Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Một thời tuổi trẻ… một đời khắc ghi

  • 15:46 | Thứ Sáu, 05/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ông bảo: “Nếu không có anh hỏi chuyện, chắc quá khứ sẽ ngủ yên. Thế hệ chúng tôi đi qua chiến tranh luôn tâm niệm một điều, sẵn sàng cống hiến và được cống hiến. Tuổi trẻ của tôi đã thực hiện được điều đó, để đến hôm nay, khi về già vẫn luôn khắc cốt, ghi tâm”.
 
Việc nhà, việc nước không đợi tuổi
 
Ông tên Nguyễn Văn Phúc (SN 1953) hiện tại về hưu, sống cuộc sống thanh nhàn tại nhà số 7, đường Phan Bội Châu, phường Đồng Hải (TP. Đồng Hới).
 
Vào chuyện, ông Phúc lục tìm trong tập tư liệu cũ được ông kín đáo giữ gìn, trân quý, vàng ố theo thời gian rồi chuyển cho tôi tờ giấy không còn nguyên vẹn. Đó là tấm “Bằng ghi công” do Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Lao động (Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) ngành Giao thông vận tải (GTVT) Trung ương tặng. Nội dung viết: “Bằng ghi công tặng đồng chí Nguyễn Văn Phúc, đoàn viên Chi đoàn gia công, Đoàn Xí nghiệp sửa chữa ô tô Quảng Bình. Đã có cống hiến trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước trên mặt trận GTVT từ năm 1965-1972”.
 
Ông Nguyễn Văn Phúc và những ký ức một thời tuổi trẻ.
Ông Nguyễn Văn Phúc và những ký ức một thời tuổi trẻ.
“Thời tuổi trẻ sôi động của tôi bắt đầu trong khoảng thời gian này”, ông Nguyễn Văn Phúc chia sẻ. Khoảng năm 1966, khi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan rộng ra toàn miền Bắc, cậu bé Phúc theo gia đình sơ tán lên xã Duy Ninh (Quảng Ninh). 13 tuổi, lanh lợi, hoạt bát, Phúc vinh dự được kết nạp vào đội thiếu niên xung kích tham gia hướng dẫn con em Vĩnh Linh (Quảng Trị) ra miền Bắc trong chiến dịch K8 dọc theo “tọa độ lửa” ở Quốc lộ 1A từ Mỹ Trung đến bến phà Quán Hàu.
 
Nhắc đến chiến dịch K8, lịch sử ghi lại đây là một cuộc “trường chinh” của trên 3 vạn thiếu nhi tuổi đời từ 7 đến 15 ở đất thép Vĩnh Linh ra các tỉnh miền Bắc nhằm duy trì, bảo vệ, giữ gìn lực lượng cho một cuộc chiến tranh nếu bị kéo dài.
 
Lúc bấy giờ, ngoài chuyện học, cậu bé Phúc gan dạ, dũng cảm trong đội hình thiếu niên xung kích giúp bạn bè, trang lứa mình trên những chuyến xe vượt qua bom đạn an toàn. Chiến dịch K8 bắt đầu từ tháng 8-1966 đến cuối năm 1967 thì kết thúc.
 
Từ xã Duy Ninh, năm 1968, cậu bé Phúc tiếp tục theo gia đình chuyển lên vùng Troóc (xã Phúc Trạch, Bố Trạch bây giờ). Nhà nằm trong khu vực đóng quân Xí nghiệp sửa chữa ô tô Quảng Bình. Giám đốc xí nghiệp lúc bấy giờ là ông Đặng Thanh Liêm thấy cậu học sinh lớp 5 Nguyễn Văn Phúc lanh lợi, được việc nên động viên: “Cháu làm giao liên cho chú, thêm nhiệm vụ trực chiến, hướng dẫn bộ đội, phương tiện hành quân vô Nam”. Nghe chú Liêm bảo thế, Phúc ưng thuận, nhận nhiệm vụ ngay.
 
Ông Nguyễn Văn Phúc trở thành công nhân xí nghiệp cũng bắt đầu từ đây. Nhờ những chiến công trong nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội, say mê trong công việc chuyên môn tại xí nghiệp, ông Phúc vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đoàn Thanh niên Lao động, trở thành điển hình lao động xuất sắc tại Xí nghiệp sửa chữa ô tô Quảng Bình. Kết quả, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Lao động ngành GTVT Trung ương ghi công đầu.
 
Đại biểu Quốc hội tuổi 23
 
Đất nước thống nhất, lúc này, ông Nguyễn Văn Phúc là công nhân tại xưởng rèn, Xí nghiệp sửa chữa ô tô Quảng Bình. Hạnh phúc lớn nhất cuộc đời ông khi đại diện cho giai cấp công nhân tỉnh Bình Trị Thiên trở thành đại biểu Quốc hội khóa VI (1976-1981) lúc tròn tuổi 23.
 
Ông Nguyễn Văn Phúc nhớ lại: “Quốc hội khóa VI, tỉnh Bình Trị Thiên gồm 19 đại biểu, trong đó Quảng Bình có 4 người gồm: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bác Cổ Kim Thành, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Thị Lý và tôi. Tôi được các bác, các anh, các chị thân mật gọi “chú Phúc” vì trẻ nhất đoàn. Quốc hội khóa VI có nhiều sự kiện mà suốt đời tôi không thể nào quên”.

 

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Trị Thiên khóa VI (ông Phúc đứng thứ 3, hàng phía sau từ phải qua).
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Trị Thiên khóa VI (ông Phúc đứng thứ 3, hàng phía sau từ phải qua).
Nhân câu chuyện về Quốc hội khóa VI, tôi hỏi ông Phúc thêm những nội dung tương đồng với Quốc hội khóa I (1946-1960), ông vui chuyện: “Quốc hội khóa I là Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ nước Việt Nam mới. Quốc hội của độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và của đại đoàn kết toàn dân. Quốc hội đề ra những quyết sách quan trọng thực hiện công cuộc kháng chiến, kiến quốc, xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc tại miền Nam.
 
Đặc biệt, Quốc hội khóa I (nhiệm kỳ 1946-1960) thông qua hai bản hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959), trong đó Hiến pháp năm 1946 trở thành bản hiến pháp đầu tiên trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam. Một sự trùng hợp khá thú vị là đại biểu Quốc hội khóa I cũng có 4 đại biểu quê gốc Quảng Bình.
 
Còn Quốc hội khóa VI được bầu ra sau 30 năm kể từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên vì chiến tranh kéo dài. Trở thành Quốc hội của một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất, tiến lên CNXH.
 
Quốc hội khóa VI thông qua các nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, Thủ đô và quốc ca nước Việt Nam thống nhất. Giống như Quốc hội khóa I, Quốc hội khóa VI còn thông qua bản hiến pháp mới, Hiến pháp 1980. Đây là bản hiến pháp thứ ba được Quốc hội thống nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới”.
 
Khắc ghi lời Đại tướng
 
Trở thành đại biểu Quốc hội khóa VI, được kết nạp Đảng năm 1981, khi trở lại vị trí công tác tại Xí nghiệp sửa chữa ô tô Quảng Bình, nhớ lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn, ông Nguyễn Văn Phúc xin phép và được tổ chức cho đi đào tạo ngành cơ khí sửa chữa tại Tiệp Khắc vào năm 1988. Sau đó, ông Phúc về nước công tác đến năm 1993 thì nghỉ hưu theo chế độ.

Là đại biểu trẻ tuổi nhất Đoàn đại biểu Quốc hội khóa VI tỉnh Bình Trị Thiên, ông Nguyễn Văn Phúc nhận được sự yêu thương từ các thành viên khác trong đoàn, đặc biệt là tình cảm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Mỗi lần về thăm gia đình Đại tướng tại 30 Hoàng Diệu hay tranh thủ những giờ nghỉ giữa các kỳ họp Quốc hội, Đại tướng gặp gỡ, trò chuyện với đoàn Bình Trị Thiên đều ân cần, ưu ái với ông. “Cháu Phúc làm bên ngành cơ khí, GTVT, cố gắng cùng với lãnh đạo xí nghiệp chú trọng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa cách thức sản xuất, cải tiến năng suất lao động. Muốn quê hương phát triển mạnh giàu càng phải chú trọng đến công nghiệp, chế tạo. Sau này có cơ hội, cháu cố gắng học hỏi thêm. Học nữa, học mãi để lập thân, lập nghiệp”.
 
Cho đến hôm nay, khi đã gần bước sang tuổi 70, ông Nguyễn Văn Phúc vẫn luôn tâm niệm, “khắc cốt, ghi tâm” lời căn dặn của Đại tướng: Trở thành người đại biểu nhân dân, đại diện cho giai cấp công nhân, cần thường xuyên tu dưỡng, trau dồi đạo đức cách mạng, cần-kiệm-liêm-chính, làm tốt cầu nối giữa Quốc hội với cử tri, giữa ý Đảng lòng dân.
 
Ngô Thanh Long

tin liên quan

Người Rục và một thập kỷ bứt phá!

(QBĐT) - Nếu tính về tuổi xã hội, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Rục (Thượng Hóa, Minh Hóa) được ví như người em út. Họ được Đảng, Nhà nước "chăm sóc" nhiều hơn trong quá trình hòa nhập cộng đồng. 

Quê tôi, làng Đạm Thủy

(QBĐT) - Địa danh Đạm Thủy (Thạch Hóa, Tuyên Hóa) không biết có từ thuở nào. Hỏi chuyện người cao tuổi trong làng, được biết, từ xa xưa, có 4 dòng họ ngoài Bắc vào khai phá vùng đất này, đặt tên phường Đạm Thủy, thuộc làng Tiên Lệ (xã Quảng Tiên, TX. Ba Đồn ngày nay), sau khi tách khỏi làng Tiên Lệ (vào khoảng những năm 20 thế kỷ XX) lấy tên là làng Đạm Thủy; khoảng năm 1947 đổi tên thành thôn Đạm Thủy.

Dòng sông thiêng

(QBĐT) - Có một dòng chảy do đất trời sinh tạo từ mấy triệu năm về trước vẫn còn dài rộng, sung mãn đến hôm nay. Bắt đầu từ một nét đứt gãy địa chất ở vùng đất phía Bắc tỉnh Quảng Bình, một địa hào đã được tạo nên để trên bản đồ Tổ quốc, nơi eo thắt nhất của miền Trung nắng gió bão lũ dữ dằn có hành trình ra biển cả của sông Gianh.