Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chảy giữa đôi bờ huyền tích

  • 08:29 | Thứ Bảy, 13/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi nghĩ, nếu như TP. Đồng Hới không có sông Nhật Lệ chảy qua chắc sẽ kém duyên đi một nửa. Nhật Lệ đẹp và buồn như những huyền tích xa xưa gắn liền với dòng chảy xanh biếc mơ màng giữa vùng đất nổi tiếng gió Lào cát trắng. Không dài rộng đến choáng ngợp như Linh Giang (sông Gianh), Nhật Lệ mang nét trữ tình đầy “nữ tính” khởi nguồn từ các đỉnh núi U Bò và Co Roi trong trùng điệp vạn lý Trường Sơn ở phía Tây miền đất hẹp nhất nước Việt Nam. Nhật Lệ là dòng chảy hội tụ của hai nhánh sông duyên dáng mang tên Long Đại (Quảng Ninh) và Kiến Giang (Lệ Thủy) trước khi góp nước cho biển Đông bao la. Một dòng sông nên thơ gắn liền với những huyền tích và dấu tích lịch sử của vùng đất vốn có nhiều thăng trầm, biến động này.
 
Có một nhà thơ nói với tôi rằng cửa sông Nhật Lệ mùa nào cũng đẹp. Là người con của Quảng Bình, tôi thầm công nhận điều đó đúng. Cửa Nhật Lệ không rộng, đôi bờ có những triền cát mịn trắng thoai thoải quá đỗi mơ màng trong lất phất mưa xuân, thật lộng lẫy cùng ban mai mùa hạ, khi u trầm lúc dữ dội giữa mùa thu nhiều bão tố, lại man mác trong se lạnh mùa đông.
 
Có nhà nghiên cứu văn học cho rằng đoạn thơ này trong “Truyện Kiều” nổi tiếng, đại thi hào Nguyễn Du đã đưa cảnh cửa biển Nhật Lệ vào tác phẩm của mình: Buồn trông cửa bể chiều hôm / Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa? / Buồn trông con nước mới sa / Hoa trôi man mác biết là về đâu? Nguyễn Du hồi làm quan cai bạ ở Quảng Bình (thời Lê mạt - Nguyễn sơ) chắc từng thả hồn mình vào từng con sóng, triền cát, rẻo mây nơi cửa sông Nhật Lệ nhiều lần.
 
Có lẽ, Tố Như đã thấy trong đó những nốt buồn nhân thế được người đời gửi vào cảnh sắc thiên nhiên. Ngoài vẻ đẹp thấy được của sóng nước, mây trời, Nhật Lệ còn mang trong nó những câu chuyện nhuốm màu huyền tích xa xưa làm người ta không khỏi bâng khuâng khi nghe kể. 
 Sông Nhật Lệ. Ảnh: Cường Bùi.
Sông Nhật Lệ. Ảnh: Cường Bùi.
Ai đã đặt tên cho sông là Nhật Lệ? Một câu hỏi không dễ trả lời. Hiểu theo nghĩa đẹp chỉ là một cách. Và cũng rất có lý khi Nhật Lệ mềm mại, trong xanh đến thế. Ai từng ngắm bình minh Nhật Lệ chắc không thể không thốt lên hai tiếng: “Đẹp quá!”. Cách hiểu khác, Lệ là nước mắt; nỗi buồn giai nhân, nỗi buồn thường dân tuôn chảy thành dòng, thành sông, tùy cách lý giải mỗi người. Chuyện rằng, sông mang tên Nhật Lệ từ khi công chúa Huyền Trân được vua Trần Nhân Tông gả cho Chế Mân (tiếng Phạn: Jaya Sinhavarman III) là Quốc vương nước Chiêm Thành vào năm 1306. Cuộc hôn nhân lịch sử này đã mang về cho Đại Việt hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân thuộc Thừa Thiên-Huế đến bắc Quảng Trị bây giờ) vốn thuộc giang sơn Chiêm Thành. Một năm sau Chế Mân tạ thế, Huyền Trân công chúa được vua Trần Anh Tông (anh trai) sai tướng giỏi Trần Khắc Chung đưa về cố quốc.
 
Trong dân gian bây giờ còn truyền bài “Nước non ngàn dặm” theo điệu Nam Bình và cho rằng do công chúa Huyền Trân đặt ra khi trên đường vào Chiêm quốc làm dâu: Nước non ngàn dặm ra đi / Mối tình chi! / Mượn màu son phấn / Đền nợ Ô, Lý / Xót xa vì / Đương độ xuân thì / Số lao đao hay là nợ duyên gì… Trên đường vào Chiêm Thành, nước mắt công chúa Huyền Trân đã rơi xuống nơi cửa bể xa xôi này. Nước mắt của người đẹp thành lệ mặn của dòng sông. Thương biết mấy, Nhật Lệ ơi!
 
Chuyện khác, có một hoàn lưu nức nở rộng lớn hơn, liên quan đến cuộc chia cắt giang sơn kéo dài đằng đẵng hai thế kỷ, từ 1570 đến 1786 của hai họ Trịnh-Nguyễn. Sông Linh Giang trở thành giới tuyến phân định Đàng ngoài, Đàng trong và nghe đâu cái tên sông Giang (ranh giới) cũng có từ đó. Nỗi chia cắt nào chẳng nhiều nước mắt. Bên bắc, bên nam bao người ngóng nhau, thương nhau, nỗi nhớ, nỗi chờ đằng đẵng nắng mưa, nước mắt chảy thành sông.
 
Sông mang tên Nhật Lệ từ đó. Huyền thoại, huyền tích nào cũng có hạt nhân lịch sử cả. Cái lõi cốt của những câu chuyện lãng đãng mù sương huyền ảo ấy bao giờ cũng mang nỗi niềm, khát vọng của con người. Vì thế, mà Nhật Lệ lung linh hơn; đó là con sông chảy giữa đôi bờ huyền tích. Có thể vì lý do ấy mà trong cảm nhận của tôi, Nhật Lệ là một dòng sông đẹp và buồn. Nó không giống với cảm giác khi tôi đứng trước sông Gianh bát ngát, linh thiêng và sung mãn.
 
Cái lưu lại lâu bền trong chúng ta về những vùng đất không chỉ là diện mạo, hình thế, màu sắc quan sát được mà nó còn là những giá trị lịch sử, văn hóa ẩn sâu trong đó. Tinh hoa tích tụ và phát tiết của con người có phần đóng góp không nhỏ của sông núi quê nhà. Di sản vật chất, phi vật chất nào cũng được tạo dựng bởi hai yếu tố thiên nhiên và con người. Địa linh ắt có nhân kiệt.
 
Gắn liền với dòng sông Nhật Lệ có những tên tuổi vô cùng sáng chói như Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người rất có công trong việc mở cõi về phương Nam hay Đại tướng Võ Nguyên Giáp tài ba và bình dị… Lại có những anh hùng dân dã như mẹ Suốt, chị Khíu. Thời bé, tôi đã từng mê mẩn khi nghe nghệ sĩ Châu Loan ngâm bài thơ Mẹ Suốt của Tố Hữu.
 
Lặng nghe mẹ kể ngày xưa / Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình / Mẹ rằng quê mẹ Bảo Ninh… Bảo Ninh là làng biển nằm ở bờ đông Nhật Lệ. Thời trước chưa có những chiếc cầu hiện đại bắc qua sông, đò là phương tiện duy nhất để đi lại đôi bờ. Làng cát này có những nhân vật nổi tiếng rất độc đáo như chị Khíu, mẹ Suốt. Chị Khíu (Nguyễn Thị Khíu) bất chấp đạn bom đưa thuyền ra khơi đánh cá.
 
Mẹ Suốt (Nguyễn Thị Suốt) chèo thuyền đưa bộ đội, thương binh, đạn dược qua sông vào những năm 1964 đến 1967 khi chiến tranh phá hoại xảy ra rất ác liệt ở Quảng Bình. Hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng thời chống Mỹ được khắc tạc rất đẹp trong thơ: Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung / Gió lay như sóng biển tung trắng bờ / Gan chi gan rứa mẹ nờ / Mẹ rằng cứu nước mình chờ chi ai / Chẳng bằng con gái, con trai / Sáu mươi còn một chút tài đò đưa / Tàu bay hắn bắn sớm trưa / Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò…(Thơ Tố Hữu).
 
Khí chất anh hùng trong những con người bình thường ấy sẽ tỏa sáng rất lâu trong lòng nhân dân. Tượng đài Mẹ Suốt ở bên dòng Nhật Lệ giữa TP. Đồng Hới xinh đẹp là một địa chỉ du khách hay tìm đến để chụp ảnh lưu niệm khi về Quảng Bình. Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, tác giả của tượng đài nổi tiếng ấy hiện nay là Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình. Tượng đài Mẹ Suốt là một chứng chỉ về tài năng của anh.
 
Tôi ao ước có dịp sẽ đi từ cửa Nhật Lệ lên thượng nguồn sông. Cực kỳ thú vị đấy. Mỗi khúc sông sẽ là một bức tranh sống động về thiên nhiên và con người vùng đất này. Theo Nhật Lệ, ta sẽ được chiêm ngắm cảnh sắc của những làng quê hiện lên ở đôi bờ sông. Nơi nhấp nhô cát trắng. Nơi bát ngát cánh đồng. Nơi chon von núi biếc. Nụ cười thôn nữ trong bóng nón. Điệu hò khoan.
 
Những món ngon đượm chất Quảng Bình mà chắc nhiều người đã nghe tới như rượu đẻn Đồng Hới, cháo canh, cháo hàu, bánh bột lọc, bánh xèo, bánh bèo tôm cháy, bánh khoái, gà nướng chấm muối cheo, hải sản… Chỉ một lần thưởng thức là nhớ mãi. Có những địa danh lịch sử văn hóa gợi nhắc nhiều về quá khứ bi tráng của dân tộc như Lũy Thầy, bến đò Mẹ Suốt, cầu Quán Hàu, cầu Long Đại, nơi Bác Hồ từng gặp gỡ nói chuyện với nhân dân Quảng Bình trong chuyến về thăm năm 1957, quê Đại tướng…
 
Đến với Nhật Lệ, dòng chảy giữa đôi bờ huyền tích các bạn sẽ thấy yêu hơn mảnh đất hẹp nhất đất nước này. Tình yêu dành cho “Quảng Bình quê ta ơi” sẽ  nồng nàn, tươi mới dù có thể bạn không sinh ra ở đây…

Nguyễn Hữu Quý

tin liên quan

Quê tôi, làng Đạm Thủy

(QBĐT) - Địa danh Đạm Thủy (Thạch Hóa, Tuyên Hóa) không biết có từ thuở nào. Hỏi chuyện người cao tuổi trong làng, được biết, từ xa xưa, có 4 dòng họ ngoài Bắc vào khai phá vùng đất này, đặt tên phường Đạm Thủy, thuộc làng Tiên Lệ (xã Quảng Tiên, TX. Ba Đồn ngày nay), sau khi tách khỏi làng Tiên Lệ (vào khoảng những năm 20 thế kỷ XX) lấy tên là làng Đạm Thủy; khoảng năm 1947 đổi tên thành thôn Đạm Thủy.

Mùa dâu da chín

(QBĐT) - Vùng đất Mỹ Thủy (Lệ Thủy) nằm về phía hữu ngạn dòng Kiến Giang. Sau mỗi mùa mưa lũ, phù sa lại bồi đắp cho mảnh đất này thêm mỡ màu. Để rồi, lũ qua, cây cối lại đơm bông, kết trái. Đến Mỹ Thủy mùa này, những vườn dâu da chín rộ trĩu trịt trên những thân cây sần sùi qua thời gian. Trải qua mưa nắng, quả dâu da trở thành một phần làm nên hồn đất, hồn làng của vùng quê này.

Dòng sông thiêng

(QBĐT) - Có một dòng chảy do đất trời sinh tạo từ mấy triệu năm về trước vẫn còn dài rộng, sung mãn đến hôm nay. Bắt đầu từ một nét đứt gãy địa chất ở vùng đất phía Bắc tỉnh Quảng Bình, một địa hào đã được tạo nên để trên bản đồ Tổ quốc, nơi eo thắt nhất của miền Trung nắng gió bão lũ dữ dằn có hành trình ra biển cả của sông Gianh.