Truyền thống khoa bảng Quảng Bình qua tài liệu mộc bản triều Nguyễn
(QBĐT) - Khoa cử là con đường để phát hiện, tuyển chọn nhân tài bổ dụng vào bộ máy phục vụ đất nước luôn được các triều đại phong kiến Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Trong bài tựa "Quảng Bình khoa lục", Hiệp biện đại học sĩ Cao Xuân Dục viết: “Đem cái chí tâm thành tôn cao vị thế của đất nước, bảo hộ cho đời sống của nhân dân, quyết lòng làm tròn việc đời như thế mới thỏa cái chí bình sinh của mình. Những người có chí như vậy thì quốc gia sẽ ghi vào bảng vàng bia đá, nhân dân sẽ bảo nhau và bia miệng sẽ truyền lâu dài, chứ đâu phải chỉ ghi trong sách vở, trong khoa thi mới là trọng thị, không những chỉ là vẻ vang trong một địa phương mà còn vượt tầm ấy, đăng tên lên đài lân, gác phượng”. Một trong những tài liệu phản ánh tương đối đầy đủ lịch sử truyền thống khoa cử triều Nguyễn chính là mộc bản.
Mộc bản triều Nguyễn là loại tài liệu đặc biệt về hình thức, nội dung và phương thức chế tác. Mộc bản được thiết kế chủ yếu bằng kỹ thuật khắc ngược chữ Hán Nôm trên gỗ để in thành sách rất phổ biến trong thời kỳ phong kiến. Đây chính là tài liệu gốc của các bộ chính sử, chính văn nổi tiếng của Việt Nam được biên soạn và khắc in dưới triều Nguyễn như: Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Minh Mệnh chính yếu…
Đó chính là kho tư liệu quý giá, tiêu biểu của vương triều cuối cùng trong lịch sử dân tộc. Kỹ thuật khắc in mộc bản triều Nguyễn thể hiện trình độ tay nghề cao của các nghệ nhân. Mỗi bản khắc là cả một tác phẩm nghệ thuật với những nét chữ sắc sảo, uyển chuyển, thể hiện thần thái, tình cảm, tâm huyết của người thợ chạm khắc.
Điểm làm nên tuyệt tác chế tác mộc bản triều Nguyễn chính là nghệ thuật khắc họa các hoa văn, hoạ tiết, hình ảnh rồng bay, phượng múa, bản đồ, họa đồ và hình ấn triện của nhà vua. Nhưng có lẽ, giá trị lớn nhất mà khối mộc bản triều Nguyễn để lại cho hậu thế chính là nguồn sử liệu vô cùng quý giá. Đặc biệt, các bộ quốc sử được triều Nguyễn biên soạn hết sức công phu, qua nhiều khâu đối chiếu, dò xét tỉ mỉ, cẩn trọng trước khi khắc in. Chính vì thế, mộc bản triều Nguyễn chứa đựng nhiều thông tin chính xác về giá trị lịch sử.
Nội dung mộc bản triều Nguyễn có nhiều chủ đề khác nhau như: Lịch sử, địa lý, chính trị, xã hội, quân sự, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tư tưởng, triết học, ngôn ngữ… Do đó, mộc bản triều Nguyễn vừa phong phú, chuẩn xác về nội dung, vừa đa dạng về nguồn gốc. Với giá trị đặc biệt về nội dung, nghệ thuật chế tác, mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới vào ngày 31-7-2009 và trở thành di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam.
Mộc bản triều Nguyễn phản ánh khá nhiều về lĩnh vực văn hóa, giáo dục, trong đó có truyền thống khoa bảng cả nước nói chung, Quảng Bình nói riêng. Dưới chế độ phong kiến, khoa cử được tổ chức nghiêm ngặt và chia làm 3 kỳ: Thi hương, thi hội, thi đình. Thi hương là thi ở các trấn, tỉnh.
Việc khắc in về chế độ khoa cử dưới triều Nguyễn rất chi tiết, cụ thể từ thể lệ, phép tắc đến danh sách các vị đỗ đạt. Đối với các kỳ thi hương, tài liệu mộc bản triều Nguyễn khắc ghi tên tuổi, quê quán… những người thi đỗ ở các trường thi trong cả nước. Đối với các kỳ thi đại khoa (thi hội, thi đình), mộc bản khắc ghi tên tuổi và tiểu sử những người đỗ, đồng thời khắc ghi tên tuổi, quê quán những người có quan hệ thân thuộc cùng đỗ đại khoa.
Một trong những tư liệu phản ánh khá chi tiết truyền thống khoa bảng Quảng Bình chính là “Quốc triều Hương khoa lục” và “Quảng Bình khoa lục” của cùng tác giả Cao Xuân Dục biên soạn. Cuốn “Quốc triều Hương khoa lục” khắc in thành sách lần đầu tiên năm Quý Tỵ, niên hiệu Thành Thái thứ 5 (1893), ghi chép vắn tắt 47 khoa thi hương nước ta thời Nguyễn từ khoa thi đầu tiên (1807) đến khoa thi cuối cùng (1918).
Còn “Quảng Bình khoa lục” được phụng khắc năm Duy Tân thứ 5 (1911) bắt đầu chép các khoa thi hương và thi hội cùng họ tên, quê quán, chức tước của những người Quảng Bình thi đỗ từ khoa thi hương năm Quý Dậu, niên hiệu Gia Long thứ 12 (1813), đến khoa thi hội năm Canh Tuất, niên hiệu Duy Tân thứ 4 (1910) gồm 63 khoa thi, với gần 300 vị. Tuy nhiên, trong lịch sử khoa cử triều Nguyễn thì khoa thi hội năm Kỷ Mùi niên hiệu Khải Định thứ 4 (1919) mới là khoa thi cuối cùng.
Đối chiếu với thời điểm cuối cùng mà “Quốc triều Hương khoa lục” và “Quảng Bình khoa lục” đề cập thì truyền thống khoa cử Quảng Bình còn thiếu lần lượt là 1 và 9 khoa thi. Sĩ tử Quảng Bình chủ yếu thi ở Trường thi Quảng Đức, được dựng ở tỉnh Quảng Nam, tự đổi tên thành Trường Trực Lệ, đến khoa thi năm Ất Dậu niên hiệu Minh Mệnh thứ 6 (1825) cải thành Trường Thừa Thiên.
Trong cuốn “Khoa bảng Nghệ An-Hà Tĩnh-Quảng Bình qua tài liệu mộc bản triều Nguyễn”, Quảng Bình có 41 vị thi đỗ tại 24 khoa thi hội. Khoa thi hội đỗ nhiều nhất là khoa thi năm Mậu Thân (Ân khoa), niên hiệu Tự Đức nguyên niên (1848), có 4 vị đỗ, 3 vị được sắc ban Đệ Tam giáp (đồng tiến sĩ xuất thân) gồm: Nguyễn Đăng Hành (1823), quê Phù Chính (nay là xã Hưng Thủy, Lệ Thủy), đỗ đồng tiến sĩ xuất thân năm 26 tuổi; Lê Hữu Lệ sinh năm Đinh Hợi (1827), quê quán Cổ Hiền, Phong Lộc (nay là xã Hiền Ninh, Quảng Ninh), đỗ đồng tiến sĩ xuất thân năm 22 tuổi; Vũ Xuân Xán, sinh năm Tân Tỵ (1821), quê quán Hòa Luật (nay là xã Cam Thủy, Lệ Thủy), đỗ đồng tiến sĩ xuất thân năm 28 tuổi và 1 vị đỗ phó bảng là Trần Ngọc Diêu, sinh năm Nhâm Thân (1812), quê quán Di Luân, Bình Chính (nay là xã Quảng Tùng, Quảng Trạch), đỗ năm 37 tuổi.
Về thi đình, mộc bản triều Nguyễn đề cập 2 vị thi đỗ khoa thi năm Đinh Mùi, niên hiệu Thành Thái thứ 19 (1907) gồm: Nguyễn Duy Phiên, quê quán thôn Lý Hòa (nay là xã Hải Phú, Bố Trạch) đỗ tiến sĩ xuất thân năm 23 tuổi, nguyên đỗ trúng cách, xếp vào hạng Đệ Tam danh và Lê Chí Tuân, quê quán Lâm Xuân, Quảng Trạch (nay là xã Quảng Thủy, TX. Ba Đồn), đỗ đồng tiến sĩ xuất thân năm 37 tuổi, nguyên đỗ trúng cách, xếp vào hạng Đệ Tứ danh.
Ngoài ra, có một chi tiết rất đáng lưu ý đó là, trong khoa thi hương năm Mậu Ngọ, niên hiệu Khải Định thứ 3 (1918), tại Trường Nghệ An và Trường Thanh Hóa thi chung, có trường hợp Nguyễn Mậu, quê quán Phù Ninh, Bình Chính (nay là xã Quảng Thanh, Quảng Trạch) thi nhờ ở trường này, đỗ cử nhân năm 25 tuổi.
Lịch sử khoa cử triều Nguyễn đã tuyển chọn được hàng trăm nhân tài người Quảng Bình đóng góp nguồn nhân lực quan trọng tham gia hoạt động triều chính, dựng xây đất nước. Thành tích của các nhà khoa bảng Quảng Bình đã làm rạng rỡ truyền thống, đạo hiếu học của mảnh đất nghèo khó. Ánh hào quang về thành tích của các nhà khoa bảng Quảng Bình từ những tấm mộc bản triều Nguyễn mãi mãi là niềm tự hào và là tấm gương sáng cho các thế hệ sĩ tử Quảng Bình hôm nay học tập, noi theo.
Khánh Linh