Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Theo dấu tích người mở cõi

  • 07:41 | Thứ Tư, 01/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm Canh Dần (1650), tại phường Chiêu Tín, huyện Khang Lộc, phủ Quảng Bình (nay thuộc xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), vợ ba của Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật sinh hạ người con thứ ba là Nguyễn Hữu Cảnh. Lớn lên trong binh lửa, Nguyễn Hữu Cảnh sát cánh cùng cha và hai anh là Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Trung xông pha trận mạc. Nguyễn Hữu Cảnh được giữ chức Cai cơ trong đội quân của chúa Nguyễn trên chiến lũy ven sông Nhật Lệ, quân sĩ đương thời từng gọi ông là hổ tướng. Năm Nhâm Thân (1692), ông được cử đi dẹp loạn, được phong Chưởng cơ, trấn thủ dinh Bình Khang ( Khánh Hòa).
 
Tháng hai năm Mậu Dần (1698) Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn cử làm Kinh lược sứ. Ông xây dựng hệ thống hành chính, lấy xứ Đồng Nai đặt huyện Phước Long, lập dinh Trấn Biên; lấy xứ Sài Gòn-Gia Định đặt huyện Tân Bình lập dinh Phiên Trấn. Theo lệnh chúa Nguyễn, ông cho chiêu mộ dân chúng từ Bố Chính trở vào khai hoang, lập ấp, làm bộ đinh, bộ điền, xác lập cương vực quốc gia về mặt pháp lý. Đất Trấn Biên, Phiên Trấn ngày xưa nay là vùng Biên Hòa-Đồng Nai nối liền TP. Hồ Chí Minh-trung tâm kinh tế phát triển năng động nhất cả nước.
 
Theo dấu tích người xưa, chúng tôi đến đền Bình Kính ở cù lao Phố, TP. Biên Hòa để tưởng nhớ đến công đức của Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh trong những ngày đầu trên đất Trấn Biên. Trầm mặc dưới một vườn cây xanh mát, đền Bình Kính nằm bên ngã ba sông Đồng Nai. Sách xưa chép, khi xây đền, dân chúng “lấy đá ngầm làm thủy thành, dưới có cá chép lạ lớn sáu, bảy thước, cứ đêm khuya tĩnh mịch thường hướng về đền quẫy nhảy dưới sông bơi lội ngược xuôi như hình múa lạy”.
Đền Bình Kính thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở Cù Lao Phố, TP. Biên Hòa, Đồng Nai.
Đền Bình Kính thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở Cù Lao Phố, TP. Biên Hòa, Đồng Nai.
Trong đền, giữa cung nghiêm thờ một chữ Thần và nhiều hoành phi câu đối ghi lòng tạc dạ công đức to lớn của Đức ông: “Bình điện sơn hà lê nguyên hàm đại hữu/Kính khai cương thổ thiên hạ ích đồng nhân” (Định rừng núi sông lương dân đều được hưởng/Mở mang bờ cõi, thiên hạ thảy chung nhà).
 
Không chỉ lòng dân Trấn Biên, ở đất Phiên Trấn, khi xây đền Minh Hương-Gia Thạnh thờ các bậc tiền nhân của mình, người Hoa-Chợ Lớn vẫn không quên lập bài vị thờ Thống suất Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh với công đức “hộ quốc tí dân, ách cảnh uy viễn chiêu ứng Nguyễn Công Thượng đẳng thần" (dịch: Giữ nước, che dân bảo vệ bờ cõi, uy danh rạng rỡ được truy phong Thượng đẳng thần).
 
Tháng 7 năm Kỷ Mão (1699), vua Chân Lạp là Nặc Thu cho đắp lũy Bích Đôi, Nam Vang gây rối vùng đất phía Tây Nam. Chúa Nguyễn Phúc Chu cử Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất đưa quân đi bình định. Sách "Đại Nam thực lục tiền biên" chép: “Khi quân ta đến lũy Bích Đôi và Nam Vang, Nặc Thu đem quân đón đánh. Nguyễn Hữu Cảnh mặc nhung phục đứng trên đầu thuyền, vung gươm vẫy cờ, đốc các quân đánh gấp tiếng súng vang như sấm. Nặc Thu cả sợ bỏ thành chạy, ông vào thành vỗ an dân chúng. Mùa hè, tháng tư, Nặc Thu đến cửa quân đầu hàng xin cống nộp”. Nguyễn Hữu Cảnh vào thành vỗ an dân chúng rồi lui quân tiếp tục kinh lý việc biên giới. Người dân Chân Lạp cảm tạ ơn đức lập miếu thờ ông ở đầu cồn Nam Vang[1].
 
Trong cuộc tiến binh năm ấy, ông cho quân sĩ nạo vét kênh mương, khơi rộng nhánh sông Tiền nối sông Hậu vừa thông tuyến cho chiến thuyền vừa lấy nước cho dân hai bên bờ khẩn hoang làm ruộng. Ông lấy việc khuyến nông làm đầu, thực hiện chính sách “dữ binh ư nông, dĩ nông ư binh” (dùng binh làm nông, dùng nông làm binh), đội quân của ông đi đến đâu đều được dân chúng yêu quý, ủng hộ.
 
Theo dòng sông Hậu, chúng tôi tìm về huyện Chợ Mới, vùng đất có nhiều di tích in dấu chân ông. Nơi đây có cù lao Cây Sao ông từng đóng đại bản doanh lúc hành quân và khi trở về, dừng quân khải hoàn thì ông nhiễm bệnh nặng. Lệnh truyền giong buồm về dinh Trấn Biên nhưng đến Rạch Gầm (Tiền Giang) thì ông mất, ngày 9-5 năm Canh Thìn (1700). Tưởng nhớ đến ông, dân chúng lấy chức vụ, tước hiệu của ông gọi tên cho vùng sông nước.
 
Nhánh sông chảy quanh Chợ Mới gọi là Lễ Công giang hay sông Ông Chưởng; cửa sông có Vàm Ông Chưởng; cù lao Cây Sao là cù lao Ông Chưởng[2], các kênh rạch bao quanh là rạch Ông Chưởng, chợ ở trung tâm huyện cũng được gọi là chợ Ông Chưởng. Dân chúng dựng nhiều miếu thờ, đền thờ, dinh thờ hàng năm không ngớt khói hương.
 
Chúng tôi đến dâng hương trước dinh thờ ông ở cù lao Vôi xã Kiến An, đền thờ Chương Đùng ở xã Long Kiến, xã An Thạnh Trung, xã Long Điền... ở đâu cũng được xây cất tôn nghiêm. Hàng năm, vào ngày giỗ ông, dân chúng long trọng làm lễ nghinh thần, rước sắc, rước kiệu, đua thuyền trên sông nước để tưởng nhớ đến người đã “Mở mang bờ cõi thời sơ khởi/Chấn chỉnh miền Nam tự buổi đầu”.
 
Không chỉ những nơi có dấu tích ông mà cả những nơi không có tư liệu lịch sử nào chứng minh ông đã đến, dân chúng vẫn lập đền thờ bởi những người dân khai hoang lập ấp thuở sơ khởi “xem ông như người đại diện của Tổ quốc. Ông thỏa mãn cả nhu cầu lợi ích lẫn tình cảm của dân lưu tán. Có thể nói chính ý thức quốc gia, dân tộc đã tôn vinh Nguyễn Hữu Cảnh”[3]. Đó là sự kết động của tình cảm, nguyện vọng, sức sống được hun đúc suốt mấy trăm năm.
 
Ngược dòng sông Hậu, đến vùng biên giới tỉnh An Giang. Ở đây có đình Châu Phú nằm giữa lòng thành phố Châu Đốc, dân trong vùng thành kính gọi gọi là đền Lễ Công hay đền Ông. Ban đầu, đền được cất bằng tre nứa, dần dần được xây dựng kiên cố thành ngôi đình khang trang, kiến trúc đẹp.
 
Trong đình thờ bài vị cùng tượng Thần Nguyễn Hữu Cảnh với nhiều hoành phi, liễn đối ghi nhớ công đức của ông: “Khai thác huân thần, công tại biên thùy dạnh tại sử/Trung thành chí khí, sanh vi chân tướng từ vi thần” (Sự nghiệp huân thần, công dày biên ải danh ghi sử/Trung kiên chí khí, sống làm chân tướng, chết nên thần).
 
Theo ông Từ trông coi đình cho biết, ngoài đình Châu Phú, dọc theo sông Hậu còn nhiều đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở các xã Bình Mỹ, Bình Long, Mỹ Đức... Không có điều kiện đi hết các di tích, chúng tôi qua phía tả ngạn đến Từ miếu Cồn Tiên xưa, nay là đình làng Đa Phước thuộc huyện An Phú. Hàng ngày, dân làng họp chợ trong sân đình và không quên vào thắp hương trước nghinh áng thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh trong chính điện.
 
Trên đường trở về, chúng tôi không quên ghé bến Rạch Gầm thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, nơi ông trút hơi thở cuối cùng. Được biết, khi ông mất, dân chúng hạt Sầm Khê (Rạch Gầm) đã cho lập miếu thờ, sau rước về Đình Trà Mút nhưng giờ đây không còn dấu tích. Thắp hương bái vọng trước mênh mang sóng nước sông Tiền, tưởng nhớ Đức Ông, chúng tôi lại nghe âm vang đâu đây tiếng reo hò chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút của đội quân Tây Sơn đánh bại 5 vạn quân xâm lược Xiêm năm 1785.
 
Định phận vùng đất Đồng Nai, Sài Gòn-Gia Định, ổn định biên cương xã tắc, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh có công lớn trong việc mở mang bờ cõi, xác lập chủ quyền, khẳng định sự trường tồn đất nước ở phương Nam.
 
Phan Viết Dũng
 
[1] Theo Phan Khoang: Việt sử xứ đàng trong, NXB Văn học- 2000 Tr325
[2] Theo tục kiêng húy không lấy tên ông mà lấy chức vụ (Chưởng binh, Chưởng dinh) và tước hiệu (Lễ Thành hầu) của ông mà đặt.
[3] Trần Bạch Đằng-Kỷ yếu hội thảo Thân thế, sự nghiệp Nguyễn Hữu Cảnh - 1994.

tin liên quan

CỘN - Kỳ 2: Lang thang Cộn

(QBĐT) - Sau nhiều lần thêm, bớt, Cộn ngày nay đã định hình về mặt địa lý. Phía đông, nam giáp Nghĩa Ninh, mạn Bắc chung ranh giới với Bắc Nghĩa, Thuận Đức, phần phía Tây mới là chủ đề tranh cãi phức tạp: Tiếp nối "thành phố ngàn thu" Đá Bạc là vùng trung du đồi núi mênh mông.

Cộn

(QBĐT) - Trong tất cả các loại giấy tờ từ khi cất tiếng khóc chào đời đến lúc "giã biệt" của những ai ở mảnh đất đó đều ghi địa danh "Đồng Sơn". Nhưng ba, mạ, anh chị em, họ hàng chòm xóm và tất nhiên cả lũ bạn chăn trâu cắt cỏ của tôi đều gọi vùng quê ấy bằng cái tên rất đỗi thân thương: "Cộn"

Quê tôi, làng Đạm Thủy

(QBĐT) - Địa danh Đạm Thủy (Thạch Hóa, Tuyên Hóa) không biết có từ thuở nào. Hỏi chuyện người cao tuổi trong làng, được biết, từ xa xưa, có 4 dòng họ ngoài Bắc vào khai phá vùng đất này, đặt tên phường Đạm Thủy, thuộc làng Tiên Lệ (xã Quảng Tiên, TX. Ba Đồn ngày nay), sau khi tách khỏi làng Tiên Lệ (vào khoảng những năm 20 thế kỷ XX) lấy tên là làng Đạm Thủy; khoảng năm 1947 đổi tên thành thôn Đạm Thủy.