phải tiếp tục...
 
Hết thời gian cách ly tại Khu cách ly tập trung xã Sơn Hóa (Tuyên Hóa), vợ chồng anh Đinh Văn Hùng ở thôn Tân Sơn, xã Sơn Hóa (Tuyên Hóa) tranh thủ thời gian tự cách ly tại nhà để dọn dẹp lại nhà cửa và phát quang cây cối trong vườn để trồng rau xanh.
 
Anh Hùng cho biết: “Dù sao, cuộc sống vẫn phải tiếp tục mà. Giờ dịch bệnh không thể kiếm được việc gì, nên vợ chồng phải tranh thủ tăng gia sản xuất, được chừng nào hay chừng đó. Chứ suốt hơn 4 tháng qua, sống cầm cự ở Bình Dương trong tình trạng không có việc làm, phải mượn tiền sống tạm qua ngày, hết chịu nổi rồi”.
 
Vợ chồng anh Đinh Văn Hùng tranh thủ tăng gia sản xuất trong mùa nghỉ dịch.
Vợ chồng anh Đinh Văn Hùng tranh thủ tăng gia sản xuất trong mùa nghỉ dịch.
Vợ chồng anh Hùng, vốn làm công nhân của một công ty xe đạp ở Bình Dương hơn 5 năm nay. Mỗi năm, khi đến tết, cả gia đình anh mới về nhà một lần. Vì vậy, quanh năm suốt tháng, nhà cửa, vườn tược bị bỏ hoang, cây cỏ mọc lút đầu người. Ngày 13-10 vừa qua, vợ chồng anh và con trai (7 tuổi) mới quyết định chạy xe máy về quê, phần vì tránh dịch, phần vì hết tiền.
 
Anh Hùng kể, sau khi anh cưới vợ, sinh con (năm 2018), bà o đã bán rẻ cho mảnh đất và ngôi nhà cũ này, chứ không có tiền mua. Mang tiếng là ở miền núi nhưng lại không có rừng. Cả nhà trông nhờ vào 2 sào ruộng ông bà 2 bên cho. Ruộng thì mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa. Hết vụ mùa, vợ chồng cùng đi làm thuê. Mùa nào việc đó.
 
Năm 2016, sau khi đứa con thứ 2 được 2 tuổi, bí quá, vợ chồng anh phải gửi bé đầu cho ông bà ngoại để vào Bình Dương xin làm công nhân. Anh nghĩ, vào đó, nhà máy xí nghiệp nhiều, việc làm không thiếu. Chỉ cần mình chịu khó, chịu khổ thì không lo không có việc làm. May mắn, vừa vào đến nơi, anh chị trúng đợt tuyển công nhân của một công ty sản xuất xe đạp. Lương tháng cũng được 5-7 triệu đồng. Vợ chồng bảo nhau phải chi tiêu tằn tiện để dành tiền cho nuôi con. Tháng nào dư thì tiết kiệm, sau này về có vốn làm ăn. Nghĩ vậy, nhưng 3, 4 năm đầu, lương bổng cũng chỉ đủ nuôi con và chi tiêu lặt vặt.
 
Hai năm nay lại gặp phải dịch Covid-19 triền miên. Cả nhà ở lại cầm cự 4 tháng cũng hy vọng dịch bệnh sớm qua để đi làm. Nào ngờ nó cứ dai dẳng mãi. Tiền tiết kiệm cũng đã tiêu hết. Tháng cuối trước khi về, anh phải mượn 6 triệu đồng của đứa em bà con để sống. Thoáng chút lưỡng lự, anh Hùng cho hay: “Hết dịch, chắc không đi Nam nữa, mà ở quê kiếm việc làm cũng được. Vì con cái giờ đã lớn, phải ở nhà để kèm chúng thêm”. Nhưng làm gì thì anh Hùng còn chưa tính được...
 
Cần các giải pháp căn cơ 
 
Theo thống kê, tính từ giữa tháng 9-2021 đến giữa tháng 10-2021, huyện Tuyên Hóa đã có hơn 1.250 lao động trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có gần 700 lao động đang gặp khó khăn về đời sống. Dự báo, trong thời gian tới, số lượng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ các địa phương trở về quê tiếp tục tăng, gây áp lực rất lớn về an sinh xã hội, việc làm, thu nhập cho huyện.
 
Vì đây là nhóm yếu thế ít có khả năng ứng phó trước các biến động dài hạn như dịch bệnh, rất cần sự trợ giúp của xã hội, nhất là các nhà quản lý, hoạch định chính sách..., với các giải pháp căn cơ. Rồi đây, khi dịch bệnh được khống chế, sẽ có người sấp ngửa quay trở lại các tỉnh phía Nam để làm... công nhân, và cũng sẽ có không ít người ở lại quê hương tìm “con đường” khác để đi.
 
Nói như anh Đinh Văn Hùng: “Dù sao, cuộc sống vẫn phải tiếp tục...”. Nhưng tiếp tục như thế nào, chắc chắn đó không chỉ là câu chuyện sinh kế của những người lao động bị thất nghiệp. Bởi, nếu không có chính sách và những tính toán lâu dài hợp lý, những áp lực về kinh tế-xã hội sẽ tiếp tục là “gánh nặng” đối với khu vực nông thôn, miền núi. 
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Hồ Vũ Thường cho biết: “Trước mắt, huyện đã chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các chương trình, chính sách liên quan đến giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội để giúp người dân ổn định đời sống; đồng thời rà soát các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo quy định của Chính phủ nhằm tạm thời hỗ trợ người lao động bảo đảm mức sống tối thiểu, khuyến khích người lao động trở lại làm việc nếu dịch bệnh được khống chế. Về lâu dài, Tuyên Hóa sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối thị trường lao động; tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, khuyến khích người lao động chuyển đổi ngành nghề. Trong đó, xuất khẩu lao động được xem là giải pháp trọng tâm, giúp cho người lao động có thu nhập cao và ổn định cuộc sống lâu dài”.  
 
Dương Công Hợp

tin liên quan

Làng mới bên "Cổng Trời"

(QBĐT) - Nằm đối diện với khu Di tích lịch sử Cổng Trời trên tuyến Quốc lộ 12A, khu tái định cư mới của bản Cha Lo (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) vừa hoàn thành đưa vào sử dụng. Mặc dù vẫn còn những lo toan, bỡ ngỡ ban đầu, nhưng từ bây giờ, khi mùa mưa lũ về, 34 hộ người Mày nơi đây đã không còn phải thấp thỏm lo âu vì sạt lở đe dọa như ở bản cũ, khi được sống an toàn trong những ngôi nhà mới đẹp đẽ, khang trang…

Xuyên đêm săn "đặc sản" nơi thượng nguồn sông Gianh

(QBĐT) - Dãy Giăng Màn sừng sững ôm trọn 27km đường biên giới Việt-Lào, nơi nổi tiếng với những cánh rừng nguyên sinh rộng hàng chục nghìn héc ta, quanh năm mây mù bao phủ. Đây là nơi khởi nguồn của những dòng suối mát lành, len lỏi qua từng ghềnh đá mà hợp thành dòng sông Gianh lịch sử và cũng là nơi sinh sống của các loài cá mát, cá chình, cá leo, ếch núi, cua đá…

Làng nơi chân sóng

(QBĐT) - Không còn cảnh vắng lặng do phong tỏa, những ngày này, người dân những làng biển bãi ngang đã dần quay lại với nhịp sống vốn có. Họ cần mẫn, miệt mài cho một mùa biển mới, với những niềm hy vọng mới, cho dù dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp ở ngoài kia.