Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Làng mới bên "Cổng Trời"

  • 08:08 | Thứ Bảy, 30/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nằm đối diện với khu Di tích lịch sử Cổng Trời trên tuyến Quốc lộ 12A, khu tái định cư mới của bản Cha Lo (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) vừa hoàn thành đưa vào sử dụng. Mặc dù vẫn còn những lo toan, bỡ ngỡ ban đầu, nhưng từ bây giờ, khi mùa mưa lũ về, 34 hộ người Mày nơi đây đã không còn phải thấp thỏm lo âu vì sạt lở đe dọa như ở bản cũ, khi được sống an toàn trong những ngôi nhà mới đẹp đẽ, khang trang…
 
Không còn nỗi lo sạt lở
 
Những ngày giữa tháng 10-2021, chúng tôi ghé thăm khu tái định cư (KTĐC) mới của 34 hộ người Mày ở bản Cha Lo, xã Dân Hóa. Con đường từ Quốc lộ 12A dẫn vào KTĐC dài khoảng 200m đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng. Vượt qua khỏi con dốc cao, KTĐC bản Cha Lo hiện ra như một đô thị thu nhỏ với những ngôi nhà mới đẹp đẽ, khang trang được sơn màu xanh hài hòa giữa nền núi rừng xanh thẳm.
 
Đơn vị thi công gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng ở KTĐC bản Cha Lo mới.
Đơn vị thi công gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng ở KTĐC bản Cha Lo mới.
 
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hồ Thông, Bí thư Chi bộ bản Cha Lo không giấu được cảm xúc: “Được về ở trong những ngôi nhà mới khang trang, an toàn nơi KTĐC mới này, dân bản ai cũng vui cái bụng. Từ nay bà con không còn phải sống trong cảnh thấp thỏm lo sợ sạt lở mỗi khi mùa mưa lũ về. Không biết nói gì hơn, chúng tôi chỉ biết cảm ơn Đảng, Nhà nước, các nhà tài trợ đã quan tâm, giúp đỡ.”
 
Ông Thông cho biết, bản Cha Lo cũ có 39 hộ, đa số là đồng bào người Mày sống định cư ở Km 137, bên Quốc lộ 12A đã hơn 20 năm nay. Tuy nhiên, từ năm 2019 ở cả 2 quả đồi phía trên bản xuất hiện 2 vết nứt dài từ 30-40m. Sau khi phát hiện vết nứt, người dân đã báo cáo lên chính quyền xã Dân Hóa và Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Cha Lo.
 
Đồng bào dân tộc thiểu số chuyển về nơi ở mới. Ảnh: C.T.V
Đồng bào dân tộc thiểu số chuyển về nơi ở mới. Ảnh: C.T.V
Tháng 10-2020, trước tình hình mưa lớn kéo dài, nguy cơ sạt lở rất cao, nguy hiểm đến tính mạng của người dân nên huyện Minh Hóa đã chỉ đạo xã Dân Hóa phối hợp với Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo khẩn cấp di dời bà con đến nơi an toàn. Theo đó, 34 hộ với 132 nhân khẩu ở bản Cha Lo phải chia ra ở ghép với bà con ở các bản Bãi Dinh và Ka Ai.
 
Mặc dù người dân bản Cha Lo đều nhận được sự cưu mang, đùm bọc của bà con dân bản, sự động viên, hỗ trợ lương thực, thực phẩm của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm nhưng vì phải “ăn nhờ, ở đậu” hàng tháng trời nên ai cũng cảm thấy bất tiện và lo lắng.
 
Ông Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, nhận thấy tình hình sạt lở ở bản Cha Lo nghiêm trọng, đe dọa đến cuộc sống của người dân, không thể ở lâu dài. Vì vậy, ngay sau trận lũ lịch sử, qua nhiều lần khảo sát, với sự thống nhất của người dân bản Cha Lo, huyện Minh Hóa đã chọn khoảnh đất ở quả đồi rộng gần 5ha, nằm đối diện với Di tích lịch sử Cổng Trời trên tuyến Quốc lộ 12A để xây dựng KTĐC mới cho người dân. Được khởi công từ đầu năm 2021, đến nay khu dân cư mới này đã cơ bản hoàn thành, 34 hộ dân đã được vào ở trong những căn nhà mới đẹp đẽ, khang trang, an toàn ngay trước mùa mưa lũ năm 2021.
 
Niềm vui những ngôi nhà mới
 
Từ ngày được dọn về ở trong ngôi nhà mới, ông Hồ Nhuân lúc nào cũng “luôn tay luôn chân”. Hết giúp thợ làm thêm cái “giàn mát” trước hiên nhà, ông chuyển sang lau sàn, sắp đặt lại đồ đạc trong nhà cho gọn gàng. Gặp chúng tôi, ông Nhuân không giấu được niềm vui trên khuôn mặt rạng rỡ.
 
Ông chia sẻ: “Gia đình miềng khó khăn lắm, 2 vợ chồng sức khỏe yếu, con lại đông, nên chẳng bao giờ mơ được ở trong một ngôi nhà mới như thế này đâu. Nhà nước không chỉ đầu tư làm nhà mà còn làm đường, kéo điện, kéo nước về cho bà con dùng nữa nên gia đình miềng ai cũng vui cái bụng. Chừ về ở nơi đây, gia đình không phải lo sạt lở đất đá đe dọa, không phải đi “ăn nhờ ở đậu” những khi mưa lũ về, chỉ lo mần ăn để nuôi các con ăn học thôi. Miềng cảm ơn Nhà nước, cảm ơn các nhà tài trợ…”
 
Đồng bào dân tộc thiểu số chuyển về nơi ở mới. Ảnh: C.T.V
Đồng bào dân tộc thiểu số chuyển về nơi ở mới. Ảnh: C.T.V
 
Cách nhà ông Nhuân mấy căn là nhà của chị Hồ Thị Ka. Hai vợ chồng chị Ka vừa kết hôn thì chồng chị lên đường nhập ngũ, đóng quân ở tỉnh Thanh Hóa đã hơn 1 năm nay, do dịch Covid-19 nên không về phép thăm nhà được. Ngày chồng rời nhà đi bộ đội, bản Cha Lo mới vẫn chưa được khởi công xây dựng, vậy nên hôm được nhận nhà mới, chị Ka mừng lắm, lập tức gọi “FaceTime” khoe với chồng.
 
“Chồng em mừng lắm, nói vậy là anh có thể yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, không phải lo lắng nhiều cho vợ con, người thân ở quê mỗi lần nghe thông tin mưa bão nữa!”, chị Ka cho hay.
 
Ông Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho biết, đến thời điểm này người dân đã dọn về KTĐC bản Cha Lo để sinh sống, ai cũng vui mừng khi được sống trong những căn nhà mới, khang trang, an toàn hơn. Tuy nhiên, tại bản mới chưa có quỹ đất nên bà con vẫn duy trì sản xuất ở bản cũ cách nơi ở mới khoảng 3km.
 
Rời KTĐC bản Cha Lo khi nắng chiều đã nhạt, ánh điện bừng sáng lung linh trên miền đất mới như đang báo hiệu một sự khởi đầu đầy hứa hẹn với người dân bản Cha Lo mới. Dẫu biết rằng phía trước còn đó nhiều sự lo toan và bộn bề của cuộc sống, nhưng đâu đó chúng tôi vẫn bắt gặp được ánh mắt đầy hy vọng và an yên của đồng bào người Mày nơi ngôi làng mới bên “Cổng Trời” này! Có thêm một điều khó khăn nữa, là ở KTĐC bản Cha Lo chưa bố trí được trường học nên trẻ nhỏ ở đây sẽ phải đi học hơi xa. Hiện xã Dân Hóa đang kiến nghị với cấp trên tìm địa điểm để xây dựng ở đây một điểm trường mầm non, tạo điều kiện cho con em học tập. Đồng thời, lồng ghép với các chương trình, dự án để hỗ trợ, tạo thêm sinh kế cho bà con sản xuất, ổn định cuộc sống.
 
KTĐC bản Cha Lo được quy hoạch với diện tích 4,7ha, nhằm di dời 34 hộ dân ở bản Cha Lo bị sạt lở đất vì mưa lũ vào tháng 10-2020. Theo thiết kế, mỗi ngôi nhà có diện tích 50m2, trụ đổ bê tông, tường xây bằng gạch, mái lợp tôn chống nóng, tổng trị giá 150 triệu đồng từ nguồn tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nguồn vốn đối ứng của huyện Minh Hóa. Công trình được khởi công đầu năm 2021, đến nay đã hoàn thành và bàn giao cho đồng bào sử dụng.
 
Phan Phương

tin liên quan

Xuyên đêm săn "đặc sản" nơi thượng nguồn sông Gianh

(QBĐT) - Dãy Giăng Màn sừng sững ôm trọn 27km đường biên giới Việt-Lào, nơi nổi tiếng với những cánh rừng nguyên sinh rộng hàng chục nghìn héc ta, quanh năm mây mù bao phủ. Đây là nơi khởi nguồn của những dòng suối mát lành, len lỏi qua từng ghềnh đá mà hợp thành dòng sông Gianh lịch sử và cũng là nơi sinh sống của các loài cá mát, cá chình, cá leo, ếch núi, cua đá…

Làng nơi chân sóng

(QBĐT) - Không còn cảnh vắng lặng do phong tỏa, những ngày này, người dân những làng biển bãi ngang đã dần quay lại với nhịp sống vốn có. Họ cần mẫn, miệt mài cho một mùa biển mới, với những niềm hy vọng mới, cho dù dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp ở ngoài kia.

Xuyên đêm đón F0

(QBĐT) - 20h, bác sỹ Tiệp gọi hỏi tôi: "Phóng viên phụ trách ngành y tế có muốn đi cùng CDC đón F0?". Thoáng chút chần chừ nhưng rồi tôi cũng mạnh dạn nhận lời để có cơ hội được chứng kiến những vất vả của những lực lượng tuyến đầu chống dịch. Nhanh chóng thu xếp đồ tác nghiệp vào ba lô và lên xe chống dịch thẳng hướng xã biển Đức Trạch.