Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Từ sông Gianh đến cầu cảng K15... hướng về Nam - Bài 2: Cầu cảng K15 - mốc số 0 đường Hồ Chí Minh trên biển

  • 08:22 | Thứ Ba, 19/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Qua sự kết nối của đại tá Nguyễn Văn Dưỡng, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh, trong những ngày tại TP. Hải Phòng, theo hành trình tìm lại đường Hồ Chí Minh trên biển, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của thượng tá Vũ Hữu Khiêm, Trưởng phòng Tuyên huấn, Quân chủng Hải quân.
 
 
Theo lời thượng tá Vũ Hữu Khiêm, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 - 23-10-2021), dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân, Phòng Tuyên huấn chuẩn bị rất kỹ tài liệu, nội dung liên quan đến sự kiện này để phục vụ công tác tuyên truyền và cung cấp cho đội ngũ phóng viên báo chí trong nước, quốc tế đến tìm hiểu, viết bài, đưa tin.
 
Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam ghi lại: “Sau khi Tiểu đoàn vận tải biển 603-Tập đoàn đánh cá sông Gianh tạm ngưng hoạt động, ngày 23-10-1961, Bộ Tổng tư lệnh ra Quyết định số 97/QP do Thứ trưởng Hoàng Văn Thái ký thành lập Đoàn 759 vận tải thủy. Đoàn 759 đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng tư lệnh, trụ sở ở nhà số 83, Lý Nam Đế, TP. Hà Nội.
 
Đoàn 579 do đồng chí Đoàn Hồng Phước làm đoàn trưởng có các đơn vị trực thuộc gồm: Ban Tham mưu, Ban Chính trị, Ban Hậu cần, lực lượng gồm 38 cán bộ, chiến sỹ trong đó 20 người thuộc các đội tàu thuyền các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và một số tỉnh ở Liên khu 5 điều ra”.
 
Từ đó, ngày 23-10 hàng năm trở thành Ngày truyền thống Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân ngày nay, đồng thời là dấu mốc mở đường Hồ Chí Minh trên biển.
Di tích lịch sử cầu cảng K15, mốc số 0 đường Hồ Chí Minh trên biển
Di tích lịch sử cầu cảng K15, mốc số 0 đường Hồ Chí Minh trên biển
“Nếu như Tập đoàn đánh cá sông Gianh, Quảng Bình bước đầu hình thành nên tuyến vận tải biển chiến lược, thì ngày 23-10-1961 trở thành ngày ra đời lực lượng vận tải biển chiến lược và cầu cảng K15 hay bến K15, trở thành điểm xuất phát chiến lược, km số 0 của đường Hồ Chí Minh trên biển”, thượng tá Vũ Hữu Khiêm cho hay.
 
Xuất phát từ trung tâm TP. Hải Phòng, đi về hướng Nam theo đường Phạm Văn Đồng chừng 20km, chúng tôi đến quận Đồ Sơn. Nép mình dưới chân núi Vạn Hoa (còn có tên gọi khác là Vạn Xép), điểm nút cuối cùng của vịnh Đồ Sơn, bến K15-km số 0 đường Hồ Chí Minh trên biển tọa lạc ngay vị trí này.
 
Dấu ấn lịch sử một thời nơi những con tàu không số chở nặng vũ khí, mang nặng ân tình của hậu phương lớn miền Bắc hướng vào Nam bây giờ chỉ còn sót lại một dãy cọc bê tông phủ dấu thời gian nhô lên giữa biển. Thượng tá Vũ Hữu Khiêm chia sẻ: “Nhằm giữ bí mật, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công tác vận chuyển, bốc dỡ hàng, neo đậu, xuất phát của các con tàu không số mà bến K15 hầu như “vô hình” đối với người dân, thậm chí “miễn nhiễm” cả với hệ thống trinh sát điện tử hết sức tối tân của không quân Mỹ lúc bấy giờ”.
 
“Ngày 15-4-1963, chiếc cọc bê tông, cốt thép đầu tiên được đóng xuống lòng vịnh Đồ Sơn. Do khu vực thi công cầu địa chất phức tạp, búa máy BDD45 mà đơn vị thi công được trang bị quá nhẹ nên cọc không thể chìm xuống. Về sau, tổ công tác trang bị loại búa máy C222, C245 do Liên Xô viện trợ có lực nén lớn hơn. Tổ thi công chia làm 3 kíp làm việc liên tục, cọc đóng tới đâu, dầm lao tới đó, ván lướt lên trên… Cho đến ngày 15-5 thì cầu cảng K15 hoàn thành, sẵn sàng nhận nhiệm vụ lịch sử giao phó”, CCB Trần Văn Hữu ở TP. Hải Phòng nguyên thuyền trưởng tàu không số nhớ lại.
 
Đảm nhận thi công cầu cảng K15 là Trung đoàn 83 công binh. Nhưng trước khi cầu cảng K15 hội đủ những điều kiện cho các chuyến tàu không số vỏ sắt, tải trọng lớn neo đậu thì tại đây, giai đoạn từ tháng 10-1961 đến tháng 5-1963 đã có những chuyến tàu vỏ gỗ vận chuyển vũ khí vào Nam thành công.
 
Đêm 12-10-1962, tàu Phương Đông 1 gồm 10 thủy thủ dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng Lê Văn Một và Chính trị viên Bông Văn Dĩa chở 30 tấn vũ khí rời vịnh Đồ Sơn hướng vào Nam. Trước khi xuất phát, đích thân các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội như: Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Trà đến động viên cán bộ, chiến sỹ của tàu. Đồng chí Phạm Hùng dặn dò: “Các đồng chí là những người đầu tiên mở ra con đường biển Bắc-Nam này. Nó cũng giống như trên Trường Sơn kia, các đồng chí là những người tiên phong khai sơn phá thạch”.
 
Sau 5 ngày vượt biển, ngày 16-10-1962, Phương Đông 1 cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Từ Khu 9, ngày 19-10-1962, đồng chí Phạm Thế Bường, Bí thư Khu ủy Khu 9 điện báo cho Quân ủy Trương ương: “Phương Đông I đã vào đến nơi an toàn”.
 
Sau Phương Đông I, các tàu mang “mật danh” Phương Đông 2, 3, 4… lần lượt rời bến K15 trực chỉ miền Nam, tất cả đều vượt biển, chở vũ khí cập bến an toàn.
 
Nói thêm về Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bông Văn Dĩa và người bạn, người đồng chí của ông là Thuyền trưởng Lê Văn Một. Anh hùng Bông Văn Dĩa (SN 1905) ở Cà Mau, tham gia cách mạng từ những năm 1931-1932, sau khởi nghĩa Hòn Khoai không thành, ông bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Tại nhà tù Côn Đảo, ông Dĩa quen và thân với đồng chí Lê Duẩn. Sau năm 1954, ông Dĩa được cấp trên phân công nhiệm vụ ở lại hoạt động tại chiến trường Nam bộ.
 
Ngày 20-7-1961, ông Bông Văn Dĩa được Khu ủy Khu 8 và Tỉnh ủy Cà Mau cử ra Bắc theo đường biển để liên hệ với Trung ương xin vũ khí chở vào Cà Mau. Sau khi ra miền Bắc an toàn, tất cả toàn bộ thủy thủ trên tàu ông Dĩa được giữ lại ở Hải Phòng chờ nhận nhiệm vụ trở lại miền Nam.
 
Thuyền trưởng Lê Văn Một là con thứ 11 của một gia đình trí thức yêu nước tại Tiền Giang. Ông Một từng du học ở Pháp, cực kỳ giỏi biển. Trở thành hoa tiêu của chiếc Tuần dương hạm lớn nhất nước Pháp Lamotte Picquet tại Đông Dương, dưới cái tên Pháp Abel René, trong cao trào Cách mạng Tháng Tám, ông Một và các bạn tàu đánh đắm tàu rồi theo cách mạng. Chính ông Bông Văn Dĩa đã giới thiệu, trực tiếp chịu trách nhiệm cho ông Một vào Đảng.
 
Trong suốt quá trình tồn tại, đường Hồ Chí Minh trên biển đã thực hiện 2.000 lượt tàu thuyền, vận chuyển gần 160 nghìn tấn vũ khí, cập 19 bến bãi thuộc địa bàn 9 tỉnh Nam Trung bộ, miền Nam và cả trên đất Campuchia. Để có được những chiến tích đặc biệt, chúng ta cũng bị tổn thất không hề nhỏ, nhiều chiến sỹ vĩnh viễn nằm xuống trong cuộc trường chinh vĩ đại, mới có ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
                                                                                                                                                  Anh Tuấn
 
Bài 3: Bảo vật quốc gia của đường Hồ Chí Minh trên biển

tin liên quan

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tài và đức vẹn toàn!

(QBĐT) - Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo khẳng định: "Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa bảo đảm thắng lợi cao nhất vừa hạn chế thấp nhất thương vong cho chiến sỹ…

Người Rục và một thập kỷ bứt phá!

(QBĐT) - Nếu tính về tuổi xã hội, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Rục (Thượng Hóa, Minh Hóa) được ví như người em út. Họ được Đảng, Nhà nước "chăm sóc" nhiều hơn trong quá trình hòa nhập cộng đồng. 

Bình dị ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên dòng Kiến Giang

(QBĐT) - Đó là căn nhà gỗ ba gian bình dị nằm ở làng An Xá, xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy), bên dòng Kiến Giang thơ mộng. Nơi đây Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cất tiếng khóc chào đời và có những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm...