Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

CỘN - Kỳ 2: Lang thang Cộn

  • 07:56 | Thứ Ba, 30/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau nhiều lần thêm, bớt, Cộn ngày nay đã định hình về mặt địa lý. Phía đông, nam giáp Nghĩa Ninh, mạn Bắc chung ranh giới với Bắc Nghĩa, Thuận Đức, phần phía Tây mới là chủ đề tranh cãi phức tạp: Tiếp nối “thành phố ngàn thu” Đá Bạc là vùng trung du đồi núi mênh mông. Cộn vẫn là Cộn cho dù đến nay chưa ai lý giải chính xác vì sao có tên Cộn và cũng không ai biết cháo canh Cộn có tự bao giờ. Chỉ biết chắc chắn trong hành lý của dòng người sơ tán từ thị xã lên Cộn, ngoài luyến lưu bản quán còn có công thức nấu thứ cháo huyền thoại, thứ cháo “chạc” kẻ hèn ăn thường nhật, người giàu chưa bao giờ ngán.
 
 
Từ cách nấu sơ khai ban đầu, sơ khai có lẽ vì thiếu nguyên liệu và thiếu giao lưu trao đổi, dân Cộn đã sáng tạo thành nhiều cách nấu khác nhau. Người cho thêm ruốc, người nhất quyết dùng nước cốt từ con đam, từ chả tôm sang chả cá, rồi cho cả xương... Nhưng có một người, từ bữa cơm chạy giặc đầu tiên lên Cộn cho đến khi về với tiên tổ chỉ nấu duy nhất một công thức: Đó là mệ Luốc. Tất nhiên mệ Luốc là người thị xã. Mười năm trước, tôi đã viết về cháo canh mệ Luốc. Nếu bây giờ viết lại thì quá khó vì cách chế biến không có gì thay đổi...
 
Khác với phố biển Đồng Hới chỉ khiến du khách “say nắng hay là say anh” vào mùa hè nhộn nhịp, Cộn chỉ đúng nghĩa là Cộn khi “nắng không còn nữa, thế là mưa bay”. Mùa thu, tiết trời se se hay khi “chiều một mình qua lối cũ thân quen”, bạn sẽ cảm nhận cái chất, cái hồn của Cộn.
Bánh bèo của người Cộn.
Bánh bèo của người Cộn.
Cộn không náo nhiệt, xô bồ, không sàn nhảy chói lòa xanh, đỏ, cũng ít lắm xe sang, nhà lớn. Cộn mùa thu là Cộn của tà áo trắng tung bay ôm ấp bởi thân áo len tím biếc. Cộn mùa mưa bay là Cộn của tuổi mười tám, đôi mươi hẹn hò, là hàng xà cừ cổ bên hồ công viên cũ kỹ, là Cộn của cụ già nhỏm nhẻm nhai trầu trước hiên nhà mắt xa xăm hoài niệm, của chị ngồi trệt ăn hàng vặt thẹn thùng chiếc nón nghiêng che…
 
Nói đến quà vặt, người Cộn ưa ăn cháo canh vào bữa sáng. Nhưng món ăn đam mê bữa lỡ của người Cộn là bánh bèo. Bữa lỡ là bữa ăn không phải bữa sáng, không phải bữa trưa cũng chẳng phải bữa tối. Tầm 2-3 giờ chiều, khi hệ cơ vừa ngốn sạch dưỡng chất từ bữa cơm trưa thì dân Cộn đi ăn bánh bèo.
 
Lang thang phố núi, ta có thể bắt gặp nhiều quán bánh bèo. Khác ở cái tên quán, tên người bán…, nhưng bánh bèo Cộn có chung đặc điểm là không quá mỏng cũng không quá dày, bánh trắng nhẹ nhàng, dai mà mềm, mềm mà không bở. Nhân tôm thơm và ngậy, sắc màu sưởi ấm ngày đông, nước chan thì ngọt nhưng không hề lịm, có lịm đi chăng nữa thì chỉ có lịm sườn.
 
Người ta băn khoăn vì sao bánh bèo Cộn ngon mướt mát. Có lần tôi lân la hỏi vợ chồng chú chủ quán nổi tiếng gần trường cấp 3 Cộn sao không về Đồng Hới bán cho được giá. Chú hỏi lại tôi: "Dưới nớ có nước giếng Cộn không?" Hóa ra bánh bèo Cộn ngon bởi đơn giản chỉ vì được làm từ gạo Cộn, từ nước giếng Cộn, từ lửa củi Cộn và bởi người Cộn. Tôi đã ăn bánh bèo ít nhất ở một phần ba số tỉnh, thành dọc theo dải đất hình chữ S. Có nơi bánh mỏng, có nơi dày, nơi xếp ra đĩa, nơi đúc vào chén, có o bỏ thêm hẹ, có mệ lại không. Nhưng với tôi, bánh bèo Cộn là vô đối.
 
Mươi năm trở lại đây, cháo canh, bánh bèo, bánh lọc lại theo người Cộn về thành phố phục vụ khách du lịch và giới sành ăn. Nhà hàng, tiệm ăn bán các món đặc sản mang từ Cộn về mọc lên ngày càng nhiều. Du khách sau những tour tham quan Phong Nha-Kẻ Bàng lại được thưởng thức đặc sản Cộn ngay trung tâm thành phố. Chỉ dăm cây số mà giá mỗi dĩa bánh tăng gấp hai, gấp ba.
 
“Người Cộn hồi hương” nhanh chóng khá giả nhờ mấy món chủ chốt từ thời chạy giặc. Tiếng lành đồn xa, bột canh, bánh lọc theo phi cơ ra Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh, số lượng phải tính bằng tấn mỗi ngày. Dân du lịch đến Quảng Bình thì mực nháy, cá mú là đương nhiên, nhưng không thể không thưởng thức cháo canh Cộn và bánh bèo nõn nà mướt mát…
 
Lang thang Cộn là phải vào chợ Cộn. Lên Cộn mà không rảo chợ Cộn được ví như du xuân mà không thấy hoa đào nở. Có một điều tréo ngoe là chợ Cộn nhưng lại nằm trên địa bàn phường… Bắc Nghĩa. Ở phường Bắc Nghĩa nhưng lại mang tên chợ Cộn. Không sao, với người Cộn thì chợ Cộn vẫn là chợ Cộn, chợ Cộn vẫn là cơm, là áo, là bữa ăn mọi gia đình, là xuân, là hè, là thu, là đông và là kỷ niệm của bao thế hệ người Cộn.
 
Rảo quanh chợ Cộn là một trải nghiệm rất…chợ. Chợ Cộn không sầm uất, lắm hàng nhiều hóa. Điều khiến người đi chợ Cộn ấn tượng là giá cả và độ tươi ngon của cá đồng, tôm sông. Cư dân quanh chợ hầu hết tay phải làm nông, tay trái thả lưới, vậy nên nông, thủy sản chợ tươi ngon và rẻ. Người Cộn ở chợ cũng ít nói thách, nói điêu.
 
Vào chợ Cộn, đừng bỏ qua gian hàng ăn uống. Bạn cứ đi, cứ ghé, cứ nói cứ cười, cứ cầm lên bỏ xuống, cứ trả giá rồi bỏ đi. Sẽ không ai kéo bạn lại, không ai chửi ai mắng, lớ xớ đôi khi bạn còn được xin chụp hình nếu bạn luôn miệng “Chời ơi!”.
 
Lang thang Cộn là phải nhâm nhi cà phê Cộn. Cà phê Cộn không có gì ghê gớm, cũng rang, cũng xay rồi pha lọc từ phin, cũng thêm đường, thêm sữa. Chủ quán nào màu mè thì tô hoa điểm bướm trên bề mặt ly cà phê mươi nghìn đồng còn được thối. Cà phê Cộn cũng không được đầu tư quán xá xa hoa, cầu kỳ. Cà phê Cộn là con người Cộn: Bình dị mà sâu lắng, thư thái, nhỏ nhẹ... Cà phê Cộn là ghế nhỏ, bàn cũng nhỏ, là tách trà mẻ miệng, là cô học trò phụ việc...
 
Nhâm nhi ly cà phê đắng với giá chưa đủ mua dĩa bánh bèo, tôi trộm nghĩ vì sao giá cả ở Cộn lại rẻ thế. Người ta cho rằng bởi cuộc sống người Cộn còn khó khăn, mức chi tiêu hạn chế. Nhưng với tôi không đơn giản thế, người Cộn biết mình là ai và ai không phải mình. Người Cộn biết phải biết chăng, người Cộn ít bon chen bằng được. Và, người Cộn rất biết sẻ chia, nhường nhịn.  
 
                                                                                        Khánh Như

tin liên quan

Cộn

(QBĐT) - Trong tất cả các loại giấy tờ từ khi cất tiếng khóc chào đời đến lúc "giã biệt" của những ai ở mảnh đất đó đều ghi địa danh "Đồng Sơn". Nhưng ba, mạ, anh chị em, họ hàng chòm xóm và tất nhiên cả lũ bạn chăn trâu cắt cỏ của tôi đều gọi vùng quê ấy bằng cái tên rất đỗi thân thương: "Cộn"

Quê tôi, làng Đạm Thủy

(QBĐT) - Địa danh Đạm Thủy (Thạch Hóa, Tuyên Hóa) không biết có từ thuở nào. Hỏi chuyện người cao tuổi trong làng, được biết, từ xa xưa, có 4 dòng họ ngoài Bắc vào khai phá vùng đất này, đặt tên phường Đạm Thủy, thuộc làng Tiên Lệ (xã Quảng Tiên, TX. Ba Đồn ngày nay), sau khi tách khỏi làng Tiên Lệ (vào khoảng những năm 20 thế kỷ XX) lấy tên là làng Đạm Thủy; khoảng năm 1947 đổi tên thành thôn Đạm Thủy.

Dòng sông thiêng

(QBĐT) - Có một dòng chảy do đất trời sinh tạo từ mấy triệu năm về trước vẫn còn dài rộng, sung mãn đến hôm nay. Bắt đầu từ một nét đứt gãy địa chất ở vùng đất phía Bắc tỉnh Quảng Bình, một địa hào đã được tạo nên để trên bản đồ Tổ quốc, nơi eo thắt nhất của miền Trung nắng gió bão lũ dữ dằn có hành trình ra biển cả của sông Gianh.