Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Từ sông Gianh đến cầu cảng K15... hướng về Nam

  • 07:48 | Thứ Hai, 18/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhắc đến Quảng Bình, người dân cả nước luôn nhớ về một vùng đất có nhiều con đường chi viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Ngoài hệ thống đường Hồ Chí Minh-đường Trường Sơn trên bộ, Quảng Bình cũng là nơi khởi đầu tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Từ Quảng Bình, sau đó là Hải Phòng, những con tàu không số và những người lính “quyết tử cho Tổ quốc” lần lượt xuất phát, vận chuyển vũ khí vào chiến trường… dệt nên một huyền thoại!
 
Bài 1: Tập đoàn đánh cá sông Gianh - nơi khởi đầu huyền thoại 
 
Dọc theo Quốc lộ 1, đến ngã ba Thanh Khê, xã Thanh Trạch (Bố Trạch) nơi có con đường dẫn vào cảng Gianh, hiện hữu một tấm bia di tích lịch sử nhuốm màu thời gian. Trên tấm bia di tích này trang trọng ghi những dòng chữ ngắn gọn: “Cảng Gianh, đêm 27-1-1960 (30 Tết Canh Tý), chuyến tàu không số đầu tiên với 6 cán bộ, thuyền viên thuộc Tiểu đoàn vận tải biển (TĐVTB) 603 do Trung úy Nguyễn Bất làm thuyền trưởng chở 5 tấn vũ khí, thuốc quân y xuất phát từ đây, khởi đầu cho cuộc chiến đấu oanh liệt của bộ đội đường Hồ Chí Minh trên biển”
 
Đại tá Nguyễn Văn Dưỡng, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ Cảng-Bến bãi, Nhà máy X51, Quân chủng Hải quân, hiện tại là Phó Chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961-23-10-2021) giới thiệu cho tôi một số tác phẩm: “Lịch sử Lữ đoàn 125 Hải quân” (NXB Quân đội Nhân dân), “Ký ức tàu không số” (tác giả Mã Thiện Đồng, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh), “Những người làm nên huyền thoại” (tác giải Trịnh Dũng, Bùi Thu Hương, NXB Quân đội Nhân dân)… đề cập đến lịch sử, sự kiện, nhân chứng liên quan đến con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại. Các tác phẩm này đều thống nhất về mốc thời gian, hoàn cảnh ra đời của TĐVTB 603 với tên gọi Tập đoàn đánh cá sông Gianh.
 
Sau 2 tháng hình thành đường Hồ Chí Minh trên bộ-đường Trường Sơn, tháng 7-1959, dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tổng Quân ủy Trung ương quyết định thành lập tuyến hậu cần chiến lược Bắc-Nam trên biển. TĐVTB 603 hay Tập đoàn đánh cá sông Gianh chính thức thành lập tại thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, ngay sát cửa sông Gianh.
Di tích lịch sử khởi đầu tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển ở ngã ba Thanh Khê, xã Thanh Trạch (Bố Trạch)
Di tích lịch sử khởi đầu tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển ở ngã ba Thanh Khê, xã Thanh Trạch (Bố Trạch)
Quân số Tập đoàn có 107 người đều là con em miền Nam tập kết ra Bắc với nhiều kinh nghiệm đi biển do thượng úy Hà Văn Xá làm Tiểu đoàn trưởng và thượng úy Lưu Đức làm chính trị viên. TĐVTB 603 biên chế thành 2 đại đội, Đại đội 1 do trung úy Nguyễn Bất làm Đại đội trưởng, trung úy Đồng Yên làm chính trị viên; Đại đội 2 do trung úy Lê Quang phụ trách, trung úy Trương Kia làm chính trị viên.
 
Để giữ bí mật, TĐVTB 603 không dùng tàu thuyền ở vùng sông Gianh mà ra xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đặt đóng loại thuyền 2 đáy kiểu miền Nam do Ban Thống nhất Trung ương lựa chọn mẫu. Gỗ đóng thuyền được Ủy ban Hành chính tỉnh Quảng Bình cung cấp, Sư đoàn 325 đóng quân trên đất Quảng Bình giúp TĐVTB 603 các phương tiện thông tin liên lạc và luyện quân.
 
Phương tiện huấn luyện ban đầu của TĐVTB 603 là một chiếc thuyền đánh cá trang bị đầy đủ ngư lưới cụ, ngày ngày ra biển đánh cá như những tàu thuyền ngư dân khác trong vùng. Địa bàn rèn quân được chọn là vùng biển xung quanh đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), mục đích giúp cán bộ, chiến sỹ làm quen với sóng nước, trở thành những ngư dân thực thụ “ăn to, nói lớn”, “nhìn sao, đoán hướng”.
 
Nguyên tắc của những “ngư dân” Tập đoàn đánh cá sông Gianh là “sống để dạ, chết mang theo”, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, vì miền Nam thân yêu. Tất cả đều xác định, nếu bị địch bắt thì dù có chết cũng không khai, bảo đảm bí mật hành trình đường vận tải trên biển Bắc-Nam.
 
Sau 2 tháng, Tập đoàn đánh cá sông Gianh đóng xong 4 chiếc thuyền 2 đáy trọng tải 20 tấn theo kiểu dáng ghe bầu Quảng Nam và trang bị đầy đủ ngư lưới ngụy trang. Khi làm buồm, những người lính quen ngư trường miền Nam phát hiện ra một vấn đề là các thuyền miền Nam đều dùng buồm bằng lá nón và dây nilon hoặc dây bện bằng bẹ dừa. Lãnh đạo Tập đoàn quyết định cử người vượt tuyến vào Quảng Trị nhờ đồng bào mua vận chuyển ra.
 
Đúng 18 giờ ngày 27-1-1960, nhằm đêm 30 Tết Canh Tý, chuyến hải hành đầu tiên của TĐVTB 603 chính thức bắt đầu. Con thuyền “đặc biệt” thực hiện sứ mệnh “đặc biệt” gồm 6 thuyền viên do Thuyền trưởng Nguyễn Bất chỉ huy xuất phát từ cửa sông Gianh mang theo 5 tấn vũ khí, thuốc men lặng lẽ nhổ neo. Đích đến của tàu là bến Hố Chuối dưới chân đèo Hải Vân, chi viện vũ khí cho quân và dân Khu V.
 
Trên đường đi, thuyền gặp gió mùa, sóng lớn, mặc dù các thuyền viên cố gắng chèo chống, lái thuyền nhằm hướng bến đã xác định trước nhưng không thành. Thuyền trôi dạt vào vùng Cù Lao Ré, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Nhằm giữ bí mật, Thuyền trưởng Nguyễn Bất quyết định thả hết số vũ khí xuống biển phi tang. Sau đó, thuyền bị tàu kiểm soát của địch kiểm tra giấy tờ. Dù không tìm thấy bất cứ một bằng chứng gì, nhưng địch vẫn nghi ngờ, bắt giữ toàn bộ  6 thành viên.
Ông Phạm Quốc Hồng kể chuyện truyền thống về đường Hồ Chí Minh trên biển cho học sinh Trường THCS xã Cảnh Dương
Ông Phạm Quốc Hồng kể chuyện truyền thống về đường Hồ Chí Minh trên biển cho học sinh Trường THCS xã Cảnh Dương
Chuyến vận tải đường biển Bắc-Nam đầu tiên của TĐVTB 603-Tập đoàn đánh cá sông Gianh không thành. Dù không thành công, nhưng chuyến đi đã giúp Trung ương rút ra những bài học quý là không thể tiến hành vận chuyển vũ khí chi viện miền Nam bằng thuyền buồm được. Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho TĐVTB 603 tạm ngưng hoạt động để tìm một phương thức khác.
 
Tại Quảng Bình, nơi khởi đầu của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, chúng tôi có dịp gặp gỡ với ông Phạm Quốc Hồng (SN 1940), người xã Cảnh Dương (Quảng Trạch), nguyên máy trưởng tàu 43, 154 và trở thành thuyền trưởng nhiều con tàu không số khác. Ông Hồng hiện tại là Trưởng ban liên lạc Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển của 3 tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình.
 
“Nhiều người đã ngã xuống dọc tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Quân số TĐVTB 603 hay Tập đoàn đánh cá sông Gianh hầu như không còn ai. Ngay như các cựu chiến binh tàu không số tỉnh Quảng Bình nay nhiều người đã mất, toàn tỉnh chỉ còn lại 18 người”, ông Hồng ngậm ngùi.
 
Đại úy Hải quân Phạm Quốc Hồng, nhập ngũ năm 1961, tháng 1-1963 được kết nạp Đảng rồi tình nguyện tham gia vào đoàn tàu không số chi viện cho chiến trường miền Nam. “Hai Hồng” là tên thân mật đồng đội hay gọi, ông được mệnh danh là “người vào Nam bất chợt” khi tham gia 10 chuyến tàu không số vào miền Nam thành công.
                                                                                                                                                                                        Thanh Long
 
Bài 2: Cầu cảng K15- Mốc số 0 đường Hồ Chí Minh trên biển

tin liên quan

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tài và đức vẹn toàn!

(QBĐT) - Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo khẳng định: "Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa bảo đảm thắng lợi cao nhất vừa hạn chế thấp nhất thương vong cho chiến sỹ…

Người Rục và một thập kỷ bứt phá!

(QBĐT) - Nếu tính về tuổi xã hội, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Rục (Thượng Hóa, Minh Hóa) được ví như người em út. Họ được Đảng, Nhà nước "chăm sóc" nhiều hơn trong quá trình hòa nhập cộng đồng. 

"Văn nghệ sỹ Quảng Bình phải đóng góp nhiều hơn cho VHNT nước nhà..."

(QBĐT) - Sinh thời, dù bận rộn việc nước, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn dành nhiều tình cảm cho các văn nghệ sỹ. Và với các văn nghệ sỹ quê nhà, Đại tướng bao giờ cũng dành sự quan tâm đặc biệt với những góp ý, sẻ chia chân thành...