Dòng Kiến Giang xanh

  • 14:37 | Thứ Sáu, 19/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thượng nguồn dòng Kiến Giang là nơi hợp lưu nước sông Rào Con và Rào Mệ chảy ngang qua núi Yên Mã trùng trùng như ngựa phi với vách núi dựng đứng, chót vót. Sau khi băng qua nhiều làng mạc, thôn xóm, dòng Kiến Giang đổ ra biển. Con sông này là tác phẩm tuyệt vời của con người và thiên nhiên vùng đồng bằng hai huyện, cũng chính nơi đây xuất hiện nhiều huyền tích, nhân vật lịch sử của dân tộc.
 
Huyền sử
 
Năm 1301, Phật Hoàng Trần Nhân Tông, trong cuộc vân du sang đất Chiêm Thành đến Lệ Thủy để lập am Tri Kiến (chùa Kính Thiên, Hoằng Phúc sau này). Tương truyền, ngài cùng các tùy tùng đã phát hiện và du viễn trên sông Bình Giang (tên cũ của dòng Kiến Giang). Đó là cơ sở để hàng năm chùa Hoằng Phúc thực hiện các nghi lễ tôn giáo: Lấy nước tại vực An Sinh (xã Văn Thủy), lễ rước nước và thả hoa đăng.
 
Cùng với cuộc di cư mở mang bờ cõi theo lệnh của vua Trần vào năm 1385, tướng Hoàng Hối Khanh đã vào công cán ở Lệ Thủy. Ông đưa theo người của 12 dòng họ ở Châu Hoan, Châu Ái (Thanh Hóa và Nghệ An) và những nông dân phía Bắc nghèo đói vào khai khẩn, lập điền và thái ấp. Sau một thời gian khai phá, ông đã lập được 15 điền trang và thái ấp dọc hai bên bờ Kiến Giang.
 
Dòng Kiến Giang quanh co từ thượng nguồn, băng qua các làng mạc, chảy vào lòng Lệ Thủy, ôm lấy một vùng đất địa linh, nhân kiệt. Sông chở nặng phù sa tạo nên vùng lúa nước mênh mông “Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện” sau đó nhập vào phá Hạc Hải rồi đổ ra biển lớn. Lệ Thủy được hiểu theo nghĩa vùng quê sông nước đẹp tươi, màu mỡ.
 
Người dân uống nước dòng Kiến Giang hàng trăm năm qua tự hào bởi sông quê hiền lành, tuôn chảy như con rồng uốn khúc làm nên linh khí thiêng liêng sinh ra các bậc kỳ nhân làm rạng rỡ quê hương.
Dòng Kiến Giang, Ảnh: Xuân Vương
Dòng Kiến Giang. 
Trong khi hầu hết các con sông ở Việt Nam đều chảy theo hướng đông nam, riêng dòng Kiến Giang chảy theo hướng đông bắc nên còn được gọi là nghịch hà. Trong công cuộc chế ngự thiên nhiên và chống giặc dữ, tổ tiên người Lệ Thủy đã dần cơi nới, mở rộng con sông thuở sơ khai như hiện nay nên đã đổi tên cũ là Bình Giang sang Kiến Giang (kiến nghĩa là đào, giang là sông). Sự thanh bình, yên ả con sông mang lại đi qua các làng mạc từ xã Trường Thủy đến An Thủy tạo nên đời sống vật chất, tinh thần vô giá cho người Lệ Thủy.
 
Xuyên suốt 58km, dòng sông gắn với núi rừng và đồng bằng vùng hai huyện, làm nên một huyện Lệ Thủy “gạo trắng nước trong”, vùng quê trù phú, đáng sống. Vào ngày mùa, trên con sông này, những con đò chở lúa từ đồng vào nhà cho bà con nông dân. Trong chiến tranh, lúa gạo Lệ Thủy được dòng Kiến Giang gửi về Đồng Hới qua hàng nghìn, hàng trăm chuyến chuyên chở.
 
Ngày trước, các cặp vợ chồng trẻ được hai bên nhà nội ngoại dùng đò đưa dâu trên sông. Người chết cũng được bà con kết đò, nửa đêm đi trên sông nước để lên vùng Văn Thủy, Trường Thủy chôn cất. Người Lệ Thủy sinh ra có sông che chở, khi mất đi cũng chính con sông này đưa tiễn.
 
Dòng Kiến Giang lấp lánh chảy qua các làng mạc đã tạo nên một vùng đất địa linh nhân kiệt, đóng góp cho đất nước nhiều danh nhân, chí sĩ, nhà khoa học nổi tiếng, như: Trung lương đại phu Nguyễn Danh Cả (có sách gọi là Danh Khả) người xã Lộc Thủy, theo Lê Lợi đánh giặc lập công; tiến sỹ Dương Văn An, tác giả “Ô Châu cận lục” nổi tiếng; tiến sỹ Võ Trọng Bình người làng Mỹ Lộc làm quan thanh liêm chính trực được vua Tự Đức ban tặng bức Đại hạng tự kim đề 4 chữ: Liêm-Bình-Cần-Cán (thanh liêm, công bằng, cần cù, mẫn cán); tiến sỹ Võ Khắc Triển, vị tiến sỹ cuối cùng triều Nguyễn; Đại tướng Võ Nguyên Giáp người làng An Xá, vị tướng của nhân dân…
 
Dòng sông góp phần sản sinh ra những nhà thơ tài hoa nổi tiếng, như: Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Vũ Thuật, Hải Kỳ, Ngô Minh, Trần Quang Đạo, Đỗ Hoàng, Hoàng Thụy Anh… Sông cũng tạo nên những bàn tay, khối óc tài hoa trong lao động, hình thành những làng nghề truyền thống như: Làng nón Quy Hậu, làng đót Lệ Bình, làng mộc Quảng Cư, làng bún Cổ Liễu, làng chiếu An Xá, làng rượu Tuy Lộc…
 
Nhân kiệt
 
Bên dòng Kiến Giang thơ mộng, làng An Xá, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy) được xem là "rốn lũ". Nơi đây, năn lác, sình lầy bủa vây quanh năm. Bà con nông dân suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để mưu sinh. Quê nghèo nhưng thảo thơm như hạt gạo ngọt lừng trên chén cơm ngày đói.
 
Tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn với làn điệu hò khoan và nhịp chèo thuyền của mẹ ở trên sông. Những mùa hè, gió Nam rát cả hàng tre quanh làng, dưới tán cây khế sau sân nhà, Đại tướng nghe mẹ kể về phong trào Cần Vương, nghe bà ru hời về thân phận hẩm hiu của người nông dân và vẻ đẹp của quê hương, xứ sở.
 
Dòng sông vẫn lững lờ trôi, bữa cơm hàng ngày của Đại tướng có vị ngọt bùi phù sa năm tháng, có vị thanh nhẹ của bát canh khế chua trong vườn. Những điều đó luôn đi theo người thanh niên yêu nước lúc tham gia bãi khóa ở Trường Quốc học Huế, sau đó bị đuổi học vào năm 1927. Về quê, chàng trai ưu tú Lệ Thủy đã thành lập Hội đọc sách kín dưới gốc khế để tập hợp thanh niên, truyền bá lòng yêu nước, con đường làm cách mạng.
 
Khi nhắc đến dòng Kiến Giang, không thể không nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh, người Anh Cả của QĐND Việt Nam, nhà chiến lược, nhà chỉ huy quân sự tài năng xuất chúng. Đại tướng đã ra đi nhưng cuộc đời, nhân cách và những cống hiến to lớn của ông vẫn mãi đọng lại trong ký ức của người Việt Nam. Sinh thời, Đại tướng đặc biệt quan tâm đến giáo dục.
 
Bằng tình cảm lớn với đất nước và quê hương, mỗi lần về quê, Đại tướng luôn thăm các trường học trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Ông ân cần dặn dò thầy cô, các cháu học sinh luôn biết học đi đôi với hành, học để có kiến thức, học để thành người và học để xây dựng quê hương.
 
Những lần về quê, bao giờ Đại tướng cũng dừng xe ở đầu làng cách nhà khoảng 500m, rồi cùng vợ con đi bộ về nhà, sang nhà thờ họ Võ. Hay tin, bác Giáp về quê, làng An Xá rộn ràng như Tết Độc lập. Bà con vui mừng, hồi hộp mong được chào Đại tướng cùng phu nhân. Thế là đoạn đường vào nhà bác chật kín người. Có cụ râu tóc đã bạc phơ đứng từ xa, chống gậy đón ông.
 
Đại tướng đến gần, gọi đúng tên thời trẻ, nhận bạn bè thuở thiếu thời. Cả làng cảm động vô cùng, mọi người chuyện trò rôm rả từ sáng đến đêm khuya. Rồi những câu hò khoan Lệ Thủy lời mới cứ thế ra đời như nước dòng Kiến Giang không ngừng chảy: “Cách mạng đổi thay giờ đây điện sáng/Quê hương mình rồi hương rạng đèn chông/Biết bao cảnh ngục tam tòng/Nhờ ơn Đảng Bác mở xiềng gông cho giống nòi...”
 
Mỗi lần gặp gỡ với đồng bào, Đại tướng luôn căn dặn chính quyền huyện phải giữ sạch dòng Kiến Giang, hai bên bờ tả ngạn và hữu ngạn trồng nhiều cây, làm công viên để phát triển du lịch. Cũng chính vì thế, khi về quê vào dịp lễ hội 2-9, ông luôn cùng gia đình lên thuyền đi diễu hành chào bà con dọc hai bên sông và cổ vũ cho các thuyền bơi, đua. Đại tướng dành một tình yêu vô cùng sâu nặng với hò khoan Lệ Thủy. Dù đi đâu, làm gì, hễ có hò khoan Lệ Thủy là ông lắng nghe từng câu và vỗ nhịp, xố cùng bà con.
 
Ông Dương Ngọc Liên, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Lệ Thủy vinh dự cùng các nghệ nhân biểu diễn khi Đại tướng về thăm quê hương Lệ Thủy luôn khắc nhớ lời dạy của ông về việc giữ gìn làn điệu hò khoan Lệ Thủy. Theo Đại tướng, dòng Kiến Giang không thể không có hò khoan, quê hương muốn phát triển ngành dịch vụ thì cần khôi phục làn điệu dân ca đặc sắc này.
 
Nói về sông, tôi lại nhớ bao con thuyền chở đầy lúa, mùa ấm no. Nói về sông, tôi lại nhớ ngày giông bão đến nao lòng. Bao lớp người lớn lên và trưởng thành trên một dòng sông ấy, thoạt nhiên, không ai không yêu sông trong tiếng ru lời mẹ hát!
 
                                                                                                       Ngô Mậu Tình

tin liên quan