Nét độc đáo của bản thúc ước làng Kiêm Long
(QBĐT) - Bản thúc ước làng Kiêm Long xưa, nay là xã Quảng Kim (Quảng Trạch), ẩn chứa trong đó nhiều giá trị văn hóa tinh thần tiêu biểu, xứng đáng là tài liệu thành văn độc đáo của vùng đất Quảng Bình.
Thúc ước là tài liệu thành văn duy nhất còn lại của làng Kiêm Long xưa. Bản thúc ước làng Kiêm Long được ông Từ Khắc Tựu sáng tác vào năm Thành Thái thứ 19, năm Đinh Mùi (1907) nhân dịp làng khánh thành đình làng ở địa điểm mới. Theo các tài liệu truyền ngôn, ban đầu, đình làng Kiêm Long được xây dựng ở xứ Nương Mạ, nay là vị trí của Trường THCS Quảng Kim. Năm 1897, đình làng được dời về địa điểm mới, nay là khu vực Trường mầm non và bên cạnh trụ sở xã hiện tại.
“Thúc” nghĩa là bó buộc, giữ gìn, “ước” là quy định. Thúc ước nghĩa là “quy định theo pháp luật”. Thông qua cảm xúc và ngôn ngữ sáng tạo của tác giả, những quy ước được khái quát, hình tượng hóa bằng bản thúc ước. Khác với hương ước được ban hành để toàn dân làng thực hiện, thúc ước như áng hùng văn được dùng vào dịp lễ trọng, đưa vào tế tự ở đình làng.
“Tuy hương ước và thúc ước là hai văn bản song hành trong làng xã, đều trực tiếp tác động đến người dân, song hương ước là văn bản mang tính pháp lý, còn thúc ước là văn bản “chính quy” mang tính giáo hóa, được đông đảo thượng hạ trong làng xã thông qua và tuân thủ”[1].
Theo tục lệ, ngày 14 tháng giêng âm lịch hàng năm, làng Kiêm Long tổ chức lễ Kỳ phúc. Dân làng tập hợp đông đủ tại đình, sau khi nghe chủ tế thực hiện xong phần lễ, Hội trưởng Văn hội trịnh trọng đọc bản thúc ước của làng. Mỗi khi nghe áng hùng văn thúc ước xướng lên, ai nấy đều cảm nhận được đó là những điều thiêng liêng, cao quý và là niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương. Bản thúc ước làng Kiêm Long được viết theo thể phú, có đối và niêm luật khá chặt chẽ, sử dụng nhiều điển tích.
Thúc ước là sản phẩm tinh thần của làng xã mang tính ràng buộc liên quan đến thiết chế, tổ chức, tập quán, các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu... của địa phương. Bởi vậy, bố cục thúc ước làng Kiêm Long có kết cấu cơ bản giống với thúc ước truyền thống, gồm: Phần mở đầu mô tả cảnh thái bình; phần vào đề giới thiệu vị trí, cảnh quan của làng; phần thân đề giới thiệu các truyền thống văn hóa, ngành nghề tiêu biểu của làng. Cuối cùng là phần kết luận có ý khuyên răn, giáo huấn các thế hệ con cháu trong làng cần phải chung tay gìn giữ, vun đắp, phát huy các giá trị truyền thống tiêu biểu của quê hương.
Làng Kiêm Long ở vào thế huyền vũ, lưng tựa vào dãy Hoành Sơn, trước mặt là dòng sông Càn uốn quanh, phía trái là dòng sông Thai bao bọc, phía bên phải xa xa là núi Chùa và Trại Trâu của thôn Hùng Sơn. Chính cảnh quan núi non hùng vĩ hòa quyện với sông nước hiền hòa đã tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Bản thúc ước đã mô tả cảnh quan làng Kiêm Long hội tụ các yếu tố phong thủy của vùng đất địa linh:
“Tả Thanh long, Loan thủy dẫn trường sinh
Thắm nhuận quốc lộc, dồi dào
Bầu tạo hóa, thêm công xây tạc
Hữu bạch hổ, mã sơn bài uốn khí
Vùng đạt khôn, duy yểm trấn khách thần tiên”
Bản thúc ước phản ánh chân thực và bao quát những đặc điểm nổi bật về nền giáo dục cũng như giá trị văn hóa tinh thần của người Kiêm Long xưa:
“Đất Càn Long sửa đặt nền văn
Khai hậu học mở rộng đường Nho giáo
Kính nhi viễn ghi lòng kỳ báo
Nơi quán cũ, thờ ngôi thượng đẳng
Lịch tiền triều rạng vẻ sắc phong…”
Bản thúc ước còn mô tả rất kỹ những đặc tính tiêu biểu các ngành nghề truyền thống trong làng như: Sĩ, nông, công, thương, ngư, tiều, mục… Sống ở miền quê phong cảnh hữu tình, thiên nhiên tươi đẹp đã góp phần hun đúc nên ở con người Quảng Kim sự chân tình, mộc mạc, sâu nặng, nồng hậu, tràn đầy niềm lạc quan, yêu đời.
Nét tính cách đó đã góp phần tạo dựng cho cộng đồng cư dân nơi đây đời sống văn hóa, tinh thần vô cùng phong phú, độc đáo. Trai Kiêm Long có tiếng siêng năng, cần cù, hiếu học, giàu nghị lực và tinh thần thượng võ. Gái Kiêm Long với nét đẹp khỏe khoắn, giỏi việc thêu thùa, chăm nữ công gia chánh. Chính những chủ nhân của vùng đất này đã gây dựng nên bản sắc thuần phong mỹ tục của quê hương.
Lễ Kỳ phúc của làng Kiêm Long xưa cũng được mô tả qua bản thúc ước thật hào hùng, nghiêm trang, thể hiện sự thành kính của dân làng với thổ thần đất đai, tiên tổ đã dày công tạo dựng nền móng vững chắc cho hậu thế.
Là làng quê giàu truyền thống nghệ thuật, một trong những loại hình tiêu biểu và phổ biến ở làng Kiêm Long xưa đó là hát ca trù, hay còn gọi là hát nhà trò. Bản thúc ước mô tả khá chi tiết, sâu sắc loại hình diễn xướng độc đáo này.
"Đào dịu dàng ngón quạt, tay sanh
Nào là cách nam, cách khí, cách bắc, cách huỳnh
Giọng thánh thót bổng trầm mấy cách
Kép lanh lợi tay đàn, miệng chúc
Nọ những cung hợp, cung thương, cung tứ, cung công”
Thúc ước có những điểm khá tương đồng với hương ước. Đó là hệ giá trị tinh thần được hình thành, hun đúc từ truyền thống tốt đẹp, tình cảm và ý thức, trách nhiệm của mọi người dân. Vì vậy, ngoài giá trị về nghệ thuật, thúc ước đóng vai trò, ý nghĩa như luật pháp được biến thể, chuyển tải qua ngôn ngữ văn học gần gũi, đời thường, dễ nhớ, dễ thuộc, từ đó thấm sâu vào đời sống tinh thần, dần trở thành ý thức và hành động của cộng đồng dân cư.
Theo các nhà nghiên cứu, chỉ những làng xã có phong cảnh tươi đẹp, học hành, khoa cử hoặc những địa phương có truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục, người dân ăn ở hòa thuận... mới có thúc ước. Có thể thấy, bản thúc ước như là tác phẩm địa chí bằng thơ, kết tinh những giá trị độc đáo, tiêu biểu của làng Kiêm Long từ vị trí địa lý, phong cảnh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa, đến nghề nghiệp, tính cách, lối sống con người, sinh hoạt xã hội... Chính vì vậy, bản thúc ước được ví như tấm gương phản chiếu sinh động, toàn diện bức tranh đời sống làng Kiêm Long xưa.
Đáng tiếc, do bảo quản không cẩn trọng, hiện nay, bản thúc ước gốc của làng Kiêm Long đã bị hỏng, chỉ còn bản photocopy. Vượt qua biến chuyển của thời gian, bản thúc ước làng Kiêm Long xứng đáng là tác phẩm văn học cận đại độc đáo, giá trị và là di sản tinh thần vô giá của người dân xã Quảng Kim.
Nhật Linh
[1] Đào Huy Phụng - Trần Đình Vĩnh - Trần Đình Thân - Trần Quang Bình, Hương ước và thúc ước, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2012, tr13.