Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Giếng làng

  • 08:27 | Thứ Bảy, 13/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong tiềm thức của người Việt, cây đa giếng nước, sân đình đã trở thành biểu tượng của làng quê, phản ánh nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng có từ thời tiền sử. Về với làng, được sống với những phút giây yên bình bên mẹ, chúng ta lại được đắm mình trong những hình ảnh thân thương ấy, để rồi xốn xang, lưu luyến chẳng muốn rời... Một trong những nguồn mạch kết nối truyền thống văn hóa, tượng trưng cho sức sống dồi dào sung mãn, đó là giếng làng.
 
Về làng, đi đâu, chúng ta cũng được nhìn thấy những giếng nước trong lành mát ngọt. Ở đó có những mẹ, những chị giặt giũ, gánh nước, tắm táp cho lũ trẻ thơ bao giờ cũng lấm lem bùn đất. Những người con của làng đang sinh sống xa quê, mỗi khi trở về, thường vục đầu vào dòng nước mát, cảm thấy lòng thanh thản lạ!
 
Giếng làng còn là nơi hò hẹn của những đôi lứa yêu nhau. Đêm trước khi lên đường ra mặt trận, giếng làng là nhân chứng cho lời thề non hẹn biển, cho lời thề quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Để rồi, người ở lại ngày ngày ra giếng vò võ ngóng trông tin… Giếng làng cũng là nơi nô đùa, nghịch ngợm của đám trẻ con, rượt đuổi nhau vòng quanh thành giếng, rơi tiếng cười tìm mãi tới hôm nay!
 
Theo quan niệm xưa, đào giếng là một việc quan trọng trong đời sống. Lấp giếng lại càng kiêng kỵ hơn. Để tìm được mạch nước tốt (đặc biệt ở những vùng đất cao, mạch nước ngầm ẩn sâu trong lòng đất), khi chọn đất đào giếng, người ta thường dùng nhiều chiếc bát sứ, lau khô, đợi khi mặt trời lặn, đặt úp bát xuống đất. Sáng sớm, bát sứ được lật lên. Chiếc bát nào phía trong đọng nhiều hơi nước thì chọn nơi đó để đào.
 
Cũng như nhiều miền quê khác, làng Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy) quê tôi có khá nhiều giếng. Tuy nhiên, đa phần trong đó được xây dựng trong thời chiến tranh chống Mỹ như giếng nước Đội 1, Đội 4, một số ít có từ thời xa xưa như giếng Chùa. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu thì giếng Chùa được xây dựng cùng thời gian với Hoằng Phúc tự. Giếng nằm trong khuôn viên chùa, phục vụ sinh hoạt cho tăng ni Phật tử ngay từ hồi chùa có tên là Am Tri Kiến, được Phật hoàng Trần Nhân Tông ngự lãm (khoảng năm 1301). Khi trùng tu lại chùa vào tháng 11 năm 2014, người ta đã dò tìm và phục dựng lại giếng. Giếng Chùa nước trong mát quanh năm, không bao giờ khô cạn, kể cả những năm hạn nặng.
 
Giếng chùa Hoằng Phúc ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy).
Giếng chùa Hoằng Phúc ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy).
Không chỉ riêng giếng Chùa, các giếng khác, dù được xây dựng sau này cũng đều có đặc điểm chung, đó là nước ngọt mát, trong xanh và đầy ắp nước. Những lần hạn hán đến sông Kiến Giang cũng cạn nước thì nước trong những giếng này vẫn còn, người dân trong vùng lại đến lấy nước từ đấy về phục vụ sinh hoạt, trẻ con tha hồ tắm rửa, nghịch ngợm...
 
Một giếng (có thể rất cổ) giờ đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, đó là giếng Cơn Sanh (cây sanh) nằm ở khu vực Rậy (rẫy) Mơớc. Hôm qua khi tôi đến đây, giếng gần như đã không tồn tại nữa, chỉ còn là một vũng nước nhỏ, đục và bẩn thỉu. Tôi thấy tiếc cho giếng nước đã gắn liền với nhiều kỷ niệm của lớp ông cha trước đây. Còn nhớ mấy chục năm về trước, mỗi khi theo chân ba tôi lên thăm mồ mả tổ tiên, thể nào ông cụ cũng dắt tôi tới giếng Cơn Sanh để rửa mặt và vục tay hớp miếng nước trong xanh, ngọt lịm. Gọi là giếng Cơn Sanh vì giếng mọc cạnh cây sanh to. Tuy ở vùng đồi nhưng nước ở đây không bao giờ khô cạn, bởi nó có mạch nước ngầm phun lên từ lòng đất, quanh năm suốt tháng không ngừng nghỉ. Với nhiều người thì giếng Cơn Sanh là một phần cuộc sống, ăn sâu vào tâm linh của họ. Người làng tôi kể rằng, có những người trước lúc lâm chung chỉ tha thiết có một nguyện vọng, được uống một ngụm nước lấy từ giếng Cơn Sanh về rồi mới thanh thản ra đi... Riêng tôi thầm nghĩ, các cơ quan chức năng có thẩm quyền ở xã, thôn nên có động thái tích cực nhằm gìn giữ, bảo vệ giếng nước này.
 
Tôi có nhiều kỷ niệm với giếng nước ở Đội 1 nơi mình sinh ra và lớn lên. Còn nhớ ngày xưa vào những năm hạn nặng, dân trong làng đổ xô đến giếng để tắm giặt, để gánh nước mang về. Những đêm mùa hè oi bức, ba thường dắt chúng tôi ra giếng tắm rửa, kì cọ. Tiếng trẻ nô đùa, tiếng nước chảy lòa xòa chen lẫn tiếng cười rúc rích, đến giờ như vẫn còn nghe, đâu đây...
 
Đó là chưa kể, bọn trẻ con thích phá phách, nghịch ngợm cứ mỗi sớm mỗi tối, trần truồng nhảy xuống giếng, chờ khi những bà những mẹ những o con gái đi gánh nước, lúc vục gàu xuống kéo lên thì bị níu lại, giật giật khiến người đứng trên hoảng sợ vừa chạy vừa la làng: “Ma, ma ma...”.
 
Rất may là các giếng nước kể trên, từ giếng Chùa, giếng xóm Chùa (giếng xóm Chùa nằm trước mặt, ngoài khuôn viên chùa Hoằng Phúc. Đây là giếng to nhất, được xây bằng đá Ong, rất đẹp và cổ kính), rồi giếng Đội 4, Đội 1... đều được nhân dân góp tiền trùng tu tôn tạo, như một cách làm chung tay gìn giữ nét xưa.
 
Giờ đã có nước giếng khoan, nước máy. Sông Kiến Giang cũng không bao giờ cạn bởi đã có công trình đập An Mã tích trữ nước. Nhưng mỗi lần đi qua giếng làng, giếng Chùa, lòng tôi lại nôn nao một nỗi niềm hoài cổ, như chơi vơi, lạc lõng.
 
Giếng làng, ai nhớ ai quên!
 
Đỗ Đức Thuần

tin liên quan

Người Rục và một thập kỷ bứt phá!

(QBĐT) - Nếu tính về tuổi xã hội, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Rục (Thượng Hóa, Minh Hóa) được ví như người em út. Họ được Đảng, Nhà nước "chăm sóc" nhiều hơn trong quá trình hòa nhập cộng đồng. 

Quê tôi, làng Đạm Thủy

(QBĐT) - Địa danh Đạm Thủy (Thạch Hóa, Tuyên Hóa) không biết có từ thuở nào. Hỏi chuyện người cao tuổi trong làng, được biết, từ xa xưa, có 4 dòng họ ngoài Bắc vào khai phá vùng đất này, đặt tên phường Đạm Thủy, thuộc làng Tiên Lệ (xã Quảng Tiên, TX. Ba Đồn ngày nay), sau khi tách khỏi làng Tiên Lệ (vào khoảng những năm 20 thế kỷ XX) lấy tên là làng Đạm Thủy; khoảng năm 1947 đổi tên thành thôn Đạm Thủy.

Mùa dâu da chín

(QBĐT) - Vùng đất Mỹ Thủy (Lệ Thủy) nằm về phía hữu ngạn dòng Kiến Giang. Sau mỗi mùa mưa lũ, phù sa lại bồi đắp cho mảnh đất này thêm mỡ màu. Để rồi, lũ qua, cây cối lại đơm bông, kết trái. Đến Mỹ Thủy mùa này, những vườn dâu da chín rộ trĩu trịt trên những thân cây sần sùi qua thời gian. Trải qua mưa nắng, quả dâu da trở thành một phần làm nên hồn đất, hồn làng của vùng quê này.